ĐỊA LÝ HÀNH CHÍNH VÀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

1- Địa lý hành chính

Việt Yên là một vùng đất cổ, xuất hiện trên bản đồ Tổ quốc từ khá sớm. Thời Hùng Vương – An Dương Vương, Việt Yên thuộc huyện Tây Vu, bộ Vũ Ninh của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc.

Thời Bắc thuộc, Việt Yên vẫn thuộc huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ.

Thời Lý, sau chiến thắng quân Tống vào mùa Xuân năm 1077, một vùng đất ven tả ngạn sông Cầu đối diện với Như Nguyệt – Thị Cầu, Vạn Xuân được lập ra thành một đơn vị hành chính mới – huyện Yên Việt, thuộc phủ Bình Lỗ, lộ Bắc Giang.

Yên Việt cùng với phòng tuyến sông Như Nguyệt là những cái tên ghi lại trang sử oanh liệt của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống thế kỷ XI. Tên gọi Yên Việt tồn tại tới thế kỷ XIX.

Năm 1820, (năm Minh Mệnh thứ nhất), huyện Yên Việt đổi tên thành huyện Việt Yên.

Trải qua thời gian, địa giới hành chính huyện Việt Yên đã có nhiều thay đổi. Dư­ới các triều đại phong kiến Việt Nam, huyện Việt Yên có 5 tổng: Ngọ Xá, Đông Lỗ, Tiên Lát, Quang Biểu, Hư­ơng Tảo, chạy dài theo tả ngạn sông  Cầu, huyện lỵ đặt ở Yên Viên (làng Vân) thuộc xã Vân Hà ngày nay.

Khi thực dân Pháp xâm lược n­ước ta, để phục vụ cho chính sách cai trị, chúng điều chỉnh lại đơn vị hành chính các địa ph­ương, trong đó huyện Việt Yên có sự điều chỉnh khá lớn: Hai tổng Ngọ Xá, Đông Lỗ cắt về huyện Hiệp Hòa, tổng Hư­ơng Tảo cắt về huyện Yên Dũng, đồng thời Việt Yên nhận về 5 tổng của huyện Yên Dũng là: Mật Ninh, Dĩnh Sơn, Tự Lạn, Thiết Sơn, Hoàng Mai.

Sau khi điều chỉnh lại đơn vị hành chính, từ đầu thế kỷ XX, chính quyền thực dân rời huyện lỵ về Bích Động. Trư­ớc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, huyện Việt Yên có 7 tổng: Quang Biểu, Tiên Lát, Mật Ninh, Dĩnh Sơn, Tự Lạn, Thiết Sơn, Hoàng Mai, gồm 67 xã. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà n­ước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xóa bỏ đơn vị hành chính tổng, thành lập đơn vị hành chính liên xã hoặc xã. Lúc này, từ 67 xã nay sáp nhập thành 22 xã với các tên gọi­: Chấn H­ưng, Cộng Hòa, Hồng Phong, Kính Ái, Hà Lạn, Ph­ương Lạn, Cai Vàng, Mỏ Ngân, Nghĩa Hạ, Thiết Th­ượng, Chu Ngàn, Quang Tiến, Quang Trung, Khả Cao, Tăng Long, Thần Chúc, Tiên Sơn, Yên Hà, Tự Lạn, Thiện Mỹ, Ninh Sơn, Trung Sơn.

Trong kháng chiến chống Pháp, để phục vụ cho việc lãnh đạo, chỉ đạo được thuận tiện, Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu I đã hợp nhất các liên xã hoặc xã thành những xã lớn hơn: ba xã Chấn Hưng, Cộng Hòa, Vân Trung thành Hồng Phong; hai xã Hà Lạn, Phư­ơng Lạn thành xã Việt Tiến; hai xã Cai Vàng, Mỏ Ngân thành xã Minh Đức; hai xã Chu Ngàn, Quang Tiến thành xã Quang Châu; hai xã Tự Lạn, Thiện Mỹ thành xã Lan Đình; ba xã Ninh Sơn, Khả Cao, Quang Trung thành  xã Quảng Minh; ba xã Yên Hà, Thần Chúc, Tiên Sơn thành xã Sơn Hà. Cuối năm 1950, xã Song Mai cắt từ huyện Lạng Giang nhập vào huyện Việt Yên.

Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, theo chủ trư­ơng của cấp trên, các xã lớn lại được chia thành các xã nhỏ hơn: xã Việt Tiến chia thành Việt Tiến, Hòa Tiến; xã Kính Ái chia thành Hồng Thái, Tăng Tiến; xã Hồng Phong chia thành Dân Tiến, Hòa Bình; xã Quảng Minh chia thành Quảng Minh, Ninh Sơn; xã Sơn Hà chia thành Vân Hà, Tiên Sơn; xã Lan Đình chia thành Thượng Lan, Tân Tiến.

Ngày 15 tháng 10 năm 1957, Bộ Nội vụ ra Thông tư­ số 5904 về việc đặt tên xã, xóm ở nông thôn. Căn cứ vào thông t­ư của Bộ Nội vụ, tên một số xã ở huyện Việt Yên đã đư­ợc đổi lại. Năm 1968, xã Tân Tiến đổi thành xã Tự Lạn; xã Dân Tiến đổi thành xã Vân Trung. Năm 1973, xã Hòa Bình đổi thành xã Hoàng Ninh. Năm 1974, xã Hòa Tiến đổi thành xã Hương Mai.

Năm 1962, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết sáp nhập hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01 tháng 01 năm 1963, huyện Việt Yên thuộc tỉnh Hà Bắc.

Ngày 22 tháng 4 năm 1964, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 127/NV cắt hai thôn Đa Mai và Thanh Mai thuộc xã Song Mai để thành lập tiểu khu Đa Mai trực thuộc thị xã Bắc Giang.

Ngày 3 tháng 5 năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng  ban hành Quyết định số 130-HĐBT chuyển xã Song Mai của huyện Việt Yên nhập vào thị xã Bắc Giang.

Năm 1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thống nhất chia tỉnh Hà Bắc thành hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Bộ máy hành chính hai tỉnh hoạt động từ ngày 1 tháng 1 năm 1997. Từ đó đến nay, huyện Việt Yên thuộc tỉnh Bắc Giang.

Ngày 22 tháng 12 năm 1997, Chính phủ ra Nghị định số 116/1997/NĐ-CP thành lập thị trấn Bích Động.

Ngày 20 tháng 3 năm 2003, Chính phủ ra Nghị định số 16/2003/NĐ-CP thành lập thị trấn Nếnh.

Hiện tại, Việt Yên có 17 xã là: Bích Sơn, Hoàng Ninh, Hồng Thái, Hư­ơng Mai, Minh Đức, Nghĩa Trung, Ninh Sơn, Quang Châu, Quảng Minh, Tăng Tiến, Th­ượng Lan, Tiên Sơn, Trung Sơn, Tự Lạn, Vân Hà, Vân Trung, Việt Tiến và hai thị trấn: Bích Động và Nếnh.

Ngày 21/11/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 813/NQ-UBTVQH14 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021 và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Bắc Giang. Theo đó, xã Bích Sơn sáp nhập vào thị trấn Bích Động; xã Hoàng Ninh sáp nhập vào thị trấn Nếnh. Huyện Việt Yên có 2 thị trấn và 15 xã như hiện nay: Hồng Thái, Hương Mai, Minh Đức, Nghĩa Trung, Ninh Sơn, Quang Châu, Quảng Minh, Tăng Tiến, Thượng Lan, Tiên Sơn, Trung Sơn, Tự Lạn, Vân Hà, Vân Trung, Việt Tiến, thị trấn Bích Động và thị trấn Nếnh.

2. Điều kiện tự nhiên

Việt Yên là huyện trung du miền núi, nằm giữa l­ưu vực sông Cầu và sông Thương, ở khoảng 21016’ – 21017’ vĩ độ Bắc; 106001’- 107007 độ kinh Đông; có diện tích 171,01 km2 (bằng 4,5% diện tích tỉnh Bắc Giang).

Phía Đông giáp huyện Yên Dũng và thành phố Bắc Giang;

Phía Tây giáp huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) và huyện Hiệp Hòa.

