Đô thị hóa và sức ép môi trường
Hiện trạng thực tế là tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại nhiều địa phương nhưng cơ sở hạ tầng chưa theo kịp, đặc biệt là các đô thị lớn nên đang đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến môi trường. Số lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục tăng nhanh, nhiều phương tiện đã hết niên hạn vẫn được sử dụng đã và đang thải vào môi trường lượng lớn bụi và khí thải.
Theo thống kê, đến tháng 12/2016, cả nước có 795 đô thị với tỉ lệ đô thị hóa đạt 35,2%. Trong đó, có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, 17 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 41 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV và 626 đô thị loại V.
Hiện nay, đô thị nước ta có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng và chênh lệch nhiều giữa các khu vực khác nhau về đặc điểm địa lý. Vấn đề di cư từ nông thôn ra thành thị đang là sức ép lớn gây ra tình trạng quá tải trong sử dụng hạ tầng.
Theo Báo cáo Môi trường quốc gia vừa được công bố, thời gian qua, tình trạng úng ngập tại nhiều đô thị không những không được cải thiện mà còn có xu hướng mở rộng và gia tăng, gây ra nhiều trở ngại cho người dân. Nguyên do là các khu vực nội thị cũ đều được xây dựng thêm nhiều nhà cao tầng trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngày càng xuống cấp trong khi các khu vực đô thị mới, mở rộng với những quy hoạch không tính toán đầy đủ việc tiêu thoát nước tổng thể cho cả vùng. Ngoài ra, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thiên tai cũng khiến tình trạng úng ngập tại các đô thị diễn ra thường xuyên với mức độ ngày càng trầm trọng hơn.
Vấn đề khác là suy giảm mực nước ngầm dưới đất tại các đô thị khu vực đồng bằng và xâm nhập mặn tại các đô thị ven biển đang trở nên phổ biến do hoạt động khai thác sử dụng chưa hợp lý. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu đang ngày diễn biến bất thường, tài nguyên nước có xu hướng suy giảm mạnh. Hiện nay, ô nhiễm môi trường tại các tuyến kênh rạch, hồ trong nội thành, nội thị vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều sông ở nội thành vẫn là các kênh dẫn nước thải, chất lượng nước cũng bị suy giảm.
Thực tế cho thấy, ô nhiễm bụi tại các khu vực đô thị đang tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt là các khu vực gần các trục giao thông hay các khu vực có hoạt động công nghiệp, xây dựng… Thực trạng này đang gây nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống và sức khỏe của người dân.
Các khu đô thị đang phải đối mặt với áp lực ô nhiễm từ hoạt động giao thông vận tải, hoạt động công nghiệp trong nội đô, hoạt động dân sinh, xử lý rác thải và các nguồn ô nhiễm từ ngoại thành chuyển vào.
Ô nhiễm bụi được phản ánh thông qua bụi lơ lửng bao gồm bụi thô (TSP và PM10) và bụi mịn (PM2.5). Số liệu quan trắc giai đoạn từ năm 2012 đến 2016 cũng cho thấy, mức độ ô nhiễm bụi tại các đô thị vẫn ở ngưỡng cao, chưa có dấu hiệu giảm trong suốt 5 năm qua. Điển hình, tại một số khu vực nội thành, nội thị của các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, số ngày trong năm có nồng độ bụi PM0, PM 2.5 vượt ngưỡng cho phép của Quy chuẩn Việt Nam chiếm tỉ lệ hơn 20% tổng số ngày trong năm.
Tại các đô thị khu vực miền Bắc, số ngày có nồng độ bụi cao thường tập trung vào các tháng mùa đông, đặc biệt là tại các khu đô thị, khu công nghiệp tại Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Ninh…
Mặc dù ở cấp quốc gia và địa phương đã xây dựng và phê duyệt các quy hoạch phát triển đô thị nhưng tại nhiều địa phương, việc phát triển đô thị còn mang tính tự phát, chưa được kiểm soát chặt chẽ trong khi hệ thống hạ tầng không đồng bộ và đã bị quá tải. Vì vậy, để giải quyết bài toán môi trường và phát triển bền vững, rất cần có những giải pháp đồng bộ, phát triển đồng đều đô thị ở khắp các nơi. Khi đó sẽ giải quyết được bài toán di dân và giảm áp lực hạ tầng và môi trường sống lên các đô thị lớn.