Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
Lưu ý:
Theo quy định tại Điều 28 Bộ luật hình sự năm 2015 thì những tội phạm không áp dụng thời hiệu bao gồm:
1. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này;
2. Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này;
3. Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.
Bình Luận
1. Nội dung qui định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật này không có gì mới so với qui định của Bộ luật năm 1999, có chăng chỉ là cách diễn đạt câu từ đảm bảo được yếu tố tinh gọn nhưng vẫn hàm ý một cách đầy đủ và nhất quán. Theo qui định tại Điều 8 về Khái niệm tội phạm, chúng ta đã cách nhìn nhận đúng đắn, hiểu rõ được các yếu tố cấu thành một tội phạm trên thực tế. Như vậy một vấn đề được đặt ra là khi có tội phạm thì chủ thể nào đảm nhiệm nghĩa vụ truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội, nhân danh quyền lực Nhà nước để bảo vệ các mối quan hệ mà pháp luật hình sự bảo vệ, tội phạm được truy cứu bao lâu hay nói cách khác thời hiệu được thiết lập như thế nào…rất nhiều vấn đề được đặt ra khi phát sinh tội phạm nhưng trong phạm vi nghiên cứu của Bộ luật này chúng ta chỉ đi giải đáp vấn đề về thời hiệu, còn các vấn đề khác sẽ được đề cập chi tiết tại Bộ luật tố tụng hình sự.
Về khái niệm thời hiệu: tương tự khái niệm tội phạm thì khái niệm về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự lần đầu tiên được qui định tại Bộ luật hình sự 1999 và duy trì cho đến ngày nay. Trước đây Bộ luật hình sự năm 1985, cụ thể tại Điều 45, các nhà làm luật không hề đưa ra được một khái niệm nào về thời hiệu, không phải vào thời điểm này chúng ta chưa giải nghĩa được thời hiệu là gì mà có lẽ với lối tư duy cho rằng việc lý thuyết hóa trong một Bộ luật vốn được xem là công cụ quan trọng, chuyên chế bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền lực của giai cấp thống trị sẽ làm giảm đi tính uy nghiêm, răn đe tội phạm. Tuy nhiên, hơn hết việc lý thuyết hóa một số vấn đề là đối tượng nghiên cứu của luật hình sự có ý nghĩa rất quan trong trong công tác áp dụng luật khi đi vào thực tế, giúp các chủ thể đại diện cho công quyền khi truy cứu trách nhiệm hình sự một đối tượng có hành vi phạm tội được chuẩn xác và đồng thời là cơ sở, căn cứ để các học giả nghiên cứu, so sánh, đối chiếu và xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau, từ đó chắt lọc để đưa ra được một khái niệm chính xác nhất, phù hợp giữa lý thuyết và thực tiễn áp dụng.
Vậy thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là gì: Trước hết cần phải nhận định, thời hiệu của một quan hệ pháp luật nói chung chính là thời hạn do pháp luật điều chỉnh quan hệ đó qui định mà khi kết thúc thời hạn, sẽ làm phát sinh hay chấm dứt một quyền hoặc trách nhiệm pháp lý. Đối chiếu một quan hệ được pháp luật hình sự bảo vệ thì hành vi xâm phạm quan hệ này chính là tội phạm, mà theo qui định thì thuộc tính tất yếu của tội phạm là tính phải chịu hình phạt, như vậy chúng ta dễ dàng hiểu được nội hàm của khái niệm thời hiệu trong pháp luật hình sự chính là thời hạn do pháp luật hình sự qui định mà khi kết thúc thời hạn đó người phạm tội sẽ không chịu hình phạt nữa. Mặc dù tội phạm chính là hành vi nguy hiểm cho xã hội cần phải bị trừng phạt thích đáng, thậm chí loại trừ ra khỏi đời sống xã hội nhưng không vì thế mà yếu tố thời hiệu bị bỏ qua, các nhà làm luật từ Bộ luật hình sự 1985 cho đến nay vẫn luôn đồng thuận một quan điểm rằng việc truy cứu trách nhiệm hình sự của một chủ thể phải bị giới hạn lại trong một khoảng thời gian, khoảng thời gian này chính là thời hiệu, các chủ thể như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án chỉ thực thi quyền truy cứu tội phạm trong khoảng thời gian đó và khi hết thời hạn thì chủ thể thực hiện hành vi phạm tội không bị xem là tội phạm nữa mà trước đó rất có thể hành vi của họ là đặc biệt nghiệm trọng.
