Định hướng và lựa chọn ngành nghề phù hợp
ĐỊNH HƯỚNG VÀ LỰA CHỌN NGÀNH NGHỀ PHÙ HỢP
ThS. Phạm Thị Toàn – Giảng viên Khoa Hành chính học
Hiện nay, phần lớn các bậc phụ huynh để cho con em mình được tự lựa chọn nghề nghiệp tương lai, vì không muốn ép buộc con cái vào những công việc mà con không thích. Việc lựa chọn nghề nào phụ thuộc rất lớn việc các em học sinh quyết định chọn trường và ngành học vụ thể cho mình. Có rất nhiều các yếu tố tác động đến việc lựa chọn ngành học của học sinh THPT, tuy nhiên, nhiều bạn học sinh vẫn chưa hiểu kỹ càng về việc chọn lựa ngành học và nghề nghiệp tương lai dẫn đến quyết định ngành nghề chưa phù hợp với bản thân và xã hội.
Bài viết này sẽ giúp các bạn học sinh có thêm căn cứ định hướng và lựa chọn ngành học, nghề nghiệp phù hợp.
I. Năng lực của bản thân
Thứ nhất, là sở thích và sự hứng thú với ngành nghề mình chọn.
Muốn làm nghề gì trước hết bản thân phải thích, hứng thú với công việc trong nghề, nếu không thích thì đừng chọn. Chúng ta không thể thay đổi nghề dễ như thay đổi cái áo được. Hơn nữa, ta không dễ gì đến với nghề khác theo sở thích của bản thân mình ngay sau khi ta đã chán nghề đã chọn…
Đối với các bạn học sinh, chỉ có sự thích thú với ngành học đã chọn thì các bạn mới hoàn thành tốt chương trình học tại các trường theo chuyên ngành, đối với người lao động, chỉ có niềm đam mê, hứng thú với công việc mới có thể giúp họ vượt qua những khó khăn của nghề nghiệp, giúp họ ngày càng hoàn thiện nghề nghiệp để có được một sự nghiệp vững chắc. Vì vậy, khi chọn ngành nghề, yếu tố đầu tiên cần phải tính đến, đó là bản thân có yêu thích, hứng thú đối với nghề đó hay không?
Ví dụ: Người có sở thích hướng ngoại, hứng thú với các công việc xã hội, cộng đồng thì có thể chọn ngành Quản lý nhà nước hoặc Xây dựng chính quyền.
Thứ hai, Sở trường của bản thân
Mỗi người đều có những khả năng, điểm mạnh riêng biệt như: giao tiếp, trí tuệ, thể chất…. Những khả năng này nếu được rèn luyện sẽ phát triển thành những kĩ năng và thế mạnh cần có trong nghề nghiệp. Nếu chọn ngành thuộc về sở trường, cá nhân có thể làm việc rất hiệu quả và thành công, ngược lại, nếu người nào đó chọn công việc, nghề nghiệp mà bản thân thiếu khả năng, thế mạnh thì hiệu quả và chất lượng khó đạt như mong muốn, thậm chí thất bại.Do đó việc hiểu được năng lực của mình cùng với những yêu cầu của nghề nghiệp bắt buộc phải có là yếu tố rất quan trọng để chọn nghề cho mỗi cá nhân.
Ví dụ: Nếu người nào có năng khiếu hội họa thì việc chọn nghề nhiếp ảnh hay kiến trúc sư trở thành rất thuận lợi, dễ dàng và ngược lại. Người có năng khiếu giao tiếp, hung biện, năng khiếu về thiết lập các mối quan hệ xã hội có thể chọn ngành Quản lý nhà nước, chính trị học.
Thứ ba, tính cách
Con người trong xã hội có nhiều tính cách đa dạng. Có người hiểu được cá tính của mình, cũng có người không hiểu hết cá tính của mình. Việc hiểu rõ cá tính của bản thân để từ đó chọn công việc, nghề nghiệp và môi trường làm việc phù hợp với cá tính của mình sẽ là yếu tố góp phần quan trọng giúp ta đạt được sự thành công và thỏa mãn trong công việc.
Người có các đặc điểm về tính cách như: trách nhiệm, cẩn thận, nguyên tắc, rộng lượng, điềm đạm… thì sẽ phù hợp với các công việc trong cơ quan HCNN.
II. Mục tiêu chức nghiệp – giá trị nghề nghiệp mà mỗi cá nhân hướng tới
Giá trị nghề nghiệp là những điều được cho là quý giá, là quan trọng, và có ý nghĩa mà mỗi người mong muốn đạt được khi trở thành người lao động trong lĩnh vực nghề nghiệp nào đó. Nói cách khác, giá trị nghề nghiệp chính là những nhu cầu quan trọng cần được thỏa mãn của mỗi người khi tham gia lao động nghề nghiệp.
