Đề số 52 – Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn>
Đề bài
I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Tuổi trẻ – tự bản thân nó đã là một tài sản, tự bản thân nó đã hàm chứa ánh sáng và hạnh phúc, khi bị dúi xuống bùn, cơ hội để nó vẫn tỏa sáng và thăng hoa sẽ lớn hơn so với khi bạn già đi. Lúc đó là lúc phép thử còn màu nhiệm, con tốt đó trong tay có thể còn phong Hậu; bạn có thời gian làm hậu thuẫn và chân trời vẫn còn gợi nhiều thôi thúc. Còn khi bạn đã lớn tuổi hơn, những xây xước đằng trước sẽ làm cho bạn ngần ngại, nếu bạn bị dúi xuống bùn thì rất có thể bạn sẽ tặc lưỡi nằm đó một mình, hoặc sẽ cố gắng vùng vẫy sao cho người khác cũng vấy bẩn lêm luốc giống với bạn.
Tuổi trẻ có một thứ vốn ngầm rất đáng quý mà không phải ai cũng biết: sự cô đơn. Trái tim là một giống loài dễ hư hỏng. Nếu nó được no đủ, nó sẽ đổ đốn ngay lập tức. Hạnh phúc làm cho con người ta mềm yếu, người ta vui tươi với mọi thứ, người ta quên mất việc phải làm, người ta còn bắt đầu tặc lưỡi nhiều hơn với những thói quen xấu. Tình yêu là một giống dây leo khó chiều. Nó cần được thử thách và bị tấn công. Nếu bạn mớm cơm cho nó hàng ngày, chăm sóc nó quá no đủ, nó sẽ chết yểu.
(Theo Kênh14.vn)
Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2: Vì sao tác giả lại cho rằng: Tuổi trẻ – tự bản thân nó đã là một tài sản?
Câu 3: Anh/Chị hiểu như thế nào về ý kiến: …khi bạn đã lớn tuổi hơn, những xây xước đằng trước sẽ làm cho bạn ngần ngại?
Câu 4: Anh/Chị có đồng tình với quan niệm: Trái tim là một giống loài dễ hư hỏng. Nếu nó được no đủ, nó sx đổ đốn ngay lập tức?
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về giá trị của tuổi trẻ.
Câu 2:
Cảm nhận của anh chị về vẻ đẹp tình người qua chi tiết: Thị Nở đem bát cháo hành cho Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) và Mị cắt dây cởi trói thả A Phủ (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài).
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
– Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2:
Tác giả cho rằng “Tuổi trẻ – tự bản thân nó đã là một tài sản” vì:
– Khị bị dúi xuống bùn, cơ hội để nó vẫn tỏa sáng và thăng hoa sẽ lớn hơn so với khi bạn già đi.
– Khi vấp ngã, tuổi trẻ có thời gian hậu thuẫn và chân trời vẫn còn nhiều thôi thúc.
Câu 3:
– Có thể hiểu ý kiến đó là: Khi lớn tuổi con người ta thích sự ổn định, ngại thay đổi, không còn nhiều nhiệt tình, thời gian của họ ngày một ít dần. Bởi vậy, khi gặp những sóng gió trong cuộc sống người ta dễ dàng buông xuôi chấp nhận.
Câu 4:
– Đồng ý với quan điểm của tác giả bài viết.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
1. Giải thích
– Tuổi trẻ là gì? Tuổi trẻ – đầu tiên, đó là những người trẻ tuổi. Họ có đầy đủ cả những ưu điểm về thể chất lẫn tinh thần. Họ đang trong thời gian sung sức nhất, chưa nhiều trải nghiệm, nên họ muốn được thử, được dấn thân. Họ dám theo đuổi đam mê của mình, và nếu như họ có khả năng, có kiên trì, họ sẽ thành công.
2. Bàn luận vấn đề
– Giá trị của tuổi trẻ:
+Tuổi trẻ là tuổi dám thử, dám trải nghiệm. Đây là thời gian sung sức nhất, năng động nhất, bởi trong giai đoạn này, những người trẻ luôn sống trong bầu nhiệt huyết cháy bỏng.
+ Tuổi trẻ với đầy mơ ước hoài bão, họ có năng lực, sự sáng tạo, nếu kiên trì nhất định sẽ đạt được thành công.
+ Tuổi trẻ là tương lai của đất nước, tiếp bước cha anh, đưa tổ quốc vươn ra thế giới.
– Tuổi trẻ cần làm gì?
+ Xác định đúng mục tiêu, mục đích học tập.
+ Không ngừng nỗ lực, phấn đấu.
+ Tự tin thể hiện mình để khẳng định bản thân.
– Chứng minh: Học sinh lấy dẫn chứng phù hợp, có phân tích ngắn gọn
– Bàn luận:
+ Trong cuộc sống hôm nay, có nhiều bạn trẻ chìm đắm trong thế giới ảo, với những trò chơi vô bổ mà không biết rằng mình cần làm gì để những năm tháng tuổi trẻ thực sự có ý nghĩa. Họ như những người thừa trong xã hội vì lối sống vô trách nhiệm của bản thân.