2. Phân loại thời hiệu: Khoản 2 chia thời hiệu thành bốn loại tương ứng với bốn loại tội phạm. Cụ thể:
– 05 năm —-> tội ít nghiêm trọng.
– 10 năm —-> tội nghiêm trọng.
– 15 năm —-> tội rất nghiêm trọng.
– 20 năm —-> tội đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy việc phân loại thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được căn cứ trên tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Việc phân loại này là hoàn toàn phù hợp và thiết thực.
Thời điểm bắt đầu tính thời hiệu:
Như chúng ta đã bàn luận về khái niệm thời hiệu của một quan hệ xã hội chính là thời hạn do pháp luật điều chỉnh nó qui định mà thời hạn lại là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Vậy thời hạn qui đinh thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính bắt đầu từ khi nào? Mầm mống của tội phạm là được hình thành từ trong suy nghĩ của người phạm tội và sau đó sẽ được hiện thực hóa ra bên ngoài thông qua các hành vi khác nhau, có thể thấy tội phạm được hình thành và phát triển qua rất nhiều giai đoạn, dưới nhiều hình thái. Chính vì vậy, xác định được thời điểm bắt đầu tính thời hiệu có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong thực tiễn phòng chống tội phạm. Căn cứ để xem xét áp thời hiệu là phải dựa vào những biểu hiệu của tội phạm ra bên ngoài hay nói cách khác là tội phạm đã biểu hiện dưới một trạng thái, hình hài nhất định. Một người chỉ mới có ý định phạm tội nhưng chưa biểu hiện ra bên ngoài thì chúng ta hoàn toàn không có cơ sở để tính thời hiệu vì khi đó ý định chưa đáp ứng đầy đủ các yếu tố để cấu thành tội phạm. Và khoản 3 đã qui định rất rõ thời hiệu phải được tính từ ngày tội phạm được thực hiện, nghĩa là hành vi đó đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm dù ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hay đang/đã thực hiện hành vi phạm tội. Việc xem xét thời điểm tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của một số giai đoạn phạm tội được nhìn nhận như sau:
– Giai đoạn chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt: Việc xác định thời điểm tính thời hiệu phải được hiểu và kết hợp với các qui định về chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Theo đó tại thời điểm các hành vi bị chấm dứt do xuất phát từ các yếu tố khách quan (như bị phát hiện, ngăn chặn, bị cản trở…) và tất nhiên việc chấm dứt này hoàn toàn trái với ý muốn của người thực hiện hành vi phạm tội, làm cho họ không thể nào thực hiện đến cùng tội phạm . Ví dụ: A có ý định giết B để cướp tài sản, A đã chuẩn bị dao, dây thừng, bao tải, rà soát giờ giấc hoạt động của B…tuy nhiên trong quá trình lẻn vào nhà B thì chó nhà B sủa, A bị mọi người phát hiện và bắt giữ —> vậy việc không giết được B là hoàn toàn ngoài ý muốn của A, nếu chó nhà B không sủa thì liệu rằng hành vi của A có bị phát hiện, A có tự ý nửa chừng chấm dứt việc giết B hay không, hay A vẫn quyết tâm thực hiện theo đúng mục đích ban đầu của mình là giết cho bằng được B để cướp tài sản. Trong trường hợp này thời hiệu được xác định vào thời điểm hành vi của B bị phát hiện. Tuy nhiên đối với giai đoạn chuẩn bị phạm tội, chúng ta cần chú ý đối độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của đối tượng thực hiện hành vi cũng như tội danh tương ứng được qui định vì xét cho cùng thì giai đoạn này mặc dù hành vi của người phạm tội có tiềm ẩn những mối nguy hiểm nhất định cho xã hội nhưng chính vì bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời nên hậu quả cho xã hội không xảy ra và tất nhiên khi trách nhiệm hình sự không được đặt ra cho mọi trường hợp thì thời hiệu truy cứu cũng không cần phải xem xét.
