Điểm danh 5 bệnh về mũi phổ biến nhất
Giải pháp khi mắc các bệnh về mũi
Các bệnh về mũi thường gặp
Mũi là một bộ phận quan trọng đảm nhiệm các chức năng: hô hấp, khứu giác, phát âm của cơ thể. Có nhiều bệnh về mũi xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, do đó cần biết để phòng ngừa và thăm khám kịp thời tránh biến chứng.
Tìm hiểu về cấu tạo của mũi
Nằm trong số các cơ quan của hệ hô hấp, mũi có cấu tạo gồm những phần sau:
Mũi ngoài
Là phần mũi lồi lên ở giữa mặt, có hình dáng giống tháp 3 mặt: mặt nhỏ nhất là 2 lỗ mũi trước, hai mặt bên nằm ở hai bên của mũi.
Mũi nối liền với trán bằng gốc mũi, giữa hai mắt, sống mũi là một đường gờ dọc tiếp tục từ gốc mũi xuống dưới, tận cùng là đỉnh mũi.
Vách mũi ở sau sống mũi, hai cánh mũi hai bên, hai lỗ mũi phía trước nằm giữa vách mũi và cánh mũi, rãnh mũi má nằm giữa cánh mũi và má.
Cấu tạo của mũi ngoài là một khung xương mũi và sụn, bao bọc bởi cơ và da, niêm mạc mũi lót phía bên trong.
Mũi trong
Hai ổ mũi của mũi trong nằm ngay dưới nền sọ và phía trên khẩu cái cứng. Hai ổ mũi mũi cách nhau bởi vách ngăn mũi, thông với bên ngoài qua lỗ mũi trước và thông với vùng hầu họng ở sau qua lỗ mũi sau.
Tiền đình mũi
Phần đầu tiên của ổ mũi là tiền đình mũi, hơi phình ra, tương ứng với phần sụn cánh mũi lớn. Tiền đình mũi được lót bởi da và có nhiều lông, tuyến nhầy để cản bụi.
Lỗ mũi sau
Ở phía sau của khoang mũi có 2 lỗ cách nhau bởi vách mũi, là nơi thông thương giữa ổ mũi với tỵ hầu, có chức năng đưa không khí đi vào vòm họng và đường hô hấp dưới.
Vách mũi (thành mũi)
Hai phần chính của vách mũi là phần sụn và phần xương:
-
Phần sụn: nằm ở phía trước, gồm trụ trong sụn cánh mũi lớn và sụn vách mũi, sụn lá mía mũi
-
Phần xương: nằm ở phía sau, được tạo nên bởi mảnh thẳng đứng của xương sàng và xương lá mía.
Trần ổ mũi
Một phần của các xương tạo trần của ổ mũi, bao gồm xương mũi, trán, sàng và thân xương bướm tạo nên.
Nền ổ mũi
Nền ổ mũi là khẩu cái cứng có chức năng giúp ngăn cách giữa ổ mũi và ổ miệng.
Thành mũi ngoài
Được tạo nên bởi xương hàm trên, xương mũi, xương lệ, mảnh thẳng xương khẩu cái, mê đạo sàng và mỏm chân bướm. Các xoắn mũi (gồm xoăn mũi dưới, xoăn mũi giữa, xoăn mũi trên hoặc xoăn mũi trên cùng) là 3 – 4 mảnh xương uốn cong, nhô vào ổ mũi. Thành ngoài ổ mũi tạo với các xương xoăn mũi các ngách mũi tương ứng, thông với xoang mũi để dẫn lưu dịch từ các xoang.
Niêm mạc mũi
Niêm mạc mũi lót mặt trong ổ mũi là lớp biểu mô trụ tầng có nhiều lông chuyển động, liên tục và có cấu tạo tương tự như niêm mạc các xoang, niêm mạc hầu.
Hai vùng của niêm mạc mũi là vùng khứu giác và vùng hô hấp:
-
Vùng khứu giác: vị trí nằm gần trần ổ mũi, niêm mạc vùng khứu giác có nhiều đầu mút thần kinh khứu giác để cảm nhận được các mùi khác nhau.
