Đề xuất một số giải pháp cải thiện tình hình tài chính doanh nghiệp

TÓM TẮT:

Phân tích tài chính giúp cho các nhà quản trị thấy rõ thực trạng của doanh nghiệp mình: Tình trạng tăng giảm; những mặt tốt và không tốt về tình hình tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh, tình hình vốn, công nợ…, từ đó vạch ra các biện pháp, chiến lược kịp thời và hữu hiệu nhằm ổn định tình hình tài chính hợp lý và vững mạnh, tăng giá trị tài sản cho chủ sở hữu.

Việc phân tích báo cáo tài chính không chỉ cung cấp thông tin tài chính rõ ràng nhất cho nhà quản trị, mà còn mang lại sự hữu ích đối với các nhà đầu tư, nhà cung cấp, nhà cho vay, người lao động trong doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, bài viết đề xuất một số giải pháp cải thiện tình hình tài chính doanh nghiệp.

Từ khóa: Phân tích tài chính doanh nghiệp, vốn lưu động, vốn cố định.

1. Ý nghĩa phân tích tài chính doanh nghiệp

“Phân tích tài chính là một tập hợp các khái niệm, phương pháp và các công cụ cho phép thu thập, xử lý các thông tin kế toán và các thông tin khác về quản lý nhằm đánh giá tình hình tài chính của một doanh nghiêp, đánh giá rủi ro, mức độ và chất lượng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đó, khả năng tiềm lực của doanh nghiêp, giúp người sử dụng thông tin đưa ra các quyết định tài chính, quyết định quản lý phù hợp.”

Có rất nhiều đối tượng quan tâm và sử dụng thông tin kinh tế tài chính của doanh nghiệp. Mỗi đối tượng lại để ý theo các góc độ và mục tiêu khác nhau. Phân tích tài chính cung cấp những thông tin hữu ích giúp kiểm tra phân tích một cách tổng hợp, toàn diện, có hệ thống về tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD), tình hình thực hiện các mục tiêu của doanh nghiệp. Những người quản lý tài chính khi phân tích cần cân nhắc, tính toán tới mức độ rủi ro và tác động của nó tới doanh nghiệp mà biểu hiện chính là khả năng thanh toán, đánh giá khả năng cân đối vốn, năng lực hoạt động cũng như khả năng sinh lời.

Trên cơ sở đó, các nhà phân tích tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các dự đoán về kết quả hoạt động kinh doanh (KQHĐKD) nói chung, mức doanh lợi riêng của doanh nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, phân tích tài chính còn cung cấp những thông tin số liệu để kiểm tra giám sát tình hình hoạch toán kinh doanh, tình hình chấp hành các chính sách chế độ kinh tế tài chính của doanh nghiệp.

Cùng với sự phát triển của xã hội thì việc phân tích tài chính càng trở nên quan trọng, bởi chúng ngày càng cho thấy sự cần thiết của mình đối với sự phát triển doanh nghiệp. Phân tích tài chính cho thấy khả năng và tiềm năng kinh tế của doanh nghiệp, từ đó giúp ích cho công tác dự báo, lập kế hoạch tài chính ngắn hạn và dài hạn, dễ dàng đưa ra các chính sách tạo điều kiện cho công ty hoạt động.

2. Một số giải pháp cải thiện tình hình tài chính doanh nghiệp

Một là, Nâng cao tính thanh khoản của tài sản ngắn hạn.

Nhằm cải thiện hơn nữa tình hình hoạt động kinh doanh, nâng cao uy tín với khách hàng và quản lý tốt hàng tồn kho, doanh nghiệp cần có những biện pháp thật sự hữu hiệu.

* Về nâng cao tính thanh khoản các khoản phải thu:

– Cần xây dựng quy trình quản lý và thu hồi công nợ, có sự phân loại khách hàng và áp dụng chiết khấu thanh toán cũng như thời gian trả nợ khác nhau.

– Thực hiện theo dõi chi tiết các khoản phải thu, phân loại chi tiết các khoản nợ theo quy mô nợ và thời gian nợ.

– Thường xuyên cập nhật tình hình thanh toán và đối chiếu công nợ với khách hàng, đôn đốc thu hồi đối với nợ dây dưa, kéo dài.

– Gắn kết trách nhiệm thu hồi nợ đối với nhân viên kinh doanh và kế toán công nợ.

* Về nâng cao tính thanh khoản hàng tồn kho:

– Chủ động xây dựng phương án mua hàng có chọn lọc ngay từ lúc mua vào, để tìm nguồn cung cấp hàng hóa nhằm làm cho việc sản xuất thuận lợi nhất, đáp ứng các yêu cầu chất lượng, số lượng và giá cả hợp lý.

– Tổ chức tốt công tác nhập khẩu, mua hàng, vận chuyển và dự trữ hàng hóa có cân nhắc, phù hợp với nhu cầu kinh doanh thực tế nhằm làm giảm số hàng tồn kho tối thiểu. Phát hiện kịp thời và xử lý ngay những ứ đọng quá lâu để tránh tình trạng ứ đọng vốn.

Hai là, Cải thiện khả năng thanh toán.

– Khả năng thanh toán: Là năng lực trả nợ đáo hạn của doanh nghiệp. Đây được xem là một tiêu chí quan trọng phản ánh tình hình tài chính và năng lực kinh doanh, giúp đánh giá về hiệu quả tài chính cũng như thấy rõ những rủi ro tài chính của doanh nghiệp. Đây là chỉ tiêu mà các nhà đầu tư, cho vay thông qua đó để đánh giá khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn của công ty. Do đó, các doanh nghiệp cần một cơ chế quản lý hợp lý:

– Đảm bảo lượng tiền mặt nhất định để thanh toán các khoản vay gần đến hạn. Kể cả khoản nợ chưa đến hạn cũng cần đề phòng rủi ro từ phía chủ nợ cần thanh toán gấp, doanh nghiệp cũng cần dự trữ tiền mặt để thanh toán.

Dự trữ chứng khoán có tính thanh khoản cao để có thể chuyển đổi thành tiền nhanh chóng khi cần thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.

Ba là, Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Nâng cao hiệu suất sử dụng tài sản:

Tổ chức quản lý quá trình sản xuất kinh doanh thông suốt, nhịp nhàng, hạn chế tối đa tình trạng thời gian nhàn rỗi của máy móc thiết bị, ví dụ như thời gian ngừng hoạt động do lỗi sản xuất. Khi quá trình này được thực hiện đồng bộ sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa công suất của máy móc, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, từ đó dẫn đến tăng lợi nhuận. Để đạt được điều này, phòng cung ứng vật tư kỹ thuật và các phân xưởng nhà máy phải phối hợp một cách có hiệu quả trong việc lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch sửa chữa và kịp thời thay đổi về sản lượng sản xuất do biến động của thị trường.

Nâng cao khả năng sinh lời:

Để tăng doanh thu, Công ty có thể thực hiện các biện pháp sau:

Cố gắng khai thác thị trường hơn nữa, đẩy mạnh công tác tìm kiếm khách hàng, áp dụng các hình thức ưu đãi như giảm giá cho các công trình có quy mô vừa và lớn. Thực hiện tốt các dịch vụ hậu mãi với các khách hàng để củng cố mối quan hệ thêm bền lâu với công ty. Thực hiện chính sách linh hoạt đối với từng đối tượng khách hàng riêng biệt, đặc biệt là những khách hàng tiềm năng để tạo ấn tượng tốt ban đầu.

3. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

3.1. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cố định

Giảm bớt tỷ trọng vốn cố định (VCĐ) không dùng trong sản xuất kinh doanh khiến cho VCĐ hiện có phát huy hết tác dụng: Điều chỉnh VCĐ giữa các đơn vị thành viên để phục vụ kinh doanh có hiệu quả hơn. Chủ động nhượng bán hết VCĐ không dùng để thu hồi vốn. Chủ động thanh lý VCĐ hư hỏng, lạc hậu mà không thể nhượng bán hoặc không có khả năng phục hồi. Đối với VCĐ tạm thời chưa dùng đến thì nên cho thuê, cầm cố, thế chấp để huy động vốn đầu tư vào lĩnh vực khác.

Muốn cải tiến tình hình sử dụng thiết bị cần chú ý:

Thứ nhất: Tăng thời gian sử dụng thiết bị sản xuất bằng cách tăng thêm thời gian làm việc thực tế của máy móc phù hợp với định mức thiết kế, nâng cao hiệu suất và chất lượng công tác sửa chữa, thực hiện chế độ làm việc hai hoặc ba ca trong ngày, khắc phục tính thời vụ trong sản xuất, đảm bảo thiết bị sản xuất làm việc đều đặn trong cả năm.

Thứ hai: Nâng cao năng lực sử dụng máy móc, thiết bị sản xuất bằng cách áp dụng những biện pháp kỹ thuật mới, cải tiến quy trình công nghệ, tổ chức sản xuất theo lối dây chuyền và chuyên môn hóa, cải tiến chất lượng nguyên – vật liệu… Ngoài ra, nâng cao trình độ của công nhân và áp dụng phổ biến những kinh nghiệm thao tác tiên tiến cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc cải tiến tình hình thiết bị sản xuất. Lựa chọn phương pháp khấu hao và mức khấu hao thích hợp nhằm phản ánh đúng mức độ hao mòn thực tế của TSCĐ vào giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp có vốn mỏng nên cân nhắc sử dụng TSCĐ thuê tài chính trong ngắn hạn khi chưa thể huy động đủ vốn cần thiết. Khi kết thúc thời hạn thuê, doanh nghiệp có thể lựa chọn mua lại tài sản thuê hoặc tiếp tục thuê theo các điều kiện thỏa thuận trong hợp đồng thuê tài chính. Tổng số tiền thuê một loại tài sản quy định tại hợp đồng thuê tài chính tuy có sự tương đương với giá trị của tài sản đó tại thời điểm ký kết hợp đồng, nhưng khi thuê số tiền này được trả thành nhiều kỳ nên doanh nghiệp ít chịu gánh nặng thanh toán hơn so với việc đi mua. Phương pháp này ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam và được nhiều doanh nghiệp áp dụng.

