Điểm yếu chí mạng của Gia Cát Lượng được vợ chỉ điểm
Gia Cát Lượng (191 – 234), tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, quê tại huyện Dương Đô, quận Lang Nha (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông). Ông là một nhà chính trị, quân sự, chiến lược, ngoại giao kiệt xuất thời Tam quốc. Ông được hậu thế nhắc tới với một niềm tôn kính tột bậc không chỉ bởi trí tuệ và tài năng lỗi lạc, mà còn vì lòng trung nghĩa sắt son.
Tạo hình Gia Cát Lượng trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.
Hình tượng của Gia Cát Lượng được dân gian ca tụng qua những câu chuyện lưu truyền suốt cả nghìn năm, về sau được nhà văn La Quán Trung tiểu thuyết hóa và càng trở nên nổi tiếng qua tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, một trong Tứ đại danh tác của văn học Trung Hoa.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, Gia Cát Lượng được mô tả là một vị thừa tướng tài đức song toàn với tài năng “xuất quỷ nhập thần”, đoán mưu lập kế như thần, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, là biểu tượng của lòng trung nghĩa và trí tuệ anh minh.
Tuy nhiên, dù sở hữu tài năng và trí tuệ siêu việt nhưng Gia Cát Lương không phải là không có điểm yếu. Trong dân gian có một câu chuyện lưu truyền về điểm yếu chí mạng này của ông.
Theo đó, khi Gia Cát Lượng còn chưa đi theo Lưu Bị, ở Ngọa Long Cương có người con gái tên là Hoàng Nguyệt Anh (con gái của Hoàng Thừa Ngạn tiên sinh), là một cô nương xuất chúng, tài nghệ phi thường, am tường hội hoạ lại biết cả võ nghệ. Thuở nhỏ, cô theo học một danh sư trên núi. Sau này, danh sư ấy tặng cho cô một chiếc quạt lông ngỗng bên trên có hai chữ “Minh” và “Lượng”. Vị này còn nói hai chữ này chính là tên phu quân sau này của Hoàng Nguyệt Anh.
Trong dân gian, ngoài giả thuyết Nguyệt Anh bị liệt vào hàng “Ngũ xú Trung Hoa” (5 người phụ nữ xấu nhất Trung Quốc nhưng tài giỏi hơn người), cũng có ý kiến cho rằng, nhan sắc của thiên kim tiểu thư họ Hoàng bị “bóp méo” phần nhiều do tên gọi A Sửu (Sửu trong tiếng Hán có nghĩa là xấu xí) mà Hoàng viên ngoại đặt cho con.
Sau này, khi Gia Cát Lượng tìm đến cầu hôn, Hoàng Nguyệt Anh đã tặng ông chiếc quạt lông đó coi như kỷ vật, đồng thời nàng lý giải nguyên nhân: “Vừa nãy thiếp nhìn thấy tiên sinh và cha cùng đàm luận chuyện thiên hạ, hùng tâm tráng chí quả là rất lớn. Nhưng mà, thiếp phát hiện rằng khi ngài nói tới Tào Tháo và Tôn Quyền thì chân mày lại hiện rõ ưu tư, lo lắng. Thiếp tặng ngài chiếc quạt này là để ngài che mặt những lúc như vậy”.
Gia Cát Lượng hiểu ra, vội tạ Nguyệt Anh, trong lòng cảm thấy hết sức vừa ý. Đây quả thực là vị hôn thê có một không hai, dẫu có lục tung tìm cả thiên hạ cũng không được mấy người. Sau khi thành thân với nàng Nguyệt Anh, Gia Cát Lượng luôn mang theo chiếc quạt lông không rời tay, vừa như để trân trọng tấm lòng của người vợ, vừa như để tự nhắc mình: “đại trượng phu làm việc lớn phải biết tiết chế, làm chủ cảm xúc”.
Quạt lông vũ được xem là vật bất ly thân của Gia Cát Lượng.
Sau này, khi đã xuống núi phò tá Lưu Bị cùng mưu chí lớn, Gia Cát Lượng cũng vẫn luôn mang theo bên mình chiếc quạt lông. Ông và chiếc quạt lông vũ là những hình ảnh đầy sức biểu tượng. Nói không ngoa, chiếc quạt ấy chính là vũ khí của ông, mang lại sự tự tin và phong thái cho người quân tử. Chiếc quạt lông ấy nhìn thì có vẻ yếu mềm nhưng bên trong tàng ẩn sức mạnh lớn lao. Dù là “Xích Bích hoả công”, “thuyền cỏ mượn tên” hay “lục xuất Kỳ Sơn”, “không thành kế”… chiếc quạt ấy chỉ cần vẫy lên là có thể khiến thiên hạ quy tâm, đất trời nghiêng ngả vậy.
Theo các nhà nghiên cứu, Gia Cát Lượng là nhân vật nổi tiếng sử sách Trung Quốc và được nhiều người yêu thích. Trong khi nghiên cứu về Gia Cát Lượng, nhiều người phát hiện bậc thầy quân sự này có một “điểm yếu” khi 5 lần đánh nước Ngụy đều có kết cục lui binh về nước.