Định hướng phát triển của các nước Mỹ Latinh dưới chính thể cánh tả

(LLCT) – Lực lượng cánh tả đã thực sự đóng vai trò chủ đạo trong đời sống chính trị – xã hội khu vực. Tuy vậy, các Chính phủ hiện tại không có sự đồng nhất về chính sách kinh tế nên thực quyền chính trị cũng có sự khác biệt. Cho nên, việc định hướng phát triển của các quốc gia này cũng khác nhau về mức độ và quy mô.

Từ cuối những năm 90 thế kỷ XX đến nay, sự thắng lợi và lên cầm quyền của lực lượng cánh tả ở nhiều nước Mỹ Latinh đã và đang làm thay đổi toàn cảnh bức tranh khu vực vốn được xem là “sân sau” của Mỹ trong suốt gần một thế kỷ qua. Tuy nhiên, hiện nay trong nội bộ các nước Mỹ Latinh dưới chính thể cánh tả đang có sự phân chia thành 2 nhóm nước với hai mô hình khác nhau: 1) Nhóm cácchính phủ cánh tả ít nhiều còn áp dụng chính sách tự do mới và ủng hộ tầng lớp tư sản quốc gia hoặc khu vực trong các dự án, chương trình của mình như Braxin, Urugoay, Chilê và Achentina; 2) Các chính phủ cánh tả khác lại chống đối mạnh mẽ giới tư bản địa phương và nước ngoài trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng. Nhóm này có xu hướng quốc hữu hóa, tăng cường vai trò của nhà nước một cách triệt để như Vênêduêla, Bôlivia, Ecuado và Nicaragoa. Chính sự khác nhau trong định hướng chính sách trên đã làm cho quá trình quốc hữu hóa và định hướng phát triển đất nước của 2 nhóm nước này có sự  khác nhau.

1. Quá trình quốc hữu hóa của các nước Mỹ Latinh dưới chính thể cánh tả

Mặc dù chỉ chiếm hơn 8% dân số và 14,7% diện tích thế giới, nhưng khu vực Mỹ Latinh lại đang nắm giữ nhiều ngành kinh tế then chốt,nhiều nguồn tài nguyên và khoáng sản với trữ lượng lớn của thế giới như: tiềm năng thủy điện (35%), bạc (31%), đồng (28%), than đá (27%), dầu lửa (24%)…Để phát huy tiềm năng và lợi thế của những ngành kinh tế then chốt này, hainhóm nước “cánh tả” trên đã đồng loạt tiến hành quốc hữu hóa và tăng cường vai trò kiểm soát của nhà nước đối với hầu hết các ngành kinh tế quan trọng, tuy nhiên mức độ thực hiện của hainhóm nước này lại có sự khác nhau.

Nhóm nước thứ nhất

Braxin – nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh, suốt gần 3 thập niên trở lại đây vẫn chịu ảnh hưởng rất lớn của nền kinh tế thị trường theo hướng tự do mới. Tháng 10-2002, với thắng lợi của Chính phủ cánh tả tiến bộ, Tổng thống Lula da Silva lên cầm quyền thay Tổng thống Fernando Henrique Cardoso (1995 – 2002) vẫn tiếp tục thực thi chính sách ổn định nền kinh tế trên cơ sở những gợi ý của IMF trong thỏa thuận với chính phủ tiền nhiệm. Do vậy, Braxin không những được IMF cho vay những khoản tín dụng nhất định cho phát triển kinh tế mà đầu tư nước ngoài của Mỹ, Đức, Ấn Độ, Trung Quốc,…vào quốc gia này cũng gia tăng theo.

Đầu năm 2007, sau khi tái đắc cử, Chính phủ của ông Lula da Silva bắt đầu kiểm soát và can thiệp vào một số ngành kinh tế trọng yếu như dầu mỏ và thủy điện. Tuy nhiên, quá trình quốc hữu hóa của Braxin cũng ở mức độ.

