Đông trùng hạ thảo được nuôi cấy như thế nào?
Tạo ra điều kiện sống giống như tự nhiên
TS. Phạm Văn Nhạ, Viện Nghiên cứu Thảo dược Việt Nam là người nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu và làm chủ nhiều quy trình nhân nuôi Đông trùng hạ thảo. TS. Nhạ cho biết, hiện có hai cách để nhân nuôi cấy Đông trùng hạ thảo là nuôi trên vật chủ là nhộng tằm và lên men xốp, hay còn gọi là nuôi trên giá thể.
Với cách 1, từ khi con nhộng tằm còn đang sống đã được phun bào tử nấm Đông trùng hạ thảo lên. Bản chất của bào tử nấm Đông trùng hạ thảo này là chúng bán ký sinh. Ban đầu chúng gây bệnh lên côn trùng, khi hệ sợi của chúng phát triển sẽ sản sinh ra enzym giết chết vật chủ và chuyển sang pha hoại sinh, nghĩa là sử dụng dinh dưỡng của vật chủ phát triển nốt vòng đời của mình. Từ thời điểm nhiễm nấm đến lúc có quả thể nấm để thu hoạch kéo dài từ 90-105 ngày.
Quá trình nuôi cấy này trải quả hai giai đoạn là pha tối và pha sáng. Ban đầu, nhộng tằm được nuôi ở pha tối (giống như giai đoạn nấm ngoài tự nhiên mọc ở dưới đất trước khi chui lên khỏi mặt đất). Trong pha tối, nấm bắt đầu xâm nhập vào con tằm khiến côn trùng nhiễm nấm. Khi sợi nấm phát triển, ăn toàn bộ mô của con tằm thì hoàn thành pha này, thời gian khoảng 10-14 ngày.
Nuôi cấy Đông trùng hạ thảo từ giá thể.
Ở pha sáng, tằm được nuôi trong điều kiện chiếu sáng nửa tối là 12/12, giống như điều kiện tự nhiên, với độ sáng từ 550-700Lux, nhiệt độ 17-19 độ C, độ ẩm 85-90% trong suốt quá trình nuôi. Đây là điều kiện tối ưu để tạo ra Đông trùng hạ thảo, theo TS. Phạm Văn Nhạ.
Với cách nuôi Đông trùng hạ thảo bằng lên men xốp, bào tử nấm sẽ được phun lên giá thể. Giá thể này gồm tằm dâu nghiền và gạo lứt. Giá thể được hấp khử trùng 121 độ C trong khoảng 1 tiếng và được phun bào tử nấm Đông trùng hạ thảo lên. Sau khâu này, quy trình nuôi cũng trải qua hai pha tối và sáng nêu trên, thời gian, điều kiện nuôi là giống nhau.
Theo TS. Phạm Văn Nhạ, yêu cầu về điều kiện tự nhiên để duy trì sự phát triển ổn định của nấm là rất khắt khe, vì thế việc đầu tư công nghệ khá tốn kém. Nếu chẳng may gặp sự cố về điện hay kỹ thuật nào đó có lỗi, cả một mẻ nuôi lớn có thể bị hủy ngay lập tức. Trong các chi phí để nuôi cấy, chi phí về điện năng là tốn kém nhất bởi phải duy trì nhiệt độ lạnh liên tục trong suốt thời gian trồng nấm. Ngoài ra còn có chi phí về trang thiết bị máy móc, nhân viên kỹ thuật….
“Lợi nhuận của người làm nấm dược liệu Đông trùng hạ thảo rất thấp, nếu không có kiến thức có thể làm hỏng cả mẻ, lỗ nặng. Trong khi thời gian nuôi cấy dài, năng suất thấp…”, TS. Nhạ cho biết.
