Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết đầu tiên về Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Điểm mới trong Nghị quyết lần này là đặt ra yêu cầu nhiệm vụ cần phải thúc đẩy dịch vụ hoá các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp tục cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển dịch vụ công nghệ cao, các loại dịch vụ mới của nền kinh tế số…
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trả lời phỏng vấn phóng viên.
Nhân dịp Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã trả lời phỏng vấn phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam những nội dung trọng tâm và những điểm mới đáng lưu ý từ Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Phóng viên: Ngày 17/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xin đồng chí cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết này?
Đ/C Trần Tuấn Anh: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, là phương thức, động lực để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Thực tế đã chỉ ra rằng, đại đa số các nước trên thế giới muốn tiến lên trở thành một nước công nghiệp, nước phát triển, đạt được mức thu nhập cao đều tiến hành quá trình CNH, HĐH đất nước. Với đặc điểm và điều kiện của Việt Nam, Việt Nam muốn thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra, tất yếu vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH.
Vấn đề CNH, HĐH đất nước đã được đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Trong thời gian, đã có khoảng 20 nghị quyết ban hành một số chủ trương, đường lối quan trọng có liên quan đến những khía cạnh riêng rẽ của CNH, HĐH; tuy nhiên cho đến trước khi ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW, Đảng ta vẫn chưa có nghị quyết riêng về vấn đề này. Đại hội XIII nêu rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước ta đã có thế và lực mới. Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Bên cạnh đó, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; nhất là tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra nhiều vấn đề mới, có tính chất phức tạp. Từ đó đặt ra những yêu cầu thực tiễn cần phải ban hành một Nghị quyết mới có tính tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Thực tiễn thực hiện CNH, HĐH đất nước trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại cần có chủ trương của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ như: tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần; có nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nội lực của nền kinh tế còn yếu, năng suất lao động chậm được cải thiện, năng lực độc lập, tự chủ thấp. Công nghiệp phát triển thiếu bền vững. Các ngành dịch vụ quan trọng chiếm tỉ trọng còn nhỏ, mối liên kết với các ngành sản xuất còn yếu. Đô thị hoá chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với CNH, HĐH. Các vấn đề về phát triển văn hoá, xã hội, con người, môi trường còn nhiều hạn chế, bất cập…
Việc ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Nghị quyết được ban hành sẽ định hướng, là kim chỉ nam để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030; là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới tạo động lực thúc đẩy CNH, HĐH đất nước. Việc ban hành Nghị quyết vào thời điểm hiện nay có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang triển khai mạnh mẽ thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030.
Để tham mưu ban hành Nghị quyết, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo tham vấn, góp ý của các Ban, Bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia trong và ngoài nước.
Phóng viên: Thưa đồng chí, quan điểm của Đảng ta về tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước được thể hiện trong Nghị quyết 29 như thế nào?
Đ/C Trần Tuấn Anh: Nghị quyết đã đề ra hệ thống 5 nhóm quan điểm chỉ đạo có tính toàn diện, đồng thời cũng cụ thể hoá những nội dung trọng tâm làm cơ sở để định hướng đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, với một số nội dung cốt lõi sau:
Quan điểm thứ nhất, làm rõ nội hàm/nhận thức về CNH, HĐH là “quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của CNH, HĐH với sự phát triển kinh tế – xã hội, coi “là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao”.
Quan điểm thứ hai, nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của Đảng coi việc đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị. Đặt CNH, HĐH trong tổng thế chiến lược phát triển đất nước để có cách tiếp cận toàn diện, chú trọng giải quyết hài hoà các mối quan hệ lớn trong quá trình CNH, HĐH đất nước. Đó là: “bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động”.
Quan điểm thứ ba, xác định nội dung và yêu cầu then chốt “phải khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng và địa phương; lợi thế của nền kinh tế đi sau và đang trong thời kỳ dân số vàng; kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu; chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang chế tạo, chế biến, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam; tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, chú trọng đẩy mạnh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp. Coi trọng phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt, chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”.
Quan điểm thứ tư, nhấn mạnh lộ trình, bước đi trong thực hiện CNH, HĐH đất nước phải có trọng tâm, trọng điểm và xác định các lĩnh vực ngành nghề cần ưu tiên phát triển đặt trong mối quan hệ tổng thể với yêu cầu tập trung về nguồn lực thực hiện để phát trển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; tăng cường liên kết ngành và liên kết vùng. Bổ sung, hoàn thiện tư duy lý luận của Đảng về chủ thể và nguồn lực thực hiện CNH, HĐH: “lấy nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) là chủ đạo; doanh nghiệp FDI là động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Quan điểm thứ năm, nhấn mạnh yêu cầu trong thực hiện CNH, HĐH đất nước, “phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả; khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần khởi nghiệp quốc gia, đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị văn hóa cả truyền thống và hiện đại, bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam và giai cấp công nhân hiện đại; vai trò xung kích, đi đầu của đội ngũ tri thức và doanh nhân Việt Nam”.
Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phóng viên: Thưa đồng chí, triển khai thực hiện Nghị quyết này chúng ta cần xác định đâu là nội dung trọng tâm, có tính đột phá để thúc đẩy CNH, HĐH trong giai đoạn tới?
Đ/C Trần Tuấn Anh: Để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra, Nghị quyết đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu bao phủ những vấn đề lớn từ đổi mới tư duy, nhận thức cho đến hoàn thiện thể chế, chính sách và giải quyết những điểm nghẽn, khắc phục những hạn chế trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời gian qua. Trong đó, một số nội dung trọng tâm, đột phá cần thực hiện ngay để thúc đẩy CNH, HĐH trong giai đoạn tới như:
Một là, Nghị quyết xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước theo 2 giai đoạn. Từ đó đặt ra yêu cầu cần phải nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân; cụ thể hoá các quan điểm, gắn kết các mục tiêu, nhiệm vụ CNH, HĐH đất nước với luật pháp, chính sách, hệ thống quy hoạch quốc gia và các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan, tiến tới đẩy nhanh thể chế hoá các nghị quyết, kết luận của Đảng có liên quan đến CNH, HĐH để hoàn thiện cơ bản thể chế, chính sách nhằm đẩy mạnh CNH, HĐH; Thực hiện phân công, phân cấp triệt để trong quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; Nâng cao năng lực dự báo; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả CNH, HĐH trên phạm vi cả nước, từng vùng và địa phương và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện.
Hai là, Nghị quyết xác định các nhiệm vụ và giải pháp tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh góp phần thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh CNH, HĐH trên nền tảng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vươn lên trong một số ngành, lĩnh vực thông qua việc phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, trong đó tập trung xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045); Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2030.
Nghị quyết đã chỉ rõ các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên nguồn lực và có các cơ chế, chính sách khuyến khích và ưu đãi đủ mạnh để phát triển, tránh dàn trài như: Đối với các ngành công nghiệp nền tảng như: Luyện kim; Cơ khí chế tạo; Hoá chất; Công nghiệp năng lượng; Vật liệu; Công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật, thiết bị điện tử – viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn).
Đối với ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn là: Công nghiệp sản xuất rô bốt, ô tô điện, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp sinh học (tập trung vào gen, dược phẩm và các chế phẩm sinh học); công nghiệp dệt may, da giày ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hoá; công nghiệp văn hoá…
Khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước liên kết, liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thiết bị năng lượng sạch, tái tạo, hệ thống pin lưu trữ, các công nghệ và sản phẩm tiết kiệm năng lượng, đào tạo, chuyển giao công nghệ. Đồng thời, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, tự lực, tự cường, liên kết chặt chẽ với công nghiệp dân sinh và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.
Nút giao Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.
Ba là, Nghị quyết xác định rõ hơn về định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ trong quá trình CNH, HĐH. Trong đó, đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn bằng các biện pháp cụ thể như về cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, thúc đẩy cơ giới hoá đồng bộ, hiện đại hoá trong toàn bộ chuỗi cung ứng; ưu tiên khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn hướng tới nông thôn mới thông minh…Xác định định hướng phát triển mạnh khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, nhất là các nhành có giá trị gia tăng cao như du lịch, viễn thông, logistic, ngân hàng – tài chính…
Điểm mới trong Nghị quyết lần này là đặt ra yêu cầu nhiệm vụ cần phải thúc đẩy dịch vụ hoá các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp tục cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển dịch vụ công nghệ cao, các loại dịch vụ mới của nền kinh tế số.
Bốn là, tập trung nhấn mạnh phát triển hạ tầng kết nối liên vùng, nhất là đường bộ cao tốc với mục tiêu đến năm 2030 có 5000 km; tiếp đến là hạ tầng năng lượng và hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, phát triển hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN và các công trình hạ tầng xã hội về y tế, giáo dục của vùng. Có các giải pháp quan trọng, đột phá để phát triển hệ thống đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh, có tính kết nối theo mạng lưới cao và gắn kết chặt chẽ với quá trình CNH, HĐH.
Năm là, cụ thể hóa quan điểm gắn kết CNH, HĐH với quá trình phát triển bền vững, bao trùm và đặt trong chuỗi sản xuất – kinh doanh toàn cầu, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với các giải pháp đột phá nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước; phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ tri thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong CNH, HĐH đất nước, bảo đảm tốt an sinh xã hội với quan điểm xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực cho sự phát triển và thúc đẩy CNH, HĐH.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn!