Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh

Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, truyền thông cùng với nhiều ngành công nghệ cao khác đã và đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên thế giới. Việc ứng dụng CNTT đã góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người dân.

Hệ thống máy chủ một cửa của tỉnh luôn được kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng một cách thường xuyên

Đảng và Nhà nước ta luôn coi CNTT và truyền thông là một trong những phương tiện khoa học, kỹ thuật quan trọng, đồng thời là ngành kinh tế mũi nhọn để thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, xây dựng xã hội thông tin, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và tập trung nguồn lực để phát triển CNTT, trong đó có việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính.

Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 nêu rõ các nội dung hiện đại hoá hành chính: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT – truyền thông trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước để đến năm 2020: 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử; cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc; bảo đảm dữ liệu điện tử phục vụ hầu hết các hoạt động trong các cơ quan; hầu hết các giao dịch của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên môi trường điện tử, mọi lúc, mọi nơi, dựa trên các ứng dụng truyền thông đa phương tiện; hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến trên mạng ở mức độ 3 và 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau; ứng dụng CNTT – truyền thông trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính nhà nước, giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trong hoạt động dịch vụ hành chính công, dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công; công bố danh mục các dịch vụ hành chính công trên mạng thông tin điện tử hành chính; xây dựng và sử dụng thống nhất biểu mẫu điện tử trong giao dịch giữa cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức và cá nhân, đáp ứng yêu cầu đơn giản và cải cách thủ tục hành chính.

Thực trạng ứng dụng CNTT trong công tác cải cách hành chính

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ, những năm qua, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh cùng với tinh thần trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố việc ứng dụng, phát triển CNTT trong cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả đáng kể.

Đến nay, 100% các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã có trang thông tin điện tử cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành của các cấp phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng riêng chuyên mục “Công dân, doanh nghiệp hỏi – Cơ quan chức năng trả lời” trên Cổng thông tin điện tử tỉnh để giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về các cơ chế chính sách trên địa bàn tỉnh.

100% các dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã đạt mức độ 2 và được công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh (tại địa chỉ bacninh.gov.vn), cho phép người dân và doanh nghiệp tìm hiểu về quy trình thực hiện các thủ tục hành chính cũng như các biểu mẫu báo cáo kèm theo. Qua đó, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, chống lãng phí.

Tăng cường sử dụng văn bản điện tử, giảm sử dụng văn bản giấy. Đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã cấp được hơn 6000 tài khoản thư điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức; triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành cho Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng UBND tỉnh, 17 Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Đào tạo và hướng dẫn sử dụng phần mềm cho hơn 1200 cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, cấp tài khoản cho hơn 2700 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, Sở còn triển khai, đào tạo, hướng dẫn sử dụng phần mềm cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố với hơn 200 người sử dụng. Nhiều cơ quan, đơn vị tiêu biểu sử dụng văn bản điện tử trong quản lý và điều hành công việc tại cơ quan, đơn vị mình như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Sở Giao thông Vận tải,… Qua đó, giúp giảm được các chi phí giấy tờ và in ấn cho các cơ quan, đơn vị, tiết kiệm thời gian tra cứu, tìm kiếm tài liệu,…

Tăng cường triển khai các phần mềm chuyên ngành cho các Sở, ban, ngành. Cùng với việc triển khai, sử dụng các phần mềm dùng chung, các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường ứng dụng CNTT vào trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi cơ quan quản lý, cụ thể:

– Sở Tư pháp triển khai phần mềm quản lý hộ tịch đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã, qua đó giúp cán bộ tư pháp các cấp có thể quản lý hộ tịch hiệu quả, nhanh chóng và thuận tiện hơn. Đồng thời rút ngắn thơi gian công tác lưu trữ, thống kê, hỗ trợ tích cực cho các cơ quan chức năng trong việc đưa ra những quyết sách.

– Sở Nội vụ triển khai hệ thống một cửa liên thông hiện đại từ cấp tỉnh đến UBND các xã, phường, thị trấn. Đến nay, đã triển khai đến 14 Sở, ban, ngành; 8 UBND cấp huyện và 126 UBND xã, phường, thị trấn. Qua đó, nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với tổ chức, công dân.

– Sở Giao thông Vận tải triển khai hệ thống cấp giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh, từ đó giúp đồng bộ dữ liệu giữa các cấp giúp cho việc kiểm soát được dễ dàng, chặt chẽ hơn.

