Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết các thủ tục hành chính tỉnh Phú Thọ
Căn cứ Kế hoạch số 638/KH-UBND ngày 29/2/2016 của UBND tỉnh Phú Thọ về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, trong đó xác định từ nay đến hết năm 2017, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính theo các quy định của Chính phủ. Đến nay, việc ứng dụng CNTT trong giải quyết các thủ tục hành chính đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, cụ thể như:
Hệ thống hạ tầng CNTT cơ bản hoàn thiện, kết nối liên thông các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh; đảm bảo việc gửi nhận văn bản điện tử thay thế hình thức gửi nhận văn bản truyền thống; nâng cao chất lượng quản lý và điều hành trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển hạ tầng viễn thông và đảm bảo nguồn nhân lực CNTT.
Triển khai, sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành tích hợp chữ ký số phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, đảm bảo kết nối liên thông từ cấp tỉnh tới cấp xã và yêu cầu kết nối liên thông vào hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành của Chính phủ.
Cán bộ, công chức cơ quan nhà nước đang trao đổi, giải quyết các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp trên hệ thống một của điện tử tích hợp Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Hệ thống thư điện tử của tỉnh đảm bảo yêu cầu sử dụng. Tăng cường chuyển nhận các văn bản qua hệ thống thư điện tử theo quy định, thay đổi thói quen sử dụng hệ thống thư điện tử miễn phí như: Yahoo, gmail, hotmail… trong trao đổi công vụ; đảm bảo trên 80% các văn bản, tài liệu thông thường của các cơ quan Nhà nước được gửi song song dưới dạng văn bản điện tử và văn bản giấy.
Tiếp tục khai thác và sử dụng tốt các hệ thống thông tin đã có; xây dựng các ứng dụng hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đảm bảo khả năng sẵn sàng và thực hiện kết nối với cơ sở dữ liệu Quốc gia nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác chuyên môn nghiệp vụ góp phần nâng cao năng suất lao động, phát huy hiệu quả trong hoạt động quản lý và điều hành.
Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của Cổng Giao tiếp điện tử tỉnh; Tiến hành, nâng cấp một số trang thông tin của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/20 tỉnh, tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Tập trung, đẩy mạnh sử dụng hệ thống một cửa điện tử tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; nâng cao tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính qua hệ thống một cửa điện tử tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4; ưu tiên triển khai các nhóm dịch vụ công mức 3, mức 4 các ngành Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giao thông vận tải, Xây dựng, Lao động – Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Thường xuyên cập nhật thông tin thủ tục hành chính đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính qua hệ thống một cửa liên thông.
Từ kết quả của việc ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực điều hành và chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính, có thể thấy rằng, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thành, thị đã đánh giá cao vai trò, vị trí của ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xử lý công việc và giải quyết các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước, từ đó triển khai, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 2390/KH-UBND ngày 22/6/2015 của UBND tỉnh về đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2015 – 2020; cập nhật Cơ sở dữ liệu quốc gia về các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức khi có yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu trong ứng dụng CNTT để giải quyết thủ tục hành chính. Để đạt được kết quả như mong muốn, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, cần có sự chủ động, phối hợp chặt chẽ, quyết tâm hơn nữa của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị.
Nhằm đẩy mạnh công tác giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, cần tiếp tục thực hiện tốt các nội dung ứng dụng ứng dụng CNTT, xây dựng nền hành chính hiện đại.
Triển khai có hiệu quả Kế hoạch Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 – 2020 và hàng năm; đảm bảo 100% các đơn vị có mạng nội bộ cơ bản kết nối các phòng, ban, đơn vị trực thuộc cho phép trao đổi, chia sẻ thông tin; hạ tầng viễn thông đã kết nối cáp quang tốc độ cao đến tất cả các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện và xã; đảm bảo tốt việc truy cập Internet; mạng diện rộng của tỉnh dần hình thành trên cơ sở mạng số liệu chuyên dùng đã kết nối cáp quang, thiết bị đầu cuối đến 100% các cơ quan nhà nước.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao việc duy trì và khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống một cửa điện tử tích hợp dịch vụ hành chính công trực tuyến; hệ thống trang, thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống các phần mềm dùng chung đã được triển khai; thực hiện dần thay thế cách thức làm việc truyền thống bằng việc điều hành, quản lý, phân công nhiệm vụ trên môi trường mạng; tăng cường gửi, nhận văn bản điện tử qua phần mềm Quản lý văn bản và điều hành hoặc hệ thống Thư điện tử của tỉnh.
Việc điều chỉnh, thay đổi về cơ chế chính sách, quy định về thủ tục hành chính là việc làm thường xuyên và thực sự cần thiết để đáp ứng kịp thời những yêu cầu của công tác quản lý và thực tiễn của sự phát triển kinh tế – xã hội, các văn bản quy phạm pháp luật mới về các quy trình làm việc, các quy định về thủ tục hành chính được thay đổi và các thủ tục hành chính mới cần được chuẩn hóa trong quy trình công việc, nội dung thực hiện, thời gian quy định, các biểu mẫu mang tính thống nhất, chuẩn hóa không phụ thuộc vào ý chủ quan của cán bộ được giao xử lý công việc cho từng công đoạn của hệ thống phần mềm một cửa điện tử tích hợp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Xây dựng hệ thống một cửa hiện đại tại UBND các huyện, thành, thị và UBND các xã, phường, thị trấn; đồng thời, khuyến khích công dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tối ưu, khai thác tối đa dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các thủ tục hành chính.
Tại các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành, thị, thời gian tới thực hiện tốt ứng dụng hệ thống một cửa điện tử tích hợp Cổng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh; chuẩn bị nhân lực, phối hợp chặt chẽ với đơn vị chuyển giao trong quá trình tập huấn đào tạo; xây dựng các quy định, quy chế để vận hành hệ thống một cửa điện tử tích hợp cổng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan mình; tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân biết và sử dụng hiệu quả hệ thống một cửa điện tử tích hợp cổng dịch vụ công trực tuyến của ngành, địa phương mình.
Việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin nói chung, ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính nói riêng và giải quyết thủ tục hành chính ở tỉnh cần một quyết tâm chính trị rất cao và sự nhất trí, đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh vai trò của nhà nước trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp và sự tham gia của tầng lớp nhân dân với tư cách vừa là người thụ hưởng thành quả, vừa là tác nhân đóng góp, thúc đẩy quá trình phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và trong đời sống xã hội.
Nguyễn Hữu Việt – Phó Giám đốc Sở TTTT