Đồ án là gì? Hướng dẫn cách làm đồ án tốt nghiệp mới năm 2023

Hệ thống đánh giá kết quả học tập và nghiên cứu bậc Đại học tại Việt Nam hiện nay rất đầy đủ và phong phú. Là sinh viên Đại học chắc hẳn bạn cũng đã từng có những quãng thời gian miệt mài học tập, nghiên cứu và đúc kết những thành quả đó của mình vào những khóa luận, đồ án, luận văn, luận án tốt nghiệp…để phục vụ cho việc tốt nghiệp Đại học cũng như giúp ích cho công việc sau này. Đặc biệt đối với những bạn là sinh viên khối ngành kỹ thuật và mỹ thuật thì khái niệm Đồ án không còn quá xa lạ. Làm đồ án là một công việc đòi hỏi kiến thức và kĩ năng phải được tổng hợp và đúc kết từ quá trình học tập và nghiên cứu của bạn trong những năm còn là sinh viên nên đây không phải là công việc dễ dàng và đơn giản. Trong bài viết dưới đây, Luật Minh Khuê sẽ đưa ra những khái niệm cơ bản nhất về đồ án và hướng dẫn cách làm đồ án tốt nghiệp mới nhất.

1. Đồ án là gì?

Đồ án chính là công trình nghiên cứu của các bạn sinh viên năm cuối để tốt nghiệp ra trường. Đồ án thường dành cho khối ngành kỹ thuật và nó thường gắn liền với các bạn sinh viên để phục vụ cho việc tốt nghiệp. Đồ án thường được trình bày ở dạng bài khảo sát dài với các thông số kỹ thuật và kiến thức từ các bài nghiên cứu vì nó giúp người đọc hiểu sâu hơn về các lĩnh vực nghiên cứu.

Một số loại đồ án: Tương ứng với các môn học khác nhau sẽ có các loại đồ án khác nhau như: đồ án kỹ thuật thi công, đồ án bê tông cốt thép, đồ án kiến trúc dân dụng, đồ án kết cấu thép,…. 

 

2. Cấu trúc của một đồ án tốt nghiệp

Với đồ án tốt nghiệp của các bạn sinh viên thì thường không có một cấu trúc chuẩn nào. Mỗi một lĩnh vực sẽ có những cấu trúc riêng không hề giống nhau. Tuy nhiên, về cơ bản chúng cũng có các phần giống nhau. Dưới đây là cấu trúc cơ bản của một đồ án tốt nghiệp cần có:

  • Nêu lên được nhiệm vụ của đồ án tốt nghiệp.
  • Nhận xét của giảng viên hướng dẫn.
  • Nhận xét của giảng viên phản biện.
  • Lời cảm ơn.
  • Mục lục.
  • Danh mục hình vẽ trong đồ án.
  • Danh mục các từ viết tắt trong đồ án.
  • Phần nội dung đồ án (gồm các chương).
    • Chương 1: Giới thiệu (Lý do chọn đề tài, mục tiêu nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu, tóm tắt đề tài)
    • Chương 2: Nền tảng lý thuyết.
    • Chương 3: Thực nghiệm.
    • Chương 4: Thảo luận và đánh giá.
    • Chương 5: Kết luận.
  • Tổng hợp tài liệu tham khảo.

* Lưu ý: Chương kết luận và chương 1 chính là 2 phần đặc biệt quan trọng trong đồ án. Nó bao gồm nội dung của cả đồ án. Chính vì vậy, cần phải đầu tư công sức, chăm chút và viết một cách tỉ mỉ đối với 2 chương này. Còn, chương 2 là phần nền tảng lý thuyết và từ chương 3 về sau là những chương tập trung làm rõ đề tài.

