Đồng phạm là gì? Phân tích các dấu hiệu của đồng phạm

1. Về khái niệm đồng phạm là gì?

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (BLHS 2015) quy định:

“Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”.

Để hiểu rõ hơn về đồng phạm chúng ta cần hiểu tội phạm là gì?. Theo khoản 1 Điều 8 BLHS 2015 thì: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”.

Từ hai khái niệm trên, ta có thể hiểu đồng phạm là những người cùng tham gia vào việc thực hiện một tội phạm, mà khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, mỗi người tham gia không chỉ cố ý với hành vi phạm tội của mình mà còn biết và mong muốn sự tham gia của những người khác trong vụ án đó. Việc cố ý trong đồng phạm được thể hiện trên hai phương diện về lý trí và ý chí.

2. Dấu hiệu pháp lý của đồng phạm

 Trước đây việc xem xét dấu hiệu pháp lý của đồng phạm bao gồm: Dấu hiệu khách quan và dấu hiệu chủ quan. Trong đó, dấu hiệu khách quan bao gồm cả dấu hiệu của chủ thể tội phạm. Tuy nhiên, hiện nay BLHS 2015 đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, do vậy, cần xem xét, nghiên cứu dấu hiệu này một cách độc lập, qua đó có góc nhìn toàn diện hơn khi xem xét trách nhiệm của cá nhân và pháp nhân trong vụ án đồng phạm.

* Về dấu hiệu chủ thể:

Để có thể coi là đồng phạm, điều kiện đầu tiên về chủ thể thì phải có sự tham gia của ít nhất hai người trở lên vào việc thực hiện một tội phạm và những người này phải có đủ điều kiện là chủ thể của tội phạm. Nghĩa là những người này đạt đủ tuổi theo quy định tại Điều 12 BLHS 2015 và không thuộc trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 21 BLHS 2015. Đây là dấu hiệu bắt buộc, nếu thiếu dấu hiệu về số lượng người tham gia thực hiện một tội phạm thì sẽ không phải là đồng phạm mà chỉ là trường hợp phạm tội đơn lẻ.

Ví dụ: Trong vụ án trộm cắp tài sản, A rủ B vào một nhà dân trộm cắp tiền và tải sản. Sau khi trộm cắp xong A và B đem đi bán, chia nhau số tiền thu lời bất chính là 20 triệu đồng do trộm cắp mà có. Tại thời điểm thực hiện hành vi thì A – 18 tuổi, có năng lực chịu trách nhiệm hình sự còn B – 13 tuổi, khả năng nhận thức kém. Theo quy định hiện hành thì B không phải chịu trách nhiệm hình sự do chưa đủ tuổi theo quy định tại Điều 12 BLHS 2015. Tuy có đủ điều kiện về số lượng người tham gia thực hiện nhưng lại không đủ điều kiện về chủ thể của tội phạm. Do vậy đây không phải vụ án đồng phạm, mà là vụ án phạm tội đơn lẻ.

Đối với vấn đề đồng phạm của pháp nhân thương mại: BLHS 2015 quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại với 33 tội danh được liệt kê tại Điều 76. Về điều kiện chủ thể của tội phạm pháp nhân thương mại thì phải là tổ chức được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, có điều kiện, tiêu chí cụ thể; và về nguyên tắc, khi thỏa mãn các dấu hiệu khách quan và chủ quan trong đồng phạm, thì tất cả các hành vi triển khai thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của pháp nhân, hành vi giúp đỡ, tạo điều kiện cần thiết nhằm hỗ trợ cho pháp nhân thương mại thực hiện tội phạm đều được coi là đồng phạm.

* Về dấu hiệu khách quan:

Những người đồng phạm phải cùng thực hiện một tội phạm. Hành vi của mỗi người là một khâu cần thiết cho hoạt động chung của tất cả những người đồng phạm. Mỗi người đồng phạm có thể đều thực hiện hành vi được quy định trong cấu thành tội phạm, nhưng cũng có thể họ chỉ thực hiện một phần trong chuỗi hành vi để tạo thành một hành vi phạm tội thỏa mãn các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm.

Mỗi người đồng phạm có thể cùng tham gia thực hiện tội phạm bởi một loại hành vi, nhưng cũng có thể tham gia với những hành vi khác nhau. Hành vi của người này bổ trợ, bổ sung và là điều kiện cho hành vi của người khác, có ảnh hưởng tác động đến hành vi đó, làm cho nó có hiệu quả hơn.

Hành vi tham gia thực hiện một tội phạm có thể là: hành vi trực tiếp thực hiện, hành vi tổ chức, hành vi xúi giục, hành vi giúp sức thực hiện tội phạm. Nếu không có một trong bốn loại hành vi này thì không được coi là cùng thực hiện tội phạm, và vì thế cũng không phải là đồng phạm.  

Hành vi của mỗi người đồng phạm có mối quan hệ nhân quả đối với hậu quả chung của tội phạm, hậu quả chung của tội phạm là kết quả hoạt động chung của tất cả những người cùng tham gia thực hiện tội phạm đem lại. Hành vi của người thực hành là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh hậu quả chung, còn hành vi của những người khác thông qua hành vi của người thực hành mà gây ra hậu quả.