– Tội phạm thực hiện hoàn thành: Việc hoàn thành ở đây không chỉ là việc thực hiện hành vi tội phạm đạt được mục đích ban đầu của người phạm tội mà có thể chưa đạt đối với hành vi này nhưng đã đủ yếu tố cấu thành một tội phạm khác. Đối với các loại tội phạm này thì thời điểm truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ được xem xét vào thời điểm tội phạm kết thúc. Ví dụ: A, B và C lập băng nhóm cướp giật đường phố, chuyên hoạt động tại các khu vực quanh trung tâm thương mại, phố đi bộ…A, B và C đã giật túi xách của D, trên đường trốn chạy, cả ba đã bị các hiệp sĩ đường phố bắt giữ. Như vậy thời điểm tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A, B và C được tính từ ngày thực hiện hành vi tức là ngày giật túi xách của D, trường hợp này ngày bị bắt giữ lại trùng với ngày thực hiện hành vi phạm tội.
Việc xác định thời điểm tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nêu trên là áp dụng về mặt nguyên tắc. Tuy nhiên pháp luật hình sự cũng đã dự liệu một số trường hợp ngoại lệ mà việc tính thời hiệu thực hiện theo một phương thức hoàn toàn mới. Cụ thể với các trường hợp sau:
Thứ nhất: Đang trong thời hiệu truy cứu đối với tội danh đã thực hiện mà người phạm tội lại thực hiện một hành vi phạm tội mới mà khung hình phạt cao nhất được áp dụng là trên một năm tù thì thời hiệu đối với tội cũ được tính từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Điều kiện tính lại thời hiệu đối với trường hợp này bao gồm yếu tố sau: khung hình phạt cao nhất của tội thực hiện phải trên một năm tù, nếu tội danh thực hiện mà khung hình phạt cao nhất từ một năm trở xuống thì thời hiệu đối với tội cũ nếu có sẽ không được tính lại. Tuy nhiên đối với khoản này chúng ta cần phải lưu ý một số điểm mấu chốt như sau, nếu chỉ nhìn nhận cảm tính sẽ rất dễ nhầm lẩn và hiểu sai qui định như khung hình phạt cao nhất được hiểu như thế nào? Phạm một tội mới có phải là tội đó phải hoàn toàn khác với tội đã thực hiện và đang bị truy cứu trách nhiệm hình sư?
Khung hình phạt cao nhất: Ví dụ đối với tội cướp tài sản qui định tại Điều 168 thì có rất nhiều khung hình phạt khác nhau như khoản 1 từ 03 đến 10 năm tù, khoản 2 từ 07 đến 15 năm, khoản 3 từ 12 đến 20 năm, khoản 4 từ 18 đến 20 năm hoặc tù chung thân, khoản 5 chuẩn bị phạm tội thì từ 01 đến 05 năm. Như vậy có được quyền hiểu khung hình phạt cao nhất là mức cao nhất trong một khung hay khung phạt cao nhất trong tất cả các khung của một Điều luật. Theo như cách viện dẫn của các nhà làm luật thì bắt buộc chúng ta phải hiểu đó là khung cao nhất trong một tội danh, không phân biệt hành vi phạm tội của chủ thể thực hiện chỉ rơi vào khung thấp nhất. Với hạn mức trên một năm tù thì dường như toàn bộ các tội danh áp dụng cho chủ thể là cá nhân đều đáp ứng.
Phạm một tội mới: có ý kiến cho rằng phạm tội mới phải được hiểu là tội đó phải hoàn toàn khác với tội đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ví dụ: A phạm tội giết người và đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khoảng thời gian này A lại tiếp tục phạm tội giết người nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm đối với tội giết người trước không được tính lại. Tuy nhiên với cách hiểu như vậy là chưa chính xác vì tính mới trong phạm tội mới không đồng nghĩa với việc khác biệt tội phạm được thực hiện mà tính mới được thể hiện, xem xét dưới góc độ độc lập, nghĩa là cho dù các tội phạm được thực hiện có cùng tội danh nhưng một khi đảm bảo đây là các hành vi khác nhau, không cùng trong một vụ án, tách biệt thì đã đảm bảo tính mới trong hành vi phạm tội.
