Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên
Yên Ninh là một làng cổ còn có tên gọi Nôm là Nếnh xưa thuộc tổng Dật Ninh, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc; về sau tổng Dật Ninh được chuyển sang huyện Việt Yên, phủ Bắc Hà. Ngày nay, Yên Ninh thuộc thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên. Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, làng cổ Yên Ninh được cả nước biết đến là “làng Tiến sĩ”.
Với truyền thống hiếu học, khoa bảng vốn có, cùng ý chí quyết tâm luyện rèn kinh sử xưa tại làng Yên Ninh đã giúp cho ngôi làng lập lên một thành tích khoa cử nổi danh trong cả nước. Đó là vào khoảng thế kỷ XV- XVII, khi cả tỉnh Bắc Giang có 5 quan Tế tửu, Tư nghiệp ở Quốc Tử Giám thì riêng làng Yên Ninh đã có 4 người (Thân Nhân Trung, Nguyễn Lễ Kính, Đỗ Văn Quýnh, Hoàng Công Phụ). Trong đó, người mở đầu khai khoa là Tiến sĩ Thân Nhân Trung đỗ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Kỷ Sửu năm 1469. Tiếp đến là Tiến sĩ Nguyễn Lễ Kính đỗ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi năm 1475. Tiến sĩ Ngô Cảnh Vân đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu năm 1481. Tiến sĩ Thân Nhân Vũ (con trai Thân Nhân Trung) đỗ Tam giáp Đồng Tiến sĩ khoa Tân Sửu năm 1481. Tiến sĩ Thân Cảnh Vân (cháu Thân Nhân Trung) đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập Đệ Tam danh (Thám hoa) khoa Đinh Mùi năm 1487. Tiến sĩ Thân Nhân Tín (con trai Thân Nhân Trung) đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất năm 1490. Tiến sĩ Đỗ Văn Quýnh đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn năm 1520. Tiến sĩ Doãn Đại Hiệu đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu 1541. Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Lập đỗ Đệ nhị Đồng giáp Tiến sĩ năm 1553. Tiến sĩ Hoàng Công Phụ đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi năm 1619.
Như vậy, có thể thấy trong khoảng gần 200 năm từ 1469 – 1619, làng Yên Ninh đã có 10 Tiến sĩ đỗ đạt thành danh qua các khoa thi của các triều đại phong kiến Lê – Mạc, trong đó dòng họ Thân có 4 đời cha con, ông, cháu đều đỗ Tiến sĩ. Tiêu biểu là Tiến sĩ Thân Nhân Trung, người đã khơi nguồn truyền thống hiếu học tại vùng đất Yên Ninh xưa, ông đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp chính trị, văn hóa, giáo dục dưới thời vua Lê Thánh Tông. Thân Nhân Trung từng giữ các chức vụ Đông các Đại học sĩ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám kiêm Thượng thư Bộ Lễ, Chưởng Hàn lâm viện sự, Thượng thư Bộ Lại, Nhập nội phụ chính. Người nổi tiếng với câu nói đã được khắc vào văn bia Tiến sĩ năm Nhâm Tuất (1442), hiện đặt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội về tầm quan trọng của giáo dục nhân tài cho đất nước: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn…”. Tư tưởng của Thân Nhân Trung không chỉ dừng lại trong phạm vi xã hội thời Lê mà nó còn mang ý nghĩa quan trọng xuyên suốt chiều dài lịch sử đối với mọi quốc gia, dân tộc qua các thời kỳ lịch sử.
Nhằm bảo lưu và gìn giữ những giá trị truyền thống hiếu học tại làng quê khoa bảng Yên Ninh, qua nhiều thời kỳ, các dòng họ ở Yên Ninh đã lập các ngôi đền, từ đường, nhà thờ họ để tôn thờ và ghi nhớ công lao của các vị tiên tổ và các vị Tiến sĩ giúp rạng danh quê hương như đền thờ họ Thân, đền thờ Hoàng Công Phụ, đền thờ Tiến sĩ (thờ 10 vị Tiến sĩ làng Yên Ninh xưa)… Trải qua các giai đoạn lịch sử, một số ngôi đền thờ của các dòng họ như họ Thân, họ Hoàng… đã bị phá hủy do chiến tranh, cũng như bị hư hỏng và xuống cấp do nắng mưa, thời gian. Trên cơ sở đó, để bảo tồn và phát huy truyền thống hiếu học khoa bảng của tỉnh Bắc Giang, năm 2015, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 23/10/2015 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung tại thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên với tổng mức đầu tư hơn 70 tỷ đồng. Quy mô đền thờ có tổng diện tích xây dựng 19.183,5m2, với các hạng mục chính gồm: Đền thờ, Tả vu, Hữu vu, Nhà bia, Nghi môn, Tượng đài, bãi đỗ xe, khu dịch vụ… Riêng đền thờ chính có diện tích khoảng 400m2. Đến nay, dự án đã hoàn thành các hạng mục và đưa vào sử dụng đón tiếp các đoàn khách đến dâng hương, tham quan tìm hiểu về vùng đất, con người nơi đây. Có thể nói, đây là công trình văn hóa lớn, có ý nghĩa tri ân với những công lao, đóng góp to lớn cho quê hương, đất nước của danh nhân văn hóa, Tiến sĩ Thân Nhân Trung. Đồng thời, nơi đây trở thành một địa chỉ giáo dục, khơi dậy truyền thống hiếu học, khoa cử của tỉnh Bắc Giang.