* Về dấu hiệu chủ quan:

Những người đồng phạm đều cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Lỗi cố ý trong đồng phạm được thể hiện như sau:

– Về lý trí: Mỗi người đồng phạm đều nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và đều biết người khác cũng có hành vi nguy hiểm cho xã hội cùng với mình. Luật hình sự không đòi hỏi là mỗi người phải biết được cụ thể về số lượng cụ thể và hành vi của những người đồng phạm khác mà chỉ cần họ nhận thức được có sự tham gia của người khác và hành vi của người khác là hành vi nguy hiểm cho xã hội, cùng phối hợp để thực hiện một tội phạm. Và trong đồng phạm, mỗi người đồng phạm đều thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và đều thấy trước hậu quả chung của tội phạm mà họ tham gia thực hiện.

– Về ý chí: Những người đồng phạm khi thực hiện hành vi đều mong muốn cùng thực hiện tội phạm và mong muốn hậu quả chung của tội phạm xảy ra.

Việc xác định hành vi, dấu hiệu chủ quan của pháp nhân thương mại sẽ căn cứ vào hành vi và dấu hiệu chủ quan của những con người cụ thể đại diện cho pháp nhân, nhân danh pháp nhân thực hiện các hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành của pháp nhân, mang lại lợi ích cho pháp nhân và giải quyết theo nguyên tắc thông thường như trường hợp đồng phạp giữa cá nhân với cá nhân.

3. Vấn đề mục đích phạm tội và động cơ phạm tội trong đồng phạm

Trong đồng phạm thì mục đích phạm tội và động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, trong một số cấu thành tội phạm có quy định dấu hiệu mục đích phạm tội, động cơ phạm tội là dấu hiệu của tội phạm cụ thể thì để xác định có đồng phạm của tội phạm đó đòi hỏi phải xác định được tất cả những người đồng phạm đều có chung mục đích phạm tội, động cơ phạm tội đó, hoặc những người tham gia phạm tội không có cùng mục đích phạm tội, động cơ phạm tội nhưng đã biết và tiếp nhận mục đích, động cơ phạm tội của nhau.

Ví dụ: A có mục đích chống chính quyền nhân dân nên đã thuê B giết C là cán bộ. Trong trường hợp này, mặc dù B không có mục đích chống chính quyền nhân dân nhưng nếu biết mục đích phạm tội của A mà vẫn giết C thì hành vi của B được coi là đã tiếp nhận mục đích phạm tội chống chính quyền nhân dân nên B là đồng phạm với A về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113 BLHS 2015). Trong trường hợp B không biết được mục đích chống chính quyền nhân dân của A thì B không đồng phạm với A.

4. Những hành vi liên quan đến tội phạm cấu thành tội độc lập

Trong BLHS 2015 có một số hành vi liên quan đến tội phạm nhưng không coi là hành vi đồng phạm, bởi những hành vi đó không thỏa mãn dấu hiệu đồng phạm. Đó là hành vi che giấu tội phạm và hành vi không tố giác tội phạm. Hai hành vi này đã được BLHS quy định rõ là hai tội phạm độc lập với các trường hợp đồng phạm.

* Hành vi che giấu tội phạm

Căn cứ theo Điều 18 BLHS 2015 thì hành vi che giấu tội phạm là hành vi “không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội”.

Đặc điểm của hành vi này là:

– Không có sự bàn bạc thỏa thuận, hứa hẹn trước giữa người có hành vi che giấu và người được che giấu.

– Hành vi che giấu được thực hiên sau khi tội phạm đã kết thúc.

– Lỗi luôn là lỗi cố ý trực tiếp.

Luật pháp hiện nay không coi hành vi che giấu tội phạm là hành vi đồng phạm mà coi đây là hành vi có liên quan đến tội phạm. Trong những trường hợp nhất định, hành vi che giấu tội phạm được quy định là tội che giấu tội phạm (Điều 289 BLHS 2015)

* Hành vi không tố giác tội phạm

Căn cứ Điều 19 BLHS 2015 thì hành vi không tố giác tội phạm là hành vi “biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã đưuọc thực hiện mà không tố giác”.

Đặc điểm của hành vi này đó là:

– Hành vi này có thể xảy ra ở giai đoạn tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc tội phạm đã kết thúc.

– Hành vi luôn dưới dạng hành vi không hành động.

– Lỗi luôn là cố ý trực tiếp.

Tương tự như hành vi che giấu tội phạm thì hành vi này được xác định liên quan đến tội phạm. Và trong một số trường hợp không tố giác được quy định là tội không tố giác tội phạm (Điều 390 BLHS 2015).

Quý vị có thể tham khảo thêm: Đồng phạm bao gồm những người nào, phân loại của đồng phạm

Công ty luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến vấn đề đồng phạm nói riêng và quy định của pháp luật về lĩnh vực Hình sự nói chung.

Trân trọng Kính chào!