Đóng trước tiền BHXH tự nguyện, sau 20 năm sẽ được hưởng lương hưu ra sao?
–
Chủ nhật, 27/11/2022 09:33 (GMT+7)
Cơ quan Bảo hiểm xã hội tư vấn cho bạn đọc liên quan đến mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng lương hưu khi về già.
Bạn đọc Trần Lan hỏi: Tôi nghe nói có thể đóng trước tiền BHXH tự nguyện. Vậy số tiền tối đa là bao nhiêu? Sau 20 năm, tôi được hưởng chính sách như thế nào?
Ra quân tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: BHXH TP.Hà Nội
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngoài phương thức đóng hàng tháng, có thể lựa chọn phương thức đóng trước tiền BHXH tự nguyện sau đây:
+ Đóng 3 tháng một lần;
+ Đóng 6 tháng một lần;
+ Đóng 12 tháng một lần;
+ Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; Số tiền đóng 1 lần cho những năm về sau = tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng; (đóng trước từ đủ 2 năm trở lên mới được chiết khấu).
+ Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu (theo quy định tại NĐ 135/2020/NĐ-CP ngày 1.11.2020 của Chính phủ) nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng 01 lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu theo quy định.
– Mức đóng hàng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện bằng tỷ lệ % đóng BHXH tự nguyện nhân (x) mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH do người tham gia lựa chọn.
Mức đóng hằng tháng = 22% x thu nhập tháng.
Mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn (theo NĐ số 07/2021/NĐ-CP ngày 27.1.2021 của Chính phủ quy định từ 1-1-2022) là 1.500.000 đồng/người/tháng; Mức thu nhập lựa chọn đóng BHXH tự nguyện cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (từ 1.7.2019 mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng) là 29.800.000 đồng/người/tháng.
Như vậy, mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng cao nhất là 6.556.000 đồng/người/tháng (chưa trừ đi phần hỗ trợ của Nhà nước). Hằng tháng, người tham gia BHXH tự nguyện được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng theo tỷ lệ % trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng). Cụ thể mức hỗ trợ của Nhà nước:
+ Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo;
+ Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;
+ Bằng 10% đối với các đối tượng khác.
– Sau 20 năm đóng BHXH tự nguyện và khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, người tham gia được hưởng lương hưu hàng tháng, mức lương hưu được hưởng căn cứ trên mức thu nhập lựa chọn đóng BHXH tự nguyện. Người hưởng hưu còn được cấp thẻ BHYT hưu trí miễn phí với mức hưởng lên đến 95%.
Trong trường hợp đang hưởng lương hưu mất thì thân nhân người tham gia còn được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất theo quy định.