Công trình đền thờ Tiến sĩ tọa lạc tại thôn Yên Ninh, nơi đây xưa là cánh đồng lúa quanh năm xanh tốt, nằm giữa 2 dòng sông lớn là Nguyệt Đức (tức sông Cầu) và Nhật Đức (tức sông Thương), bên cạnh đó các ngọn núi phía Tây hình vòng cung tạo thành “Hàm Rồng phun tản vân” (tức phun châu) về phía Yên Ninh. Chính vì vậy, thôn Yên Ninh được coi là vị trí “tụ thủy” nên được người xưa khéo so sánh ví von như chiếc nghiên mực. Đó cũng là lý do để luận giải về sự hưng thịnh, vẻ vang kéo dài gần hai thế kỷ trong sự nghiệp khoa cử của làng quê Yên Ninh từ xưa đến nay.
Hiện nay, đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung được xây dựng trên một thế đất phong thủy đẹp, thoáng đãng, mặt nhìn về hướng Nam, xung quanh là khu dân cư trù mật, phía sau là đình Yên Ninh và phía trước cách khoảng 500m là con đường cao tốc chạy qua. Toàn bộ khuôn viên đền rộng chừng 19.183,5m2. Nhìn tổng thể, đền có quy mô lớn bề thế, được sắp xếp bài trí trong một bố cục cân đối, hài hòa gồm các hạng mục công trình: Đền thờ, Tả vu, Hữu vu, Nhà bia, Nghi môn nội, Nghi môn ngoại.
Nhìn từ xa, nghi môn ngoại, được xây theo lối kiến trúc tường thành cổ gồm 2 tầng với 3 cửa cuốn vòm cân xứng và 2 cửa phụ 2 bên. Tầng 1 liên kết với nhau bởi các cột trụ biểu, 4 cột trụ biểu chính giữa trên đỉnh đắp trang trí hình tứ phượng chung thân, phía dưới trang trí hoa văn, thân cột trụ biểu chạm khắc chữ Hán ca ngợi cảnh đẹp ngôi đền. Bốn cột trụ biểu hai bên trên đỉnh đắp trang trí hai con nghê đang trong tư thế chầu vào trong. Phần tầng 2 chính giữa nghi môn là gác lâu được mô phỏng theo kiểu kiến trúc giống Khuê Văn Các ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Gác lâu được thiết kế theo lối chồng diêm, 2 tầng, 8 mái đao cong, bốn bên tường hồi gác là 4 cửa sổ tròn, biểu tượng của hình mặt trời.
Qua Nghi môn ngoại là đến hồ nước được xây dựng gọn gàng, xung quanh hồ được kè chắc chắn với lan can đá tạo tác hình con tiện nối với nhau bởi các cột trụ lửng. Tiếp đến là hạng mục Nghi môn nội. Nghi môn nội tạo bởi 3 gian kết cấu theo lối chồng diêm, 2 tầng. Mái lợp ngói mũi, bờ nóc, bờ dải xây gạch, ngoài phủ vữa. Ngăn cách giữa tầng mái trên và tầng mái dưới là phần cổ diêm chấn song hình con tiện bằng gỗ. Chính giữa treo biển đề chữ Hán “Thân tướng công từ”. Tường hồi hai bên trái, phải nghi môn được xây theo lối tường hồi tay ngai, tường xây gạch phủ vữa quét vôi, hai hồi phía trước, sau để thoáng. Cửa được làm theo kiểu thượng song hạ bản. Các vì liên kết theo kiểu thức vì con chồng đấu kê trụ giá chiêng. Các cấu kiện đều được làm bằng gỗ lim. Hai bên cửa nghi môn đặt hai tượng trong tư thế đứng hầu bằng chất liệu đá.
