Đầu tư công Việt Nam năm 2022 và gợi ý một số giải pháp cho thời gian tới
Đầu tư công Việt Nam năm 2022 và gợi ý một số giải pháp cho thời gian tới
Năm 2022, Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng kinh tế khả quan, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát có hiệu quả lạm phát nhờ sự phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng, xuất khẩu tăng mạnh và hoạt động du lịch quốc tế dần trở lại. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 60% tổng số vốn tính đến tháng 11/2022. Thúc đẩy tiến độ đầu tư công cùng với nâng cao chất lượng đầu tư công cần phải được xem là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
1. Thực trạng đầu tư công ở Việt Nam năm 2022
Về mặt tích cực
Năm 2022, kế hoạch Chính phủ đặt ra là đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trên 95%, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn. Cố gắng quyết tâm cao nhất để hoàn thành các mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra; khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; phát huy dân chủ, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp tình hình thực tế và yêu cầu công việc.
Điểm tích cực được ghi nhận là nhiều dự án đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đã được triển khai quyết liệt. Một số dự án hạ tầng cơ sở quan trọng đã được đưa vào sử dụng như đường cao tốc Bắc – Nam đoạn Cao Bồ – Mai Sơn; La Sơn – Túy Loan; Vân Đồn – Móng Cái, Trung Lương – Mỹ Thuận, cầu Thủ Thiêm 2. Hàng loạt dự án quy mô lớn khác cũng đang được đốc thúc triển khai, từ sân bay Long Thành đến nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và các tuyến đường vành đai, các dự án thành phần trên cao tốc Bắc – Nam.
Đầu tư công được đánh giá là nhóm ngành “dẫn đường” thị trường, là động lực quan trọng cho tăng trưởng. Đặc biệt, đầu tư công là cánh tay trợ lực cho ngành xây dựng hạ tầng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng bất định, khiến nhiều động lực tăng trưởng suy giảm.
Về mặt hạn chế
Năm 2022, tổng số vốn đầu tư công cần được giải ngân rất lớn với 542 nghìn tỷ đồng, nhiều hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng so với năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tính đến tháng 11/2022 chỉ đạt 52,43% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 58,33%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (63,86%). Tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tác động tiêu cực đến việc triển khai các chính sách tài khóa tiền tệ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang chịu tác động của đại dịch Covid-19.
Theo Bộ Tài chính, có 16 bộ và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%, 27 bộ và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%. Tỷ lệ giải ngân ở một số địa phương thấp là do có những dự án khởi công mới thực hiện đấu thầu quý III/2022 với các gói thầu có giá trị lớn; một số dự án có thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi nhưng thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư dự án của các cơ quan quản lý nhà nước bị kéo dài do một số hạng mục công việc không thống nhất ý kiến giữa các đơn vị thẩm định. Trong khi có những dự án đặc thù cung cấp thiết bị khoa học là thiết bị cần được đặt hàng, chế tạo tại nước ngoài nên thời điểm bàn giao thiết bị tập trung vào cuối năm. Phần lớn khối lượng thực hiện và giải ngân của các dự án dồn vào thời điểm cuối năm (tháng 12/2022).
Năm 2022, 02 dự án của ngành Y tế là Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đều đang vướng mắc về hợp đồng đơn giá gốc, để điều chỉnh hợp đồng dẫn đến không có cơ sở thanh toán cho nhà thầu. Dự án phải dừng thi công nhiều năm, số vốn ngân sách nhà nước bố trí cho dự án từ các năm 2017 – 2018 phải kéo dài sang năm 2022, song vẫn chưa hoàn thiện. Những dự án đầu tư thực hiện ở nước ngoài chưa được giải ngân do hợp đồng xây dựng không áp dụng tạm ứng hợp đồng mà thanh toán theo đợt, giải ngân tại thời điểm cuối năm. Một số dự án tại nước ngoài bị chậm do quy định đấu thầu của Việt Nam và nước ngoài có nhiều điểm khác biệt, nên đơn vị tư vấn nước ngoài cần nhiều thời gian để cung cấp hồ sơ theo đúng quy định về hồ sơ, nội dung khảo sát, thẩm tra theo yêu cầu.