Thứ hai: Một tội phạm được thực hiện thì không đồng nghĩa với việc thời hiệu sẽ được tính liên tục và khi hết khoảng thời hạn đó người phạm tội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hay đồng nghĩa họ không bị xem là có tội. Tính liên tục của thời hiệu chỉ được đảm bảo khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện sau:
– Không phạm tội mới mà khung hình phạt cao nhất áp dụng đối với tội đó là trên 01 năm tù (phần này chúng ta đã bình luận phía trên).
– Không được cố tình trốn tránh: điều này đồng nghĩa với việc người phạm tội không tìm mọi cách để né tránh các chế tài của Bộ luật hình sự. Biểu hiện cho việc né tránh này là sau khi hành vi phạm tội bị phát hiện, người phạm tội bỏ trốn khỏi nơi cư trú, thay đổi họ tên, ra nước ngoài, phẫu thuật để thay đổi hình dạng bên ngoài…..
– Chưa có quyết định truy nã: Khi có đầy đủ căn cứ xác định đối tượng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú hoặc không biết ở đâu mặc dù đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ nhưng vẫn không có kết quả thì Cơ quan điều tra có thẩm quyền sẽ ra quyết định truy nã đối tượng.
Như vậy khi người phạm tội cố tình trốn tránh và Cơ quan điều tra có thẩm quyền đã ra quyết định truy nã thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh đó sẽ được tính lại. Thời điểm để bắt đầu lại thời hiệu được xem xét khi người phạm tội ra đầu thú hoặc bị bắt giữ. Mặc dù người phạm tội có cố tình trốn tránh bao nhiêu lâu đi nữa mà họ vẫn chưa bị truy nã bằng một quyết định chính thức thì thời hiệu không được tính lại và khi hết thời hiệu tương ứng với loại tội phạm thực hiện, dưới góc độ pháp lý họ hoàn toàn không có tội, không một cơ quan nào có quyền truy tố xét xử họ.
Xét đến thời điểm tính lại thời hiệu, Bộ luật hình sự hiện hành có một qui định khác so với Bộ luật hình sự 1999, thể hiện cụ thể bằng việc thay thế cụm từ “tự thú” bằng “đầu thú”. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, việc điều chỉnh này là hoàn toàn phù hợp. Để có thể hiểu rõ vai trò của việc điều chỉnh này, trước hết cần phải nghiên cứu về mặt khái niệm, tự thú là gì và đầu thú là gì?
– Tự thú nghĩa là người phạm tội tự nhận và khai ra hành vi phạm tội của mình mặc dù hành vi của họ chưa bị phát hiện.
– Đầu thú là khi hành vi phạm tội đã bị phát hiện, điều tra, người thực hiện hành vi biết không thể trốn thoát hoặc dằn vặt lương tâm nên ra trình diện trước cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo qui định của pháp luật.
Từ khái niệm nêu trên, chúng ta có thể nhận thấy qui định tại khoản 3 Điều 23 Bộ luật hình sự 1999 chưa thật sự phù hợp về mặt thuật ngữ. Bởi lẽ điều luật đã thể hiện rất rõ là khi và chỉ khi người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã thì thời hiệu sẽ được tính lại nhưng các nhà làm luật lại qui định thời điểm người phạm tội tự thú, điều này là hoàn toàn không có ý nghĩa về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Vì một khi có quyết định truy nã thì điều đó đồng nghĩa với việc hành vi phạm tội đã bị phát hiện, điều tra thì chắc chắn không có việc người phạm tội lại tự thú. Qui định này không chỉ là sự nhầm lẫn về mặt thuật ngữ, câu từ mà còn tạo ra lỗ hổng lớn. Chính vì vậy, tác giả khẳng định, việc điều chỉnh lại cụm từ “đầu thú” là hoàn toàn phù hợp.