Tiếp đến là hạng mục nhà bia gồm 2 nhà bia đặt 2 bên trái, phải của đền cân xứng nhau. Nhà bia tạo bởi 1 gian 4 cột gỗ chắc khoẻ nâng đỡ lấy bộ khung mái tạo sự vững chắc và thanh thoát. Giữa đặt bia đá ghi về công trạng tiến sĩ Thân Nhân Trung. Đến phần sân, chính giữa sân tạo bức bức bình phong với ý nghĩa là biểu trưng của phong thủy, là lá chắn để đảm bảo cho sự bình yên của ngôi đền. Bức bình phong được làm bằng chất liệu đá xanh, tạo tác trang trí theo hình cuốn thư. Phía trên cùng của bình phong trang trí hoa văn kỷ hà, xung quanh là hình vân mây mềm mại và phía trung tâm của bức bình phong là hình hổ ngồi chầu.
Qua hạng mục nhà bia là đến hai dãy Tả vu và Hữu vu. Hai hạng mục này đều có bố cục kiến trúc giống nhau theo hình chữ Nhất ngang gồm 5 gian, xây bình đầu bít đốc, mái lợp ngói mũi truyền thống. Lắp cửa thượng song hạ bản. Các vì liên kết giống nhau theo kiểu thức con chồng đấu kê, trụ giá chiêng, vì nách bán con chồng đấu kê, trên các con chồng trang trí hoa văn hình lá lật, hoa văn kỷ hà. Toàn bộ kết cấu của hai dãy Tả vu và Hữu vu đều dựng bằng gỗ lim.
Tiếp đến là hạng mục đền thờ chính. Sân nối với đền bởi khoảng sân rộng được lát đá. Từ khoảng sân qua 3 bậc thềm là vào khu thờ tự. Hạng mục đền bao gồm tòa Tiền bái, Thiêu hương và Hậu cung tạo thành bố cục kiến trúc kiểu chữ Công. Tòa Tiền bái gồm 3 gian. Mái lợp ngói mũi. Bờ nóc xây gạch rỗng hoa chanh, chính giữa đắp nổi hình “lưỡng long chầu nhật”. Bờ dải xây gạch rỗng hoa chanh, tại đoạn khúc nguỷnh đắp nổi hình hai chú nghê đang chầu vào trung tâm cửa đền như kiểm soát người hành lễ. Bốn góc đao tạo hình đầu rồng cong vút hướng theo chú nghê đang cưỡi sóng mền mại, uyển chuyển trên bờ guột mái đền. Tất cả các tổ hợp trang trí đều mang phong cách kiến trúc truyền thống, tạo cho dáng vẻ bên ngoài ngôi đền thêm phần linh thiêng, cổ kính. Phần hồi hai bên xây gạch chỉ ngoài phủ vữa, phía trên đầu hồi tạo hình hình chữ Thọ để lấy ánh sáng, tạo sự thông thoáng bên trong đền. Hai gian hồi phía trước tòa Tiền bái bưng ván đố lụa kín để mộc. Ba gian giữa tòa Tiền bái lắp cửa thượng song hạ bản với các ngõng cao 0,20m. Nền đền lát gạch vuông đỏ. Kết cấu chịu lực bên trong tòa Tiền bái được làm bằng gỗ lim, tạo bởi 6 vì, liên kết với nhau bởi xà ngang, xà dọc, các khoảng hoành, kẻ tạo vì mái. Hai vì gian giữa liên kết kiểu thức chồng giường đấu kê trụ giá chiêng, kẻ chuyền. Hai vì gian hai bên liên kết kiểu thức chồng giường, đấu kê, trụ giá chiêng, vì nách bán giá chiêng. Hai gian hồi chái liên kết kiểu thức chồng rường. Trên các con chồng trang trí hoa văn hình lá lật, vân mây, đấu kê được đắp gờ vuông vắn tạo sự chắc chắn cho bộ vì. Tại trung tâm mỗi gian là các mảng chạm khắc ở các lớp cửa võng đều được sơn son thếp vàng rực rỡ. Các lớp cửa võng là sự kết hợp nhuần nhuyễn với nhiều chủ đề tạo nên sự phong phú, đa dạng nhưng thuần khiết với các đề tài truyền thống như: tứ quý, tứ linh… Các đề tài đan xen lẫn nhau tạo nên một tổng thể hài hòa giữa thiên nhiên và đời thực là hình ảnh những chú rồng vươn mình ở vị trí trung tâm và uốn lượn bao quanh lấy cửa võng. Trung tâm cửa võng là chạm khắc lưỡng long chầu nguyệt, phía dưới đan xen các chú phượng, lân, rùa, phía trên cùng là hình ảnh các lớp hoa cúc, mai, cây tùng tạo nên một bức tranh sinh động. Tất cả đề tài thể hiện không chỉ làm giảm tính khô cứng của các cấu kiện kiến trúc mà còn tạo ra tính thiêng cho không gian kiến trúc nơi đây.
