Đi lấy mật rừng
Vua lấy ong
Giữa cái nắng oi bức của những ngày đầu hè, chúng tôi theo chân ông Lê Văn Nếp ở tại thôn 1 xã Trà Mai (Nam Trà My) vào rừng lấy mật ong. Hành trang lên đường chỉ vỏn vẹn 1 con rựa, 1 cái gùi và vài túi nilon cùng với dây thừng, đính kèm thêm vài gói mì tôm, 2 chai nước để lót dạ. Vượt dốc dựng đứng chừng 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đã tới được khu vực khai thác mật ong rừng. Tổ ong này được các thanh niên trong làng phát hiện và “mời” ông Nếp đi lấy. Bởi lẽ ở xứ sở đại ngàn này chỉ có ông mới nắm chắc kỹ thuật lấy mật ong rừng một cách nhanh chóng, an toàn nhất. Theo chia sẻ, ông Nếp đi lấy ong rừng từ năm 1967, lúc đó mới 15 tuổi. Qua quá trình nhiều năm kinh nghiệm, ông Nếp theo dõi con ong lấy nước dưới suối, khi thấy bay ngang là tổ cách đó khoảng 1km. Con ong bay hướng nào là tìm vào hướng đó sẽ phát hiện liền. Một kinh nghiệm nữa là nhìn nước tiểu của ong thải xuống tảng đá dưới khe suối có màu vàng lấm tấm thì khu vực đó sẽ có tổ ong mật. Kinh nghiệm cũng cho biết, mật ong rừng lấy vào khoảng tháng 6 tháng 7 là tốt nhất vì thời điểm này mật sẽ chín và có màu vàng sẫm nên chất lượng hơn thời điểm đầu mùa. Chính vì thế nên đa phần các tổ ong rừng ở Nam Trà My đều được dân làng nhờ ông Nếp khai thác, lấy mật. Ký thuật trèo lên cây để lấy mật ong cũng hết sức công phu và cực kỳ nguy hiểm. Do đây là loại ong dều, có nọc cực độc và tổ thường làm ở những cây cao từ 20 đến 90 mét với đường kính vài người ôm nên muốn trèo lên cây phải biết cách nếu không rất dễ mất mạng. Với kinh nghiệm 47 năm lấy mật ong rừng, ông Nếp đã phát minh ra kỹ thuật trèo cây cao to bằng dây rừng vừa an toàn chắc chắn mà lại nhanh hơn cả bắc thang. Theo chi sẻ, một cây cao chừng 40 mét, nếu dùng dây rừng buộc thòng lọng theo kiểu từng nấc, mỗi nấc cách nhau chừng 1 mét thì hết khoảng 30 phút; còn nếu đốn cây nứa bắc thang thì hết nửa ngày và rất nguy hiểm. “Trèo lên cây cao rất nguy hiểm, dây buộc vào cây đòi hỏi là phải cứng. Khi buộc đòi hỏi phải an toàn tuyệt đối. Nếu rớt 1 sợi dây thì việc trèo lên và đi xuống hết sức khó khăn. Cho nên khi trèo lên đốt tổ ong phải hết sức là bình tĩnh. Chỉ có cái mây là tốt nhất thôi, như mây song, mây trâu, mây nước. Gặp tổ ong 28 lít mật trở lên nặng lắm nên khi cõng xuống rất nguy hiểm” – ông Nếp chia sẻ.