Tắc nghẽn đầu tư công tác động tiêu cực đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Khối lượng và giải ngân nguồn vốn chuyển tiếp chậm. Một số công trình có vốn giải ngân thấp (30 – 40%). Có dự án thuộc vốn ODA giải ngân đạt rất thấp. Thậm chí, có những dự án, công trình chưa được khởi công. Tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA chậm do công tác chuẩn bị đầu tư chưa kỹ, xây dựng kế hoạch chưa sát với thực tế nên phải điều chỉnh chủ trương, thủ tục đầu tư nhiều lần dẫn đến thời gian kéo dài, buộc phải trả lại nguồn vốn ODA. Vì vậy, kết quả sử dụng nguồn vốn vay ODA chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Tuy nhiên, trên thực tế giải ngân vốn đầu tư công cũng đã có nhiều cải thiện. Mức đạt kế hoạch thấp hơn là do vốn kế hoạch năm 2022 cao hơn so với vốn kế hoạch năm 2021. (Bảng 1)
Bảng 1: Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022
Nguồn: Bộ Tài chính; giải ngân vốn đầu tư công của cả nước vẫn đạt tỷ lệ thấp/Thời báo Tài chính Việt Nam (thoibaotaichinhvietnam.vn)
2. Nguyên nhân giải ngân đầu tư công thấp
Có nhiều nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công không đạt được như kỳ vọng, bao gồm những nguyên nhân tồn tại lâu nay chưa được khắc phục triệt để và cả nguyên nhân mới phát sinh trong cơ chế điều hành và thực hiện như khan hiếm nguyên nhiên vật liệu, giá cả tăng phi mã, nguồn lao động bị thiếu hụt sau dịch. Có thể tổng hợp thành 03 nhóm nguyên nhân chính sau khiến giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Thứ nhất, nhóm liên quan đến thể chế, chính sách trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, ngân sách nhà nước, xây dựng, đấu thầu đầu tư công. Những vướng mắc liên quan đến chính sách đất đai, tài nguyên môi trường, xây dựng, đấu thầu vẫn tồn tại dai dẳng; những khó khăn xuất phát từ việc lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch giao, tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”, dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư. Lý giải các dự án đều chậm tiến độ triển khai do ảnh hưởng của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Một số dự án có nguy cơ đội vốn. Nguồn vốn dự tính dành cho các dự án được bố trí cho những dự án cấp bách khác.
Sự chậm trễ trong giải ngân đầu tư công còn gắn với những khó khăn, vướng mắc về văn bản quy phạm pháp luật. Tình trạng chậm trễ trong giải phóng mặt bằng vẫn diễn ra; việc chuẩn bị triển khai dự án cũng như năng lực nhà thầu còn hạn chế; một số quy định pháp lý chưa hoàn thiện. Công tác giải phóng mặt bằng chậm do chậm giải quyết khiếu nại, chậm bàn giao mặt bằng, chậm cưỡng chế dẫn đến chậm giải ngân phần vốn bồi thường giải phóng mặt bằng và vốn xây lắp công trình. Việc điều chỉnh các dự án đang triển khai cũng mất nhiều thời gian do nhiều thủ tục, đặc biệt đối với dự án ODA. Các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp do quy mô dự án lớn, diện tích thu hồi đất lớn, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân. Vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng gây khó khăn và chưa thể giải quyết ngay. Các phát sinh chủ yếu là giá đền bù đất, tranh chấp khi bàn giao, khiếu kiện, nhiều vướng mắc như đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích, xác định nguồn gốc đất… đang là tồn tại lớn ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Tình trạng số dư tạm ứng kéo dài chưa thu hồi và tình trạng tồn đọng dự án hoàn thành chưa quyết toán vẫn còn lớn. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu, cước phí vận tải tăng cao, nhân lực thiếu cục bộ đã ảnh hưởng đến tiến độ, khối lượng thi công các dự án.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm còn là do vướng mắc trong pháp luật về đầu tư công. Dự án đầu tư công khi được triển khai thực hiện phải chấp hành không chỉ quy định của Luật Đầu tư công, mà tùy thuộc tính chất dự án, còn phải chịu sự điều chỉnh của các luật liên quan khác như Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản… Thậm chí, còn cả các điều ước, cam kết quốc tế. Việt Nam chưa đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công với mức chất lượng tiếp cận được các nước ASEAN-4.
Thứ hai, nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai, thực hiện. Nguyên nhân sâu xa nhất là chưa có sự chỉ đạo quyết liệt, bởi cùng một cơ chế, chính sách, song tỷ lệ giải ngân tại các bộ, ngành địa phương không như nhau, nơi cao, nơi thấp do sự vào cuộc của chính quyền các địa phương chưa đồng đều. Nơi có sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo thì có kết quả giải ngân vốn đầu tư công tốt và ngược lại. Đây được xem là nguyên nhân liên quan đến công tác tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc. Công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và gần với khả năng giải ngân; khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm. Trọng tâm là khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, quỹ nhà tái định cư. Sự phối hợp giữa các cơ quan thiếu chặt chẽ; công tác kiểm tra, đôn đốc thiếu quyết liệt; việc xử lý các trường hợp vi phạm chậm trễ, chưa kịp thời, nghiêm minh.