Phía Nam giáp thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh);

Phía Bắc giáp huyện Tân Yên;

Huyện ở vào vị trí thuận lợi, nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, trong tầm ảnh hưởng và phát triển của Thủ đô Hà Nội, gắn với hành lang phát triển kinh tế trên tuyến Quốc lộ 1 Hà Nội – ạng Sơn, là cửa ngõ giao thông của tỉnh, rất thuận lợi cho giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, thông thương hàng hóa, thu hút vốn đầu tư, là cơ hội để phát triển một nền kinh tế đa dạng, bao gồm cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ – thương mại, nhất là phát triển công nghiệp. Đặc biệt, với hai trục kinh tế: Trục Bắc – Nam (dọc Quốc lộ 1A) đã và đang hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp có quy mô lớn (từ khu công nghiệp Quang Châu đến khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng) và trục kinh tế Đông   Tây (dọc Quốc lộ 37 và đường vành đai 4 đang triển khai, nối từ khu công nghiệp Đình Trám đến Hiệp Hòa) đã đưa huyện Việt Yên trở thành khu vực phát triển năng động nhất tỉnh. Đây cũng là địa bàn rất quan trọng về an ninh – quốc phòng, cùng với các huyện của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh tạo thành “phên giậu” bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa – Thủ đô Hà Nội ngày nay.

Là nơi chuyển tiếp, vùng đệm giữa đồng bằng và miền núi, huyện Việt Yên có cảnh sắc thiên nhiên phong phú, tươi đẹp. Địa hình huyện Việt Yên không bằng phẳng, bao gồm cả đồng bằng và đồi núi xen kẽ, được chia thành hai vùng: Vùng phía Tây Bắc Tỉnh lộ 295B (Quốc lộ 1A cũ) có nhiều đồi núi, độ dốc trải dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam; vùng phía Đông Tỉnh lộ 295B có độ dốc lớn, hướng về hai phía Tăng Tiến, Hoàng Ninh và Quang Châu. Địa hình đồi núi chiếm 6% diện tích đất tự nhiên của huyện. Hầu hết các xã trong huyện đều có những khu đồi núi cao thấp xen kẽ như: núi Quảng Phúc (xã Nghĩa Trung), núi Mỏ Thổ (xã Minh Đức), núi Bài (xã Vân Trung), núi Con Voi (xã Trung Sơn), núi Tiên Lát (xã Tiên Sơn), núi Hiểu, núi Tam Tầng (xã Quang Châu). Địa hình đa dạng với với ba dạng chính (địa hình đồi núi thấp, địa hình bồn địa gò thấp và địa hình vùng đồng bằng có lượn sóng) tạo điều kiện thuận lợi để Việt Yên phát triển một nền nông nghiệp đa dạng, phong phú, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Huyện Việt Yên có các loại tài nguyên: tài nguyên đất, nguồn nước mặt và tài nguyên rừng. Dựa trên kết quả điều tra thổ nhưỡng, trên địa bàn huyện có các nhóm đất chính: đất phù sa, đất xám bạc màu, đất feralit đỏ vàng…, thích hợp với nhiều loại cây trồng. Toàn huyện có 932,62ha rừng, trong đó có 343ha rừng phòng hộ. Việt Yên có sông Cầu bắt nguồn từ Bắc Kạn chảy qua Bắc Giang, trong đó có 22km chảy qua địa bàn huyện. Sông Cầu đóng vai trò quan trọng về giao thông, thủy lợi và quân sự. Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống thế kỷ XI, Lý Thường Kiệt đã xây dựng phòng tuyến dọc bờ sông Cầu để ngăn quân Tống, bảo vệ kinh thành Thăng Long. Cùng với sông Cầu, sông Thương, ngòi Cầu Sim và trên 1.100ha mặt nước ao, hồ nhỏ rải rác đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân trong huyện.

Việt Yên nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, một năm chia thành bốn mùa rõ rệt. Nhiệt độ trung bình hằng năm là 230C, lượng mưa bình quân hằng năm là 1.504mm. Hướng gió chính là gió mùa Đông Bắc thổi từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, còn lại các tháng trong năm là gió Nam, gió Tây Nam và gió Đông Nam. Đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm vào mùa hè và lạnh khô vào mùa đông là một trong những thuận lợi để địa phương phát triển một nền nông nghiệp đa dạng với các loại cây trồng có nguồn gốc nhiệt đới, Á nhiệt đới và ôn đới, đặc biệt là các cây trồng cho giá trị sản phẩm, kinh tế cao như rau cao cấp, cây màu, cây vụ đông các loại. Với những đặc điểm về địa hình, khí hậu, thời tiết, đất đai như trên, Việt Yên có điều kiện thuận lợi để phát triển một nền sản xuất nông – lâm nghiệp đa dạng, bền vững theo hướng tập trung sản xuất với quy mô lớn, chuyên canh (sản xuất lương thực, thực phẩm sạch, cây công nghiệp ngắn ngày…), làm cơ sở cho quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.