Dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa tiện lợi
Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được xem là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá kết quả của chuyển đổi số (CĐS). Tuy nhiên, so với các nước, việc sử dụng DVCTT của Việt Nam còn thấp do chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Tiện lợi nhưng còn khó khăn
Báo cáo của Bộ TT&TT về tình hình thực hiện Nghị quyết 17 trong xây dựng Chính phủ điện tử cho biết, trong năm 2023 các bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục thúc đẩy triển khai cung cấp DVCTT. Riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp hơn 4.000 dịch vụ; có hơn 4,3 triệu tài khoản đăng ký; hơn 1,1 tỷ lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ. Việc áp dụng CĐS góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn; nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới.
Dự kiến trong tháng 3 này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một Chỉ thị chuyên biệt về nâng cao thứ hạng quốc gia về Chính phủ số, Chính phủ điện tử cho các bộ, ngành, địa phương, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị với mục tiêu. Trong đó quan trọng nhất là xếp hạng Chính phủ điện tử, Chính phủ số Việt Nam năm 2024 ít nhất cũng là 70.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ rõ, việc áp dụng CĐS vào thực tế đang gặp khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ thuận lợi, một số DVCTT chưa thực sự tiện lợi, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân dẫn đến tỷ lệ người dân tham gia thấp. Việc cấp mới và đổi hộ chiếu qua DVCTT là một trong những ví dụ rõ ràng nhất cho hiện trạng nói trên. Anh Thanh Tùng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, quá trình gia hạn hộ chiếu mới đây của mình thông qua DVCTT thực sự là một trải nghiệm không hề tốt khi tốn nhiều thời gian hơn so với làm việc trực tiếp.
Cụ thể, các hướng dẫn trên website của Cục Xuất nhập cảnh có một số chỗ khá khó hiểu nên việc khai thông tin dễ bị sai hoặc thiếu sót. Thậm chí hệ thống còn có nhiều lỗi như, tại một số thời điểm còn không thể đăng ảnh lên để làm hồ sơ, nhập xong thông tin nhưng lại bị xóa hết và yêu cầu nhập lại… “Ngay cả khi tôi là người khá vững về công nghệ mà việc làm hồ sơ trực tuyến này còn mất rất nhiều thời gian và sai sót thì những người không thông thạo hoặc người già thì rất khó để hoàn thành việc khai báo”- anh Thanh Tùng phản ánh.
Bên cạnh đó, dịch vụ cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến cũng đang được cho là còn nhiều bất tiện. Chị Hà Linh (Đống Đa,
Hà Nội), cho biết, cách đây một tháng, chị có tiến hành đổi bằng lái xe ô tô sắp hết hạn thông qua Cổng DVCTT nhưng ngay từ khâu đăng ký tài khoản trên Cổng DVCTT đã khá rắc rối khi không thể sử dụng số căn cước công dân bởi số điện thoại của chị lại gắn liền với chứng minh Nhân dân cũ. Không những thế, thay vì chỉ gửi hình ảnh của giấy khám sức khỏe thì hệ thống lại yêu cầu phải có chứng thực điện tử của giấy tờ này tại UBND phường nơi chị cư chú.
“Việc đổi bằng lái xe trên Cổng DVCTT khá rắc rối và tốn nhiều thời gian khi các hướng dẫn đi kèm không cụ thể nên rất dễ làm sai và phải thực hiện lại nhiều lần. Thay vào đó, nếu thực hiện trực tiếp thì chỉ cần 2 buổi là xong”- chị Hà Linh chia sẻ.
Như vậy có thể thấy, hiện DVCTT vẫn còn một số “rào cản” khiến số lượng người dân tham gia chưa tương xứng với khả năng. Đầu tiên là sự hạn chế từ khung pháp luật, nhiều thủ tục vẫn chưa phù hợp với DVCTT khi giữ nguyên các quy định của hồ sơ trực tiếp. Thậm chí, nhiều quy định gây phức tạp cho cả đội ngũ công chức tiếp nhận giải quyết hồ sơ và người dân làm thủ tục.
Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ phục vụ cho DVCTT cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Kết nối giữa các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn chưa thực sự hoàn thiện, dẫn tới người dân thực hiện khó khăn hoặc không có dịch vụ mà mình cần. Đi kèm với đó việc sử dụng các dịch vụ như chữ ký điện tử, nộp các khoản phí trực tuyến không thực sự dễ dàng với người dân có trình độ công nghệ hạn chế.
Đặc biệt, rào cản lớn nhất nằm chính ở tâm lý của người dân khi có thói quen đến trực tiếp cơ quan Nhà nước để làm thủ tục hành chính. Theo phần lớn người dân, cách thức này khiến họ cảm thấy an tâm hơn khi được cán bộ được hướng dẫn và thực hiện trực tiếp trong quá trình làm thủ tục cũng như để được hướng dẫn điền các thông tin vào biểu mẫu. Qua đó, cũng tiết kiệm được tối đa thời gian chứ không phải làm đi làm lại như một số DVCTT có mức độ phức tạp.
Tìm những giải pháp đột phá
Theo một đánh giá mới đây của Liên Hợp quốc, chỉ số dịch vụ trực tuyến tại Việt Nam đang là khá thấp khi xếp thứ 76 trên tổng số 193 quốc gia được khảo sát. Thực tế cũng cho thấy, chất lượng DVCTT vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân và DN. Vì vậy, Việt Nam muốn nâng hạng quốc gia thì không có cách nào khác là phải có kết quả đột phá hơn nữa với chất lượng DVCTT và số lượng người dân sử dụng, hài lòng với DVCTT.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng: “Từ bộ, ngành, địa phương cần triển khai chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để người dân, DN chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan Nhà nước khi thực hiện DVCTT”.
Cùng với đó, người dân cần có tài khoản sử dụng DVCTT. 100% người dân và DN khi sử dụng dịch vụ trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả hệ thống của các cấp chính quyền từ T.Ư đến địa phương.
“Một trong những giá trị thiết thực nhất của CĐS là xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương rồi sử dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện giám sát, đánh giá online, phát hiện sớm các xu thế bất cập để cảnh báo sớm cũng như sử dụng dư liệu để ra quyết định. Đây là bước đột phá trong DVCTT góp phần nâng tầm quốc gia”- Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chia sẻ.