 

3. Trình tự làm đồ án tốt nghiệp

– Bước 1: Xác định đề tài
Bước đầu tiên trước khi làm đồ án tốt nghiệp chính là xác định đề tài nghiên cứu để tìm ra được đề tài hợp lý. Các bước xác định đề tài bao gồm:

  • Xác định nhiệm vụ nghiên cứu
  • Xác định đối tượng và khách thể nghiên cứu
  • Xác định giới hạn và phạm vi nghiên cứu
  • Lập và phân tích mục tiêu nghiên cứu
  • Đặt tên đề tài

– Bước 2: Xây dựng đề cương
Đề cương cũng chính là dàn bài nghiên cứu của đồ án tốt nghiệp. Đây chính là cơ sở để giảng viên hướng dẫn và là tiền đề để thực hiện nên một bài đồ án hoàn chỉnh. Nội dung đề cương gồm các bước:

  • Nêu lý do chọn đề tài
  • Khách thể và đối tượng nghiên cứu, khảo sát
  • Giới hạn và phạm vi nghiên cứu
  • Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
  • Điểm mới của đề tài 
  • Phương pháp nghiên cứu
  • Dàn ý nội dung của đề tài
  • Kế hoạch, tiến độ thực hiện đề tài
  • Chuẩn bị các phương tiện nghiên cứu (tài liệu, thiết bị nghiên cứu…)

Đề cương càng có các chi tiết rõ ràng thì quá trình hoàn thiện nội dung đồ án càng dễ dàng và nhanh chóng. Đồng thời nhờ có đề cương mà giúp tránh được tình trạng thừa thiếu nội dung trong bài đồ án tốt nghiệp.
– Bước 3: Lập kế hoạch nghiên cứu
Kế hoạch nghiên cứu là văn bản trình bày kế hoạch dự kiến để triển khai đề tài về nội dung công việc, thời gian thực hiện, sản phẩm cần chuẩn bị… Các giai đoạn thực hiện gồm: Giai đoạn chuẩn bị kế hoạch nghiên cứu, giai đoạn nghiên cứu thực sự, giai đoạn định ra kết cấu đồ án và giai đoạn viết đồ án.
– Bước 4: Thu thập xử lý thông tin

  • Tìm kiếm, nghiên cứu tài liệu
  • Xử lý thông tin
  • Xử lý số liệu
  • Thực hành chế tạo sản phẩm

– Bước 5: Viết thuyết minh đồ án
Đây là bước khá quan trọng trong việc hoàn thành đồ án. Quá trình này cần phải được chuẩn bị từ đầu và trình lên giảng viên hướng dẫn duyệt. Nếu được duyệt thì sinh viên sẽ bắt đầu viết vào bản chính và hoàn thiện đồ án của mình.
– Bước 6: Bảo vệ đồ án
Sau khi đã hoàn thiện đồ án sinh viên sẽ phải trình lên giảng viên để được xem xét, ký duyệt. Trước khi bảo vệ đồ án sinh viên cần trang bị đầy đủ kiến thức, kiểm tra bản vẽ, sản phẩm kỹ lưỡng và luyện tập để có thể thực hiện tốt quá trình bảo vệ đồ án.

 

4. Hướng dẫn cách làm đồ án tốt nghiệp mới nhất

– Lời giới thiệu: Có thể nói đồ án tốt nghiệp là một sản phẩm quan trọng, là đứa con tinh thần của sinh viên. Song làm như thế nào, viết như thế nào, bảo vệ như thế nào thì sinh viên còn có quá nhiều bỡ ngỡ. Chính vì vậy sau khi tham khảo, phân tích, và thống nhất biên soạn tài liệu hướng dẫn này nhằm giúp sinh viên phần nào tháo gỡ các khó khăn ấy. Đồng thời làm cơ sở thống nhất trong toàn Khoa về việc quản lý, quy trình tổ chức cho sinh viên trong khi làm đồ án tốt nghiệp, giúp cho giáo viên trong quá trình hướng dẫn sinh viên và đánh giá kết quả đồ án tốt nghiệp của sinh viên được đúng đắn và thuận lợi.
– Thuật ngữ:

  • + Đồ án tốt nghiệp dùng cho hệ kĩ thuật, công nghệ.
  • + Luận văn tốt nghiệp dùng cho hệ khoa học xã hội, nhân văn.
  • + Luận văn cao học.
  • + Luận án Tiến sĩ.