Do quan niệm, nhận thức và điều kiện sống của mỗi người khác nhau nên mục tiêu chức nghiệp của mỗi người cũng khác nhau. Có người cho rằng mục tiêu của họ chỉ đơn giản là có công việc ổn định, thu nhập đảm bảo cho cuộc sống của bản thân và gia đình; Có người lại coi sự thăng tiến trong nghề nghiệp để được giữ vai trò lãnh đạo là giá trị nghề nghiệp của họ. Việc tìm hiểu để biết rõ giá trị nghề nghiệp của bản thân đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định nghề nghiệp. Giá trị nghề nghiệp chính là động lực thúc đẩy người ta chọn nghề đó, quyết định tiếp tục với nghề đó hay đổi nghề khác, phản ánh mức độ thỏa mãn, hạnh phúc trong nghề nghiệp của mỗi người. Nghiên cứu cho thấy có đến 90% người lao động đổi công việc vì giá trị nghề nghiệp của họ không được thỏa mãn.
Trong cuộc sống ai trong chúng ta cũng muốn có một công việc ổn định, lương cao, môi trường làm việc tốt, được nhiều người tôn trọng, vị trí công tác cao, cơ hội thăng tiến tốt, v.v….Tất cả những mong muốn trên là mong muốn chính đáng của mỗi người và đó chính là “trái ngọt” trong “cây nghề nghiệp”. Để có được những kết quả (hay trái ngọt) trong nghề nghiệp, việc chọn ngành học, chọn nghề phù hợp với sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp của mỗi người là rất quan trọng.
Ví dụ làm việc trong cơ quan nhà nước (công chức) thường sẽ có mục tiêu: ổn định công việc và thu nhập; có cơ hội cống hiến cho đẩt nước, xã hội; có cơ hội thăng tiến, có quyền lực.
III. Nhu cầu xã hội
Khi lựa chọn nghề điều quan trọng phải xem nhu cầu xã hội ra sao.Vì chúng ta đi học, lựa chọn nghề nghiệp để đi làm phục vụ cho xã hội từ đó mới phục vụ bản thân. Qua các kênh thông tin báo chí, truyền hình,mạng internet, gia đình, bạn bè, các chuyên gia,… về vấn đề lao động việc làm. Khi đó ta cần tìm hiểu một số nội dung sau:
– Vị trí việc làm của nghề đó là gì? Phạm vi hành nghề có rộng không?
– Tính cạnh tranh khi đi xin việc, tức là khi xin việc thì nghề này có nhiều người xin vào không? Khả năng cạnh tranh của mình thế nào.
– Tính bền vững của nghề, tức là nghề này có được tuyển và trọng dụng lâu dài không?
– Môi trường nghề nghiệp (nơi công tác) đó có phù hợp với điều kiện của bản thân không?
– Nghề nghiệp này có nằm trong mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội chung và của địa phương không?
Ví dụ như ngành Quản lý nhà nước, nhu cầu xã hội đối với ngành này luôn hiện diện bởi Nhà nước luôn tồn tại trong bất cứ chế độ xã hội nào cho nên nghề có tính bền vững cao. Sinh viên học ngành này có cơ hội việc làm không chỉ ở khu vực nhà nước mà còn ở khu vực tư nhân, môi trường làm việc ngày càng năng động, sáng tạo do xu thế cải cách hành chính nhà nước thời gian qua.
IV. Thu nhập
Khi lựa chọn ngành nghề bao giờ cũng liên tưởng là thu nhập của mình. Nhưng ta chưa thể biết trước chính xác sau này được bao nhiêu. Tuy nhiên đối chiếu vào thực tế có thể biết được các mức thu nhập tương đối của các ngành nghề. Những ngành nghề có thu nhập cao thường là những nghề mà đòi hỏi chất xám cao, nghề đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, những nghề yêu cầu đầu vào mà ít người có thể đáp ứng được, những ngành nghề không nhiều nguồn cung, những nghề tạo ra giá trị lớn, những ngành nghề độc hại, nghề có tính rủi ro….
Việc chọn nghề có thu nhập cao sẽ quyết định hiệu quả, giá trị tài chính mà công việc đem lại cho mỗi cá nhân. Do đó nên chọn nghề nghiệp có thu nhập khá trở lên để có sự đầu tư đúng hướng, có động lực đáng để quyết tâm phấn đấu.
Qua những phân tích nêu trên, có thể thấy đây là những cơ sở đáng chú ý giúp cho các em học sinh có sự lựa chọn ngành nghề đúng, phù hợp với bản thân, với xã hội, phát huy tối đa sức mạnh của mình và đem lại hiệu quả trong việc học cũng như việc làm sau này./.