Ở Achentina, tháng 5-2003, Tổng thống Nestor Kirchner bắt đầu trả hết nợ cho IMF, đồng thời quốc hữu hóa một số doanh nghiệp tư nhân trước đó. Đến năm 2007, được các lực lượng cánh tả ủng hộ, phu nhân của Tổng thống Nestor Kirchner, bà Cristina Fernández de Kirchner thắng cử và trở thành nữ Tổng thống đầu tiên ở Achentina. Bà Kirchner đã tiếp tục đẩy mạnh chính sách của chồng bằng cách can thiệp, gia tăng vai trò của nhà nước trong một số ngành kinh tế còn khó khăn. Tháng 11-2008, nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động nghỉ hưu, sau khi các quỹ hưu tríbị mất gần 20% giá trị do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chính phủ đã thông qua Thượng viện đề xuất quốc hữu hóa quỹ đầu tư hưu trí mà trước đó Hạ viện đã nhất trí thông qua. Kể từ đó, Chính phủ bắt đầu nắm cổ phiếu của một số công ty lớn nhất trong nước. Ngoài ra, những năm gần đây, Chính phủ đã tiến hành quốc hữu hóa một loạt ngành như: dịch vụ bưu chính, đường sắt và cấp nước. Tuy nhiên, quá trình này chỉ diễn ra ở mức độ thấp.

Ở Chilê, dưới ảnh hưởng của nền kinh tế theo hướng tự do mới, quá trình quốc hữu hóa chỉ diễn ra nhỏ lẻ. Trước đây, trong gần 20 năm (1973 – 1990), Chilê theo đuổi chính sách kinh tế cân bằng và đã cho tư hữu hóa nhiều cơ sở quốc doanh. Ba chính phủ dân sự kế tiếp cũng theo con đường đó nhưng ở tốc độ chậm hơn. Chính phủ Chilê từ đó chỉ nắm giữ vai trò điều hành hạn chế, ngoại trừ vài trường hợp như việc sở hữu công ty đồng CODELCO. Chính phủ kiên quyết theo đuổi tự do mậu dịch và đã ký kết một số hiệp ước tự do mậu dịch với Hoa Kỳ, khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Dilân, Xingapo, Brunây và Đài Loan.

 Ngành khai thác và xuất khẩu đồng được xem là ngành kinh tế đem lại nguồn ngân sách quốc gia lớn nhất cho đất nước này (khoảng 70% nguồn ngoại tệ). Năm 2000, do ảnh hưởng của phong trào cánh tả ở Vênêduêla, ứng cử viên của Đảng Xã hội Chilê, ông  Ricardo Lagos Escobar đắc cử Tổng thống. Đến năm 2005, ứng viên Đảng Xã hội, bà Michelle Bachelet Jeria cũng tiếp tục thắng cử và trở thành nữ Tổng thống đầu tiên tại quốc gia này. Sự nắm quyền của đảng cánh tả ở Chilê đã bước đầu có ảnh hưởng tích cực đến quá trình quốc hữu hóa một số ngành kinh tế, nhất là trong ngành khai thác đồng.

Ở Urugoay, năm 2004, ông Tabare RamonVazquez Rosas – ứng cử viên của liên minh cánh tả Mặt trận rộng rãi (FA) thắng cử Tổng thống với 50,69% phiếu bầu(3). Tiếp đến nhiệm kỳ 2010 -2015 của ông Jose Mujica, vị nguyên thủ thứ 40 trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này, đánh dấu nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai liên tiếp của liên minh cánh tả Mặt trận rộng rãi. Dưới sự lãnh đạo của liên minh cánh tả, Chính phủ Urugoay không thực hiện quốc hữu hóa một cách cụ thể, nhưng có xu hướng chống lại việc sở hữu tư nhân, tăng cường vai trò của chính phủ trong việc sở hữu các công ty quan trọng như: công ty Republica AFAP (Quỹ hưu trí), AFE (Đường sắt), ANCAP (Năng lượng), ANCO (Bưu điện), ANTEL (Viễn thông), Brou (Ngân hàng), BSE (Bảo hiểm), OSE (Nước và nước thải) và công ty UTE (Điện lực),… Các công ty này hoạt động theo pháp luật công cộng và theo Hiến pháp của Urugoay. Ngoài ra, Chính phủ cũng có quyền sở hữu các bộ phận của nhiều công ty khác hoạt động theo pháp luật tư nhân như các hãng hàng không quốc gia PLUNA và Tổng công ty Phát triển Quốc gia.

Nhìn chung, do mối quan hệ ràng buộc với Mỹ và IMF nên nhóm nước này vẫn còn chịu sự ảnh hưởng của chủ nghĩa tự do mới.

Với nhóm nước thứ hai, quá trình quốc hữu hóa diễn ra mạnh mẽ hơn, mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước theo con đường “CNXH thế kỷ XXI” cũng quyết liệt hơn, đặc biệt là ở Vênêduêla, Bôlivia và Ecuado.