-
Vùng hô hấp: nằm chủ yếu ở phía dưới ổ mũi, gồm nhiều mạch máu, tuyến niêm mạc và tổ chức bạch huyết mang lại chức năng sưởi ấm, làm ẩm không khí, lọc bớt bụi khi hít vào và sát trùng không khí trước khi đi vào phổi.
Các xoang cạnh mũi
Các xoang cạnh mũi gồm có 4 đôi: xoang hàm trên, xoang trán, xoang sàng, xoang bướm.
Xoang mũi bình thường sẽ rỗng và thoáng, chứa không khí lưu thông và đảm nhiệm việc cộng hưởng âm thanh, làm ẩm niêm mạc mũi, sưởi ấm không khí, cân bằng và làm nhẹ khối xương đầu mặt.
Chức năng của mũi
Chức năng hô hấp
Thông thường, mũi là nơi tiếp nhận không khí đầu tiên khi hít vào hoặc thở ra. Có nghĩa là luồng không khí khi hít vào, đi dọc theo cuốn dưới và ngách giữa đến vòm họng hình thành một đường cong lõm về phía dưới. Chỉ có một phần không khí rất ít là vào khu khứu giác để tác động vào tế bào khứu giác.
Sau khi vào mũi, không khí sẽ được làm ấm, tăng độ ẩm và khử trùng. Vì niêm mạc mũi có nhiều mạch máu và các tế bào của niêm mạc mũi luôn tiết ra dịch nhầy nên được đảm nhiệm ba việc trên.
Chất nhầy của niêm mạc mũi sẽ cản bụi bặm và vi trùng lại, sau đó các lông chuyển ở mũi sẽ đẩy những dị vật này về phía tiền đình thành những cục gỉ mũi, do đó phần trước của hố mũi sẽ có nhiều vi trùng còn phần sau hầu như không có.
Bên cạnh những dây thần kinh giao cảm và tam thoa, mũi còn có khả năng điều chỉnh biên độ cơ hô hấp ở lồng ngực để có thể hít sâu hoặc hít nông tùy theo mũi thông hay tắc.
Chức năng khứu giác
Nhiệm vụ thu nhận những kích thích mùi và chuyển những kích thích đó về hành khứu sẽ do các tế bào khứu giác đảm nhiệm. Tại hành khứu có những tế bào trung gian chuyển xung động qua củ khứu rồi về các trung tâm khứu giác ở vỏ não.
Các trung tâm khứu giác có nhiệm vụ phân tích mùi, khứu giác là giác quan đầy tính chất bản năng, có tính chất gợi nhớ lâu dài (quen hơi). Chức năng của mũi còn giúp loại bỏ các mầm bệnh xâm nhập cơ thể qua hệ hô hấp.
Khi bj ngạt mũi phải thở bằng miệng, không khí đi vào phổi sẽ không được làm sạch.
Chức năng phát âm
Mũi đóng vai trò quan trọng trong phát âm. Phần hố mũi có thể phát ra những giọng mũi và tiếp thu những rung động của không khí trong khi phát âm, sau đó biến thành những kích thích chủ trì sự phối hợp các cơ họng và thanh quản.
Các bệnh về mũi thường gặp
Viêm mũi
Viêm mũi cấp tính
Nguyên nhân gây viêm mũi cấp tính thường do virus với triệu chứng đặc trưng là chảy mũi và tắc mũi.
Khi thấy dịch mũi có màu vàng hoặc xanh cho thấy mũi bị nhiễm khuẩn.
Triệu chứng viêm mũi cấp tính sẽ hết trong vài ngày, được điều trị bằng thuốc để cải thiện hơi thở qua mũi và giảm tiết dịch mũi.
Viêm mũi mãn tính
Viêm mũi mãn tính sẽ kéo dài vài tuần hoặc vài tháng, kèm theo triệu chứng như tắc mũi, chảy dịch mũi, khó nhận biết mùi vị.
Người bệnh có thể bị đỏ mũi và chảy nước mắt trong trường hợp dị ứng mũi.
Để chẩn đoán xác định viêm mũi mãn tính cần nội soi mũi xoang. Do niêm mạc mũi bị sưng, chủ yếu ở cuốn mũi sẽ gây tắc mũi, do dị ứng sẽ chiếm 20%.
