Đổi mới mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới | Học viện Chính trị Công an Nhân dân

– Do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất (và do đó là quan hệ sản xuất), trình độ phát triển của nền kinh tế thị trường – thể chế kinh tế thị trường còn tương đối thấp, chưa hoàn thiện so với yêu cầu hội nhập quốc tế ở trình độ cao, vì vậy vai trò của Nhà nước, trực tiếp là vai trò của Chính phủ và các Bộ, không thể chỉ tập trung vào quản lý vĩ mô như ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển cao, mà vẫn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ can thiệp vào thị trường, điều tiết thị trường, thông qua quy hoạch, kế hoạch phát triển…

– Do tính chất của chế độ chính trị – xã hội nước ta, Nhà nước (mà trực tiếp là Chính phủ, các Bộ, chính quyền các địa phương) không chỉ ban hành cơ chế chính sách và quản lý vĩ mô, mà còn phải trực tiếp chỉ đạo thực hiện các chính sách xã hội, trực tiếp chỉ đạo thực hiện cung cấp nhiều dịch vụ công cơ bản, dịch vụ xã hội thiết yếu cho nhân dân (giáo dục, y tế, bảo vệ mội trường, nước sạch…) từ nguồn lực nhà nước và các nguồn lực xã hội hóa. Đây là một nhiệm vụ trọng yếu của nhà nước, Chính phủ, mà các bộ và các cơ quan chính quyền địa phương phải thực hiện (đây cũng là điểm khác biệt nhiều so với các nước phát triển trên thế giới). Điều này thể hiện ở một số lượng lớn các đơn vị sự nghiệp do các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương đang quản lý [6] .

– Do quá trình chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế từ chủ yếu là sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể sang nền kinh tế nhiều thành phần, nhà nước (cả ở cấp trung ương và địa phương) vẫn còn đang là chủ sở hữu một khối lượng lớn tài sản, tư liệu sản xuất, đơn vị sản xuất kinh doanh, vì vậy quản lý của Chính phủ, các Bộ (và chính quyền cấp tỉnh) không thể chỉ tập trung thực hiện quản lý vĩ mô (như các nước phát triển), mà còn phải trực tiếp (ở những mức độ khác nhau) chỉ đạo phát triển sản xuất kinh doanh, trực tiếp can thiệp vào thị trường…Việc chế định phù hợp vai trò đại diện chủ sở hữu cả ở cấp Trung ương và địa phương là một yêu cầu khách quan, song vẫn còn những bất cập.

3) Do điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay chỉ có một Đảng CSVN duy nhất lãnh đạo – cầm quyền, đồng thời kế thừa các yếu tố lịch sử hợp lý, do đó mô hình tổ chức bộ máy của HTCT vẫn bao gồm ba chủ thể là Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức CT-XH, song không phải là xây dựng “mô hình cứng” tuyệt đối. Cũng không phải là “mô hình mềm” ở mức độ rất cao, mà là “mô hình cứng có điều chỉnh ”, trong đó kết hợp hợp lý, hiệu quả các yếu tố tích cực của “mô hình cứng” với các yếu tố tích cực của “mô hình mềm” (xin tạm gọi là “mô hình trung gian”), trong đó có sự nhất thể hóa (tích hợp) hợp lý, hiệu quả các tổ chức đảng với các tổ chức nhà nước, các tổ chức của các tổ chức CT-XH, khi có những chức năng, nhiệm vụ song trùng, trong khi vẫn đảm bảo thực hiện đúng vai trò khách quan của từng lọai tổ chức trong xã hội.

