Đòi nợ phải… “đúng giờ”!

Vay nợ rồi quỵt nợ cũng xảy ra phổ biến không kém gì tình trạng khủng bố đòi nợ, siết nợ. Việc điều chỉnh các quy định, vì vậy, phải dựa trên quyền lợi chính đáng của cả bên cho vay và bên đi vay.

Trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) phản ánh tình trạng người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa.

“Với chức năng quản lý Nhà nước của mình, Thống đốc sẽ triển khai các biện pháp nào để hạn chế những hành vi vi phạm nêu trên?”, đại biểu Thịnh đặt câu hỏi.

Đáp lại, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã rà soát và thấy cần phải sửa đổi các văn bản quy định pháp luật. Hiện nay, quy định về cho vay của các công ty tài chính cũng đã có những chỉnh sửa theo hướng các công ty không được đòi nợ theo các biện pháp đe dọa và cũng quy định rõ là thời gian để đòi nợ từ 9h đến 21h.

Giải pháp mà lãnh đạo NHNN nêu ra khiến tôi nhớ đến quy định mà Bộ Tài chính từng soạn thảo hồi 2016 cho một Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Lúc đó, các yêu cầu được đề xuất với bên đi đòi nợ cũng khiến dư luận xôn xao: Nào là nhân viên đòi nợ phải được cấp thẻ, đồng phục; rồi khi đi đòi nợ “phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và có giấy giới thiệu”. Có vẻ như các nhà soạn thảo văn bản hoàn toàn nghiêm túc, nhưng chẳng hiểu sao, hễ đọc lên quy định đó là người ta lại cảm thấy hài hước, buồn cười. Bởi rằng, một khi có dịch vụ đòi nợ, đương nhiên sẽ không thể tránh được các hình thức mang tính chất thị uy, đe nẹt, dọa dẫm.

“Người nách thước, kẻ tay đao;

Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”.

“Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh,

Rụng rời khung dệt, tan tành gói may.

Đồ tế nhuyễn, của riêng tây,

Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”.

So với cảnh tượng đòi nợ trong Truyện Kiều được đại thi hào Nguyễn Du miêu tả, thì các hình thức đòi nợ tín dụng đen, đòi nợ thuê trong thực tế ngày nay cũng chẳng khác nhau là mấy về tính chất.

doi no phai dung gio

Một căn nhà bị nhóm đòi nợ tạt sơn đỏ (Ảnh: Hoàng Thuận).

Gần 10 năm trước, xóm dân cư cạnh đường tàu nơi tôi ở đang yên bình trở nên náo động vì mùi mắm tôm xộc lên mỗi đêm trước giờ đi ngủ. Trong xóm, có một gia đình nọ vì vay nợ tín dụng đen không có khả năng thanh toán nên đã khóa cửa nhà bỏ trốn, kết quả, hàng xóm “lãnh đủ” vì giang hồ đến rình mò đòi nợ không được nên liên tục ném chất bẩn vào nhà.

Hình thức đòi nợ này giờ đây đã xuất hiện ở hầu khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc và biến tướng với nhiều chiêu trò khác nhau. Những năm gần đây, khi dịch vụ cho vay tiêu dùng ở các công ty tài chính phát triển thì tình trạng đòi nợ lại trở nên ám ảnh dưới một hình thức khác: “Khủng bố” điện thoại! Thậm chí, ai đó chẳng may có người thân, quen biết với “con nợ”, cũng trở thành nạn nhân bất đắc dĩ.

Cho nên, việc yêu cầu loại dịch vụ mà chủ đích để thị uy, dọa nạt, khủng bố – nhằm bắt con nợ khiếp sợ mà trả tiền – phải hoạt động một cách lịch sự, có chừng mực thì rất khó khả thi. Quy định đặt ra mà mới đọc qua đã thấy phi thực tế đương nhiên khó mà áp dụng.