+ Không chỉ vậy, có những người còn sống ích kỷ, đề cao cái tôi để rồi không có lấy một tình bạn đẹp. Đó thậm chí còn là những con người chỉ biết nhận mà không biết cho đi.
– Liên hệ bản thân và tổng kết vấn đề
Câu 2:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích
* Giới thiệu về tác giả Nam Cao, tác phẩm Chí Phèo và chi tiết Thị Nở đem bát cháo hành cho Chí Phèo.
– Nam Cao là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Những sáng tác của ông xoay quanh người trí thức nghèo và người nông dân nghèo. Ông luôn dành cho những con người mang bi kịch về cả đời sống vật chất và tinh thần đó niềm cảm thương sâu sắc.
– Chí Phèo là một trong những tác phẩm tiêu biểu làm nên tên tuổi của ông. Ban đầu truyện có tên là Cái lò gạch cũ, khi lần đầu thành sách (1941), nhà xuất bản tự ý đổi tên thành Đôi lứa xứng đôi. Đến khi in lại trong tập Luống cày (1946), Nam Cao đổi tên thành Chí Phèo.
– Chi tiết Thị Nở đem bát cháo hành cho Chí Phèo là một chi tiết đặc sắc mang nhiều ý nghĩa.
* Giới thiệu về tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ, chi tiết Mị cởi trói giải thoát cho A Phủ.
– Tô Hoài là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Ông có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục, tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta. Ông cũng là nhà văn luôn hấp dẫn người đọc bởi lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động của người từng trải, vốn từ vựng giàu có.
– Vợ chồng A Phủ (1952) là một trong những thiên truyện đặc sắc của Tô Hoài. Tác phẩm được in trong tập “Truyện Tây Bắc”.
– Chi tiết Mị cắt dây trói cứu A Phủ trong thiên truyện là chi tiết thấm đẫm tình người.
2. Phân tích
2.1 Phân tích chi tiết Thị Nở đem bát cháo hành cho Chí Phèo
* Giới thiệu chung về nhân vật Chí Phèo và Thị Nở
* Phân tích chi tiết Thị Nở đem bát cháo hành cho Chí Phèo:
– Hoàn cảnh: Chí Phèo ốm dậy sau một cơn say triền miên. Chí Phèo chỉ có một mình, không ai chăm sóc.
– Ý nghĩa chi tiết:
+ Thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của Thị dành cho Chí và cũng là khát khao được yêu thương của Thị Nở.
+ Đánh thức cảm giác khao khát được yêu thương, đánh thức khao khát được làm người lương thiện – đánh thức nhân tính trong Chí.
+ Biểu hiện của tình yêu giữa hai con người bất hạnh trong xã hội cũ.
2.2 Phân tích chi tiết Mị cởi trói cứu A Phủ:
– Hoàn cảnh (tình huống gặp gỡ)
+ A Phủ: trong khi đi chăn bò cho nhà thống lí Pá Tra do mải bẫy nhím nên để hổ vồ mất một con bò, nên bị bắt tội, bị trói đứng.
+ Mị: Sau đêm tình mùa xuân, Mị rơi vào trạng thái tê liệt về tinh thần. Hàng đêm ngồi cạnh bếp lửa (cạnh chỗ A Phủ bị trói hơ chân hơ tay).
– Ý nghĩa chi tiết:Thể hiện sự thức tỉnh của nhân vật Mị với tình người sâu sắc.
+ Mị thức tỉnh khi nhìn thấy “giọt nước mắt lấp lánh” của A Phủ “bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Những giọt nước mắt đó đã chạm đến tâm can Mị. Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ, nhớ về những kí ức đau khổ, Mị thương mình và xót người.
+ Mị từ cõi vô thức dần sống lại ý thức, nhận ra dấu hiệu của cái chết đang đến gần, Mị càng thương A Phủ hơn, thương người lấn át cả thương mình và quyết định cắt dây cởi trói cho A Phủ
→ Hành dộng của Mị là hành động thấm đẫm tình người. Tình người ở đây là sự đồng cảm với nỗi đau, thấu cảm với cảm xúc và hoàn cảnh của nhau. Tình người chính là sức mạnh dẫn đến kết quả: cắt dây cởi trói A Phủ.
2.3 Vẻ đẹp tình người qua hai chi tiết:
– Tình người là tình yêu thương giữa con người với con người có thể là tình yêu, là sự đồng cảm.
– Hai chi tiết xuất hiện trong hai tác phẩm khác nhau nhưng đều cho ta thấy sức mạnh của tình người. Nó giúp đánh thức những thứ đã ngủ sâu trong con người, giúp con người mạnh mẽ và dũng cảm hơn.
3. Kết luận
– Khái quát và mở rộng vấn đề.
Xem thêm: Đề và Lời giải chi tiết Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn mới nhất tại Tuyensinh247.com
Loigiaihay.com