Đồng cảm, khả năng đặt mình vào vị trí của người khác – Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền Giáo Tin Lành Thế Giới
Ở Hàn Quốc, câu nói “Bạn có đau không? Tôi cũng đau!” đã từng trở thành một đề tài nóng. Lời thoại ấm áp của nhân vật chính trong vở kịch không chỉ thấu hiểu nỗi đau của đối phương mà còn đồng cảm với nỗi đau ấy, đã để lại rung động lớn trong tấm lòng của người xem.
Thực ra câu nói của người ấy tuyệt đối không hề cường điệu. Khi trông thấy người khác đang tiêm hoặc ngã đến mức rách cả đầu gối, mọi người thường cau mày như thể bản thân cũng bị đau. Không chỉ nỗi đau mà ngay cả việc cười, ngáp và ngứa cũng có thể lan truyền. Vì sao chúng ta cũng có cảm nhận đối với cảm xúc của đối phương như thể đó là cảm xúc của bản thân như vậy? Đó là nhờ khả năng đồng cảm.
Đồng cảm là cảm xúc hay tâm trạng mà bản thân cũng cảm thấy như vậy trước cảm xúc, ý kiến, quan điểm, v.v… của người khác. Nói cho cùng thì đồng cảm có nghĩa là tâm linh tương thông. Khả năng đồng cảm được thể hiện bởi các tế bào thần kinh gương (mirror neuron) có trong não chúng ta. Tế bào thần kinh gương là những tế bào khiến chúng ta phản ứng trước hành động của người khác như thể chúng ta đang thực hiện hành động ấy. Những tế bào này khiến chúng ta sao chép hành động của người khác hoặc cảm thấy đồng cảm với họ. Nói cách khác, điều này có nghĩa là xóa bỏ rào cản với người khác.
Đồng cảm là đức tính cần thiết trong giao tiếp và giống như chất bôi trơn xoa dịu mối quan hệ giữa người với người. Nếu ở trong trạng thái thiếu mất sự đồng cảm thì không thể có cuộc trò chuyện thật lòng và cũng không thể đi đến một kết luận thỏa đáng. Cho đến khi sự đồng cảm được hình thành, sự tin cậy mới được tích lũy, nhờ đó có thể cùng nhau thổ lộ tấm lòng và trò chuyện một cách thuận lợi.
Jeremy Rifkin, một nhà kinh tế học nổi tiếng thế giới từng nói rằng “Chính nhờ vào sự đồng cảm vượt trội mà nhân loại mới có thể đạt được nền văn minh như ngày nay, và khả năng này sẽ trở thành năng lực chủ chốt trong tương lai”. Nhà tâm lý học người Mỹ Daniel Goleman cho biết rằng “Trong xã hội hiện đại, chỉ số cảm xúc EQ (Emotional Quotient) thể hiện sự giao cảm với người khác về cảm xúc quan trọng hơn năng lực trí tuệ là chỉ số thông minh IQ (Intelligence Quotient). Và đặc tính quan trọng nhất của EQ là đồng cảm”.
Thời đại mà khả năng đồng cảm bị suy giảm
Như nhà kinh tế học Jeremy Rifkin đã nói, nếu nền văn minh ngày nay có thể đạt được nhờ vào sự đồng cảm của nhân loại, thì ngược lại, khi khả năng đồng cảm của nhân loại suy giảm, thì biết đâu có thể dẫn đến sự sụp đổ của nền văn minh. Việc số lượng người tâm thần, tội phạm hung ác nhắm vào nơi đông người không xác định và bạo lực học đường v.v… ngày càng tăng có liên quan mật thiết đến sự suy giảm của khả năng đồng cảm. Lý do những kẻ gây hại không thể nhận thức được tội lỗi của bản thân ngay cả khi họ phạm phải tội ác khủng khiếp và hoàn toàn không thể tìm thấy lòng trắc ẩn, cảm giác tội lỗi hay hình ảnh hối hận trong họ là vì họ không có khả năng đồng cảm.
Một số chuyên gia cho biết nguyên nhân dẫn đến suy giảm khả năng đồng cảm là do sự phát triển của Internet. Giao tiếp trực tuyến thông qua Internet và điện thoại di động đang tăng trưởng nhanh chóng, nhưng thay vào đó, nhiều người bày tỏ rằng họ đang gặp khó khăn trong mối quan hệ đối nhân xử thế. Nội dung cuộc trò chuyện rất quan trọng trong giao tiếp, nhưng điều quan trọng hơn hết là những yếu tố phi ngôn ngữ như giao tiếp qua ánh mắt, giọng nói của nhau, v.v… Tuy nhiên, vì không thể suy xét đúng cảm xúc của đối phương thông qua giao tiếp bằng văn bản trực tuyến nên việc giao tiếp và đồng cảm cũng rất khó.
Mặt khác, một số người chỉ ra nguyên nhân là bởi gia đình đang không thể hiện đúng chức năng của gia đình. Gia đình vốn lẽ phải là nơi có mối quan hệ mật thiết và hình thành sự đồng cảm lành mạnh với nhau hơn bất cứ nơi nào khác. Tuy nhiên trên thực tế, cơ hội chia sẻ và trao đổi tình cảm giữa các thành viên trong gia đình ngày càng giảm khi mô hình gia đình trở nên thu nhỏ và số cặp vợ chồng cùng đi làm tăng lên. Ngoài ra còn có nhiều phân tích khác nữa, song nhu cầu đồng cảm xuất hiện cũng đồng nghĩa với việc khả năng đồng cảm của xã hội chúng ta đang bị thiếu.
Khi thiếu khả năng đồng cảm, dù đang nói chuyện với người khác thì cũng không thể đọc được cảm xúc của đối phương. Điều này dẫn đến phản ứng quá mức hoặc khiến đối phương cảm thấy như đang nói chuyện với bức tường. Hơn nữa, vì mức độ thấu hiểu đối phương và tầm nhìn hạn hẹp nên khó có thể tha thứ hay khoan dung trước lỗi lầm của người khác. Họ có ý thức mạnh mẽ, coi bản thân là trung tâm và nghĩ rằng “Tôi là tôi, còn bạn là bạn”. Điều này có thể trở thành chướng ngại vật, làm tổn hại đến đời sống xã hội và các mối quan hệ của họ.
Nếu muốn nâng cao khả năng đồng cảm
Các tế bào thần kinh gương của em bé hoạt động và khả năng đồng cảm của em bé phát triển khi giao tiếp bằng ánh mắt với mẹ và chia sẻ nụ cười với mẹ. Vì vậy, nếu muốn con có sự đồng cảm tốt thì ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ hãy thể hiện sự đồng cảm thật nhiều như “Mẹ hiểu rồi!”, “Chắc con đã buồn lắm!”. Dù khả năng đồng cảm chưa được nuôi dưỡng đủ từ thuở còn nhỏ, nhưng vì não bộ vẫn liên tục thay đổi sau khi trưởng thành nên nếu cố gắng thì khả năng đồng cảm vẫn có thể được cải thiện.
Sự đồng cảm bắt đầu từ việc chú ý lắng nghe. Khi nghe câu chuyện của đối phương, không phải bạn chỉ cần tập trung để hiểu ý nghĩa của lời nói thôi mà cần phải nhận định cả biểu cảm, ánh mắt và cử chỉ của họ. Nhiều người gặp khó khăn trong các mối quan hệ thường có xu hướng nghĩ rằng họ không giỏi nói chuyện. Tuy nhiên, vấn đề này thường xuất phát từ việc không lắng nghe đúng cách thay vì do không giỏi nói chuyện. Nếu muốn lắng nghe tốt thì phải bỏ những suy nghĩ, định kiến của bản thân lại phía sau và lắng nghe cẩn thận những gì đối phương đang nói.
Lắng nghe đối phương rồi, bạn sẽ cần suy nghĩ trên lập trường của đối phương. Vì bản chất của khả năng đồng cảm là “đặt mình vào vị trí của người khác”, nên cần phải nỗ lực suy nghĩ trên lập trường của người khác. Patricia Moore, một nhà thiết kế công nghiệp, đã hóa trang thành người cao tuổi và sống như thế trong suốt ba năm ở độ tuổi 20. Patricia Moore làm điều ấy dựa trên ý tưởng rằng để thiết kế được một sản phẩm thuận tiện mà ai cũng có thể sử dụng, cô cần trực tiếp trải qua tất cả những hoàn cảnh trong cơ thể bất tiện. Nhờ cơ hội này, cô đã phát minh ra những thiết kế sáng tạo độc đáo như cái kéo có thể dùng cho cả tay trái và tay phải, xe buýt sàn thấp, tay cầm nồi bằng cao su, v.v… Và hiện nay, Patricia Moore đã trở thành nhà thiết kế nổi tiếng tầm cỡ thế giới.
Mọi người thường có xu hướng coi nỗi đau đớn của bản thân là rất lớn, còn nỗi đau đớn của người khác là nhỏ mà nói rằng “Tại sao anh không cố gắng thêm chút nữa?” hay “Tôi không nghĩ đó là việc cô phải đau lòng đến mức ấy”. Với suy nghĩ này, mọi người có xu hướng chĩa mũi dùi vào người đó và chỉ trích thay vì suy xét đến hoàn cảnh và lập trường của đối phương. Chẳng hạn như việc nói với một đứa trẻ đang khóc vì bị em lấy mất đồ chơi rằng “Có mỗi chuyện cỏn con mà cũng khóc vậy?”, hay nói với người bạn đời đang nói “Đau quá!”, “Mệt quá!” rằng “Đau thì đến bệnh viện đi”, “Không phải mỗi em mệt. Anh cũng mệt”.
Chúng ta hãy nhớ rằng có những việc dường như chẳng là gì đối với mình, nhưng lại có thể là việc nghiêm trọng đối với người khác. Đồng cảm không phải là đứng về phía đối phương và đồng tình với đối phương một cách vô điều kiện mà là đủ thấu hiểu tấm lòng của đối phương với suy nghĩ rằng “Có thể như vậy mà!”.