Vì hiện nay, trong nhận thức về phương thức lãnh đạo của Đảng và xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có cả hai khuynh hướng cần khắc phục: Phân định máy móc, rạch ròi, cơ học các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đảng và chức năng nhiệm vụ của bộ máy nhà nước, còn tư duy “bên này bên kia”, dẫn đến tình trạng xây dựng song trùng bộ máy từ trung ương xuống cơ sở. Về vấn đề này, ngay từ thời Lênin, ông đã rất coi trọng cải tiến bộ máy của Đảng và Nhà nước trong điều kiện một đảng cầm quyền theo tinh thần “thà ít mà tốt”, cho rằng hoàn toàn có thể hợp nhất một số cơ quan của Đảng với cơ quan Nhà nước (như Ban kiểm tra trung ương đảng với Bộ dân ủy thanh tra công nông…), như thế sẽ tốt hơn cho cả hai cơ quan, mạnh hơn, có hiệu quả hơn cho cả sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước [1] . Mặt khác, lại có khuynh hướng đề cao vai trò lãng đạo của Đảng không gắn với tăng cường vai trò quản lý theo luật pháp của Nhà nước; các tổ chức đảng rơi vào tình trạng ôm đồm, làm thay nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, coi Nhà nước là chủ thể bị lãnh đạo – quản lý dưới quyền; hoặc đề cao vai trò quản lý của Nhà nước lại coi nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng. Về điều này rất cần lưu ý các cảnh báo của Lênin, ông cho rằng : “Chừng nào mà Ban chấp hành Trung ương Đảng và toàn đảng còn tiếp tục làm công tác quản lý hành chính, nghĩa là quản lý nhà nước, thì Đảng không thể gọi là người lãnh đạo được”, “nếu Đảng cứ lãnh đạo bằng cách đó, thì chúng ta nhất định đi tới chỗ diệt vong” [2] . Vì vậy, Lênin yêu cầu “Cần phân định một cách rõ hơn nữa những nhiệm vụ của Đảng (và của Ban chấp hành trung ương của nó) với nhiệm vụ của Chính quyền Xô viết; tăng thêm trách nhiệm và tính chủ động cho các cán bộ Xô viết và các cơ quan Xô viết, còn về Đảng thì dành quyền lãnh đạo chung công tác của tất cả các cơ quan nhà nước gộp chung lại, mà không can thiệp một cách quá thường xuyên, không chính quy và thường là nhỏ nhặt, như hiện nay” [3] , và “Phải chấm rứt cả tình trạng là tất cả mọi vấn đề vụn vặt cũng đều đưa ra trước Ban chấp hành trung ương, mà phải nâng cao uy quyền của Hội đồng dân ủy” [4] . Ở Việt Nam, trước đây, đồng chí Lê Duẩn cũng đã có những ý kiến sâu sắc về vấn đề xử lý mối quan hệ giữa thực hiện phương thức lãnh đạo của Đảng đối với phương thức hoạt động của Nhà nước gắn với tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước sao cho hợp lý, hiệu quả. Ông cho rằng [5] : “Phải khắc phục tình trạng lẫn lộn chức năng của Đảng với chức năng của Nhà nước”, song “Không nên cho rằng có sự đối lập giữa việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với việc nâng cao vai trò và hiệu lực của chính quyền nhà nước. “Sức mạnh của Đảng cầm quyền và sức chiến đấu của nó biểu hiện chính là ở hiệu lực và sức mạnh của bộ máy nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng”. “Hoạt động của Nhà nước gắn liền với hoạt động của Đảng”. Do đó, “Việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng phải gắn liền với việc nâng cao năng lực quản lý của nhà nước”, “Đảng không thể nào thực hiện được sự lãnh đạo của mình đối với xã hội mà không thông qua chính quyền nhà nước”. Vì vậy, phải “chống quan niệm phân công máy móc, tách rời hoạt động của cấp ủy Đảng với hoạt động của cơ quan nhà nước”. Như vậy, đòi hỏi phải xử lý một cách rất khoa học – rất thực tiễn giữa hai vấn đề “phải khắc phục tình trạng lẫn lộn chức năng của Đảng với chức năng của Nhà nước”, đồng thời “chống quan niệm phân công máy móc, tách rời hoạt động của cấp ủy Đảng với hoạt động của cơ quan nhà nước”, “đối lập giữa việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với việc nâng cao vai trò và hiệu lực của chính quyền nhà nước”. Đó là những luận điểm rất quan trọng gợi mở cho việc nhận thức đúng về đổi mới và hiện thực hóa phương thức lãnh đạo của Đảng về mặt tổ chức đổi với hệ thống chính trị, trước hết là đối với Nhà nước, để làm cơ sở nghiên cứu xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, trước hết là của Đảng và Nhà nước, soa cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Xem nhiều nhất

Liên kết website