Dấu hiệu mẹ ít sữa, khi mẹ mất sữa, ít sữa phải làm sao

Sữa mẹ được sản xuất dựa vào tín hiệu nhu cầu từ bé truyền qua cơ thể mẹ thông qua hoạt động ti sữa. Khi trẻ bú càng nhiều, cơ thể người mẹ sẽ tiếp nhận thông tin và tự động sản sinh ra lượng sữa phù hợp. Tuy nhiên vẫn có trường hợp bé bú nhiều nhưng nguồn sữa của mẹ lại không đủ để đáp ứng. Vậy đâu là nguyên nhân và dấu hiệu mẹ ít sữa như thế nào? Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ hỗ trợ mẹ cách nhận biết để sớm có giải pháp giúp tăng nguồn sữa khi con đang cần.

7 dấu hiệu mẹ ít sữa cần đặc biệt lưu tâm

Mẹ ít sữa, không đủ để con bú sẽ khiến trẻ thiếu đi nguồn dinh dưỡng để phát triển tầm vóc và trí tuệ. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người mẹ khi lựa chọn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Nhận biết ngay 7 dấu hiệu mẹ ít sữa bằng những dấu hiệu sau đây:

Lượng sữa tiết ra ít

Sữa non được hình thành từ tháng thứ 7 của thai kỳ và bắt đầu tiết ra sau 2-3 ngày sau sinh. Cùng với sự chào đời của bé, nhau thai bong ra cũng là tín hiệu cho cơ thể mẹ bắt đầu tiết sữa. Lượng sữa sẽ về nhiều từ ngày thứ 4 trở đi sau sinh và trong tuần đầu lượng sữa tiết ra không nhiều, mẹ mới sinh ít sữa là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, khi sinh sau 1 tuần mà sữa tiết ra vẫn ít như những ngày đầu tiên thì đây chính là dấu hiệu mẹ ít sữa

Sau sinh 1 tuần nếu sữa mẹ vẫn không đủ chứng tỏ mẹ bị ít sữa.

Sau sinh 1 tuần nếu sữa mẹ vẫn không đủ chứng tỏ mẹ bị ít sữa.

Bầu vú không căng tròn

Kích thước của ngực ở mỗi phụ nữ là khác nhau, thế nhưng trong thời gian sinh nở, bầu ngực sẽ luôn căng tròn bởi lượng sữa được trữ trong các nang sữa trong ngực. Nếu ở thời điểm này mà ngực người mẹ nhỏ lại và xẹp xuống thì đồng nghĩa với việc trong các nang sữa đã cạn kiệt và không đủ để cho bé bú.

Đầu ngực bị đau tức

Ngực của sản phụ sẽ trong tình trạng căng và ấm nhưng chỉ đau nhức trong trường hợp bé cắn khi bú. Thế nhưng nếu ngay cả khi bé không bú mà đầu ngực vẫn có cảm giác này thì khả năng cao là mẹ bị tắc tia sữa. Sữa mẹ do không được vắt kiệt trong các cữ bú sẽ tồn đọng lại gây tắc, có nguy cơ gây viêm hoặc áp xe nếu không được xử lý sớm. Dấu hiệu mẹ ít sữa này cần điều trị sớm để tránh gây ảnh hưởng nặng nề.

Bầu vú phát triển bất thường

Theo các nghiên cứu tại Mỹ, những phụ nữ có bầu vú với các đặc điểm khác biệt như kích thước hai bên vú không đều nhau, bầu vú không phát triển trong thời gian mang thai, khoảng cách hai vú xa,… thì lượng sữa ở những người này thường sẽ chỉ tiết ra với lượng bằng một nửa so với bình thường trong tuần đầu. Đây cũng là dấu hiệu mẹ ít sữa sớm nhất từ khi chưa mang thai để chị em có thể dự phòng sớm.

Bé bú lâu hoặc nhanh

Trung bình mỗi cữ bú của trẻ sẽ kéo dài 10-20 phút. Với những mẹ có nhiều sữa, khi bú trẻ sẽ rất tập trung và mẹ có thể nghe thấy tiếng bú và nuốt sữa của con. Tuy nhiên nếu thời gian bú của con nằm ngoài khoảng trung bình, bé bú quá nhanh hoặc quá lâu thì có thể sữa mẹ không đủ cho trẻ bú. Khi mẹ bị ít sữa, trẻ có thể bỏ bú do không đủ cung cấp cho cơ thể và đây chính là nguy cơ mẹ bị mất sữa nếu kéo dài tình trạng này.

Bé chậm tăng cân

Sữa mẹ chứa đựng nguồn dưỡng chất thiết yếu và cân bằng với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. So với những trẻ khác, trẻ được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ có nền tảng thể chất và trí tuệ tốt hơn, đồng thời sự tăng trưởng cũng rất rõ rệt. Nếu trẻ vẫn được duy trì bú đều đặn nhưng không tăng cân, tăng chiều cao thì mẹ hãy chú ý tới lượng sữa đang cho bé bú. Rất có thể bé đang được bú quá ít và đây chính là dấu hiệu của mẹ ít sữa.

