Đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC

Căn cứ pháp lý

  • Luật đầu tư năm 2020;
  • Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư;
  • Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;
  • Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Hợp đồng BCC là gì?

Khoản 14 Điều 3 Luật đầu tư 2020 định nghĩa Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.
Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC là một trong những Hình thức đầu tư được quy định tại Điều 21 Luật đầu tư.
Thay vì phải thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam bằng cách ký kết Hợp đồng BCC để nhanh chóng tiến hành hoạt động kinh doanh, phân chia lợi nhuận.

Nội dung hợp đồng BCC 

Nội dung Hợp đồng BCC do các bên thỏa thuận nhưng chủ yếu bao gồm các nội dung sau đây theo quy định tại Điều 28 Luật đầu tư:

  • Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
  • Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
  • Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
  • Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
  • Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
  • Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
  • Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
  • Những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.

Phân loại Hợp đồng BCC

Điều 27 Luật đầu tư phân loại Hợp đồng BCC dựa trên chủ thể hợp đồng, tức các bên tham gia ký kết Hợp đồng BCC và luật điều chỉnh Hợp đồng BCC, bao gồm:
–  Hợp đồng BCC giữa các nhà đầu tư trong nước: thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự được quy định chi tiết từ Điều 504 đến Điều 512 của Bộ luật dân sự 2015.
–  Hợp đồng BCC có ít nhất một bên là nhà đầu tư trong nước: thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
  • Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
  • Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Nếu không thuộc một trong các điều kiện nêu trên, nhà đầu tư thực hiện Hợp đồng BCC như thực hiện Hợp đồng BCC giữa những nhà đầu tư trong nước.

Trình tự thực hiện đầu tư 

  • Bước 1: Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư nếu dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội hoặc Thủ tướng chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tương ứng tại các Điều 30, 31 và 32 của Luật đầu tư 2020.
  • Bước 2: Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại cơ quan đăng ký đầu tư
  • Bước 3: Thành lập Ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC.

Theo Điều 49 Luật đầu tư, Nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC phải thành lập văn phòng điều hành tại Việt Nam để thực hiện hợp đồng BCC. Văn phòng điều hành có con dấu riêng; được mở tài khoản, tuyển dụng lao động, ký hợp đồng và tiến hành các hoạt động kinh doanh trong phạm vi quyền và nghĩa vụ quy định tại hợp đồng BCC và Giấy chứng nhận.
Nhà đầu tư nước ngoài chuẩn bị 01 bộ hồ sơ sau và gửi đến cơ quan đăng ký đầu tư nơi dự kiến đặt văn phòng điều hành:

  • Văn bản đăng ký thành lập văn phòng điều hành
  • Quyết định của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC về việc thành lập văn phòng điều hành;
  • Bản sao quyết định bổ nhiệm người đứng đầu văn phòng điều hành;
  • Bản sao hợp đồng BCC.

Nhà đầu tư sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thành lập văn phòng điều hành và buộc phải đăng ký thành lập Văn phòng điều hành.