‘Dịch vụ’ đẻ thuê, mang thai hộ tràn lan: Tại sao khó xử lý?
Có thể xử lý hình sự
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc người phụ nữ mang thai cho người khác bằng áp dụng công nghệ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi ích về vật chất hoặc lợi ích phi vật chất.
Mang thai hộ vì mục đích thương mại được hiểu như một sự trao đổi trong đó người phụ nữ gần như được “thuê” vào việc mang thai và sinh con cho người khác cho nên hành vi này gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.
>> Phía sau những nhóm hiếm muộn: Lộ diện ‘dịch vụ’ đẻ thuê, mang thai hộ
Trước hết mang thai hộ vì mục đích thương mại khiến cho người phụ nữ bị lạm dụng về thể xác, bị biến thành công cụ dùng vào việc mang thai và sinh con.
Về lâu dài, hành vi này nếu phổ biến sẽ làm gia tăng tình trạng mua bán người nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Do vậy pháp luật nghiêm cấm hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Các nhóm mang tìm người mang thai hộ xuất hiện tràn lan trên facebook.
Về khung xử lí đối với hành vi này, luật sư Hùng cho biết: Đối với người có hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại, người thuê người khác mang thai hộ pháp luật chỉ quy định xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, căn cứ Điều 60 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, người có hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng.
Với người có hành vi tổ chức cho người khác mang thai hộ vì mục đích thương mại thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể là những hành vi như phân công, chỉ huy, điều hành, môi giới hoạt động mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Những người có hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất là phạt tù 5 năm.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng.
Khó khăn trong quá trình đấu tranh, phát hiện
“Theo quan điểm của tôi, pháp luật quy định hình thức xử phạt hành chính và mức phạt nói trên là khá nhẹ và phần nào chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm. Hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại chỉ bị phạt hành chính cao nhất là phạt tiền đến 10.000.000 đồng và không bị xử lý hình sự.
Theo đó, hầu hết người có nhu cầu tìm người mang thai hộ là những thành phần rất có điều kiện về kinh tế trong xã hội. Số tiền họ chi trả cho người mang thai hộ có thể đến hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ đồng. Vậy thì mức phạt tiền 10.000.000 đồng với hành vi này là chưa thoả đáng.
Hơn nữa người mang thai hộ vì mục đích thương mại dù có thực hiện hành vi nhiều lần, hết lần này đến lần khác mỗi lần chỉ nộp phạt 10.000.000 đồng mà không thể xử lý hình sự sẽ khiến cho họ xuất hiện tâm lý coi thường pháp luật, “nhờn luật”, luật sư khẳng định.
Còn đối với người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, việc bị xử lý hình sự là đương nhiên và có thể bị phạt tù lên đến 5 năm đã đáp ứng được nhu cầu phòng chống tội phạm và đủ sức răn đe.
Lý giải về việc các hoạt động môi giới mang thai hộ vẫn tràn lan trên mạng xã hội, luật sư đánh giá: “Môi giới là hành vi trung gian, kết nối người mang thai hộ và người có nhu cầu nhờ người khác mang thai hộ vì mục đích thương mại. Những người môi giới sẽ được hưởng một phần lợi ích thu được từ việc mang thai hộ.
Hành vi môi giới được coi là một dạng của tội phạm tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Hiện nay, internet mạng xã hội phát triển càng khiến cho hoạt động môi giới này diễn ra mạnh mẽ hơn và khó đấu tranh hơn. Những đối tượng môi giới thường dùng số điện thoại “rác”, tài khoản mạng xã hội ảo để hoạt động và rất ít khi lộ diện nên khó xác định danh tính”.
Bên cạnh đó, dấu hiệu “thương mại” trong hoạt động mang thai hộ vì mục đích thương mại cũng khó phát hiện và đấu tranh. Những khoản tiền được trả vì mang thai hộ thường được núp bóng với hình thức là quà tặng mang tính chất cảm ơn người đã mang thai hộ chứ không phải để trả công. Do vậy để phát hiện, chứng minh mục đích thương mại của các đối tượng gặp không ít khó khăn và hạn chế.