Đoàn đồng hành cùng thanh niên: Những vấn đề từ thời đại số

Những năm gần đây, tổ chức Đoàn đã có nhiều đột phá về nội dung và phương thức hoạt động. Các phong trào ngày càng phù hợp, sát với thực tế và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên – thanh niên (ĐV-TN). Song, trước những tác động tiêu cực của xã hội, ảnh hưởng mặt trái của nền kinh tế thị trường, cùng sự phát triển của khoa học – công nghệ đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho tổ chức Đoàn trong việc đổi mới cách thức đồng hành cùng thanh niên trong giai đoạn mới.

Bài 2: Đi tìm căn cơ

>>Bài 1: Những rào cản từ thực tế

Những tồn tại trong công tác Đoàn đã qua bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Một phần do Đoàn Thanh niên chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển chung của thanh niên trong tình hình mới. Mặt khác, do nhận thức của thanh niên về tổ chức Đoàn còn hạn chế.

ĐV-TN ra quân làm vệ sinh môi trường.

CHƯA THEO KỊP SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THANH NIÊN

Từ thực tiễn có thể thấy, hoạt động phong trào Đoàn ngày nay không chỉ đòi hỏi một trình độ chuyên môn hay những kỹ năng cơ bản về công tác Đoàn, mà còn đòi hỏi ở những thủ lĩnh Đoàn nhiều yếu tố khác. Đó là sự nhanh nhạy, nắm bắt cập nhật thông tin kịp thời về những điều mà thanh niên mong muốn ở tổ chức Đoàn; hay sự sâu sát, nắm bắt kịp thời những công nghệ mới để có thể đồng hành cùng thanh niên trên môi trường số. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, hiện nay đội ngũ cán bộ Đoàn ở cơ sở vẫn còn yếu về năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ, thiếu sâu sát với đoàn viên; chưa cho ĐV-TN thấy được sự cần thiết, bổ ích khi tham gia vào tổ chức Đoàn. Đáng nói là, một bộ phận làm công tác Đoàn chưa nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu dẫn đến việc chưa thực hiện tốt vai trò thủ lĩnh thanh niên; thậm chí bị “tụt hậu” với thanh niên về trình độ, kỹ năng công nghệ thông tin, vì vậy chưa phát huy được vai trò đầu tàu trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên trong thời đại mới.

Bên cạnh đó, nhìn từ góc độ đoàn viên, đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và đang trong quá trình hợp tác, giao lưu với các nước trên thế giới, thế nên những hoạt động Đoàn truyền thống dường như đã không còn phù hợp với những mong muốn, nhu cầu của giới trẻ thời đại 4.0. Những buổi sinh hoạt mang nặng tính hình thức theo kiểu “họp Đoàn” khô cứng, ít đổi mới, thiếu tính lan tỏa cũng được nhiều ĐV-TN khẳng định là nguyên nhân gây ra tâm lý chán nản không thích tham gia vào tổ chức Đoàn, cũng như các buổi sinh hoạt “hành chính bàn giấy” của Đoàn.

Ở một khía cạnh khác là việc thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên còn có mặt hạn chế. Một số ban, ngành, chính quyền địa phương chưa làm tốt trách nhiệm chăm lo, bồi dưỡng, phát huy thanh niên thuộc lĩnh vực được phân công. Việc đổi mới nội dung và hình thức hoạt động của Đoàn, Hội chưa theo kịp sự phát triển của tình hình thanh niên. Ở một số nơi, tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội LHTN Việt Nam chưa phát huy vai trò, chức năng của tổ chức mình trong việc tạo ra những hoạt động tích cực đối với ĐV-TN.

Mô hình nuôi tôm của Đoàn phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu). Ảnh minh họa: H.L

NHIỀU TÁC ĐỘNG ẢNH HƯỞNG TRỰC TIẾP

Ở khu vực nông thôn, ĐV-TN là lực lượng lao động chính của gia đình. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, đối tượng này thường đi làm xa để kiếm sống nên việc huy động tham gia công tác Đoàn rất khó khăn. Cuộc sống mưu sinh hầu như chiếm hết quỹ thời gian một ngày của các bạn, cũng có những đoàn viên thật sự tha thiết với hoạt động Đoàn nhưng lại không có thời gian để tham gia đành “lực bất tòng tâm”. Anh Trần Hoàng Lam (ấp Bờ Cảng xã Điền Hải, huyện Đông Hải) bày tỏ: “Tôi rất muốn tham gia các hoạt động, phong trào xung kích của tuổi trẻ ở địa phương để góp một phần sức trẻ cống hiến, xây dựng quê hương. Nhưng vì cơm, áo, gạo, tiền, tôi thường xuyên vắng nhà nên đành bất lực”.

Mặt trái của kinh tế thị trường và những thách thức của hội nhập quốc tế đã tác động đến suy nghĩ của một bộ phận thanh niên, khiến họ có tư tưởng tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, chạy theo lợi ích vật chất, không tha thiết với các hoạt động tình nguyện, các phong trào xung kích của tuổi trẻ. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ trước những biến đổi to lớn của đất nước chưa thật sự được quan tâm đúng mức. Thực tế đã qua cho thấy, nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ còn thiếu chiều sâu, chưa thiết thực. Hình thức giáo dục còn sơ sài, chưa có sức hấp dẫn, lôi cuốn thanh niên. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, giữa nhà trường, gia đình, xã hội chưa chặt chẽ. Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, anh Nguyễn Hoàng Thoại – Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: “Tổ chức Đoàn vẫn chưa giải quyết thỏa đáng được những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với thanh thiếu nhi trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế. Có nơi còn thiếu sáng tạo, thiếu đầu tư trong việc đổi mới nội dung, phương thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi. Một bộ phận cán bộ Đoàn, Hội, Đội còn hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp trong cách thức giáo dục. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa làm một bộ phận nhỏ thanh niên mất định hướng, hoang mang, mơ hồ, hoài nghi về lý tưởng sống”.

Những thành quả từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mà sự ra đời của các thiết bị công nghệ cao, các loại hình truyền thông mới đã mang lại những ảnh hưởng to lớn đến cách sống của thanh niên. Những lúc rảnh rỗi, thay vì tham gia vào các hoạt động tập thể của Đoàn, giao tiếp với xã hội để trang bị cho mình các kỹ năng từ những trải nghiệm thực tế, thì nhiều bạn trẻ lại chọn “làm bạn” với chiếc điện thoại hoặc đốt thời gian vào các trò chơi điện tử. Đây là thực tế đáng buồn, nhưng nó đang tồn tại và có thể tiếp tục kéo dài trong thời gian tới nếu như Đoàn Thanh niên không có giải pháp để thu hút các bạn này vào tổ chức.

Những nguyên nhân trên có thể xem là căn cơ của các mặt hạn chế trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Từ đó, vấn đề đặt ra cho các cấp bộ Đoàn hiện nay là làm sao giúp cho thanh niên hiểu vai trò quan trọng của tổ chức Đoàn, tác động vào lý tưởng của ĐV-TN, làm cho các bạn tự nguyện tham gia vào tổ chức Đoàn và ngày càng yêu Đoàn, gắn bó với Đoàn nhiều hơn. Có được như vậy, tổ chức Đoàn mới ngày càng vững mạnh và không ngừng phát triển.

TRUNG KIÊN