Trong tài liệu này, chúng ta thống nhất dùng thuật ngữ đồ án tốt nghiệp. Trong điều kiện cụ thể của hệ đào tạo, người đọc có thể thay thế cho phù hợp.
– Mục đích làm đồ án: Đồ án tốt nghiệp là một dịp rất tốt để sinh viên: Rèn luyện kĩ năng tổng hợp các kiến thức đã học trên mọi phương diện. Rèn luyện tính tự chủ và tinh thần trách nhiệm trong công việc. Độc lập, tự chủ tạo ra một bản thiết kế, một bản đồ án hay luận văn hoàn chỉnh.
– Ba câu hỏi lớn khi làm đồ án tốt nghiệp: Quá trình làm đồ án tốt nghiệp hay nhận nhiệm vụ thực tập, sinh viên cần nhớ và trả lời được 3 câu hỏi lớn như sau:
Làm gì ? Làm như thế nào ? Kết quả ra sao ?
Trả lời tốt được 3 câu hỏi trên sẽ dẫn đến thành công và giúp sinh viên giải quyết được những lúng túng.

  • Làm gì? Nhiệm vụ được giao hoặc tự mình xác định cần phải giải quyết.
  • Làm như thế nào? Phần này bao gồm những ý chính như sau: Tổng hợp, phân tích, đánh giá những cái người khác đã làm (trong nước và quốc tế). Ghi chép lại các tài liệu tham khảo, website, phần mềm … tham khảo để trích dẫn và để xếp vào phần phụ lục. Đề xuất ra phương án giải quyết của mình. Chứng minh, lý giải vì sao chọn phương án như thế. Thiết kế chi tiết theo đề xuất của mình.
  • Kết quả ra sao ? Kết quả mình đã làm như các kết quả điều tra, kết quả phần cứng, phần mềm, các biểu bảng, hình vẽ…), Đánh giá kết quả, so sánh với ý muốn ban đầu, so sánh với kết quả của người khác… Đề ra phương hướng khắc phục những cái chưa giải quyết được.

Với tư duy của 3 câu hỏi trên, các sinh viên sẽ yên tâm thoát khỏi sự lúng túng. Phần sau đây sẽ trình bày chi tiết hơn các công việc phải làm.  
– Yêu cầu đối với sinh viên: Sinh viên phải có trách nhiệm gặp thầy giáo hướng dẫn hàng tuần để báo cáo công việc đã làm trong tuần và xin ý kiến về các công việc tiếp theo. Hoặc thầy trò liên lạc nhau qua E-mail, vừa tiện lợi, vừa nhanh chóng. Liên hệ và thoả thuận với thầy về điều kiện và phương tiện làm việc. Khi được thầy giáo hướng dẫn bố trí nơi làm thì sinh viên phải làm việc tại phòng máy và có trách nhiệm bảo quản máy móc và các trang thiết bị khác và tuân thủ nội qui phòng máy hoặc phòng thí nghiệm…
– Các bước tiến hành khi làm đồ án tốt nghiệp:

