Điện Biên: Gìn giữ nét đẹp các lễ hội truyền thống – Tổng cục Du lịch

Nằm ở phía Tây Bắc Tổ quốc, Điện Biên có 19 dân tộc cùng chung sống. Mỗi dân tộc không chỉ mang trong mình những đặc trưng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán… mà còn nhiều nét riêng thông qua các lễ hội truyền thống, tạo thành bức tranh đa sắc màu văn hóa, đưa Điện Biên trở thành địa phương có hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú, là điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.


Người dân xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ, Điện Biên) vui hội Gầu Tào

Đầu tháng 3/2022 vừa qua, sau gần 30 năm không tổ chức, Lễ hội Gầu Tào truyền thống của đồng bào dân tộc Mông xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ) đã được tổ chức phục dựng tại bản Nà Bủng 3 trước sự vui mừng, phấn khởi của đông đảo người dân trên địa bàn xã. Theo những người cao niên nơi đây, cũng như một số đồng bào dân tộc khác, người Mông quan niệm vạn vật hữu linh, bởi vậy, bà con luôn tôn thờ các thần linh để bày tỏ sự biết ơn, sự tôn sùng để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người người được khỏe mạnh, bản làng no ấm. Lễ hội Gầu Tào cũng vậy, mang ý nghĩa chính là cầu mong các vị thần linh phù hộ, che chở cho bản làng sức khỏe, may mắn, mùa màng bội thu trong năm mới, vụ mới. Ông Mùa A Thống – người thực hiện nghi lễ của lễ hội cho biết, Lễ hội Gầu Tào thường được tổ chức vào khoảng từ mùng 3 – 10 tháng Giêng sau tết Nguyên Đán tại một khu đất tương đối bằng phẳng, đủ rộng cho việc tổ chức nghi lễ và sự tham gia của đông đảo người dân. Cây nêu, gà, chỉ đỏ và một số loại nông sản như thóc, ngô, hạt bí… là những vật rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày, nhưng thứ không thể thiếu trong thực hiện nghi lễ. Trong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội, ngoài các phần nghi thức tâm linh thì người dân cũng tham gia nhiều trò chơi dân gian trong không khí tưng bừng ngày hội đầu xuân năm mới. Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỏi thăm sức khỏe và chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống.

Không chỉ Lễ hội Gầu Tào, với sự quan tâm của các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhiều lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức, phục dựng. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 40 lễ hội truyền thống, trong đó hơn 20 lễ hội được tổ chức thường xuyên. Thường thì các lễ hội được gọi theo tiếng dân tộc – chủ thể của lễ hội đó, như: Xên bản của người Thái; Sê Sừ Ba Hư Chà của người Si La; Uých Bích Giác của người Khơ Mú… Hầu hết, các lễ hội của các dân tộc trên địa bàn thuộc lễ hội lịch sử và lễ hội truyền thống. Tiêu biểu như Lễ hội Đền Hoàng Công Chất, lễ mừng nhà mới của người Thái đen, lễ cưới truyền thống của người Xạ Phang… Tuy nhiên, do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên các lễ hội thường được tổ chức với quy mô vừa và nhỏ. Việc tổ chức lễ hội ở đây chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tín ngưỡng và tâm linh của đồng bào các dân tộc ở các vùng miền. Mặc dù vậy, hàng năm lễ hội truyền thống đồng bào các dân tộc cũng thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân vào các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi, trò diễn dân gian. Cũng thông qua việc tổ chức lễ hội, nhiều bộ môn thể thao, nghệ thuật được khôi phục, tác động sâu sắc đến tình cảm, tính cách con người Việt Nam nói chung, đồng bào các dân tộc Điện Biên nói riêng, qua đó giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” lòng tự hào, tự tôn với quê hương, đất nước.

Với những giá trị, nét đẹp của các lễ hội, đặc biệt, xác định giữ gìn, phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập, những năm qua, tỉnh Điện Biên đã có nhiều hoạt động thiết thực, nhất là việc ban hành các chương trình, hành động liên quan đến công tác phát triển văn hóa, như: Nghị quyết số 11-NQ/TU về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh gắn với phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết số 24/NQ-HĐND về Đề án “Tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh gắn với phát triển kinh tế – xã hội, giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”; Kế hoạch của UBND tỉnh về bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh giai đoạn 2019 – 2025, định hướng đến năm 2030… Trên tinh thần chỉ đạo của tỉnh, các cấp, ngành, địa phương đã tích cực cụ thể hóa các văn bản, chỉ thị, nghị quyết thành hành động cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng công tác phục dựng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc để không bị mai một. Điển hình như Tết “Khù Sự Chà”; Lễ cầu mưa, cầu mùa; Lễ hội cúng rừng, Lễ Gạ Ma Thú (lễ cúng bản) ở Mường Nhé; Tết Nào Pê Chầu, Ngày hội văn hóa các dân tộc (huyện Mường Ảng); Lễ hội Thành Bản Phủ… Việc tổ chức phục dựng hoặc duy trì các lễ hội này không chỉ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Quang Long