3.2. Nâng cao hiệu quả sử dụng VLĐ

Để huy động đầy đủ kịp thời và chủ động vốn trong kinh doanh, doanh nghiệp cần phải thực hiện các biện pháp sau:

Xây dựng chiến lược huy động vốn phù hợp với thực trạng thị trường và môi trường kinh doanh của từng thời kỳ. Để có một chiến lược rõ ràng và tạo uy tín thì đầu tiên cần phải có một kế hoạch kinh doanh rõ ràng, được trình bày ngắn gọn, súc tích, bao quát nhiều lĩnh vực khác nhau và cung cấp đầy đủ chi tiết có thể thỏa mãn tất cả các câu hỏi của nhà đầu tư về khả năng hoàn thành các mục tiêu đề ra.

– Tạo niềm tin cho các nơi cung ứng vốn bằng cách nâng cao uy tín của doanh nghiệp, ổn định và hợp lý hóa các chỉ tiêu tài chính, thanh toán các khoản nợ đúng hạn…

– Chứng minh được mục đích sử dụng vốn bằng cách đưa ra kết quả kinh doanh và hiệu quả vòng quay vốn trong năm qua và triển vọng trong năm tới.

Đối với công tác sử dụng vốn: Khi thực hiện, doanh nghiệp phải căn cứ vào kế hoạch huy động và sử dụng vốn kinh doanh đã lập làm cơ sở để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế tại doanh nghiệp.

3.3. Cơ cấu tài chính

– Việc quản lý các khoản tiền và tương đương tiền cần được tính toán và dự trữ hợp lý quỹ tiền mặt. Vì vậy, doanh nghiệp cần:

+ Lập dự báo ngân quỹ và dự báo các khoản phải thu – chi tiền một cách khoa học để có thể chủ động trong quá trình thanh toán trong kỳ.

+ Xác định số dư tiền tối thiểu, áp dụng mô hình Miller – Orr vào quản trị tiền mặt. Qua đó, doanh nghiệp có thể dựa vào để đưa ra những quyết định tài trợ ngắn hạn khi cần tiền mặt và đầu tư để kiếm lãi suất khi dư tiền mặt.

+ Xây dựng định mức dự trữ vốn bằng tiền mặt một cách hợp lý, vừa đảm bảo khả năng thanh toán bằng tiền mặt cần thiết trong kỳ để giữ uy tín, vừa đảm bảo khả năng sinh lợi của số vốn tiền mặt nhàn rỗi.

– Xây dựng cơ cấu vốn hợp lý:

Cơ cấu vốn được coi là hợp lý khi chúng phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh và đạt được mục tiêu tối thiểu hóa chi phí sử dụng vốn. Theo đó, doanh nghiệp cần xác định được nhu cầu về vốn tối thiểu cần thiết đáp ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm đảm bảo cho quá trình kinh doanh của doanh nghiệp được tiến hành thường xuyên, liên tục, không bị gián đoạn.

3.4. Công tác quản lý

Hoàn thiện công tác quản lý, sắp xếp và tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao năng lực điều hành của cán bộ quản lý thông qua tiêu chuẩn hóa trách nhiệm và nhiệm vụ.

Xây dựng kế hoạch đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ cán bộ, công – nhân viên trẻ có tinh thần trách nhiệm đối với công việc, nhạy bén với tình hình thị trường, năng động trong kinh doanh, biết kết hợp hài hòa giữa yêu cầu đào tạo trường lớp và thực tiễn trong hoạt động kinh doanh, kịp thời bổ sung nguồn cán bộ đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong phương thức kinh doanh của doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Văn Công (2009), Giáo trình Phân tích Kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế quốc dân.
  2. Phạm Văn Dược (2008), Giáo trình Phân tích hoạt động kinh doanh, Nhà xuất bản Thống kê, Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Phan Đức Dũng (2009), Phân tích Báo cáo tài chính và định giá trị doanh nghiệp, NXB Thống kê, TP. Hồ Chí Minh.
  4. Lê Thị Xuân (2010), Phân tích và sử dụng báo cáo tài chính, Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.

 Some solutions to improve the corporate financial situation

 Master Hoang Minh Tuan

Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development

Branch of Dong Da District, Hanoi

ABSTRACT:

Financial analysis helps managers clearly understand their business performance, current situation of capital and debt to have timely and effective measures and strategies to stabilize their financial situations. The analysis of financial statements does not only provide clear financial information for managers but also help investors, suppliers, lenders, employees and state management agencies gain useful insights. This paper is presents some solutions to improve the corporate financial situation.

Keywords: Corporate financial analysis, working capital, fixed capital.

[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2020]