Vênêduêla là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 6 thế giới, sản lượng khai thác lớn thứ 5 và là một trong 10 nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Vì thế, ngành công nghiệp dầu mỏ được xem là ngành kinh tế trụ cột, có đóng góp nhiều nhất cho kinh tế của đất nước (chiếm tới 1/3 GDP, 80% giá trị xuất khẩu và hơn một nửa ngân sách nhà nước).

Sau khi lên nắm quyền năm 1998, đặc biệt là sau khi tái đắc cử Tổng thống năm 2006, ông Hugô Chavet đã khởi xướng một cuộc cách mạng ở Vênêduêla thông qua việc thực hiện một số chính sách như quốc hữu hóa nhiều ngành kinh tế quan trọng, sửa đổi Hiến pháp và kêu gọi quần chúng nhân dân cùng nhau xây dựng “CNXH thế kỷ XXI” nhằm chống đói nghèo vì mục tiêu công bằng, dân chủ và tiến bộ xã hội. Ngày 1-5-2007, Chính phủ Vênêduêla đã giành lại quyền điều hành và sở hữu bốn nhà máy lọc dầu ở khu Ôrinôcô. Tháng 5-2009, sau khi thông qua đạo luật cho phép Chính phủ kiểm soát toàn bộ ngành công nghiệp được xem là “vàng đen” của đất nước, Vênêduêla tiếp tục quốc hữu hóa 39 công ty dầu mỏ tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài (trong đó có khá nhiều công ty có vốn đầu tư từ Mỹ và châu Âu). Tổng thống Hugô Chavet tuyên bố tài sản của 39 công ty tư nhân và nước ngoài bị tịch thu từ nay sẽ thuộc sở hữu Nhà nước. Sau khi tiến hành sửa đổi một số điều luật về kinh tế và nắm Công ty dầu khí quốc doanh PDVSA, Tổng thống Hugô Chavet tiếp tục tuyên bố sẽ quốc hữu hóa các ngành công nghiệp quan trọng khác như điện lực, viễn thông. Ngoài ra, Chính phủ Vênêduêla cũng công bố kế hoạch quốc hữu hóa một số công ty sắt và thép lớn nhất đất nước, đồng thời, sẽ quốc hữu hóa tất cả các ngân hàng tư nhân nếu những ngân hàng này không ưu tiên tài chính cho các công ty trong nước và không tuân thủ luật về cung cấp tín dụng cho các chương trình phát triển xã hội trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, xây dựng và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Như vậy, trong hơn 10 năm cầm quyền vừa qua, Tổng thống Hugô Chavet đã tiến hành quốc hữu hóa nhiều ngành công – nông nghiệp, dịch vụ quan trọng với mục tiêu thúc đẩy sản xuất trong nước, bình ổn thị trường. Tất cả những chính sách này đều hướng tới mục tiêu xóa nghèo đói, phát triển kinh tế và định hướng con đường phát triển lên “CNXH thế kỷ XXI” theo quan điểm của đảng cánh tả cầm quyền.

Ở  Bôlivia, quốc gia có trữ lượng khí đốt nhiều thứ hai ở Mỹ Latinh, nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào ngành khai thác năng lượng. Để tăng cường vai trò nhà nước, từng bước loại bỏ sự yếu kém của mô hình tự do mới theo kiểu Mỹ, sau khi lên cầm quyền (tháng 1-2007), Tổng thống Evô Môralét (thuộc cánh tả) đã tiến hành quốc hữu hóa các ngành kinh tế then chốt nhất như khai thác khoáng sản và khí đốt. Việc quốc hữu hóa các ngành này cho phép Chính phủ giành quyền kiểm soát những nguồn tài nguyên mang lại nhiều lợi nhuận từ tay các công ty năng lượng trong và ngoài nước, góp phần cải thiện đời sống của người dân tại quốc gia nghèo nhất Nam Mỹ này. Đây cũng là cam kết của Tống thống Evô Môralét khi nhậm chức.