Rửa mũi hàng ngày bằng dung dịch muôi chlorid 0,9% và xịt mũi bằng thuốc chứa cortisone là giải pháp điều trị trong trường hợp này.
Việc điều trị có thể kéo dài vài tuần hoặc lâu hơn là vài tháng, sử dụng cortisone để điều trị rất hiệu quả và không có tác dụng phụ vì cortisone dùng qua đường miệng.
Có thể phải thực hiện giải pháp phẫu thuật nội soi nếu việc điều trị bằng thuốc không hiệu quả và tình trạng nghẹt mũi không đỡ, nhằm giảm kích thước cuốn mũi và giúp tình trạng thở được cải thiện.
Viêm xoang
Tình trạng viêm niêm mạc xoang được gọi là viêm xoang, có 2 loại viêm xoang chính là:
Viêm xoang cấp tính
Đây là tình trạng bệnh về mũi phổ biến ở nhiều người, dấu hiệu thường thấy là đau vùng xoang kèm theo chảy máu và tắc mũi ở cùng một bên. Nguyên nhân viêm xoang cấp tính chủ yếu do nhiễm trùng.
Khi điều trị viêm xoang cấp tính, bác sĩ sẽ tiền hành nội soi mũi để nhìn thấy mủ ở hốc xoang. Thủ thuật này rất đơn giản, thường đủ để chẩn đoán, rất ít trường hợp phải chụp CT scan.
Quan trọng nhất trong việc điều trị viêm xoang cấp tính là loại trừ nguyên nhân do nhiễm trùng răng gây ra.
Bệnh nhân viêm xoang cấp tính có thể đỡ trong vài ngày nếu được điều trị bằng thuốc kháng sinh, thuốc co mạch và rửa mũi. Một số ít bệnh nhân bị viêm xoang cấp tính sẽ bị biến chứng liên quan đến mắt hoặc não và cần phải chụp CT scan hoặc cộng hưởng từ, nội soi điều trị ngoại khoa và cần nhập viện.
Viêm xoang mãn tính
Tình trạng viêm xoang tái đi tái lại hoặc kéo dài với nhiều triệu chứng như nghẽn mũi và không ngửi được mùi vị được gọi là viêm xoang mãn tính.
Nguyên nhân viêm xoang mãn tính bỏi viêm phần niêm mạc mũi nhưng không có nhiễm trùng. Đa phần viêm xoang mãn tính không gây đau, trù khi có biến chứng.
Cần phải xác định và điều trị sớm viêm xoang mãn tính nếu không sẽ ảnh hưởng tới niêm mạc đường hô hấp như hen.
Một nguyên nhân khác dẫn đến viêm xoang mãn tính là do polyp mũi hoặc polyp xoang.
Để điều trị viêm xoang mãn tính sẽ có hai phương pháp nội khoa và ngoại khoa:
-
Nội khoa: rửa mũi hằng ngày bằng nước muối sinh lý 0,9% và thuốc xịt mũi chứa cortisone, 10% trường hợp khác cần nội soi dưới gây mê toàn thân nhằm nới rộng đường từ xoang đến mũi.
-
Ngoại khoa: chỉ áp dụng khi điều trị nội khoa không hiệu quả, bệnh ở giai đoạn mãn tính. Người bệnh cần cân nhắc kỹ việc phẫu thuật vì nghiên cứu chỉ ra rằng sau phẫu thuật, bệnh nhân viêm xoang sẽ tái phát lại.
Tùy vào cơ địa của người bệnh, tình trạng viêm xoang hay việc bệnh nhân có tuân thủ theo phác đồ điều trị hay không để đánh giá khả năng tái phát viêm xoang.
