ĐỀ CƯƠNG TRIẾT HỌC MÁC-LÊNIN – Khái niệm con người và bản chất con người
ĐỀ CƯƠNG TRIẾT HỌC MÁC-LÊNIN – Khái niệm con người và bản chất con người
1. Khái niệm con người và bản chất con người
– Con người là thực thể sinh học – xã hội
+ Theo C.Mác, con người là một sinh vật có tính xã hội ở trình độ phát triển cao nhất của giới tự nhiên và của lịch sử xã hội, là chủ thể của lịch sử, sáng tạo nên tất cả các thành tựu của văn minh và văn hóa.
* Về phương diện sinh học, con người là một thực thể sinh vật, là sản phẩm của giới tự nhiên, là một động vật xã hội.
Không chỉ là một thực thể sinh học, mà con người cũng còn là một bộ phận của giới tự nhiên, phải phục tùng các quy luật của giới tự nhiên
Con người có thể biến đổi giới tự nhiên và chính bản thân mình, dựa trên các quy luật khách quan. Đây chính là điểm khác biệt đặc biệt, rất quan trọng giữa con người và các thực thể sinh học khác.
* Con người còn là một thực thể xã hội có các hoạt động xã hội.
Hoạt động xã hội quan trọng nhất của con người là lao động sản xuất. Lao động đã góp phần cải tạo bản năng sinh học của con người, làm cho con người trở thành con người đúng nghĩa của nó.
Tính xã hội của con người chỉ có trong “xã hội loài người”, con người không thể tách khỏi xã hội và đó là điểm cơ bản làm cho con người khác với con vật
Hoạt động và giao tiếp của con người đã sinh ra ý thức người. Tư duy, ý thức của con người chỉ có thể phát triển trong lao động và giao tiếp xã hội với nhau. Cũng nhờ có lao động và giao tiếp xã hội mà ngôn ngữ xuất hiện và phát triển. Ngôn ngữ và tư duy của con người thể hiện tập trung và nổi trội tính xã hội của con người, là một trong những biểu hiện rõ nhất phương diện con người là một thực thể xã hội.
– Con người là sản phẩm của lịch sử và của chính bản thân con người
+ Chủ nghĩa Mác khẳng định con người vừa là sản phẩm của sự phát triển lâu dài của giới tự nhiên, vừa là sản phẩm của lịch sử xã hội loài người và của chính bản thân con người.
– Con người vừa là chủ thể của lịch sử, vừa là sản phẩm của lịch sử
+ Con người vừa là sản phẩm của lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội, nhưng đồng thời, lại là chủ thể của lịch sử bởi lao động và sáng tạo là thuộc tính xã hội tối cao của con người.
+ Con người tồn tại và phát triển luôn luôn ở trong một hệ thống môi trường xác định. Đó là toàn bộ điều kiện tự nhiên và xã hội, cả điều kiện vật chất lẫn tinh thần, có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến đời sống của con người và xã hội.
Một mặt, con người là một bộ phận của giới tự nhiên, để tồn tại và phát triển phải quan hệ với giới tự nhiên, phải phụ thuộc vào giới tự nhiên, thu nhận và sử dụng các nguồn lực của tự nhiên để cải biến chúng cho phù hợp với nhu cầu của chính mình.
Mặt khác, là một bộ phận của tự nhiên, con người cũng phải tuân theo các quy luật của tự nhiên. Nó vừa tiếp nhận, thích nghi, hòa nhịp với giới tự nhiên, nhưng cũng bằng cách đó cải biến giới tự nhiên để thích ứng và biến đổi chính mình.
+ Con người cũng tồn tại trong môi trường xã hội. Chính nhờ môi trường xã hội mà con người trở thành một thực thể xã hội và mang bản chất xã hội..
– Bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội
+ Trong sinh hoạt xã hội, khi hoạt động ở những điều kiện lịch sử nhất định con người có quan hệ với nhau để tồn tại và phát triển. “Trong tính hiện thực của nó, bản chất của con người là tổng hòa các quan hệ xã hội”.
+ Các quan hệ xã hội tạo nên bản chất của con người, nhưng không phải là sự kết hợp giản đơn hoặc là tổng cộng chúng lại với nhau mà là sự tổng hòa chúng; mỗi quan hệ xã hội có vị trí, vai trò khác nhau, có tác động qua lại, không tách rời nhau.
Các quan hệ xã hội thay đổi thì ít hoặc nhiều, sớm hoặc muộn, bản chất con người cũng sẽ thay đổi theo.