Đến chết vẫn là Giáo sư, cái lõi vấn đề là ở chỗ đó!
Ngày 8/2, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo và Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước liên quan việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Công văn nêu rõ sau khi Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017, nhiều thông tin phản ánh số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn tăng đột biến so với các năm trước…
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo và Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định và báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/2.
Ngay sau khi nhận được thông tin này, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng: “Thủ tướng có chỉ đạo rất chính xác, kịp thời”.
Nhìn vào số lượng giáo sư, phó giáo sư năm 2017 tăng đột biến, ông Khuyến cho hay: “Lúc này, chúng ta đừng nên chỉ quan tâm tới vấn đề chất lượng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư đạt hay không bởi muốn đánh giá điều này thì cần xem xét kỹ lưỡng nhiều yếu tố.
Mà điều cần chú ý lúc này là chính sách về tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư”.
Theo ông Khuyến, giáo sư, phó giáo sư không phải là cái mác gắn suốt đời mà giáo sư, phó giáo sư chỉ nên tập trung ở đội ngũ tham gia công tác giảng dạy ở các trường đại học còn những người không giảng dạy thì không nên nhận danh hiệu này.
Khi đó, số lượng bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư sẽ ở mức độ vừa phải.
Ông Khuyến cho hay: “Giáo sư, Phó giáo sư phải gắn liền với trường. Đây là xu hướng chung của thế giới”.
“Hơn nữa, những đãi ngộ mà các chức danh giáo sư, phó giáo sư được hưởng là trường quy định chứ không dùng ngân sách nhà nước đãi ngộ.
Khi đó tự khắc sẽ tránh được tiêu cực trong bổ nhiệm cũng như hạn chế tối đa tình trạng háo danh”, ông Khuyến nhấn mạnh.
Ông Khuyến nhớ lại, trước đây việc phong hàm hoàn toàn do Hội đồng chức danh, không có vai trò của nhà trường.
Sau này có sửa lại là Hội đồng chức danh xét duyệt các giáo sư, phó giáo sư có đủ tiêu chuẩn không, còn bổ nhiệm hay không là việc của trường.
Và khi ông Khuyến còn làm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo thì vấn đề này đã được đặt ra nhiều nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Với quan điểm của mình, ông Khuyến cho rằng nên để các trường quyền chủ động định ra các tiêu chuẩn và tự bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư của chính trường đó.
Nhìn nhận từ kinh nghiệm các nước, các trường đại học lớn trên thế giới đều áp dụng cách gọi là giáo sư của trường này trường kia. Cứ mỗi nhiệm kỳ lại công nhận lại chứ không có chuyện giáo sư suốt đời.
Do vậy, ông Khuyến đề xuất: “Các trường có thể phong hàm giáo sư, phó giáo sư theo nhiệm kỳ 3 năm, 5 năm.
Sau nhiệm kỳ đó, nếu người đó không có công trình đóng góp nữa thì trường không công nhận là giáo sư, phó giáo sư nữa.
Chứ như ở ta hiện nay, giáo sư, phó giáo sư thì đến chết vẫn giữ chức danh đó.
Rồi có khi không làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ở đơn vị nào, thậm chí ra làm cho doanh nghiệp cũng vẫn là giáo sư, phó giáo sư. Đó là chuyện vô lý”.
Trước đó, ngày 1/2, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công bố, năm 2017, số lượng người được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư lên đến 1.226 người, cao kỷ lục trong 41 năm qua.
Tuy nhiên, số tân giáo sư, phó giáo sư có bài báo đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI, Scopus rất thấp. Trong đó, 56 tân giáo sư có bài đăng trên tạp chí ISI/Scopus với tổng số bài là 924.
Như vậy, 29 người được công nhận dù không có bài đăng trên ISI/Scopus, chiếm 34% tổng số tân giáo sư năm nay. Con số này với phó giáo sư là 609 người, chiếm 53%.
11 ngành trong tổng số 28 ngành có giáo sư được phong lần này không có bài báo ISI/Scopus nào, bao gồm tâm lý, ngôn ngữ, giáo dục học, công nghệ thông tin, luật học…
Hơn nữa, trong số nhiều người được công nhận dù không tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu đã khiến nhiều người lo ngại về chất lượng cũng như ý nghĩa của việc phong chức danh giáo sư, phó giáo sư ở nước ta hiện nay.
Thanh Sơn