Dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề trong môn Toán – NÂNG CÁNH ƯỚC MƠ

Đặt vấn đề

Số thập phân là một trong các mạch kiến thức được giới thiệu trong chương trình môn Toán 5. Đây là một vấn đề rất mới đối với học sinh lớp 5. Nếu như các vấn đề khác như phân số, các yếu tố về hình học, toán chuyển động đều,… các em đều đã được làm quen ít nhiều ở các lớp trước như: Phân số, các em được học ở lớp 4, các yếu tố về hình học các em được làm quen ngay từ ở lớp 1 với mức độ đơn giản từ thấp đến cao, toán chuyển động đều, tuy chưa nói rõ về vận tốc, nhưng về thời gian và quãng đường thì các em cũng đã được biết đến từ lớp 2,… Riêng đối với số thập phân thì phải đến lớp 5 các em mới được biết đến. Để các em hiểu rõ về số thập phân là việc làm không hề đơn giản và việc giúp các em nắm được bản chất của số thập phân thì lại càng khó hơn.

Nhiệm vụ của mỗi gv là phải bằng các cách dạy khác nhau giúp hs nắm được và vận dụng các kiến thức được học vào giải các bài toán về số thập phân như đối với số tự nhiên và phân số. Tuy nhiên việc làm này không phải là một việc làm dễ dàng, không ít gv còn băn khoăn lúng túng từ việc hiểu bản chất của số thập phân đến việc áp dụng các phương pháp dạy học vào việc truyền đạt nội dung bài đến hs. Đặc biệt trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi thì dạy học số thập phân lại càng trở nên quan trọng bởi các dạng toán nâng cao về số thập phân rất phong phú và đa dạng, để giúp hs hiểu vấn đề một cách sâu sắc và áp dụng thành thạo trong việc giải các bài toán là một điều cực kì khó. Không ít gv phải bó tay hàng giờ trước những đề thi học sinh giỏi dạng số thập phân, vận dụng các phương pháp đại số ở cấp 2 để hướng dẫn hs giải các bài toán về số thập phân, …

 Làm thế nào để giúp hs lớp 5 nắm và hiểu được các nội dung kiến thức về số thập phân một cách hiệu quả, bài viết này xin được giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung về dạy học số thập phân cho hs lớp 5 bằng PPDHPH&GQVĐ.

2. Khái niệm về PPDHPH&GQVĐ

Vấn đề vừa là một phạm trù của lôgic biện chứng vừa là một phạm trù của tâm lý học. Theo lôgic học biện chứng, vấn đề là sự phản ánh tình huống có vấn đề, nghĩa là phản ánh mâu thuẫn giữa điều đã biết và điều chưa biết nảy sinh một cách khách quan trong quá trình phát triển xã hội. Bản chất khái niệm vấn đề là một phạm trù của lôgic học biện chứng thể hiện ở chỗ, trong nghiên cứu khoa học vấn đề phản ánh mâu thuẫn biện chứng trong đối tượng được nhận thức, tức là điều chưa biết mang tính khách thể chứ không phụ thuộc vào chủ thể. Còn vấn đề của tâm lý học lại phản ánh mâu thuẫn trong quá trình nhận thức khách thể của chủ thể, tức là mâu thuẫn trong tư duy. Như vậy trong tâm lý học vấn đề là hiện tượng chủ quan và tồn tại trong ý thức, trong suy nghĩ của con người khi nó chưa được hoàn tất về mặt lôgic và chưa được biểu thị trong ngôn ngữ và trong chữ viết. Trong PPDH vấn đề được xem xét ở góc độ tâm lí học.

Tình huống được hiểu là một hệ thống phức tạp bao gồm chủ thể và khách thể, trong đó chủ thể là con người còn khách thể lại là một hệ thống nào đó. Nếu trong một tình huống, chủ thể còn chưa biết ít nhất một phần tử của khách thể thì tình huống này được gọi là tình huống bài toán đối với chủ thể. Trong một tình huống bài toán, nếu chủ thể đặt ra mục đích tìm phần tử chưa biết nào đó dựa vào một số phần tử cho trước ở trong khách thể thì trở thành bài toán.      