  • Nhận đề tài
  • Tìm tài liệu tham khảo. Đây là khâu rất quan trọng. Có tài liệu tham khảo tốt sẽ đảm bảo đồ án thành công tốt.
  • Nghiên cứu sơ bộ tài liệu và đề tài, sau đó viết đề cương (sơ bộ) của đồ án và thông qua giáo viên hướng dẫn, bộ môn có trách nhiệm duyệt đề cương chính thức. Đề cương sẽ giúp sinh viên khái quát vấn đề trước khi đi vào chi tiết. Cái tổng thể phải được hình dung trước, làm trước cái chi tiết.
  • Tiến hành nghiên cứu lý thuyết, làm thực nghiệm theo nội dung đề tài đã được vạch ra trong đề cương. Vừa làm vừa viết đồ án để thực nhiện đúng tiến độ do giáo viên hướng dẫn đề ra.
  • Hoàn chỉnh đồ án tốt nghiệp.
  • Nộp đồ án cho thầy hướng dẫn duyệt lần cuối.
  • Nộp 04 đồ án cho bộ môn (1 cho giáo viên hướng dẫn, 1 cho bộ môn, 1 cho phản biện, 1 cho phòng Đào tạo quản lý sau chuyển sang thư viện).
  • Bộ môn tổ chức đánh giá, xét duyệt lần cuối kết quả từng đồ án (quyển và test chương chình, phần cứng, sơ đồ thiết kế vv…), chuyển kết quả duyệt của Bộ môn và nộp đồ án (02 bộ) cho phòng đào tạo.
  • Phòng đào tạo chuyển đồ án cho phản biện (trong khoảng 03-05 ngày phản biện chấm, và nộp bản nhận xét của phản biện về cho Phòng đào tạo)
  • Hội đồng xét tư cách bảo vệ tốt nghiệp họp ra quyết định danh sách chính thức được bảo vệ tốt nghiệp. Các trường hợp sau sẽ không được bảo vệ:
    • Sinh viên cả đợt làm đồ án tốt nghiệp không gặp thầy giáo hướng dẫn sau lần giao nhiệm vụ đầu tiên, hàng tuần không báo cáo tiến độ thực hiện sẽ bị xử lý như là không làm đồ án và bị đình chỉ, không được bảo vệ đồ án.
    • Đến hạn không nộp báo cáo.
    • Đồ án không đạt yêu cầu khi thông qua duyệt lần cuối ở bộ môn.
    • Phản biện không đề nghị cho bảo vệ tốt nghiệp trước Hội đồng.
    • Sinh viên chưa hoàn thành đóng học phí theo quy định, đang trong thời gian thi hành án do vi phạm pháp luật.

– Chuẩn bị bảo vệ tốt nghiệp: chuẩn bị powerpoint chiếu, bảo vệ thử, viết tóm tắt nội dung bảo vệ, chuẩn bị máy tính và máy chiếu, bản vẽ các loại …
– Xây dựng đề cương của đồ án: Dựa vào nội dung bố cục đồ án và yêu cầu tại các phần 3, 4 của các bước tiến hành làm đồ án tốt nghiệp, sinh viên cần lập đề cương viết đồ án cho thầy hướng dẫn kèm theo báo cáo kết quả đã làm để thầy giáo có thể chỉnh sửa, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn gặp phải. Đề cương này đóng vai trò quan trọng, giúp sinh viên có một khung tổng quát về đồ án của mình, sau đó mới viết chi tiết.  
– Trình bày đồ án tốt nghiệp: Đồ án là thể hiện kết quả cuối cùng của cả quá trình làm đồ án tốt nghiệp. Báo cáo Đồ án tốt nghiệp là một cơ sở quan trọng để các thầy giáo và hội đồng chấm điểm. Chữ Viết: Soạn thảo trên Winword với bộ chữ unicode theo tiêu chuẩn TCVN-6909 để dễ lưu trữ, trao đổi, khai thác. Chữ viết qui định là Times New Roman, cỡ chữ 13 như dòng chữ này, cách dòng 1,5. Khổ giấy A4, lề trái 3,5cm, lề phải 2 cm, lề trên: 3,5 cm, lề dưới: 3cm như mẫu bản hướng dẫn này. Không viết gì trên Header và Footer Số trang nội dung đồ án không được dưới 60 trang không kể phụ lục . Cả quyển đồ án không nên quá 100 trang. Quyển đóng bìa cứng chữ mạ mầu vàng. Bìa lót in màu, có Logo khoa ở góc trái trên và ảnh sinh viên góc phải trên. Công cụ viết đồ án: nên sử dụng bộ công cụ (của Microsoft) gồm: – để vẽ không chỉ sơ đồ các loại máy tính, mạng máy tính … mà còn cả sơ đồ phân tích và thiết kế hệ thống. Ngoài ra phần mềm này còn hữu ích cho rất nhiều chuyên ngành khác: điện, điện tử… và dùng Visio Home đối với các ngành kiến trúc, xây dựng… Sinh viên có thể tham khảo tài liệu hướng dẫn và tra cứu Visio và các font chữ đặc dụng khác (chữ phiên âm, kí hiệu điện tử, đồ vật …)
– Một số vấn đề về bản quyền: Đồ án tốt nghiệp thường được hiểu là có hai loại:

  • Thực hiện một nhiệm vụ nào đó để hoàn thành quá trình học tập, nhận bằng tốt nghiệp. Sinh viên có thể tự xoay sở điều kiện làm việc để hoàn thành đồ án. Sinh viên có quyền khai thác và sử dụng đồ án của mình vào những việc khác.
  • Thực hiện một đề tài, một nhiệm vụ trong ý đồ chiến lược, trong chương trình và đề tài nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất của thầy giáo, của cơ sở đào tạo (Trung tâm, Viện nghiên cứu, các Công ty). Cơ sở đào tạo cung cấp các phương tiện và điều kiện làm việc khác: máy móc, sách vở, điện thoại, truy cập Internet, máy in, dụng cụ thiết bị thí nghiệm … Trong trường hợp này, toàn bộ bản quyền không thuộc về sinh viên. Sinh viên chỉ là một người tham gia thực hiện. Sản phẩm làm ra, sinh viên không được tuỳ tiện sử dụng ở những nơi khác với mục đích khác. Vai trò của thầy hướng dẫn là định hướng và cho ý tưởng đề tài, cung cấp các tài liệu tham khảo (nếu có), tạo điều kiện cơ sở vật chất (chỗ ngồi, máy tính, máy in, vật tư tiêu hao, phương tiện thông tin liên lạc, Internet …) để hoàn thành công việc. Khi có ý tưởng tốt + tài liệu tham khảo tốt thì đồ án đã hoàn thành được tới hơn 50%.

– Bố cục đồ án tốt nghiệp: Nội dung đồ án có thể gồm nhiều phần. Trong đó một số phần có thể có nhiều chương. Sau đây là một số gợi ý để sinh viên tham khảo. Nhiệm vụ đồ án có thể là tổng hợp của nhiều phần như sau:

  • Thiết kế một máy công tác, một dây chuyền sản xuất …
  • Xây dựng một hệ thống tin học tương đối hoàn chỉnh.
  • Phân tích – thiết kế hệ thống, lập chương trình …
  • Thiết kế và thi công mạch điện tử (phần cứng),
  • Đọc tài liệu và tổng hợp kiến thức,
  • Khai thác phần mềm, viết tài liệu hướng dẫn sử dụng.

Như vậy một đồ án, đồ án có khi chỉ là đọc sách, tổng hợp biên tập lại sao cho dễ hiểu, tổng quan, đầy đủ với các phân tích của sinh viên, không nhất thiết phải ra một phần mềm, một cái máy.
– Lời cảm ơn: thầy giáo hướng dẫn và các cán bộ hỗ trợ, các cơ sở đào tạo liên quan …
– Lời cam đoan: cam đoan về nội dung đồ án không sao chép nội dung cơ bản từ các đồ án khác và sản phẩm của đồ án là của chính bản thân nghiên cứu xây dựng nên.
– Mục lục.
– Tài liệu tham khảo: Cụm từ điển giải thích thuật ngữ tiếng Anh có liên quan. Tài liệu tham khảo (kể cả các đồ án năm trước). Nên ghi theo thứ tự: Tên tác giả. Tên sách, bài…, Nhà xuất bản, Năm xuất bản. Tên tác giả, năm công trình xuất bản, tên tài liệu (bài báo/công trình khoa học, sách…), (tên tạp chí, tập bao nhiêu), Nhà xuất bản, (Nơi xuất bản), bao nhiêu trang (sách, báo cáo) hoặc từ trang bao nhiêu đến trang bao nhiêu.
– Phần phụ lục:

  • Mã nguồn của chương trình chỉ đưa vào những mô đun trọng tâm trong nội dung của đồ án.
  • Danh mục và nội dung đĩa CD kèm theo.

