Doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ

Theo thống kê, quý 1 năm 2023, chỉ số sản xuất ngành chế biến gỗ và các sản phẩm lâm sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã tăng hơn 36,1% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh cho biết, hiện nay tình hình đơn hàng, thị trường tiêu thụ đã bắt đầu có khởi sắc cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Đặc biệt các nhà nhập khẩu ở một số thị trường truyền thống, chủ lực như Mỹ, EU đang bắt đầu nhập hàng trở lại.

Doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ - Ảnh 2.

Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá, nhiều đơn vị, doanh nghiệp tập trung đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư công nghệ để chuyển hướng sản xuất thêm một số mặt hàng mới như làm ván ép phủ phin, viên nén gỗ để làm chất đốt… Đồng thời tiết giảm chi phí hoạt động, giảm giá thành nhằm khai thác thêm đơn hàng từ các thị trường mới, ký kết các đơn hàng nhỏ để duy trì ổn định sản xuất.

Doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ - Ảnh 3.

Doanh nghiệp ngành gỗ tìm nhiều giải pháp để duy trì hoạt động

Ông Nguyễn Xuân Quyền, Phó Giám đốc công ty TNHH Ngô Huy Dũng, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Công ty mở ra nhiều nguồn hàng mới như ván bóc, sấy, ép. Cùng với đó, chúng tôi cũng tập trung tìm kiếm nhiều thị trường, hạ giá thành để tiếp cận thị trường… Năm nay rất khó khăn, lãnh đạo công ty đưa ra dự kiến tăng trưởng khoảng 10% so với năm ngoái”.

Doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ - Ảnh 4.

Theo nhận định của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, bước sang quý 2, thị trường của ngành chế biến xuất khẩu gỗ sẽ khôi phục khoảng 82-85%. Năm 2023, ngành gỗ kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9% so với năm 2022, tương đương đạt giá trị 18 tỷ USD trở lên. Nhiều dự báo cũng cho thấy vào giữa năm nay, cùng với triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu thì sản xuất gỗ sẽ ổn định trở lại. Trong lúc này, các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản cần theo dõi sát diễn biến thị trường, để đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp. Đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, tăng doanh thu cho doanh nghiệp.

Nguồn: Bản tin Thời sự 18h30 ngày 9/4