Đồng EURO mất giá, ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp Việt Nam?
(CLO) Những ngày gần đây, đồng tiền chung châu Âu (EURO) đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm và gần ngang giá với đồng USD. Theo các chuyên gia, điều này, ít nhiều có tác động đến hoạt động đầu tư, xuất-nhập khẩu của Việt Nam.
Được đánh giá là nhóm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại nhiều thị trường lớn, đặc biệt là EU, dệt may và da giày là hai ngành hàng được nhiều người chú ý vì lo ngại chịu tác động lớn từ việc đồng EURO mất giá.
Song theo nhìn nhận của một số doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này, việc đồng EURO giảm giá có thể sẽ không tác động nhiều và ngay tới hoạt động sản xuất cũng như xuất – nhập khẩu.
Theo các chuyên gia, đồng EURO mất giá, ít nhiều có tác động đến hoạt động đầu tư, xuất-nhập khẩu của Việt Nam.
Lý giải cho điều này, một số DN cho rằng, trong các hoạt động giao thương với thị trường châu Âu, các DN chủ yếu giao dịch bằng đồng USD, chỉ một số rất ít đơn hàng nhập khẩu nguyên phụ liệu, vật tư mới dùng đồng EURO. Do vậy gần như biến động mất giá của đồng EURO không gây ra ảnh hưởng quá nhiều cho các DN.
Dù một số DN của Việt Nam vẫn tỏ ra lạc quan trước biến động giảm của đồng EURO. Tuy nhiên, theo đánh giá từ các chuyên gia thương mại, việc đồng EURO mất giá mạnh sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế.
Khi đồng EURO ngang bằng với đồng USD, các DN xuất khẩu sẽ phải chịu bất lợi hơn so với các DN nhập khẩu hàng hóa nếu đã đàm phán thanh toán bằng đồng EURO.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, việc đồng EURO mất giá nằm trong sự khó khăn chung của thế giới, nhất là khi nền kinh tế EU đang gặp khó, chỉ số lạm phát đang ở mức rất cao so với nhiều năm.
Đồng thời, kinh tế EU có phần trì trệ trong tăng trưởng cũng như chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, điều này có tác động đến hoạt động xuất – nhập khẩu của Việt Nam. Cụ thể, các hoạt động thương mại mà trọng tâm là các hợp đồng xuất, nhập khẩu được ký kết và thỏa thuận thanh toán bằng đồng EURO là điều đáng lo ngại nhất.
Khi đồng EURO mất giá, các DN Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ thị trường EU sẽ được hưởng lợi thế giá rẻ hơn so với trước đây. Mặc dù kim ngạch nhập khẩu từ khu vực này là không lớn, nhưng lại là các mặt hàng rất quan trọng, đặc biệt là những máy móc, thiết bị và một số vật tư mang tính chiến lược nên có thể coi đây là tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên đối với hoạt động xuất khẩu, DN Việt Nam sẽ phải chịu ảnh hưởng sâu rộng từ việc EURO mất giá. Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do với khu vực EU, các DN Việt Nam đã ký kết hợp đồng xuất khẩu bằng đồng EURO với mức giá tương đối ổn định, nhưng khi đồng tiền này mất giá, giá trị hàng hóa xuất khẩu vào EU sẽ sụt giảm.
“Nếu trước đây 1 sản phẩm của Việt Nam bán cho EU thu được 1.000 EURO, sau khi quy đổi sang USD có chênh lệch lớn, các DN có thể mua về được nhiều vật tư hàng hóa cho tái sản xuất. Nay với tỷ lệ ngang bằng giữa hai đồng tiền chủ chốt, lượng hàng mua được sẽ ít đi nên bản thân DN xuất khẩu nếu tính về lượng có thể không thay đổi, nhưng về giá trị chắc chắn sẽ giảm sút. Đây sẽ là trở ngại rất lớn cho các DN khi tính bài toán xuất – nhập khẩu”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý, nếu có thể được, trong các đàm phán với các nhà nhập khẩu châu Âu, các DN Việt Nam nên cố gắng đàm phán để thanh toán bằng đồng USD, điều này sẽ giúp DN luôn đảm bảo tính an toàn như mang lại nhiều những lợi ích nhất định.
Tuấn Nguyễn