Đồng cảm để mở rộng tấm lòng của đối phương
“Mình ơi, dạo này em mệt quá. Việc thì nhiều mà cấp trên cứ làm phiền em mãi.”
“Sinh hoạt xã hội lúc nào cũng vậy mà.”
“Em cũng biết thế. Nhưng em không thể chịu đựng được việc người ta đối xử tùy tiện với cấp dưới chỉ vì họ là cấp trên.”
“Em cứ kệ đi.”
“Lần sau mà còn như thế em sẽ nói cho xem.”
“Làm thế rồi càng phiền phức hơn thì sao?”
“Thì cũng chẳng sao cả.”
“Nếu em thực sự thấy mệt thì nghỉ việc đi. Đừng than vãn thế nữa.”
“Anh nói vậy mà nghe được à?”
Một trong những sai lầm phổ biến mà mọi người thường mắc phải là cố gắng phán đoán đúng sai về điều đối phương nói hoặc cố gắng đưa ra giải pháp. Trong ví dụ trên, điều mà người vợ muốn ở chồng là sự an ủi và đồng cảm. Ngay cả khi người chồng không muốn vợ làm việc nữa, nhưng điều quan trọng hơn cả vào thời điểm này là tôn trọng cảm xúc và thấu hiểu tâm trạng của vợ.
“Mình ơi, dạo này em mệt quá. Việc thì nhiều mà cấp trên cứ làm phiền em mãi.”
“Chắc em mệt lắm rồi nhỉ. Em đâu hay nói về những điều này.”
“Người ta tùy tiện đối xử với em chỉ vì em là cấp dưới của họ.”
“Vậy sao? Là anh thì anh cũng sẽ tức giận nữa.”
“Lần sau mà còn như thế em sẽ nói cho xem.”
“Nói đến mức độ này thì chắc em đã phải chịu đựng nhiều trong suốt thời gian qua rồi. Hẳn là em đã phiền lòng nhiều lắm.”
“Chỉ có mình anh là hiểu em nhất thôi.”
“Được rồi, đừng chịu khổ một mình nữa. Nếu mệt thì cứ nói với anh nhé.”
“Cảm ơn anh. Dù vậy nhưng em thấy tâm trạng khá hơn hẳn khi nói ra thế này.”
Sau khi được an ủi bởi sự đồng cảm của chồng, người vợ có thể đi làm với tấm lòng nhẹ nhõm vào ngày hôm sau. Người ta thường thích và mở lòng với những người đồng cảm trước lời của họ hơn với những người nói đúng và logic. Bởi nếu được thấu hiểu và đồng cảm với cảm xúc của bản thân, họ sẽ cảm thấy mình được tôn trọng. Trước khi khuyên nhủ, chỉ trích và đưa ra giải pháp, bạn chỉ cần đủ đồng cảm với đối phương thì họ có thể tự tìm ra con đường đúng đắn và giải quyết được vấn đề. Ngay cả khi giáo dục con cái, trước hết hãy đồng cảm với tấm lòng của con rồi sau đó mới phân tích đúng sai.
Đồng cảm có sức mạnh khiến người ta thay đổi. Bác sĩ đồng cảm với nỗi đau đớn của bệnh nhân thì bệnh nhân sẽ tin tưởng. Giáo viên thấu hiểu cảm xúc của học sinh thì học sinh sẽ đi theo. Sản phẩm không nhận được sự đồng cảm của người tiêu dùng sẽ không thể bán được. Bài diễn thuyết không thể khiến người nghe đồng cảm thì chỉ là tiếng ồn. Mọi người sẽ có thể vượt qua nỗi đau và có thêm dũng khí để sống trong thế giới này ngay cả khi chỉ có một người thấu hiểu tấm lòng mình. Nếu tin rằng bạn không chỉ có một mình mà luôn có một người có thể khiến bạn mở rộng tấm lòng và giãi bày tình cảm, bạn sẽ là người hạnh phúc nhất.
Bởi sự phát triển của máy móc vào thời đại này, hầu hết mọi việc đều có thể giải quyết bằng máy tính và robot. Năng lực đồng cảm vốn có trong bản chất của mỗi người là khả năng đặc biệt mà kể cả AlphaGoChương trình trí tuệ nhân tạo (AI) do Google DeepMind phát triển cũng không thể bắt chước. Chẳng phải các tế bào thần kinh gương có trong não đang cho chúng ta biết rằng con người là sự tồn tại sống trong khi đồng cảm và giúp đỡ lẫn nhau từ khi được sinh ra hay sao?
Nếu chúng ta nhìn nhau qua tấm gương, bạn có ở trong tôi thì chúng ta có thể thông hiểu lẫn nhau và sẽ không phát sinh việc không thể thấu hiểu trong gia đình. Và có một điều cần ghi nhớ! Khả năng ấm áp này sẽ càng phát triển hơn nữa nếu thường xuyên được sử dụng.