Theo lệnh quốc hữu hóa mới, các công ty nước ngoài được phép tiếp tục hoạt động tại Bôlivia, tuy nhiên phải tuân thủ luật pháp của nước này, đồng thời các quyền sở hữu của nhà nước đối với đất đai và các loại tài nguyên quốc gia cũng đã được Tổng thống Evô Môralét đưa vào bản Hiến pháp mới của Bôlivia. Hiến pháp đã khẳng định các quyền cơ bản của công dân Bôlivia, trong đó chú trọng tới những thổ dân nghèo, đang chiếm số đông ở nước này; mặt khác, cho phép quyền tự trị kinh tế khu vực, tăng cường kiểm soát của nhà nước về trữ lượng khí đốt…

Ngày 1-5-2008, Tổng thống Evô Môralétquyết định chi 43 triệu USD để kiểm soát 4 công ty liên doanh năng lượng. Tổng thống Evô Môralét cũng ký sắc lệnh quốc hữu hóa Công ty viễn thông (ENTEL) – doanh nghiệp với 50% cổ phần do Công ty Telecom Italia nắm và 44% thuộc về Nhà nước Bôlivia. Theo ước tính, riêng năm 2008, ngành dầu khí đã đem lại cho ngân sách nhà nước tối thiểu 2,5 tỷ USD, tăng mạnh so với mức bình quân 300 triệu USD/năm trước khi Chính phủ quốc hữu hóa ngành này. Chính phủ Bôlivia thông báo sẽ tiếp tục quốc hữu hóa các ngành kinh tế quan trọng như điện lực và đường sắt, có phần lớn cổ phần do công ty nước ngoài nắm giữ.

Tại Ecuado, một trong những nước nghèo ở Mỹ Latinh, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn nguyên liệu thô, xuất khẩu các sản phẩm như dầu mỏ, chuối, hoa và tôm. Công nghiệp chủ yếu theo định hướng dịch vụ và thị trường nội địa. Hiện nay, tình trạng bất bình đẳng xã hội đang ở mứcgay gắt, tỷ lệ người nghèo chiếm 50% dân số (năm 2000 tỷ lệ này chiếm tới 70% dân số), trong khi chỉ khoảng 5% người giàu lại sở hữu hơn 40% giá trị tài sản của  Ecuado. Do vậy, kể từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước cuối năm 2006, Chính phủ cánh tả của Tổng thống Raphaen Côrêa đã triển khai nhiều cải cách kinh tế – xã hội nhằm giảm nghèo đói, bất công và đưa đất nước phát triển theo con đường “CNXH thế kỷ XXI”. Chính phủ Ecuado đã từng bước tiến hành quốc hữu hóa ngành dầu khí và chấm dứt hợp đồng với những công ty nước ngoài không tăng sản lượng khai thác tại các giếng dầu ở khu vực Amadôn. Tuyên bố này được nhà lãnh đạo Ecuado đưa ra sau khi ông Côrêa nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua về bản Hiến pháp mới, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ Ecuado tăng cường vai trò quản lý kinh tế. Ông Côrêa cũng hối thúc công ty PETR4.SA thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Braxin (Petrobras) khẩn trương thực hiện cam kết với chính phủ và khẳng định sẽ quốc hữu hóa giếng dầu này nếu Petrobras còn tiếp tục trì hoãn việc khai thác.

Chính phủ Ecuado cũng chủ trươngquốc hữu hóa các công ty tư nhân nếu các công ty này không thực hiện theo pháp luật địa phương. Bất kỳ công ty dầu lửa nào không thực hiện các chính sách của nhà nước sẽ bị quốc hữu hóa và trục xuất khỏi đất nước.

Nicaragoa, một trong những nước nghèo ở Tây bán cầu, năm 2004, nợ nần chiếm đến 125,3% GDP. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi là chính; công nghiệp chỉ tập trung trong lĩnh vực chế biến nông sản, sản xuất điện năng trên cơ sở khai thác nguồn địa nhiệt. Năm 2006 trở lại nắm quyền, Tổng thống Nicaragoa – Ông Đanien Óctêga đã tuyên bố sẽ “hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp xây dựng CNXH ở đất nước mình”. Tuy nhiên, do thực trạng khó khăn của đất nước, chủ trương quốc hữu hóa các ngành kinh tế mớichỉ dừng lại ở việc nhà nước cam kết tập trung thúc đẩy các chính sách kinh tế và xã hội nhằm xóa bỏ nghèo đói, bất bình đẳng xã hội; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân, bảo đảm quyền lợi cho giới đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế trên tinh thần hòa giải và đoàn kết dân tộc; ưu tiên hợp tác với các nước trong khu vực, nhất là các nước thuộc khối ALBA bao gồm Cuba, Vênêduêla, Bôlivia và Nicaragoa.