Phát hiện và Giải quyết vấn đề là một PPDH mà ở đó thầy giáo là người tạo ra tình huống gợi vấn đề, điều khiển học sinh phát hiện vấn đề, hoạt động tự giác, tích cực, chủ động và sáng tạo để giải quyết vấn đề, thông qua đó mà kiến tạo tri thức, rèn luyện kĩ năng và đạt được đích học tập. – Tình huống gợi vấn đề (còn gọi là tình huống có vấn đề) là một tình huống gợi cho học sinh những khó khăn về lý luận hay thực tiễn mà các em thấy cần thiết và có khả năng vượt qua, nhưng không phải ngay tức khắc nhờ một thuật giải mà phải trải qua một quá trình tích cực suy nghĩ, hoạt động để biến đổi đối tượng, hoặc điều chỉnh kiến thức sẵn có.

– Trong một tình huống gợi vấn đề luôn chứa đựng một nội dung cần xác định, một nhiệm vụ cần giải quyết, một vướng mắc cần tháo gỡ… Vì vậy, kết quả giải quyết tình huống gợi vấn đề sẽ đem lại tri thức mới, hành động mới, nhận thức mới cho chủ thể.

– Theo tác giả Nguyễn Bá Kim thì một tình huống được gọi là tình huống gợi vấn đề nếu nó thoả mãn 3 điều kiện sau:

+ Tồn tại một vấn đề: Tình huống phải bộc lộ mâu thuẫn giữa tri thức, kinh nghiệm vốn có của học sinh và yêu cầu, nhiệm vụ nhận thức mới; chủ thể phải ý thức được một khó khăn trong tư duy hoặc trong hành động mà vốn hiểu biết sẵn có chưa đủ để vượt qua. Hay nói cách khác trong tình huống phải có ít nhất một phần tử của khách thể mà học sinh chưa biết và cũng chưa có trong tay một thuật giải nào để tìm phần tử đó.

+ Gợi nhu cầu nhận thức: Tình huống phải gợi nhu cầu nhận thức, phải làm bộc lộ sự khiếm khuyết về mặt kiến thức và kĩ năng của hs để các em cảm thấy cần thiết phải bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện tri thức, kĩ năng bằng cách tham gia giải quyết vấn đề nảy sinh. Nếu tình huống có một vấn đề nhưng học sinh không có nhu cầu tìm hiểu giải quyết, chẳng hạn vì nó quá xa lạ không liên quan tới hs thì đó chưa phải là tình huống gợi vấn đề.

+ Khơi dậy niềm tin ở khả năng của bản thân: Tình huống cần khơi dậy ở học sinh cảm nghĩ là tuy mình chưa có ngay lời giải nhưng có một số tri thức, kĩ năng đã biết liên quan đến vấn đề đặt ra và nếu tích cực suy nghĩ thì có nhiều hy vọng giải quyết được vấn đề đó. Như vậy là hs có được niềm tin ở khả năng của bản thân mình trong việc huy động tri thức và kĩ năng để giải quyết hoặc tham gia giải quyết vấn đề. Nếu tình huống quá khó, vượt quá khả năng của hs thì không những không khơi dậy được niềm tin vào khả năng của bản thân học sinh mà trái lại nó còn “giết chết” niềm tin đó.

3. Đặc trưng của PPDHPH&GQVĐ

3.1. Đặc trưng của PPDH Phát hiện và Giải quyết vấn đề

Trong dạy học PH&GQVĐ, người thầy giáo là người tạo ra tình huống gợi vấn đề, tổ chức điều khiển học sinh thực hiện các hoạt động còn học sinh là người phát hiện ra vấn đề, hoạt động tự giác, tích cực, chủ động và sáng tạo để giải quyết vấn đề. Như vậy, trong dạy học PH&GQVĐ thì:

– Hs được đặt vào tình huống gợi vấn đề chứ không phải được thông báo tri thức dưới dạng có sẵn.

