Đề xuất thu hồi đất cho dự án thương mại, dịch vụ từ 100 hecta trở lên
Ý kiến được nêu ra tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách khi thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, thời gian qua đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, khoa học, thực chất việc lấy kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Với tinh thần trách nhiệm, các cơ quan liên quan đã kịp thời tổng hợp hơn 11,68 triệu lượt ý kiến của các tầng lớp nhân dân.
Chính phủ đã có văn bản đề nghị nhân dân tiếp tục góp ý kiến với cơ quan soạn thảo cho đến thời điểm luật được Quốc hội thông qua, nhằm tiếp thu đầy đủ, chất lượng hơn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà
Báo cáo của Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng cho biết, về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội, tiếp thu ý kiến góp ý, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 75 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa.
Quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đối với các loại công trình công cộng từng linh vực; thu hồi đất để xay dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật sự cần thiết.
Các ý kiến thảo luận tại hội nghị hôm nay đánh giá cao công tác chuẩn bị, tinh thần làm việc tích cực của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành liên quan, ban soạn thảo, đặc biệt là việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật, qua đó tạo phát huy được sức mạnh của nhân dân; đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc hoàn thành chính sách, pháp luật về đất đai.
Phải gỡ điểm nghẽn, bịt kẽ hở
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) nhấn mạnh cơ chế thu hồi đất phải giải quyết được những vướng mắc, điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng và triển khai dự án hiện nay để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Do đó ngoài các trường hợp quy định Nhà nước thu hồi đất, ông đề xuất những dự án đô thị, dự án thương mại, dịch vụ với quy mô sử dụng đất từ 100 hecta trở lên nên giao Nhà nước thu hồi đất, chứ không thực hiện cơ chế thỏa thuận, còn nếu thực hiện thỏa thuận thì cần phải có cơ chế để kiểm soát việc thỏa thuận này.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên)
“Thỏa thuận nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật quy định, khi không thỏa thuận được thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định vì Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm lợi ích cuộc sống và sinh kế của người dân khi bị thu hồi đất, song người dân cũng phải có nghĩa vụ nhường đất cho các dự án để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước” – ông Thắng nêu quan điểm.
Đề cập quyền và trách nhiệm của Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai, Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) cho rằng dự thảo đã thể hiện rõ hơn. Tuy nhiên, pháp luật đất đai hiện hành lại chưa có các quy định cụ thể để điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất đối với từng loại dự án bị tác động bởi các yếu tố đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng, quy hoạch hay chuyển mục đích sử dụng đất. Đặc biệt tại các dự án thu hồi đất dưới dạng tuyến luôn tạo ra bất bình đẳng giữa những người dân phải di dời để triển khai dự án với người dân không phải di dời.
“Những người dân bị di dời được bồi thường đôi khi không thỏa đáng, mất việc làm, sinh kế bị ảnh hưởng và hoàn toàn không được hưởng lợi gì từ dự án do bị di dời, trong khi đó giá trị đất đai của các hộ dân không bị di dời có giá trị tăng thêm rất lớn. Tuy nhiên, Nhà nước chưa có những quy định điều tiết phần giá trị tăng thêm này để chia sẻ lợi ích với các bên, nhất là đối với người có đất bị thu hồi thuộc diện phải di chuyển” – bà Lê Thị Song Mai băn khoăn và đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể, cách thức xác định phần điều tiết giá trị tăng thêm từ đất hoặc là giao cho Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết, cụ thể để tăng tính khả thi của quy định trong thực tế.
Đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) nhấn mạnh, qua giám sát và khảo sát tại địa phương cho thấy việc quy định trách nhiệm của Nhà nước chưa cụ thể nên trong thực tiễn đang xảy ra tình trạng khi người dân có nhu cầu chuyển mục đích, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,.. có đề nghị thì cơ quan Nhà nước mới triển khai thực hiện.
“Đây chính là kẽ hở của luật, tạo điều kiện để xảy ra tiêu cực, như phải có quan hệ xin – cho, dẫn đến tình trạng tham nhũng vặt diễn ra tại các địa phương, nhất là cấp cơ sở xảy ra tình trạng lợi dụng dịch vụ công biến thành dịch vụ tư để trục lợi cá nhân. Tôi đề nghị cần bổ sung trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với người sử dụng đất trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng đất thực hiện các thủ tục về đất đai, bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, người dân và phòng ngừa tiêu cực, vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai” – đại biểu kiến nghị./.