 Nhìn chung, mặc dù việc tăng cường vai trò kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế thông qua chính sách quốc hữu hóa ở Mỹ Latinh diễn ra không đồng đều ở mỗi nước và nhóm nước khác nhau, nhưng đã từng bước đưa nền kinh tế vượt qua sự ảnh hưởng của mô hình tự do mới, làm cho khu vực vốn được xem là “sân sau” của Mỹ trước đây đã và đang có nhiều khởi sắc.

2. Định hướng phát triển của các nước Mỹ Latinh dưới chính thể cánh tả

Lực lượng cánh tả đã thực sự đóng vai trò chủ đạo trong đời sống chính trị – xã hội khu vực. Tuy vậy, các Chính phủ hiện tại không có sự đồng nhất về chính sách kinh tế nên thực quyền chính trị cũng có sự khác biệt. Cho nên, việc định hướng phát triển của các quốc gia này cũng khác nhau về mức độ và quy mô. Nhóm nước thứ nhấtcó xu hướng vượt qua các tác động của chủ nghĩa tự do mới bằng cách khôi phục mức độ phát triển kinh tế – xã hội qua sự điều tiết của nhà nước như Bradin, Urugoay, Chilê và Achentina, Panama, Goatêmala. Chính phủ các nước này đã đưa ra các chương trình xã hội như: các gia đình nghèo ở Braxin được nhận được một phần trợ cấp trực tiếp từ nhà nước, những trợ cấp này góp phần gia tăng ủng hộ của quần chúng đối với đảng cầm quyền tại những khu vực chậm phát triển của đất nước. Trong khi đó, một số chính phủ khác lại chủ trương thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ thông qua các thỏa thuận tự do thương mại và đầu tư (Chilê đã ký thỏa thuận này với Mỹ). Braxin dưới thời của Tổng thống Lula da Silva cũng đang tìm kiếm một thỏa thuận tương tự. Tuy nhiên, giữa Braxin và Hoa Kỳvẫn còn tồn tại nhiều sự khác biệt. Những bất đồng này xuất phát từ việc chính phủ bảo vệ quyền lợi của tầng lớp tư sản Braxin, những người luôn e ngại quá trình tự do thương mại sẽ tác động tiêu cực tới nền nông nghiệp và các ngành công nghiệp địa phương, nhất là những ngành đang hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, họ cũng không chấp nhận chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ. Achentina cho thấy, chính phủ nước này đã ưu tiên phát triển nền kinh tế thị trường, từng bước tăng cường sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế. Tuy vậy, quốc gia này về cơ bản ít có sự đổi thay trên con đường phát triển kinh tế – xã hội của mình mà vẫn phụ thuộc ít nhiều vào Mỹ và IMF.

Có thể nhận thấy rằng, do ảnh hưởng của Mỹ, thực tiễn chính trị ở các nước nàyvẫn chịu sự chi phối của chủ nghĩa tự do mới. Về cơ bản, việc định hướng phát triển của các nước này vẫn nằm trong vòng xoáy của CNTB,có mối quan hệ mật thiết với tư bản địa phương và nước ngoài. Sự thay đổi chỉ giới hạn ở sự điều tiết của nhà nước ở một số các chương trình kinh tế – xã hội.