Công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế. Công tác chuẩn bị dự án sơ sài, việc lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế; công tác thẩm định, tư vấn chậm. Sự lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện ở một số bộ, ngành, địa phương chưa sâu sát, thiếu quyết tâm chính trị. Vai trò người đứng đầu chưa được phát huy; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, Trung ương và địa phương trong việc xử lý vướng mắc đầu tư công chưa hiệu quả, chất lượng lập kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công còn nhiều bất cập, mang tính hình thức, dẫn đến việc nhiều dự án được giao kế hoạch, nhưng chưa thể triển khai…
Công tác chuẩn bị đầu tư làm chưa tốt nên thủ tục phê duyệt, chỉnh sửa tốn nhiều thời gian dẫn đến quy trình thẩm định, phê duyệt rất lâu và dẫn đến chậm trễ. Giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến công tác giải ngân chậm. Việc triển khai nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn, với tiến độ yêu cầu nhanh cần đất san lấp, vật liệu xây dựng rất lớn, nhưng nguồn cung không thể đáp ứng. Nguyên nhân là, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định tài nguyên đất, đất đồi, đất san lấp là “khoáng sản”, trong khi trình tự, thủ tục liên quan đến việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định hiện hành còn rườm rà, tốn nhiều thời gian của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân đang sở hữu giấy phép. Các vướng mắc dẫn đến thiếu hụt nguồn cung đất san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, giải ngân vốn của dự án không đạt quy định. Việc các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa chỉ từ 1 m2 vẫn phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Điều này trên thực tế là không cần thiết, lại thêm thủ tục cho các dự án, nhất là với dự án giao thông nông thôn, ảnh hưởng thời gian thực hiện dự án.
Phân bổ vốn dàn trải, thiếu tập trung, lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế; thủ tục đầu tư, thanh quyết toán vốn đầu tư dự án bất cập; một số ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém về năng lực; kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm, công tác thanh tra, kiểm tra hạn chế. Việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật chậm, chưa đồng bộ, thiếu khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Thứ ba, nhóm khó khăn liên quan đến những đặc thù của năm 2022. Những nguyên nhân đặc thù của năm 2022 liên quan đến giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhà thầu thi công cầm chừng chờ đợi điều chỉnh đơn giá. Giá các loại vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá xăng dầu, sắt, thép, đất, cát… tăng mạnh. Xung đột Nga – Ukraine là nguyên nhân làm tăng giá trên thị trường một số mặt hàng nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như khí đốt, dầu mỏ do thị phần sản xuất và xuất khẩu của Nga và Ukraine rất lớn. Giá nguyên, nhiên vật liệu tăng dẫn đến dự toán vượt so với tổng mức đầu tư được duyệt. Do đó, nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh theo hướng tăng tổng mức đầu tư hoặc thay đổi giải pháp thiết kế hoặc giảm quy mô đầu tư để đảm bảo nguồn lực triển khai. Năm 2022 là năm thứ hai triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025, nhưng thực tế mới là năm thứ nhất vì Kế hoạch mới được thông qua vào giữa năm. Thời gian tập trung cho công tác chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đầu tư ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án. Bên cạnh đó, phải tập trung vào các dự án chuyển tiếp và chuẩn bị đầu tư cho các dự án những năm tới.
Giá tăng khiến nhà thầu khó tìm được nguồn cung cấp nguyên vật liệu phù hợp hoặc ảnh hưởng đến phương án tài chính khi triển khai dự án theo hợp đồng đã ký. Giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng trên thị trường tăng cao, chi phí đối ứng tăng mạnh tác động trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các dự án. Tăng giá nguyên vật liệu sẽ vẫn còn tiếp tục những năm tới. Sự khan hiếm nguyên vật liệu sẽ còn được đẩy lên. Tình trạng đình đốn nền kinh tế, sản xuất khi lạm phát tăng cao sẽ là vấn đề chung mà thế giới phải đối mặt. Việt Nam trong bối cảnh còn rất nhiều mặt hàng phụ thuộc nhập khẩu bên ngoài cho cả các dự án hạ tầng cơ sở lẫn sản xuất của khu vực tư doanh cũng sẽ phải ứng phó với tình hình giá cả leo thang. Các dự án, công trình thuộc kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025 sẽ tiếp tục phải gánh chịu những khó khăn về giá cả.
3. Giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm giai đoạn 2022 – 2023 nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, là động lực thúc đẩy GDP Việt Nam tăng mạnh. Để đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công những năm tới cần tập trung vào hai nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là:
Nhóm thứ nhất, rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách. Điều chỉnh quy định pháp lý, giảm thủ tục hành chính quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số, đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu rút vốn; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công. Cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm soát chi với nguyên tắc thanh toán trước, kiểm soát sau. Rút ngắn thời gian kiểm soát từ 7 ngày xuống còn 1 – 3 ngày làm việc, giảm thời gian rút vốn nước ngoài xuống còn 1 ngày. Tăng cường thực hiện kiểm soát chi, rút vốn và giải ngân qua hệ thống công nghệ thông tin. Khuyến khích làm việc trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí và không gây phiền hà cho các bộ, cơ quan, địa phương.
Để thực hiện và giải ngân tối đa kế hoạch vốn đầu tư công, cần tăng cường quản lý đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất, hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng; nghiên cứu và có những giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm thực hiện, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, tác động đối với nền kinh tế. Tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, đảm bảo nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm. Thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đẩy nhanh tiến độ thi công; tiếp tục giải quyết những vấn đề đang còn vướng mắc trong Luật Đầu tư công để đẩy nhanh phân cấp, phân quyền. Tách giải phóng mặt bằng và tái định cư thành những đề án riêng. Đảm bảo rút ngắn thời gian, tiến độ để thực hiện dự án. Thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định; chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn nhưng còn thiếu vốn theo quy định pháp luật.
Nhóm thứ hai, tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Giám sát và xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công. Kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án; nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án. Thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.
Rà soát ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp, sắp xếp thứ tự ưu tiên khởi công mới các dự án trong năm 2023 bảo đảm tính khả thi về thủ tục đầu tư và giải ngân. Công khai tình hình thực hiện và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, cơ quan, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025.
Xây dựng phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Chủ động chuẩn bị kỹ càng và chặt chẽ các thủ tục, điều kiện cần thiết từ năm 2022 để sẵn sàng triển khai các công việc thực hiện dự án khi được giao kế hoạch vốn năm 2023, không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao.
Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 sớm; rà soát ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp, sắp xếp thứ tự ưu tiên khởi công mới các dự án trong năm 2023 bảo đảm tính khả thi về thủ tục đầu tư, thực hiện và giải ngân; hoàn thành một số dự án trọng điểm, tạo động lực mới phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương.
Để thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư công giai đoạn 5 năm 2021 – 2025 cần giảm tối đa số lượng các dự án đầu tư mới, để tập trung cho dự án lớn, quan trọng. Đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, không theo thứ tự ưu tiên; đảm bảo nguyên tắc “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”. Để đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư của mọi thành phần kinh tế và huy động được mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển, giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công vẫn là tăng cường vai trò của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Ban quản lý dự án phải chỉ đạo triển khai quyết liệt, kiểm tra, giám sát; những khó khăn, vướng mắc cần liên hệ ngay với các bộ, ngành giải quyết kịp thời.
Tóm lại, vai trò của đầu tư công là rất quan trọng cho triển vọng tăng trưởng. Kế hoạch ngân sách và đầu tư công năm 2023 với số lượng vốn rất lớn, cao hơn năm 2022 khoảng 100 nghìn tỷ đồng. Số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 được phép phân bổ là 2.720 nghìn tỷ đồng (cao hơn giai đoạn 2016 – 2020).
Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 5 năm 2021 – 2025 lên tới 2,87 triệu tỷ đồng và sẽ tập trung ưu tiên cho những ngành, lĩnh vực quan trọng và then chốt của nền kinh tế, trong đó các lĩnh vực kinh tế chiếm hơn 71% (khoảng 68% trong số này tập trung phát triển hạ tầng giao thông). Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông, kế hoạch phải hoàn thành 3.000 km cao tốc (2021 – 2025), trong khi 10 năm trước (2010 – 2020) nhiệm vụ chỉ hơn 1.000 km cao tốc. Do đó, áp lực giải ngân đầu tư công năm 2023 rất lớn. Vì vậy, công tác chuẩn bị cần được triển khai thực hiện sớm.
PGS., TS. Phạm Thị Thanh Bình
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam