Để tác giả viết sách được đón nhận như một ngôi sao giải trí

Mới đây, tác giả Suzanne Young (New York) chia sẻ bức ảnh về một căn phòng đầy những chiếc ghế trống trong sự kiện ký tặng sách tại Trung tâm phát hành sách lớn nhất thế giới Barnes and Nobles. Suzanne Young đã “khóc suốt đường về nhà” dù cô từng là tác giả có sách bán chạy nhất của New York Times.

Sau khi Suzanne Young đăng trên Twitter, nhiều người đồng cảm với cô và nói rằng đã từng có trải nghiệm tương tự. Ngay cả tại Việt Nam, khi thông tin này được báo chí dịch lại, không ít tác giả chia sẻ và bày tỏ lý do ít khi ra mắt sách là vì thế.  


Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh

Làm thế nào để tác giả ra mắt sách được đón nhận như một ngôi sao? 

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng ban Sinh viên báo Tiền phong, tác giả cuốn Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất cho hay, thực tế ở Việt Nam một ngày có rất nhiều cuốn sách được xuất bản nhưng không phải cuốn nào cũng được đón nhận. Đứng ở góc độ người viết, anh rất buồn khi đến chương trình mà thiếu vắng sự hồ hở, cảm giác như ‘ca sĩ đi hát không có khán giả”. 

Nhà báo Tuấn Anh nhận định, những cuốn sách chưa được đón nhận bởi chưa đáp ứng được nhu cầu bạn đọc. Do vậy, mỗi lần tư vấn xuất bản cho các tác giả, anh luôn đặt câu hỏi: “Mục đích quan trọng nhất anh/chị khi xuất bản cuốn sách là gì?”

“Thường mọi người sẽ nói rất nhiều mục đích nhưng bằng kinh nghiệm cá nhân, nếu tác giả nói viết sách để chia sẻ với mọi người giá trị cho cộng đồng, tôi tin chắc tác giả đó thành công. Không ai có thể giỏi tất cả mọi thứ nhưng ai trong chúng ta cũng phải giỏi ít nhất một thứ. Mọi người hoàn toàn có thể viết về điều mình giỏi nhất, là thế mạnh của bản thân. Còn nếu không tìm được thế mạnh của mình, mục đích viết không phải chia sẻ cho cộng đồng thì sách ra mắt thường không được chào đón”, nhà báo Tuấn Anh nói.

Là “dân báo chí”, lại được học marketing nên nhà báo Anh Tuấn cho rằng làm cái gì cũng phải có mục đích rõ ràng.

“Tôi xuất bản sách bao giờ cũng nghĩ tới phương án thương mại của cuốn sách. Có điều hay là khi viết ra điểm mạnh nhất của mình lại trùng với điều mà thị trường đang quan tâm, đang cần thì cuốn sách tự nhiên thành best-seller, tác giả được đón nhận nồng nhiệt. Còn cái mình có, độc giả không cần đương nhiên dẫn tới tình trạng ‘ghế trống’, không có người tới dự trong những buổi ra mắt sách”, nhà báo Tuấn Anh bày tỏ.


Tác giả Nguyễn Mến

Nguyễn Mến – tác giả của 3 cuốn sách best-seller: Nhất định phải kinh doanh cái gì đó; Nhất định phải tự chủ và hạnh phúc; Kinh doanh thời trang thành công từ A-Z, là giảng viên, diễn giả được yêu thích. Cô chia sẻ rằng khi “trình làng” một cuốn sách, cô luôn hướng tới cộng đồng của mình đầu tiên. 

“Nguyên tắc trong xây dựng thương hiệu cá nhân là phải tạo được cộng đồng riêng. Ví dụ như 3 cuốn sách của tôi được đón nhận là bởi tôi viết cho cộng đồng của mình – những phụ nữ yêu thích kinh doanh. Khi cuốn sách hướng tới cộng đồng đó thì ít nhất mình đã có một lượng fan nhất định, được chào đón bởi chính họ. Vậy nên mỗi buổi ra mắt sách của tôi đều rất vui, như ngày hội vậy”.


Diễn viên Kim Ngọc: Xây dựng thương hiệu cá nhân cần tư duy và kiến thức tốt

Diễn viên Hoàng Kim Ngọc cho rằng, để xây dựng thương hiệu dù là người hướng nội hay hướng ngoại thì đều phải chia sẻ được điều mình yêu thích và mang lại giá trị đến mọi người.