Định hướng CNXH thế kỷ XXI đặc biệt rõ nét tại nhóm nước Mỹ Latinh dưới chính thể cánh tả áp đảo, với việc chống đối mạnh mẽ giới tư bản địa phương và nước ngoài trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng và tăng cường quyền kiểm soát của nhà nước đối với toàn bộ nền kinh tế.  Dẫn đầu nhóm nước này là Vênêduêla. Tổng thống Hugô Chavet nhiều lần tuyên bố về tính chất XHCNcủa cuộc cách mạng Bôliva ở Vênêduêla, đưa đất nước đi lên CNXH thế kỷ XXI. Ông đã không ít lần khẳng định rằng “không có thế lực nào có thể ngăn chặn quyết tâm xây dựng CNXH thế kỷ XXI” ở Vênêduêla, bởi phần lớn người dân nước này đang muốn tẩy chay toàn bộ “dấu vết” của mô hình chủ nghĩa tự do mới và thoát khỏi CNTB. Tổng thống Hugô Chavet cho rằng, CNXH ở Mỹ Latinh phải được xây dựng trên cơ sở lấy chủ nghĩa Mác, tư tưởng cách mạng tiến bộ của Simon Bôliva và tư tưởng nhân đạo của Thiên chúa giáo làm nền tảng tư tưởng. Đồng thời nhấn mạnh tư tưởng “dân chủ cách mạng” và “chính quyền nhân dân” với việc xây dựng một đảng thống nhất trên cơ sở nền kinh tế nhà nước và hợp tác xã đóng vai trò chủ đạo… Muốn làm được điều này, theo ông cần thực hiện bachiến lược để chuyển đổi từ CNTB sang CNXH như: tăng cường sở hữu nhà nước đối với tư liệu sản xuất, mở rộng trao đổi và phân phối phi thị trường, quản lý và điều hành vì lợi ích nhân dân, không bị chi phối bởi lợi ích cá nhân. Sau khi tái đắc cử Tổng thống cuối năm 2006, ông  Hugô Chavet đã tích cực xây dựng và triển khai các kế hoạch nhằm thúc đẩy Vênêduêla tiến theo hướng CNXH. Đó là việc thành lập một chính đảng duy nhất – Ðảng XHCN thống nhất Vênêduêla (PSUV) để lãnh đạo cách mạng. Đồng thời, tiếp tục các chính sách quốc hữu hóa ngành dầu khí, điện lực, viễn thông; tăng cường quản lý nhà nước ở Ngân hàng trung ương; xây dựng kế hoạch thiết lập hệ thống dân chủ địa phương nhằm tăng cường quyền làm chủ của nhân dân; đẩy mạnh việc sửa đổi Hiến pháp làm nền tảng pháp lý cho việc phát triển theo CNXH thế kỷ XXI.

Ở Bôlivia,chính phủcũng đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cơ bản để đưa đất nước  tiến theo con đường CNXH thế kỷ XXI như: tiến hành cải cách kinh tế, xã hội và soạn thảo hiến pháp mới. Kể từ khi lên nắm quyền đầu năm 2006, Tổng thống Bôlivia, ông Evô Môralét đã thực hiện nhiều cải cách chính trị, kinh tế quan trọng nhằm xóa bỏ nghèo đói, bất công, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và tiến bộ. Chính phủ đã tiến hành quốc hữu hóa ngành năng lượng, cải cách đất đai, tổ chức bầu cử quốc hội lập hiến nhằm soạn thảo hiến pháp mới mở rộng quyền cho thổ dân. Bất chấp sự chống phá của lực lượng đối lập, thù địch, các chính sách tiến bộ của chính phủ đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân Bôlivia và các nước trong khu vực. Kết quả là bản hiến pháp mới của nước này đã được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân  ngày 25-1-2009 và chính thức ban hành ngày 7-2-2009. Sự kiện này có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng vì nó cho phép chính phủ cánh tả đẩy nhanh các cải cách chính trị xã hội sâu rộng nhằm chấm dứt sự ảnh hưởng của mô hình CNTB và xây dựng CNXH thế kỷ XXI tại quốc gia giàu tài nguyên khí đốt này.

Với Ecuador và Nicaragoa, được sự giúp đỡ của Cuba, hai nước này đã thực hiện nhiều chính sách cải cách kinh tế, trong đó ưu tiên cho việc xóa đói,giảm nghèo. Nhiệm vụ trọng tâm của Ecuado trong định hướng phát triển lên CNXH thế kỷ XXI là việc tiến hành cải cách hệ thống chính trị thông qua tổ chức bầu quốc hội lập hiến, soạn thảo lại Hiến pháp với mục đích giảm bớt các đặc quyền và đặc lợi của các đảng phái chính trị truyền thống, xóa bỏ mô hình kinh tế tự do mới và tiến hành các chính sách kinh tế – xã hội vì lợi ích của người nghèo. Trong khi đó, ở Nicaragoa, mỗi gia đình được Chính phủ trợ cấp 2.000 USD để phát triển sản xuất, chăn nuôi, đồng thời cũng đang tiến hành nhiều chính sách phát triển kinh tế và cải cách luật pháp.

Nhìn chung, với mức độ, quy mô đột phá khác nhau theo định hướng CNXH thế kỷ XXI,kinh tế – chính trị của hai nhóm nước trên đã có nhiều khởi sắc khiến ảnh hưởng của Mỹ tại đây dần mờ nhạt. Các nước Mỹ Latinh dưới chính thể cánh tả đã và đang cùng hướng tới mục tiêu cao nhất của thời đại là độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2011

 

TS Nguyễn Văn Lan

ThS La Xuân Thành

Học viện Chính trị – Hành chính khu vực III