Phía sau tòa Tiền bái là tòa Thiêu hương. Tòa Thiêu hương gồm 3 gian, mái lợp ngói mũi hài, tường hồi xây gạch phủ vữa, quét vôi, trên tường tạo ô thoáng hình hoa thị. Tòa Tiền bái được tạo bởi 4 vì, các vì liên kết theo kiểu thức con chồng đấu kê, trụ giá chiêng, vì nách bán giá chiêng. Tiêu biểu ở trung tâm tòa Thiêu hương được trang trí “màn đền” mang giá trị nghệ thuật. Các chi tiết trên màn đền được trang trí, bố trí hài hòa, màu chủ đạo là màu đỏ đậm với kiểu dáng hình vuông gồm ba ô vuông nhỏ, mỗi ô vuông đều được tạo gờ chỉ chạy xung quanh làm viền. Đặc biệt là biểu tượng hình mặt trời đặt tại trung tâm màn đền là biểu tượng cho vũ trụ, cho trí tuệ của con người.
Hậu cung gồm 1 gian 2 chái. Hậu cung được ngăn cách với tòa Thiêu hương bởi hệ thống cửa thượng song hạ bản, trên hệ thống cửa trang trí các đề tài tứ quý, tứ linh. Các vì liên kết với nhau theo kiểu thức con chồng, đấu kê, trụ giá chiêng. Tất cả các bức cốn, đầu dư, kẻ, bẩy… đều được trang trí bằng những mảng chạm lộng, chạm kênh bong, chạm nổi kết hợp với sự điêu luyện, tinh tế. Các đề tài trang trí rất phong phú như: tứ linh, tứ quý, kỷ hà… đường nét chạm khắc đẹp, khối hình to, tròn mập. Bên trong Hậu cung là nơi đặt tượng thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung, cùng bài vị của Thân Phụ và Thân Mẫu Tiến sĩ Thân Nhân Trung.
Như vậy có thể thấy, tuy mới được xây dựng song đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân được thiết kế với quy mô bề thế, các hạng mục được bố trí sắp xếp rất cân đối, hài hòa, kết cấu theo lối truyền thống. Trong di tích, còn có nhiều hiện vật có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của ông như: Bảng gỗ ghi về câu nói nổi tiếng của ông “Hiền tài là nguyên khí quốc gia… “, hai tấm bia đá ghi công trạng của ông và bia đá ghi danh sách các vị Tiến sĩ tại làng Yên Ninh. Hằng năm, vào ngày 14 tháng 11 âm lịch, chính quyền, nhân dân địa phương và dòng họ Thân lại long trọng tổ chức mở hội với các nghi thức dâng lễ trang trọng thể hiện lòng ngưỡng vọng, tri ân sâu sắc với tổ tiên, những người có công với dân với nước. Đặc biệt, đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung đã trở thành biểu tượng, nơi giáo dục về truyền thống khoa bảng, tạo sức lan tỏa, khơi dậy truyền thống hiếu học cho các thế hệ mai sau. Kế tiếp truyền thống đó, con cháu vùng đất Yên Ninh tiếp tục phát huy tinh thần với nhiều Tiến sĩ, Thạc sĩ đỗ đạt, thành tài, tô thắm thêm truyền thống hiếu học của dòng tộc.
Trong những năm qua, để động viên khích lệ tinh thần hiếu học, dòng họ Thân cũng như các dòng họ khoa bảng khác tại tổ dân phố Yên Ninh đã phát động phong trào đóng góp xây dựng quỹ khuyến học, hằng năm trao thưởng cho con em có nhiều thành tích cao trong học tập và rèn luyện tại đền; một số trường học trên địa bàn thị trấn cũng đến dâng hương tưởng niệm và tổ chức lễ vinh danh học sỉnh giỏi tại đền; một số du khách trong và ngoài tỉnh cũng đã bước đầu đến thăm quan tìm hiểu về ngôi đền và Tiến sĩ Thân Nhân Trung. Cùng với các di tích trong vùng như đền thờ Tiến sĩ, Nghè Nếnh, Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung đã trở thành địa điểm giáo dục truyền thống văn hóa về tinh thần hiếu học cho các em học sinh trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa giúp các em hiểu và trân quí những giá trị di sản văn hóa mà cha ông đã để lại. Với những giá trị to lớn, gắn với danh nhân tiêu biểu của quốc gia dân tộc, ngày 09/6/2022, đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh (Quyết định số 1150/QĐ-UBND).
Phùng Thị Mai Anh