Trẻ không được bú đủ sẽ chậm tăng cân và chậm phát triển chiều cao.

Trẻ không được bú đủ sẽ chậm tăng cân và chậm phát triển chiều cao.

Dấu hiệu mẹ ít sữa – Bé tiểu ít

Trẻ sơ sinh thường đi tiểu trên 6 lần một ngày, trung bình số lượng bỉm/ngày trong tuần đầu sau sinh là khoảng 5-6 cái, sau đó có thể tăng lên 6-8 cái. Nếu trẻ bú ít sữa, số lần đi tiểu sẽ ít hơn 6 lần, khi này mẹ có thể nhận biết được trẻ đang được bú với lượng sữa ít hơn so với nhu cầu.

Tại sao mẹ lại ít sữa?

Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ ít sữa, biết rõ được đâu là điều ảnh hưởng đến lượng sữa sẽ giúp mẹ sớm có giải pháp cải thiện, để con yêu được nuôi dưỡng trọn vẹn từ sữa mẹ.

Mẹ bị căng thẳng kéo dài

Bé 3 tháng tuổi mẹ ít sữa có thể do người mẹ bị stress. Hai loại hormone của cơ thể ảnh hưởng đến cơ chế tiết sữa đó chính là Prolactin và Oxytocin. Khi mẹ bị stress sẽ kéo theo sự suy giảm hormone tạo sữa. Tình trạng này càng lâu, khả năng mất sữa càng cao.

Xem thêm: Cảnh báo những dấu hiệu của trầm cảm sau sinh và cách điều trị

Vì sao mẹ mất sữa? – Do mắc các bệnh về tuyến vú

Con 5 tháng mẹ ít sữa có thể do mẹ bị mắc các bệnh lý liên quan đến tuyến vú như viêm tuyến vú, áp xe vú, tắc tia sữa, thiếu sản tuyến vú, can thiệp phẫu thuật ngực… cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến  khả năng tiết sữa.

Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn

Nếu xuất hiện những dấu hiệu mẹ ít sữa, mẹ hãy xem lại ngay chế độ dinh dưỡng của mình. Nhiều mẹ sau sinh do kiêng khem quá mức dẫn tới cơ thể thiếu chất, không đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho mẹ. Chính vì vậy mà sữa tiết ra không đủ cả về lượng và chất, thiếu hụt dinh dưỡng không đủ để nuôi dưỡng bé. Bên cạnh đó, nhiều mẹ thiếu kinh nghiệm sau sinh sử dụng các thực phẩm gây mất sữa như măng, rau bạc hà, lá lốt, rau mùi tây, mỳ tôm, cà phê, bia rượu,….

Cho trẻ bú bình quá sớm hoặc lạm dụng ti giả

Vì nhiều nguyên nhân mà có các bà mẹ lựa chọn sử dụng máy hút sữa, vắt sữa và cho trẻ bú từ bình. Nếu dùng thiết bị đúng cách, sữa mẹ sẽ vẫn về đều bởi tác động từ lực hút máy được mô phỏng theo nhịp trẻ bú. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng cách sẽ khiến tuyến vú bị tổn thương, đồng thời trẻ sẽ bỏ thói quen ti mẹ mà chuyển sang yêu thích bú bình. Do đó, việc dùng bình bú quá sớm hoặc cho trẻ ngậm ti giả quá nhiều sẽ có ảnh hưởng tới việc tiết sữa. 

Trẻ bú bình quá sớm sẽ chán ti mẹ.

Trẻ bú bình quá sớm sẽ chán ti mẹ.

Cho trẻ bú thêm sữa công thức

Mẹ ít sữa có nên cho con ăn sữa ngoài? Không thể phủ nhận sữa công thức có vị ngọt, độ thơm và được thêm rất nhiều chất dinh dưỡng nên trẻ sẽ rất thích uống. Do vậy, nếu mẹ đan xen cữ bú mẹ với sữa công thức thì sau một thời gian bé sữa chán sữa mẹ, bỏ ti và chỉ thích bú sữa công thức. Khi trẻ không bú nữa thì cơ thể mẹ cũng sẽ không tiếp tục sản sinh ra sữa để nuôi con theo cơ chế tự nhiên.

Mẹ sinh non, sinh mổ

Nguyên nhân xuất hiện dấu hiệu mẹ ít sữa có thể là do mẹ sinh mổ, sinh non. Trong quá trình sinh con, mẹ sẽ phải tiêm thuốc tê, thuốc mê và dùng các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm. Đây chính là nguyên nhân khiến hoạt động của tuyến sữa bị ảnh hưởng. Chính bởi vậy mà những mẹ sinh mổ sẽ ít sữa và dễ bị mất sữa hơn so với mẹ sinh thường.

Mẹ bị rối loạn nội tiết sau sinh, thiếu máu

Khi cơ thể mẹ bị rối loạn nội tiết sẽ làm thay đổi nồng độ hormone tiết sữa là prolactin, oxytocin làm gián đoạn quá trình tạo sữa. Ngoài ra, nếu sản phụ bị thiếu máu sau sinh cũng sẽ khiến cho cơ thể bị suy nhược, không đủ máu để duy trì hoạt động của cơ thể, kể cả việc tiết sữa. 