Phẫu thuật viêm xoang sẽ có tên gọi từ cách điều trị xoang và cần nhập viện 1 ngày:
-
Phẫu thuật mở xoang hàm
-
Phẫu thuật cắt xoang sàng
-
Phẫu thuật mở thông xoang bướm đơn thuần
Cấp độ bệnh viêm xoang theo thứ tự phổ biến là:
-
Viêm xoang hàm
-
Viêm xoang sàng
-
Viêm xoang trán
-
Viêm xoang bướm
-
Viêm nhiều xoang cùng lúc
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm xoang nhưng 4 nguyên nhân dưới đây là phổ biến nhất:
-
Vi khuẩn, nấm: vi khuẩn, nấm phát triển dẫn đến hầu hết các bệnh về mũi, trong đó có viêm xoang. Vi khuẩn, nấm gây nên tình trạng viêm nhiễm, ứ đọng chất nhầy, cản trở luồng không khí lưu thông.
-
Cơ địa dị ứng: người bị dị ứng với một số chất như hóa chất, thức ăn, lông chó mèo, phấn hoa… sẽ bị niêm mạc mũi phù nề, bít các lỗ xoang, cuối cùng là nhiễm trùng.
-
Sức đề kháng kém, cơ thể suy nhược, niêm mạc đường hô hấp suy yếu, hệ thần kinh rối loạn sẽ không đủ sức tấn công lại vi khuẩn là nguyên nhân gây viêm xoang.
-
Bệnh lý đường hô hấp: tuyến nhầy niêm mạc xoang hoạt động quá mức, hệ thống lông chuyển các chất nhầy trong xoang ra ngoài hoạt động kém, viêm mũi dị ứng…
-
Nguyên nhân khác: hậu quả của sâu răng, nhiễm trùng hàm trên, chấn thương…
Triệu chứng điển hình thường gặp của bệnh viêm xoang như sau:
-
Đau nhức đầu: biểu hiện điển hình nhất của viêm xoang trán, đau nhức xảy ra ở giữa 2 lông mày, đau một bên ở phía trên ổ mắt, cơn đau thường tăng dần và đau đỉnh điểm giữa trưa. Khi bị đau đầu sẽ kèm theo chảy nước mắt, nước mũi, chảy mủ…
-
Chảy dịch mũi: Ngoài đau đầu, người bị viêm xoang trán còn hay bị chảy dịch mũi. Dịch thường đặc, có màu vàng, nâu hoặc xanh, có mũi tanh hoặc hôi.
-
Chóng mặt, mệt mỏi, suy nhược cơ thể: Nếu đau đầu kéo dài, người bệnh sẽ bị chóng mặt, mất ngủ, suy nhược… Khi chảy dịch mũi nhiều sẽ gây mất nước, chóng mặt.
Cần chú ý phân biệt giữa triệu chứng viêm xoang với viêm mũi dị ứng để không nhầm lẫn. Triệu chứng của viêm mũi dị ứng sẽ là ngứa mũi, hắt hơi liên tục thành tràng dài vào buổi sáng hoặc tối, dịch mũi màu trong suốt, không màu và nghẹt mũi.
Viêm xoang cũng là bệnh về mũi không thể tự khỏi và sẽ tiến triển thành viêm mũi xoang mạn tính hoặc các biến chứng khác nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị:
-
Biến chứng mắt: Viêm kết mạc, viêm bờ mi, áp xe tuyến lệ, viêm tấy tổ chức liên kết hốc mắt, viêm thị thần kinh hậu nhãn cầu.
-
Biến chứng tai: dịch mũi xoang đi qua vòi tai vào tai giữa gây viêm tai giữa
-
Biến chứng hô hấp: Viêm phế quản, giãn phế nang không hồi phục.
Biến chứng xương: Cốt tủy viêm xương hàm trên, xương thái dương.
Biến chứng nội sọ: Viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, viêm màng não, áp xe não (rất hiếm gặp)
Một số biến chứng khác có thể gặp phải như viêm thận, viêm khớp…
Viêm mũi dị ứng
Khi cơ thể phản ứng thái quá với một số chất gây kích ứng trong không khí sẽ dẫn đến viêm mũi dị ứng. Viêm mũi dị ứng cũng là một bệnh về mũi liên quan đến đường hô hấp trên rất phổ biến.
Các tác nhân chính dẫn đến viêm mũi dị ứng là bụi bẩn, nấm mốc và phấn hoa trong môi trường.