– Hs hoạt động tự giác, tích cực, chủ động và sáng tạo, tận lực huy động tri thức và khả năng để Phát hiện và giải quyết vấn đề chứ không phải chỉ nghe thầy giảng một cách thụ động.

– Mục đích dạy học trong Phát hiện và giải quyết vấn đề không chỉ làm cho học sinh lĩnh hội được kết quả của quá trình phát hiện và giải quyết vấn đề mà còn làm cho các em phát triển khả năng tiến hành quá trình như vậy. Hay nói cách khác học sinh học được bản thân việc học.

– Như vậy: Bản chất của dạy học Phát hiện và giải quyết vấn đề là quá trình nhận thức độc đáo của học sinh trong đó dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của giáo viên, học sinh nắm được tri thức và cách thức hoạt động trí tuệ mới thông qua quá trình tự lực giải quyết các tình huống có vấn đề.

3.2. Các mức độ trong dạy học Phát hiện và Giải quyết vấn đề

 Dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề có thể chia thành 4 mức độ sau:

Mức độ 1: (Đối tượng hs Yếu) GV đặt vấn đề, nêu cách giải quyết vấn đề. HS thực hiện cách giải quyết vấn đề theo hướng dẫn của gv. GV đánh giá kết quả làm việc của hs.

Mức độ 2: (Đối tượng học sinh TB) GV đặt vấn đề, gợi ý để HS tìm cách giải quyết vấn đề. HS thực hiện cách giải quyết vấn đề với sự giúp đỡ của GV khi cần thiết. GV và HS cùng đánh giá.

Mức độ 3: (Đối tượng học sinh Khá) GV cung cấp thông tin, tạo tình huống gợi vấn đề. HS phát hiện và xác định vấn đề nảy sinh, tự lực đề xuất các giả thuyết và lựa chọn giải pháp. HS thực hiện cách giải quyết vấn đề. GV và HS cùng đánh giá.

Mức độ 4: (Đối tượng học sinh Giỏi) HS tự lực phát hiện vấn đề nảy sinh trong hoàn cảnh của mình hoặc của cộng đồng, lựa chọn vấn đề phải giải quyết. HS giải quyết vấn đề tự đánh giá chất lượng, hiệu quả, có ý kiến bổ sung của GV khi cần thiết.

4. Một số cách tạo tình huống gợi vấn đề trong dạy học về số thập phân ở lớp 5

4.1. Xây dựng tình huống có vấn đề từ thực tiễn

 Đó là các tình huống xuất phát từ thực tiễn và có chứa những vấn đề về toán học thường được xây dựng khi dạy các loại bài hình thành kiến thức mới cho hs.

Ví dụ: Dạy Phép cộng số thập phân.

– Gv đưa ra bài toán: Cắt một sợi dây thành hai đoạn. Biết đoạn thứ nhất dài 3,2dm và đoạn thứ hai dài 4,3dm. Hỏi sợi dây lúc đầu dài bao nhiêu đề-xi-mét?

– Tính thực tiễn trong vấn đề: Đây là vấn đề hoàn toàn có thể xảy ra đối với hs trong thực tế.

Cách thực hiện: Gv đưa ra một sợi dây dài 7,5dm, dùng kéo cắt sợi dây đó thành hai đoạn 3,2dm và 4,3dm. Nêu độ dài của hai đoạn cắt ra và yêu cầu hs tính độ dài của sợi dây.

– Đối với hs lớp 5 thì việc biết được muốn tính độ dài sợi dây thì cần phải tính tổng độ dài của hai đoạn cắt ra là một việc làm đơn giản. Tuy nhiên tình huống được đặt ra ở đây đối với hs là: độ dài của hai đoạn dây cắt ra đều là những số thập phân.

– Từ tình huống đó, hs phải phát huy những khả năng của mình tìm cách giải quyết vấn đề là làm thế nào để tìm được kết quả của phép cộng hai số thập phân đó.