Mua Đông trùng hạ thảo, đừng tham rẻ
TS. Nhạ cũng chia sẻ, hiện ở các diễn đàn mạng xã hội, người ta đăng bán những loại Đông trùng hạ thảo có giá rất rẻ, chỉ vài trăm ngàn đồng/kg khô. Điều này là không tưởng đối với nấm Đông trùng hạ thảo được nuôi cấy bài bản. Bởi chỉ riêng tiền điện để sấy đông khô 1 kg Đông trùng hạ thảo đã lên đến trên 1 triệu đồng/kg, chưa nói tiền chi phí nuôi, đầu tư máy móc, công nghệ, nhà xưởng….
Vậy loại nấm giá rẻ được rao bán trên các chợ mạng làm bằng gì? Theo TS. Nhạ, nó vẫn là Đông trùng hạ thảo nhưng sử dụng công nghệ tổng hợp hóa chất để tạo ra nấm chứ không phải là nguyên liệu hữu cơ nhộng tằm như chúng ta vẫn biết.
Với công nghệ tổng hợp hóa chất, khi có bào tử nấm, người ta dễ dàng tạo ra Đông trùng hạ thảo giống như thật, nhưng lại rất nguy hại. Bởi quá trình đồng hóa dưỡng chất trong khi nuôi sẽ tồn dư hóa chất độc hại, đặc biệt là những loại hóa chất không tinh khiết, thì rất độc cho con người. Mà hóa chất không tinh khiết, bán trôi nổi có giá chênh lệch hàng trăm lần với hóa chất tinh khiết.
Khi mua Đông trùng hạ thảo, nên nhận biết loại nấm dược liệu và nấm ăn.
Một điều nữa khi mua Đông trùng hạ thảo là phân biệt được nấm dược liệu và nấm thực phẩm. Quy trình để trồng nấm thực phẩm đơn giản hơn, chỉ 32-40 ngày là cho thu nhập, năng suất cao hơn khoảng 2,5 lần so với nấm dược liệu. Loại nấm thực phẩm phát triển nhanh, thân nấm mập mạp, đầu quả thể tròn, nhũn. Có thể nhổ dễ dàng ra khỏi giá thể. Khi để ngăn mát tủ lạnh, nấm sẽ bị nhũn, rạp xuống. Còn nấm dược liệu có đầu quả thể vót nhọn, mảnh, nhỏ. Cấu trúc rắn chắc, bấm tay vào thấy cứng, giòn. Để trong tủ lạnh có thể bị khô lại nhưng không bị rạp xuống mà thân nấm luôn cứng.
TS. Nguyễn Văn Nhạ cho biết, để phân biệt nấm dược liệu hay nấm thực phẩm, cứ pha vào cốc nước. Cùng một lượng nấm như nhau nhưng nấm dược liệu có màu cam sẫm, pha 2-3 nước vẫn có màu này, còn nấm thực phẩm chỉ có màu vàng nhạt. Dù trong nước, cây nấm dược liệu vẫn cứng, giòn, còn cây nấm thực phẩm thì nhũn, mềm ra. Việc sử dụng nấm khô hay nấm tươi thì thành phần hoạt chất cũng như nhau.
GS. Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, loại Đông trùng hạ thảo nuôi cấy ở Việt Nam hiện có rất nhiều đơn vị sản xuất nhưng lại chưa có nghiên cứu chính thức nào về các phân tích sinh hóa và chất lượng của chúng. Từ đó các cơ quan chức năng cũng khó để kiểm tra thành phần dược chất. Còn người tiêu dùng thì như đứng trước ma trận.
Thứ hai là về giá thành, theo GS. Hiển, việc phun nấm Đông trùng hạ thảo lên con nhộng tằm để tạo ra Đông trùng hạ thảo không tốn nhiều kinh phí, nhưng giá Đông trùng hạ thảo lại rất cao là điều bất hợp lý. Người tiêu dùng bỏ tiền triệu ra mua Đông trùng hạ thảo, trong khi chất lượng nó thế nào thì chỉ người bán hàng mới biết được.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hai nghệ sỹ Việt ở Tây Ban Nha được trả hộ chiếu về nước | SKĐS