Triệu chứng đặc trưng của bệnh là ngứa ngáy trong niêm mạc mũi, sổ mũi, chảy nước mũi, hắt hơi… hoặc có thể kèm theo triệu chứng ho, ngứa cổ, chảy nước mắt, ngứa mặt, cơ thể mệt mỏi…
Polyp mũi xoang
Polyp mũi xoang cũng thuộc một trong số nhiều bệnh về mũi thường gặp đang gây ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người.
Polyp mũi xoang là một dạng u lành xuất hiện ở hốc mũi hoặc trong các xoang, cấu trúc ngoài là lớp biểu mô, phía trong là tổ chức liên kết với các tế bào xơ.
Polyp có kích thước nhỏ sẽ ít gây ra triệu chứng nhưng polyp có kích thước lớn lại gây cản trở đường hô hấp như khó thở, giảm khứu giác dẫn đến nhức đầu âm ỉ, thay đổi hình dạng khuôn mặt.
Ung thư mũi
So với những bệnh về mũi thì ung thư mũi sẽ hiếm gặp hơn. Ung thư mũi là sự hình thành của các khối u lành tính hoặc ác tính ở trong mũi xoang.
Đàn ông có xu hướng mắc bệnh nhiều hơn phụ nữ, chủ yếu trong độ tuổi từ 35 đến 55.
Hiện vẫn chưa xác định được rõ nguyên nhân gây bệnh ung thư mũi mà chỉ xác định được những yếu tố nguy cơ gây bệnh như thường xuyên tiếp xúc hóa chất, nhiễm virus HPV, hút thuốc lá…
Triệu chứng ung thư mũi ở người bệnh sẽ là cảm giác căng cứng xoang, đau nhức vùng mặt, đau đầu… kèm theo các triệu chứng khác như chảy máu cam, sưng mắt, đau răng hàm trên, đau nặng tai…
Giải pháp khi mắc các bệnh về mũi
Các triệu chứng của những bệnh về mũi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đường thở kéo theo các biến chứng nghiêm trọng khác phát sinh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời
Khám và chẩn đoán kịp thời bệnh về mũi
Để quá trình điều trị hiệu quả, việc phát hiện sớm bệnh về mũi rất quan trọng bởi lẽ khi triệu chứng của bệnh còn ở mức độ nhẹ sẽ khắc phục dễ dàng hơn. Mỗi người cần chú ý vì triệu chứng bệnh về mũi rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường.
Điều trị y tế kịp thời
Bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị thích hợp tùy thuộc vào từng bệnh lý người bệnh gặp phải. Đa phần các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc đối với các bệnh về mũi thông thường.
Chăm sóc tại nhà
Bên cạnh việc điều trị y tế bệnh về mũi, để hỗ trợ, cải thiện triệu chứng và giảm nguy cơ mắc các bệnh về mũi thường gặp, người bệnh cần áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà như:
-
Sử dụng dung dịch nước muối loãng để làm sạch mũi thường xuyên
-
Sử dụng máy tạo độ ẩm nhằm hạn chế tình trạng khô rát và kích ứng mũi xoang do không gian sống quá khô.
-
Hạn chế tiếp xúc với những người bị các bệnh như cảm lạnh hay nhiễm trùng đường hô hấp nói chung.
-
Khi đi ra ngoài cần chú ý bảo vệ mũi họng, đeo khẩu trang cẩn thận, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh hay giao mùa
-
Nâng cao đầu khi ngủ để dịch trong xoang mũi thoát ra dễ dàng hơn, giảm tắc nghẽn.
-
Không nên hút thuốc lá, tránh xa nơi đông người, có nhiều khói bụi ô nhiễm.
-
Những người bị kích ứng bởi lông thú nuôi cần tránh tiếp xúc với chúng
-
Vệ sinh không gian sống, làm việc sạch sẽ mỗi ngày để ngăn chặn bụi hay nấm mốc tồn tại.
Để tránh phát sinh các vấn đề nghiêm trọng, cần chú trọng điều trị sớm các bệnh về mũi ngay khi thấy phát hiện sự khởi phát triệu chứng đầu tiên đồng thời tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và chăm sóc tốt tại nhà.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/