– Tuỳ theo từng đối tượng hs mà gv có thể định hướng cách giải quyết vấn đề cho phù hợp.

+ Thông thường gv hướng hs đưa các số đo về dạng số tự nhiên(đổi ra cm)rồi thực hiện phép cộng hai số tự nhiên sau đó đưa các số đo về đơn vị dm dưới dạng số thập phân.

+ Hs cũng có thể giải quyết vấn đề đó bằng cách đưa các số thập phân về dạng phân số thập phân rồi thực hiện cộng hai phân số sau đó đưa kết quả về dạng số thập phân.

– Với tình huống trên, tuỳ đối tượng hs, có thể áp dụng một trong 4 Mức độ.

Ở mức độ 1: (Đối tượng hs yếu kém).

+ Phát hiện vấn đề: Tính độ dài của sợi dây bằng phép cộng 3,2 + 4,3.

+ Tìm giải pháp: Dựa vào hướng dẫn của gv, đưa các số đo về dạng số tự nhiên và cộng, sau đó đưa kết quả về dạng số thập phân.

+ Giải quyết vấn đề: Dưới sự giúp đỡ của gv, đổi các số đo: 3,2dm = 32cm;  4,3dm = 43cm; thực hiện: 32 + 43 = 75; đổi: 75cm = 7,5dm.

+ Kiểm tra kết quả: Dưới sự hướng dẫn của gv, hs kiểm tra lại việc thực hiện và kết luận về kết quả.

Ở mức độ 2: (Đối tượng hs TB).

+ Phát hiện vấn đề: Tính độ dài của sợi dây bằng phép cộng 3,2 + 4,3.

+ Tìm giải pháp: Dựa vào gợi ý của gv, đưa các số đo về dạng số tự nhiên và cộng, đổi kết quả về dạng số thập phân.

+ Giải quyết vấn đề: Hs thực hiện đổi đơn vị đo, cộng hai số tự nhiên và đổi kết quả về dạng số thập phân dưới sự quan sát của gv (gv sửa cho hs nếu phát hiện thấy hs làm sai).

+ Kiểm tra kết quả: Hs kiểm tra lại kết quả từ đó đưa ra kết luận.

Ở mức độ 3: (Đối tượng hs Khá).

+ Phát hiện vấn đề: Tính độ dài của sợi dây bằng phép cộng 3,2 + 4,3.

+ Tìm giải pháp: Thảo luận, đưa ra cách giải quyết vấn đề, gv nhận xét, gợi ý hs (nếu cần).

+ Giải quyết vấn đề: Hs tự thực hiện cách làm và đưa ra kết quả.

+ Kiểm tra kết quả: Hs tự kiểm tra kết quả và đưa ra kết luận.

Ở mức độ 4: (Đối tượng hs Giỏi).

+ Phát hiện vấn đề: Tính độ dài của sợi dây bằng phép cộng 3,2 + 4,3.

+ Tìm giải pháp: Hs tự tìm các giải pháp (có thể đưa số đo về dạng số tự nhiên như trên hoặc đưa về phân số thập phân rồi cộng và sau đó đổi kết quả về dạng số thập phân.)

+ Giải quyết vấn đề: Hs tự thực hiện và đưa ra kết quả.

+ Kiểm tra kết quả: Hs tự kiểm tra và đưa ra kết luận.

Lưu ý: Trong tình huống nêu trên, hs mới chỉ dừng lại ở việc giải quyết tìm ra độ dài của sợi dây hay kết quả của phép cộng 2 số thập phân 3,2 + 4,3. Để tìm ra quy tắc cộng hai số thập phân thì ta cần đưa tiếp vấn đề và yêu cầu hs giải quyết.

4.2. Xây dựng tình huống có vấn đề từ các kiến thức đã học.

 Các tình huống đưa ra ở đây là những bài tập dạng nâng cao mà khi giải, hs cần dựa vào kiến thức đã học. Đây là một việc làm rất cần thiết đối với gv trong quá trình dạy học, đặc biệt là việc bồi dưỡng học sinh giỏi.

Ví dụ: Dạy Phép cộng số thập phân.

– Sau khi đã hình thành cho hs quy tắc cộng hai số thập phân, GV đưa thêm các ví dụ có dạng: 1,23 + 12,3 (phần thập phân có số chữ số khác nhau) hay: 2 + 2,5 (số tự nhiên cộng với số thập phân)

Cách thực hiện: Gv nêu phép tính và hỏi: Các số hạng trong phép tính có gì giống và khác với các số hạng trong những phép tính vừa làm?

– Tình huống có vấn đề xuất hiện ở đây chính là số chữ số ở phần thập phân của hai số khác nhau.

– Tuỳ theo từng đối tượng hs mà gv định hướng cách giải quyết vấn đề. Đối với trường hợp thứ nhất, gv cần định hướng cho hs viết thêm 1 chữ số 0 vào bên phải số 12,3 để được số 12,30. Đối với trường hợp thứ hai, cần định hướng viết 2 dưới dạng 2,0.

– Với tình huống trên, hs trung bình có thể giải quyết được vì các em đã nắm được tính chất của các số thập phân bằng nhau.

– Với tình huống trên, giáo viên có thể áp dụng một trong 3 Mức độ.

Ở mức độ 2: (Đối tượng hs TB).

+ Phát hiện vấn đề: Cộng 2 số thập phân có số chữ số ở phần thập phân không bằng nhau.

+ Tìm giải pháp: Dựa vào gợi ý của gv, đưa các số 12,3 và 2 về dạng 12,30 và 2,0 để thực hiện.

+ Giải quyết vấn đề: Hs thực hiện cách làm dưới sự quan sát của gv.

+ Kiểm tra kết quả: Đưa ra kết quả để gv nhận xét và đi đến kết luận.

Ở mức độ 3: (Đối tượng hs Khá).

+ Phát hiện vấn đề: (như trên).

+ Tìm giải pháp: Thảo luận, nêu cách làm, đưa các số 12,3 và 2 về dạng 12,30 và 2,0.

+ Giải quyết vấn đề: Hs thực hiện cách làm và đưa ra kết quả.

+ Kiểm tra kết quả: Hs tự kiểm tra kết quả và đưa ra kết luận.

Ở mức độ 4: (Đối tượng hs Giỏi).

+ Phát hiện vấn đề: (như trên).

+ Tìm giải pháp: Hs tự tìm giải pháp (có thể phẩi viết thêm 0 vào và thực hiện như trên, hoặc hs dựa vào cách đặt tính để thực hiện, coi các hàng bị thiếu là 0).

+ Giải quyết vấn đề: Hs tự thực hiện dựa vào giải pháp đã chọn.

+ Kiểm tra kết quả: Hs tự kiểm tra kết quả và đưa ra kết luận.

4.3. Tạo tình huống bằng cách yêu cầu học sinh dùng cách tương tự để giải quyết vấn đề

Khi dạy một số kiến thức mới, gv có thể hướng dẫn học sinh thông qua những vấn đề tương tự đã được học trước đó. Tình huống đưa ra ở đây cần dựa vào một kết quả tương tự mà học sinh đã biết trước đó nhằm khơi dậy niềm tin vào khả năng của bản thân.

Ví dụ: Dạy Phép trừ số thập phân.

– Giáo viên nêu bài toán: Một sợi dây dài 2,4m. Cắt sợi dây đó thành hai đoạn. Biết độ dài đoạn thứ nhất là 1,05m. Tính độ dài sợi dây thứ hai.

– Vấn đề tương tự ở đây là: Cách thực hiện Phép trừ và Phép cộng hai số thập phân hoàn toàn giống nhau.

Cách thực hiện: Gv đưa ra một sợi dây dài 2,4m sau đó cắt từ sợi dây ra một đoạn dài 1,05m. Cho hs biết độ dài sợi dây và độ dài đoạn cắt ra, hỏi hs về độ dài của đoạn còn lại.

– Việc hs phát hiện ra muốn tính độ dài của đoạn còn lại thì phải thực hiện phép trừ 2,4 – 1,05 là một tình huống các em cần phải giải quyết.

– Từ cách thực hiện phép cộng hai số thập phân đã được học, yêu cầu học sinh áp dụng để thực hiện phép trừ 2,4 – 1,05.

– Tình huống đặt ra cho học sinh ở đây là: Các em phải thực hiện phép trừ (2,4 – 1,05) dựa vào cách thực hiện phép cộng hai số thập phân.

– Trong tình huống trên, hs có thể tự giải quyết được vấn đề bằng cách:

+ Đặt tính như đối với phép cộng hai số thập phân.

+ Thực hiện phép trừ như đối với trừ hai số tự nhiên.

+ Điền dấu phẩy ở kết quả thẳng cột như phép cộng hai số thập phân.

– Với tình huống trên, gv có thể áp dụng một trong 2 Mức độ.

Ở mức độ 3: (Đối tượng hs Khá).

+ Phát hiện vấn đề: Thực hiện phép trừ: 2,4 – 1,05.

+ Tìm giải pháp: Từ gợi ý của gv, hs thảo luận, đưa ra cách giải quyết bằng việc áp dụng cách thực hiện phép cộng.

+ Giải quyết vấn đề: Hs đặt tính và thực hiện phép tính như đối với phép trừ và rút ra cách thực hiện phép trừ.

+ Kiểm tra kết quả: Thử lại bằng một  số ví dụ và rút ra kết luận về quy tắc trừ hai số thập phân.

Ở mức độ 4: (Đối tượng hs Giỏi).

+ Phát hiện vấn đề: (như trên).

+ Tìm giải pháp: Hs tự suy luận và tìm ra cách giải quyết từ phép cộng.

+ Giải quyết vấn đề: Hs thực hiện phép trừ dựa vào phép cộng.

+ Kiểm tra kết quả: Hs tự kiểm tra và đưa ra kết luận về quy tắc.

Lưu ý: Trong tình huống này, hs hoàn toàn có thể tìm ra quy tắc trừ hai số thập phân thông qua việc thực hiên phép trừ  tương tự như đối với phép cộng.

4.4. Tạo tình huống bằng cách lật ngược vấn đề

 Tình huống ở đây là một mệnh đề đảo của một mệnh đề hay một sự mâu thuẫn với những tri thức có sẵn.

Ví dụ: Dạy Khái niệm số thập phân

– Từ mệnh đề: Mọi hỗn số đều có thể viết được dưới dạng số thập phân, giáo viên có thể đưa ra một câu khác như: Mọi số thập phân đều có thể viết được dưới dạng hỗn số.

Cách thực hiện: Sau khi cho hs viết các hỗn số dưới dạng số thập phân, gv đưa ra kết luận:Mọi hỗn số đều có thể viết được dưới dạng số thập phân Sau đó nêu vấn đề: Mọi số thập phân đều viết được dưới dạng hỗn số.

– Từ vấn đề đặt ra trên đây, hs sẽ suy nghĩ, liệu có phải mọi số thập phân đều có thể viết được dưới dạng hỗn số!

– Với tình huống trên, hs khá giỏi hoàn toàn có thể suy luận và giải quyết được vì các em có thể dựa vào các kiến thức đã học về hỗn số và số thập phân: Phần nguyên của hỗn số là phần nguyên của số thập phân. Vì phần nguyên của hỗn số luôn khác 0 mà phần nguyên của số thập phân lại có thể bằng 0.

– Với tình huống trên, gv có thể áp dụng một trong 2 Mức độ.

Ở mức độ 3: (Đối tượng hs Khá).

+ Phát hiện vấn đề: Có phải số thập phân nào cũng viết được dưới dạng hỗn số không.

+ Tìm giải pháp: Thảo luận, tìm cách giải quyết, (Gv quan sát, gợi ý hs  về phần nguyên của số thập phân và phần nguyên của hỗn số).