Trẻ bú ít, bú lắt nhắt

Trẻ dưới 3 tháng tuổi bú mỗi cữ rất ít nên để đủ nhu cầu sẽ cần chia thành nhiều bữa trong ngày. Thời gian đầu, hoạt động này sẽ giúp kích thích tuyến vú tạo sữa, tuy nhiên lâu dần sẽ khiến cơ thể mẹ nhầm tưởng rằng nhu cầu sữa của trẻ ít như vậy và sẽ hạn chế tiết thêm. Mẹ ít sữa bé không chịu bú càng khiến cho lượng sữa tạo ra ít dần.

Sót rau

Tuy tình trạng sót rau hiện nay khá hiếm gặp bởi y học ngày càng hiện đại. Tuy nhiên, nếu không may gặp phải, rau khi sót còn bám trên tử cung sẽ khiến lượng hormone progesterone không thể giảm xuống, tử cung vẫn có những cơn co bóp dẫn tới cản trở quá trình tiết sữa.

Mẹ bị mất sữa phải làm sao? Cách tăng tiết sữa cho mẹ ít sữa 

Gọi sữa về, duy trì lượng sữa này trong suốt thời gian cho con bú luôn khiến nhiều mẹ phải đau đầu. Điều này sẽ càng khó khăn hơn với những mẹ ít sữa. Khi có dấu hiệu mẹ ít sữa, bạn hãy tham khảo ngay những phương pháp giúp sữa mẹ dồi dào:

  • Ngay sau khi sinh, hãy cho trẻ sơ sinh tiếp xúc da kề da với mẹ càng sớm càng tốt. Khi này trẻ sẽ có phản xạ tìm ti mẹ, tăng gắn kết giữa mẹ và bé thông qua tình cảm và cử chỉ âu yếm sẽ giúp sữa mẹ tiết ra sớm hơn.

  • Nên cho trẻ bú nhiều lần trong ngày, bé yêu thích bú và luôn háo hức khi bú cũng là tín hiệu tốt cho mẹ. Trẻ bú càng nhiều thì cơ thể mẹ sẽ càng tiết ra nhiều sữa.

  • Nên cho bé bú đều hai bên sẽ giúp kích thích tuyến vú, giúp trẻ thừa hưởng trọn vẹn cả lượng sữa đầu và sữa cuối ở cả hai bên, đồng thời giảm tình trạng lệch về kích thước vú sau này cho mẹ.

  • Nếu mẹ không có thời gian cho con bú đều trong ngày, có thể dùng máy hút sữa theo đúng hướng dẫn hút sữa theo cữ 8 – 10 lần/ngày, mỗi cữ không hút quá 30 phút. Sau khi lượng sữa đã ổn định thì mỗi ngày hút 4-5 cữ và mỗi cữ cách 4-5 giờ.

  • Mẹ cần có thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, không thức khuya.

  • Luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, có thể tập yoga, thiền định, thể dục thể thao nhẹ nhàng, đọc sách, nghe nhạc,…

  • Đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng phải đầy đủ và cân bằng các nhóm chất.

Cho trẻ bú mẹ đều các cữ trong ngày giúp kích thích tuyến vú tiết sữa.

Cho trẻ bú mẹ đều các cữ trong ngày giúp kích thích tuyến vú tiết sữa.

Lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho mẹ ít sữa:

  • Ăn đủ 4 nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo tốt, vitamin và khoáng chất.

  • Nhóm tinh bột nên lựa chọn các loại ngũ cốc như khoai lang, yến mạch, gạo lứt, lúa mạch… Hạn chế ăn bánh mỳ, mỳ tôm để tránh tăng cân không kiểm soát.

  • Đạm trong khẩu phần của mẹ sau sinh nên lựa chọn trứng gà, thịt nạc, các loại cá ít tanh,…

  • Tăng cường ăn các loại rau xanh như rau khoai lang, rau ngót, bông cải xanh,… Các loại trái cây như chuối, đu đủ, cam, quýt, kiwi, lựu, nho,…

    Mẹ ít sữa nên uống gì

    ? Có thể uống các loại nước ép từ rau và trái cây này.

  • Thêm các loại hạt như các loại đậu, hạt sen, hạt điều, macca, hạt óc chó, mè đen,…

  • Uống nhiều nước, đủ 2 lít một ngày.

  • Tuyệt đối tránh ăn các loại thực phẩm gây mất sữa.

Lượng sữa tiết ra ở mỗi người là khác nhau, người dồi dào trẻ bú không hết cần phải vắt sữa trữ đông, người sữa ít không đủ cho con bú. Do đó, nếu như xuất hiện các dấu hiệu mẹ ít sữa thì chị em cần phải sớm có phương pháp để thay đổi chế độ ăn và nghỉ ngơi, đồng thời điều trị những bệnh liên quan đến tuyến vú để không ảnh hưởng tới chất lượng sữa và quá trình tạo sữa.