Dấu hiệu bệnh lậu ở phụ nữ
1. Bệnh lậu gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản ở phụ nữ
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đặc điểm rất đáng lo ngại ở phụ nữ mắc bệnh lậu là thường không có những biểu hiện, triệu chứng rõ ràng mà kín đáo, thậm chí trên 50% trường hợp không có biểu hiện bệnh. Điều này rất nguy hiểm vì người mắc bệnh rất dễ vô tình lây bệnh cho người khác hoặc để diễn tiến bệnh nặng, cấp tính có dấu hiệu đái buốt, chảy mủ từ niệu đạo… mới đi khám.
Nguyên nhân gây bệnh lậu là do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae. Đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục rất phổ biến.
Con đường lây nhiễm bệnh lậu là quan hệ tình dục không được bảo vệ bao gồm: quan hệ tình dục qua đường âm đạo, quan hệ tình dục qua đường hậu môn, quan hệ tình dục bằng miệng. Bệnh lậu cũng có thể lây lan khi chạm vào mắt nếu tay mang chất dịch bị nhiễm bệnh. Nhiễm trùng cũng có thể lây sang trẻ sơ sinh khi sinh nếu người mẹ mắc bệnh. Bệnh lậu cũng có thể lây truyền giữa những phụ nữ có quan hệ tình dục với phụ nữ.
Vi khuẩn lậu thường phát triển ở những vùng ẩm ướt của cơ thể. Ảnh hưởng của bệnh lậu có thể thấy ở niệu đạo, ống dẫn trứng, cổ tử cung, tử cung, âm đạo, dương vật, trực tràng, mắt, cổ họng và khớp. Ở nữ giới, bệnh lậu cũng có thể gây nhiễm trùng cổ tử cung và lây lan khi quan hệ tình dục.
Các triệu chứng ban đầu của bệnh lậu ở phụ nữ thường âm thầm.
Bệnh lậu nếu không được điều trị có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, có thể dẫn đến hiếm muộn, vô sinh ở nữ giới.
Tuy nhiên, vì các triệu chứng ban đầu của bệnh lậu ở nữ giới thường âm thầm, không biểu hiện rõ ràng, thậm chí có trường hợp không có triệu chứng khiến nhiều chị em phụ nữ không biết để đi khám hoặc chủ quan nhầm lẫn với viêm nhiễm phụ khoa thông thường dẫn đến bệnh nặng, có thể gây các biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản.
2. Chị em cần đi khám sớm khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lậu
Theo BSCKI Hoàng Hường, chuyên gia Sản phụ khoa, bệnh lậu ở phụ nữ nếu không được điều trị có thể gây viêm cổ tử cung lộ tuyến, viêm niêm mạc tử cung và là một nguyên nhân phổ biến gây viêm vùng chậu, có thể phá hủy ống dẫn trứng dẫn đến hiếm muộn hoặc tăng nguy cơ thai ngoài tử cung.
Đối với phụ nữ mang thai mắc bệnh lậu nếu không được điều trị, người mẹ có thể truyền bệnh cho con khi sinh qua đường âm đạo. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh lậu là rất quan trọng để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm.
Biểu hiện lâm sàng bệnh lậu ở nữ giới thường âm thầm, không rõ ràng, hoặc nhầm lẫn với viêm nhiễm âm hộ, âm đạo như: đau rát khi đi tiểu, tăng tiết dịch âm đạo hoặc chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt. Khám bộ phận sinh dục thấy: Mủ ở âm hộ, lỗ niệu đạo viêm đỏ, cổ tử cung viêm đỏ…
Nếu mắc lậu ở họng, hầu do quan hệ sinh dục – miệng. Biểu hiện lâm sàng là đau họng, ngứa họng. Khám thấy họng đỏ, viêm họng mạn, có thể kèm giả mạc.
Lậu hậu môn – trực tràng, do quan hệ sinh dục – hậu môn hoặc do mủ chảy từ âm hộ xuống hậu môn, người bệnh có biểu hiện mót rặn, buồn đi ngoài liên tục, lúc đầu còn có phân sau đó chỉ ra chất nhày hoặc không.
Vì vậy, khi có quan hệ tình dục không an toàn mà thấy bất kỳ một triệu chứng nào sớm nhất hoặc nghi ngờ có thể mắc bệnh lậu, phụ nữ cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám, làm xét nghiệm chẩn đoán chính xác và điều trị dứt điểm.
Chị em cần đi khám sớm khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lậu. Ảnh minh họa
3. Phòng ngừa bệnh lậu như thế nào?
Cách tốt nhất để phòng ngừa lây nhiễm bệnh lậu là tránh quan hệ tình dục không an toàn; Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, đường hậu môn.
Không quan hệ tình dục với người có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh như: đi tiểu buốt, đau hoặc phát ban ở bộ phận sinh dục…
Cần chung thủy một vợ một chồng: Nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu tăng lên nếu bạn có nhiều bạn tình. Vì vậy, chung thủy một vợ một chồng hoặc chỉ quan hệ với một bạn tình (đã được kiểm tra không mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục) là biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh lậu.
Nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, bạn cần đi khám ngay. Nếu được chẩn đoán mắc bệnh lậu thì tuyệt đối không được quan hệ tình dục để tránh lây bệnh cho người khác. Tránh quan hệ tình dục cho đến khi bản thân và bạn tình của mình được điều trị và kiểm tra xác định đã khỏi bệnh.
Nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục khi thực hiện ‘trải nghiệm mới’
Xem thêm video đang được quan tâm
5 thói quen có hại cho sức khỏe