+ Giải quyết vấn đề: Phân tích và so sánh phần nguyên của số thập phân và của hỗn số, nêu đáp án câu hỏi.

+ Kiểm tra kết quả: Hs kiểm tra bằng cách đưa ra một số ví dụ và kết luận.

Ở mức độ 4: (Đối tượng hs Giỏi).

+ Phát hiện vấn đề: (như trên).

+ Tìm giải pháp: Hs tự tìm cách để giải quyết vấn đề.

+ Giải quyết vấn đề: Trình bày lí do vì sao chọn đáp án đó (hs có thể đưa ra các ví dụ minh hoạ).

+ Kiểm tra kết quả: Hs tự kiểm tra và rút ra kết luận đó là một mệnh đề sai.

4.5. Tạo tình huống có thể giải quyết bằng khái quát hoá vấn đề

 Trong dạy học về số thập phân, gv cũng có thể đưa ra những đối tượng cụ thể, yêu cầu hs quan sát, phân tích và tìm ra nét chung của các đối tượng đó và khái quát hoá thành những tính chất hay một khái niệm cụ thể. Tình huống đưa ra ở đây là những những kiến thức riêng lẻ đã học trước đó nhằm khắc sâu kiến thức và phát triển tư duy.

Ví dụ: Dạy Nhân một số thập phân với 10, 100, 1000,….

– Sau khi có kết quả phép nhân một số thập phân với 10 và 100, gv nêu vấn đề: Muốn nhân một số thập phân với 10, 100, 1000,… ta có thể làm thế nào?

Cách thực hiện: Sau khi hs nhân và có kết của phép nhân một số thập phân với 10 và 100, giáo viên đưa ra tình huống nêu trên.

– Với tình huống trên, hs khái quát hoá kết quả của phép nhân số thập phân với 10 và 100 để giải quyết vấn đề.

– Với tình huống trên, gv cũng có thể áp dụng trong cả 4 Mức độ.

Ở mức độ 1: (Đối tượng hs yếu kém).

+ Phát hiện vấn đề: Cách nhân nhẩm một số thập phân với 10, 100, 1000,..

+ Tìm giải pháp: Dựa vào định hướng của gv, dời dấu phẩy của số thập phân đó sang bên phải 1, 2, 3,… chữ số để được kết quả.

+ Giải quyết vấn đề: Dưới sự hướng dẫn của gv, hs dịch dấu phẩy của số thập phân sang phải 1, 2, 3,… chữ số, từ đó đi đến quy tắc muốn nhân một số thập phân với 10, 100, 1000,.. (dời dấu phẩy sang phải 1, 2, 3,… chữ số).

+ Kiểm tra kết quả: Dưới sự hướng dẫn của gv, hs thử thêm một số ví dụ và đưa ra kết luận về quy tắc nhẩm.

Ở mức độ 2: (Đối tượng hs TB).

+ Phát hiện vấn đề: (như trên).

+ Tìm giải pháp: Dựa vào gợi ý của gv, hs giải quyết vấn đề bằng cách dịch dấu phẩy của số thập phân sang phải 1, 2 hoặc 3,… chữ số.

+ Giải quyết vấn đề: Hs thực hiện dời dấu phẩy của số thập phân sang phải 1, 2, 3,… chữ số, đưa ra quy tắc.

+ Kiểm tra kết quả: Hs thử thêm một số ví dụ để đi đến kết luận về quy tắc

Ở mức độ 3: (Đối tượng hs Khá).

+ Phát hiện vấn đề: (như trên).

+ Tìm giải pháp: Dựa vào kết quả phép nhân số thập phân với 10, 100 hs thảo luận để đưa ra cách nhẩm.

+ Hs giải quyết vấn đề: Thực hiện nhân nhẩm và đưa ra quy tắc nhẩm.

+ Kiểm tra kết quả: Thử lại bằng một số ví dụ và kết luận về quy tắc nhẩm.

Ở mức độ 4: (Đối tượng hs Giỏi).