– Sản phẩm kèm theo đồ án tốt nghiệp: Trên nhãn cần ghi rõ: Họ và Tên sinh, Lớp, Khoa (chuyên ngành) và Thời gian làm đồ án.
– Thời gian nộp đồ án: Thời gian nộp bản nháp đồ án lần cuối cho thầy giáo hướng dẫn chậm nhất là 2 tuần trước khi bảo vệ để thầy hướng dẫn chỉnh sửa lần cuối cùng. Thời gian bộ môn nộp đồ án cho Trường: 7 ngày trước khi bảo vệ.
– Đánh giá kết quả
– Bảo vệ đồ án
– Sinh viên thực hiện
– Giáo viên hướng dẫn

* Những lưu ý quan trọng khi viết đồ án: Để làm hoàn chỉnh một đồ án, cần phải có khâu chuẩn bị thật tốt để tạo nên sự thành công cho đồ án. Những điều cần chý ý để có một bài đồ án tốt nghiệp hoàn chỉnh: 

– Đặt vấn đề khi làm đồ án: Khi nhận nhiệm vụ thực tập và làm đồ án tốt nghiệp thì các bạn cần phải đặt ra những câu hỏi chủ chốt cho bản thân để phục vụ quá trình làm đồ án. Hãy trả lời ba câu hỏi quan trọng sau:

  • Làm gì? Đó là những nhiệm vụ mà bạn được giao hoặc là bạn đã xác định được vấn đề nổi cộm.
  • Làm như thế nào? Thực hiện phân tích và đánh giá đối với những cái mà người khác đã từng làm. Thực hiện việc ghi chép lại những tài liệu tham khảo, phương tiện, công cụ. Đưa ra các phương án để giải quyết vấn đề.
  • Kết quả của đồ án: Kết quả của cuộc khảo sát, đánh giá về kết quả, tiến hành mang kết quả đó để so sánh với các kết quả của người khác. Khi đặt ra được ba câu hỏi trên đây thì các bạn sẽ có thể dễ dàng khắc phục được các vấn đề nan giải mà không biết nên bắt đầu từ đâu.

– Những yêu cầu cụ thể đối với sinh viên làm đồ án tốt nghiệp: Đối với các bạn sinh viên làm đồ án thì kể từ khi bắt tay vào làm đồ án, các bạn cần phải chủ động liên hệ với thầy cô hướng dẫn của các bạn, hàng tuân tới trường một buổi để báo cáo thầy cô về tiến trình làm đồ án cũng như là những công việc đã thực hiện được, đồng thời cũng là để hỏi ý kiến của thầy cô hướng dẫn về các vấn đề gặp phải trong quá trình làm đồ án. Hoặc khi làm đồ án thì các bạn và thầy cô hướng dẫn có thể trao đổi thường xuyên với nhau thông qua email và thông qua điện thoại để tiện cho việc liên lạc. Bên cạnh đó, các sinh viên cũng cần phải trao đổi với thầy cô của mình về điều kiện cũng như là phương tiện phục vụ cho quá trình làm đồ án. Nếu trong trường hợp mà giáo viên trực tiếp bố trí nơi làm việc để thực hiện đồ án cho sinh viên thì các bạn cần phải bảo quản những đồ dùng, thiết bị học tập phục vụ quá trình làm đồ án.

>> Xem thêm Trích dẫn là gì? Cách trích dẫn văn bản, tài liệu tham khảo chuẩn nhất

Trên đây là toàn bộ bài viết của Luật Minh Khuê về đồ án và những hướng dẫn làm đồ án. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho quý bạn đọc những thông tin hữu ích. Xin chân thành cảm ơn.