Ngoài ra, một số Sở đã và đang triển khai một số phần mềm tiêu biểu khác phục vụ công tác quản lý như: phần mềm quản lý người có công tại Sở Lao động, thương binh và Xã hội; phần mềm quản lý, theo dõi kết quả và dữ liệu đánh giá kết quả công việc của công chức (Sở Nội vụ), phần mềm quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ),…

Tăng cường sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng UBND tỉnh và Văn phòng UBND các huyện, thị xã, thành phố, Văn phòng Tiếp công dân tỉnh và Văn phòng Tiếp công dân các huyện, thị xã, thành phố. Qua đó tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, hệ thống hội nghị truyền hình triển khai tại các Văn phòng Tiếp công dân đã làm thay đổi lớn trong việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại giữa cơ quan nhà nước và người dân. Giúp cho công tác tiếp dân được công khai, minh bạch.

Việc áp dụng ISO trong hoạt động của cơ quan hành chính. Tính đến quý I/2016, toàn tỉnh Bắc Ninh đã có 61 cơ quan hành chính nhà nước áp dụng HTQLCL TCVN ISO 9001:2008, trong đó có 37 cơ quan, đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và 24 đơn vị xã, phường, thị trấn. Thông qua việc áp dụng HTQLCL TCVN ISO 9001:2008 đã tạo ra qui trình, lề lối, tác phong làm việc hiệu quả, văn minh, đúng qui định của pháp luật.

Trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương từ tỉnh đến cơ sở đều đã được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố, hiện đại. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh đã có:

– 100% Sở, ban, ngành có trụ sở làm việc đã được xây dựng kiên cố;

– 100% UBND cấp huyện đã được xây mới hoặc nâng cấp trụ sở làm việc, đảm bảo kiên cố và từng bước hiện đại;

– 100% UBND xã, phường, thị trấn đã có trụ sở làm việc được xây dựng kiên cố.

Bên cạnh những thành tựu trên thì vẫn còn có một số hạn chế, khó khăn, đó là: Một số cơ quan, đơn vị tuy được đầu tư khá quy mô, hiện đại về trang thiết bị, phương tiện, nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao và còn lãng phí. Việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ và đạt yêu cầu.

Để có thể phát triển được các dịch vụ thông tin mọi nơi, mọi lúc, việc phát triển mạng lưới, hạ tầng công nghệ thông tin trong toàn tỉnh và kết nối băng thông rộng cố định và di động tới mọi người dân được xác định cần đi trước một bước. Hạ tầng công nghệ thông tin kém phát triển là một trong những nguyên nhân tạo ra sự kém cạnh tranh của hầu hết các ngành kinh tế.

Tỷ lệ cán bộ công chức có thể sử dụng máy tính tương đối cao. Tuy nhiên, số lượng và trình độ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông còn hạn chế, đặc biệt tại các xã, phường, thị trấn chưa đáp ứng yêu cầu triển khai công tác ứng dụng CNTT một cách đồng bộ trên toàn tỉnh.

Do vậy, cần có một số giải pháp để nâng cao ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính. Để việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước một cách hiệu quả, thiết thực cần có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; sự tham gia triệt để của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin.

Phát triển CNTT và một nền hành chính công hiệu quả sẽ là điều kiện và động lực mạnh mẽ để phát triển Chính phủ điện tử. Do vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cải cách hành chính và Ban chỉ đạo CNTT của tỉnh để có nhiều hành động chung và cùng nhau đưa ra chương trình hành động, hỗ trợ nhau hài hòa và đồng bộ hơn.

Ứng dụng CNTT phải đi đôi với cải cách hành chính, quá trình cải cách hành chính đặt ra các yêu cầu, đòi hỏi ứng dụng CNTT phải giải quyết. Vì vậy, thủ tục hành chính phải ổn định thì ứng dụng CNTT mới đạt hiệu quả tốt.

Cần phải ban hành các quy chế, quy định về quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống thông tin đã được triển khai; xây dựng quy trình trao đổi; lưu trữ, xử lý văn bản điện tử; quy chế bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, ổn định trong công tác, nhằm đảm bảo các hệ thống thông tin đã đầu tư được hoạt động liên tục, hiệu quả.

Phải có cơ chế duy trì, bảo dưỡng hạ tầng CNTT đã đầu tư, thường xuyên rà soát, đầu tư, nâng cấp, nhằm đáp ứng kịp thời cho nhu cầu phát triển ứng dụng CNTT. Tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về các lợi ích trong việc khai thác thông tin từ các sản phẩm CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính tỉnh Bắc Ninh cần một quyết tâm chính trị rất cao và sự nhất trí, đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh vai trò của nhà nước trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng và phát triển CNTT, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và sự nhiệt liệt hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân với tư cách vừa là người thụ hưởng thành quả, vừa là tác nhân đóng góp, thúc đẩy quá trình phát triển ứng dụng CNTT trong quản lý và trong đời sống xã hội.