Từ 1/1/2021, ngành nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” bị cấm đầu tư kinh doanh, vậy nên việc “đòi nợ thuê” trở thành hoạt động bất hợp pháp. Những cách thức đòi nợ theo kiểu xã hội đen, vi phạm pháp luật về hình sự, dĩ nhiên sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Ở đây, chúng tôi muốn bàn đến việc đòi nợ từ “chính chủ” sẽ phải “lịch sự và đúng giờ” như Thống đốc NHNN đã đề cập. Nghe có vẻ mới mẻ nhưng thực tế là khoản 7 Điều 1 Thông tư 18/2019/TT-NHNN đã nêu rõ quy định về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ của các công ty tài chính, như: Không bao gồm biện pháp đe dọa khách hàng, số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày, hình thức nhắc nợ phải trong khoảng thời gian từ 7h đến 21h; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

Tóm lại, việc công ty tài chính khủng bố điện thoại, dọa dẫm người thân, người quen của “con nợ” là hoàn toàn trái luật.

Tất nhiên, trong quan hệ xã hội giữa người với người, chúng ta đều hiểu được cái khó của đòi nợ, một công việc vừa tế nhị lại vừa bị động. Có câu “đứng cho vay, quỳ đòi nợ” là để miêu tả tình thế khó khăn, bất lực trong thu hồi tiền nợ của bên cho vay, khi mà trong rất nhiều trường hợp, người vay nợ “cầm đằng chuôi” cố tình chây ỳ, không trả nợ. Vay nợ rồi quỵt nợ cũng xảy ra phổ biến không kém gì tình trạng khủng bố đòi nợ, siết nợ. Việc điều chỉnh các quy định, vì vậy, phải dựa trên quyền lợi chính đáng của cả bên cho vay và bên đi vay.

Câu chuyện ở đây, theo người viết, chính là phải có chế tài xử phạt nghiêm những hành vi cho vay và đòi nợ không đúng quy định pháp luật. Theo đó, cần xem xét tình trạng cho vay của các công ty tài chính với lãi suất vượt 20%/năm (theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015), các khoản vay lãi mẹ đẻ lãi con, lãi con sinh lãi cháu… với tốc độ quá nhanh cũng là một trong những nguyên nhân khiến con nợ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Nếu như nhà chức trách cho rằng, việc cho vay với những đối tượng có rủi ro cao cho phép được áp dụng lãi suất cao, đương nhiên việc đòi nợ cũng khó mà tránh được tính “đặc thù”.

Còn việc đe nẹt, dọa nạt người thân, người quen của người vay nợ mang tính xúc phạm cá nhân, xâm phạm quyền riêng tư cá nhân… thì phải cấm hoàn toàn và xử phạt nặng.

Mặt khác, phải nhấn mạnh rằng, do không phải ai cũng có thể vay vốn ngân hàng một cách thuận tiện nên thực tế đã mở ra cơ hội với những kênh cho vay khác như các công ty tài chính, thậm chí là tín dụng đen. Ví dụ những tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ, với những khoản vay “nóng” để trả tiền hàng, họ thường chỉ có thể “xoay” ở các công ty tài chính hay các điểm cho vay tín dụng đen. Chỉ cần giấy tờ tùy thân và thông tin của một vài người quen biết, thế là được giải ngân! Chính vì vậy, tiếp cận từ phía ngành ngân hàng, cần rà soát lại nhu cầu vay vốn của người dân, tạo điều kiện cho các nhu cầu chính đáng như chữa bệnh, phục vụ học hành, sản xuất kinh doanh lành mạnh.

Đương nhiên, với những tình huống người dân vay vốn để đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro, hay phục vụ cờ bạc, lô đề chỉ chẳng còn cách nào khác là dẹp tận gốc các tệ nạn này; tuyên truyền về quy định của pháp luật và phổ biến kiến thức cho người dân, nâng cao dân trí.

Và dù biện pháp nào, vấn đề không thể giải quyết bằng các quy định mang tính “hành chính”, rất khó phù hợp thực tiễn, kiểu như thời gian để đòi nợ là từ 9h đến 21h.