+ Phát hiện vấn đề: (như trên).

+ Tìm giải pháp: Từ kết quả phép nhân số thập phân với 10, 100 đưa ra cách nhẩm.

+ Giải quyết vấn đề: Nhẩm kết quả và đưa ra quy tắc nhân nhẩm.

+ Kiểm tra kết quả: Thử thêm một số ví dụ và kết luận về quy tắc nhẩm.

4.6. Tạo tình huống từ những sai lầm thường gặp trong tính toán

Việc tạo ra những tình huống chứa đựng những sai lầm, yêu cầu hs tìm ra chỗ sai cũng là một việc làm nhằm củng cố, khắc sâu kiến thức đã học giúp hs tránh những sai lầm tương tự.

Ví dụ: Khi dạy: Cách tìm số dư trong phép chia hai số thập phân.

– Gv đưa ra cách thực hiện phép chia: 12,5 : 0,4 như sau:

                  12,5     0,4

                    0 10  31, 2

                         2

+ Vậy: 12,5 : 0,4 = 31,2 (dư 2)

– Gọi hs nhận xét về số dư trong phép chia.               

Cách thực hiện: Gv đưa ra cách thực hiện phép chia và nêu vấn đề như trên.

– Trong tình huống trên, hs có thể dễ dàng nhận thấy số dư không thể bằng 2 vì lớn hơn số chia (0,4) hoặc cũng có thể thử lại. (Lấy thương nhân với số chia rồi cộng với số dư)

– Tình huống đặt ra ở đây là số dư trong phép chia có phải bằng 2 không nếu không bằng 2 thì bằng mấy và làm thế nào để tìm được số dư đúng của phép chia.

– Với tình huống trên, gv có thể áp dụng một trong 2 Mức độ.

Ở mức độ 3: (Đối tượng hs Khá).

+ Phát hiện vấn đề: 2 có phải là số dư của phép chia không, số dư trong phép chia là số nào, nếu không phải là 2, làm cách nào để tìm ra số đó.

+ Tìm giải pháp: Thảo luận, phát hiện ra 2 không thể là số dư vì 2 > 0,4. Dựa vào gợi ý của gv về vị trí của chữ số 2 trong  phép chia và rút ra số dư không phải là 2 mà là 0,02.

+ Giải quyết vấn đề: Quan sát và phân tich để thấy vị trí của chữ số 2 thuộc vào hàng phần trăm do đó số dư đúng của phép chia phải là 0,02.

+ Kiểm tra kết quả: Hs kiểm tra bằng cách thử lại và kết luận về số dư đúng.

Ở mức độ 4: (Đối tượng hs Giỏi).

+ Phát hiện vấn đề: (như trên).

+ Tìm giải pháp: Hs tự tìm cách để giải quyết vấn đề, căn cứ vào vị trí của chữ số 2 và phát hiện ra số dư là 0,02.

+ Giải quyết vấn đề: Giải thích cách vì sao số dư không phải bằng 2 mà phải bằng 0,02.

+ Kiểm tra kết quả: Hs tự kiểm tra bằng cách thử lại và rút ra kết luận về số dư của phép chia.

    Trên đây là một số vấn đề về tạo tình huống vận dụng Dạy học Phát hiện và Giải quyết vấn đề trong dạy học về số thập phân cho học sinh lớp 5. Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người luôn phải giải quyết các vấn đề nảy sinh khác nhau. Việc dạy học toán không chỉ là dạy các tri thức và kĩ năng toán học mà còn hình thành và phát triển ở học sinh Phương pháp học, năng lực sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề. Do đó Dạy học Phát hiện và Giải quyết vấn đề là một trong những phương pháp dạy học cần được phổ biến rộng rãi trong các nhà trường phổ thông, ngay từ bậc tiểu học để đáp ứng được nhu cầu phát triển của hs trong cộng cuộc đổi mới hiện nay.

Th.S PHẠM VĂN CÔNG

Trường TH Văn Cẩm-Hưng Hà-Thái Bình