Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối với với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội lấy ý kiến dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)-doan dai bieu quoc hoi tinh phoi voi voi uy
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối với với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội lấy ý kiến dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)
Sáng ngày 10.10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội lấy ý kiến dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công (sửa đổi) để ghi nhận ý kiến từ thực tiễn địa phương, bổ sung cơ sở để Ủy ban thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) do Chính phủ trình. Chủ trì Hội nghị có Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các Vấn đề xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Phạm Thị Thu Trang.
Hội nghị lấy ý kiến của lãnh đạo tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, sở, ngành liên quan, một số tổ chức hội đặc thù, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hộ của một số huyện và thành phố Quảng Ngãi, lãnh đạo một số xã, phường. Tại Hội nghị, các ý kiến đánh giá dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) giải thích rõ các đối tượng chính sách và bổ sung một số đối tượng, cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp với nguyện vọng của cử tri. Tham gia vào các nội dung cụ thể, các ý kiến đề nghị: quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận đối tượng tiền khởi nghĩa (tham gia cách mạng trước ngày 01/01/1945), đối tượng lão thành cách mạng (tham gia cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945) phù hợp thực tế và thủ tục thuận lợi hơn để xét hưởng chính sách, đồng thời tăng mức hưởng thỏa đáng vì các đối tượng này không còn nhiều, sức khỏe già yếu; bổ sung chế độ thờ cúng đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã chết; tăng mức trợ cấp và thời điểm được hưởng chính sách đối với người có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến; có chế độ đối với gia đình liệt sĩ khi được xét tặng Huân chương độc lập; thân nhân được hưởng chế độ ưu đãi đối với tất cả liệt sĩ …
Đối với đối tượng bị phơi nhiễm chất độc hóa học/ Dioxin, các ý kiến đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Y tế quy định các loại bệnh bảo đảm cơ sở khoa học xác định bị phơi nhiễm chất độc hóa học hoặc xác định theo địa bàn bị ảnh hưởng để việc xét duyệt hồ sơ đảm bảo đúng đối tượng, công bằng, đồng thời người bị phơi nhiễm chất độc hóa học thì được hưởng trợ cấp hằng tháng, không căn cứ tỷ lệ suy giảm sức lao động, như hiện nay là từ 21% trở lên. Quy định về hồ sơ xét, duyệt đối tượng bị bắt tù, đày phù hợp để thực hiện, vì yêu cầu phải có giấy tờ chứng minh bị tù, đày thì khó thực hiện được. Trong trường hợp người có công với cách mạng vi phạm pháp luật và bị xử lý thì thân nhân vẫn được được hưởng các chính sách ưu đãi theo công trạng đã được nhà nước ghi nhận. Các đại biểu dự Hội nghị cũng đề nghị quy định trách nhiệm ngân sách địa phương quan tâm, trích kinh phí cho Quỹ đền ơn đáp nghĩa để thực hiện tốt chính sách đối với người có công.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai đánh giá Hội nghị đã thảo luận thẳng thắn, ý kiến góp ý thể hiện tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đối tượng người có công. Ủy ban về các vấn đề xã hội tiếp thu tất cả ý kiến, kết hợp với ý kiến tại các địa phương khác để tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.