Bảo vệ ong mẹ
Khi buộc dây vào thân cây có tổ ong, ông Nếp sẽ xuống đất làm bó đuốc hun khói bằng củi khô và lá rừng, đồng thời lấy túi nui lon bọc trong lòng cái teo để chứa mật. Khi mọi công đoạn chuẩn bị xong xuôi, ông Nếp lại cõng teo nhẹ nhàng bám vào các đoạn dây mới buộc để tiến lên tổ ong. Khi cách tổ chừng 2 mét, sẽ tiến hành đốt bó đút để hun khói, đuổi ông mẹ bay đi. Đặc điểm của loài ong là rất sợ khói nên khi hun ong mẹ sẽ bay tản ra xung quanh. Ông Nếp cho biết, nhiều người khi lấy ong, dùng lửa ngọn đốt thẳng vào tổ, làm như vậy ong mẹ sẽ bị chết hết và các mùa sau mật rừng sẽ không còn nhiều. Nên nếu dùng khói hun vừa bảo vệ được mình vừa đảm bảo đàn ong mẹ không bị tiêu diệt. Khi ong bay ra khỏi tổ thì dùng rựa cắt phần sáp nhộng để qua một bên. Tiếp đó dùng teo hứng bên dưới và đưa rựa vào cắt nhanh túi mật để tránh bị chảy ra ngoài. Ong dều ở Nam Trà My làm tổ chỉ có một tầng duy nhất nên công đoạn lấy mật cũng rất nhanh. Những tổ có đường kinh trên 1 mét thì phải cõng mật xuống trước, sau đó mới trèo lên cõng tiếp sáp nhộng. Chỉ trong vòng chưa tới 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi được chứng kiến ông Nếp đưa một tổ ong rừng khoảng 4 lít mật xuống đất một cách an toàn.“Khi lấy mật ta không được bỏ chung với sáp nhộng vì như vậy vắt chung nó sẽ chua và mật không được tốt, bảo vệ không được lâu. Cây mà tôi đốt cách đây 3 ngày cao tới 90 mét. Lên buộc ngày đầu bị tấn công. Đến đêm thứ 2 tôi trèo lên buộc dây xong lấy được 20 lít mật. Khi phá nhà của hắn thì hắn phải trả thù chứ, nhất là cái ổ ong trên cây cao, mình không có kinh nghiệm lên đó mà dật dờ nó cắn sưng mặt sưng mũi chứ giỡn- ông Nếp chia sẻ.
(Tổ ong rừng được ông Nếp cẩn thận khai thác. Ảnh: H.Thọ)
Trong mỗi chuyến đi núi khai thác mật rừng, ông Nếp thường dẫn theo các thanh niên trái làng để hướng dẫn tỉ mỉ kỹ thuật khai thác ong. Bởi lẽ với ông, nghề lấy ông không những để mưu sinh mà đó còn là những chuyến du lịch rừng khá thú vị. Hồ Văn Nai, 25 tuổi, được ông Nếp dẫn đi lấy ong rừng hơn 3 năm qua cũng đã biết được hầu hết cách lấy mật an toàn và bảo vệ được đàn ong. Khi đi lấy ong, Nai cùng với các thanh niên khác đảm đương nhiệm vụ cắt dây rừng, làm bó đuốc, quan sát động tĩnh tổ ong. Trong quá trình đi tìm mật ong rất vất vả, có khi anh em đi cả ngày mà tìm không được. Em đi theo bác Nếp nên cũng biết được rất nhiều nhưng vẫn chưa dám trèo lên lấy mật. Đi theo vài năm nữa chắc mình sẽ lấy được ong rừng – Nai chia sẻ.
Thành quả sau mỗi chuyến đi lấy mật rừng. Ảnh: H.Thọ
Hiện nay, mỗi lít mật ong rừng tại Nam Trà My có giá bán khoảng 600 nghìn. Tính từ đầu mùa ong (khoảng tháng 3) đến nay, ông Nếp cùng với các trai làng đã lấy được hơn 50 lít. Có năm được mùa trúng vài trăm lít đem bán sẽ có bạc triệu nên cũng giải quyết một phần chi tiêu cho gia đình. Có thể nói nghề lấy mật rừng tuy nguy hiểm nhưng đem lại thu nhập cao cho người dân bản địa. Và với ông Lê Văn Nếp, tuy năm nay kiếm được khá tiền từ mật ong rừng nhưng sau mỗi chuyến đi, trên khuôn mặt ông vẫn canh cánh nổi lo ong rừng bị tận diệt: Ngày xưa tôi đi lấy ong gặp tổ 20 lít, 25 lít mật là bình thường. Nhưng bây giờ số lượng tổ ong cũng giảm dần và lượng mật cũng không còn nhiều như trước. Nguyên nhân là do ong mẹ bị đốt chết nhiều quá và nạn phá rừng gây ra. Mình đi núi thấy họ hạ cây nghe nhức nhối trong tim vì làm như vậy là tử tuyệt lộc rừng!