Đấu giá tài sản công là gì? Giá khởi điểm của tài sản công
Đấu giá không phải là một khái niệm xa lạ trong thương mại, tuy nhiên nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu được bản chất cũng như nắm được hết các loại đấu giá đang thịnh hành. Đấu giá tài sản công được hiểu cơ bản là việc các chủ thể thực hiện bán đấu giá các tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lí. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu đấu giá tài sản công là gì và giá khởi điểm của tài sản công?
Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
1. Khái niệm về đấu giá tài sản:
Đấu giá tài sản được hiểu cơ bản là hình thức bán tài sản thông qua thủ tục trả giá công khai giữa nhiều người muốn mua và người trả giá cao nhất là người được quyền mua tài sản bán. Đấu giá tài sản trong giai đoạn hiện nay tại Việt Nam có thể là bắt buộc dựa theo quyết định của Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tự nguyện theo nhu cầu của chủ sở hữu tài sản. Các chủ thể là người bán tài sản có thể tự tổ chức đấu giá hoặc thông qua người bán đấu giá. Ở Việt Nam, các chủ thể là người bán đấu giá là các trung tâm dịch vụ bán đấu giá do Sở Tư pháp trực tiếp quản lí hoặc là các thương nhân hoạt động bán đấu giá chuyên nghiệp được tổ chức dưới hình thức doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Đấu giá có thể được thực hiện dưới phương thức đấu tăng giá hoặc đấu hạ giá.Tuy nhiên, hiện nay, theo pháp luật Việt Nam chỉ quy định về đấu tăng giá.
Thông thường, để các chủ thể thực hiện đấu giá tài sản, các chủ thể là người bán đấu giá phải đưa ra giá khởi điểm của tài sản muốn bán và phải trưng bày tài sản để những người muốn mua xem trước. Những người muốn mua sẽ tham gia trả giá theo thủ tục nhất định. Người trả giá cao nhất là người dành được quyền mua tài sản.
Đấu giá tài sản được quy định trong Bộ luật dân sự, Luật thương mại của Việt Nam, được cụ thể hoá trong Quy chế bán đấu giá tài sản.
Như vậy, từ những phân tích được nêu trên thì ta nhận thấy rằng đấu giá tài sản là một hình thức bán tài sản thông qua các thủ tục trả giá công khai giữa nhiều người muốn mua, cũng như người trả giá cao nhất là người được quyền mua tài sản bán.
Thông thường, để có thể đấu giá tài sản, người bán đấu giá sẽ có trách nhiệm cần đưa ra giá khởi điểm của tài sản muốn bán, cũng như phải trưng bày tài sản để những người muốn mua xem trước. Những người muốn mua tài sản đấu giá thì sẽ tham gia trả giá theo đúng thủ tục nhất định. Chủ thể nào trả giá cao nhất là người sẽ dành được quyền mua tài sản.
Chủ thể là người có tài sản đấu giá sẽ tiến hành ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá. Các bên sẽ tiến hành bàn bạc, định ra mức giá khởi điểm bán đấu giá và mức giá khởi điểm bán đấu giá do người bán tài sản quyết định. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến của người bán đấu giá nhằm mục đích để định giá tài sản phù hợp với thị trường. Những trường hợp bán đấu giá để nhằm mục đích thi hành bản án dân sự thì cơ quan thi hành án ra quyết định cưỡng chế thi hành án sẽ là những người có tài sản bán đấu giá, ký hợp đồng bán đấu giá với tổ chức bán đấu giá. Trong trường hợp này người cần phải thi hành án dân sự không tự nguyện thực hiện quyết định, bản án quyết định của Tòa án cho nên theo yêu cầu của người được thi hành án và cơ quan thi hành án cưỡng chế bán đấu giá tài sản để thi hành án, ký hợp đồng bán đấu giá tài sản để thực hiện nhiệm vụ của mình.
2. Tài sản công là gì?
Khái quát về tài sản công:
Tài sản luôn đóng một vai trò quan trọng trong Bộ luật dân sự, là vấn đề trung tâm của mọi quan hệ xã hội nói chung và quan hệ pháp luật nói riêng. Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 đưa ra định nghĩa về tài sản cụ thể như sau:
“Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Ta nhận thấy, tài sản công về bản chất được hiểu là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm các loại sau đây: tài sản công sẽ phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.
Tài sản công ở cấp chính quyền địa phương:
Tài sản công theo quy định của pháp luật Việt Nam được giao cho các cấp chính quyền địa phương trực tiếp quản lý, sử dụng bao gồm tài sản được sử dụng với tư cách là nguồn lực phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao và các tài sản công khác mà chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý để nhằm mục đích bảo vệ và đưa vào khai thác nhằm phát huy giá trị, phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Điều này cũng có nghĩa là việc thực hiện quyền quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương chính là một phần quan trọng của việc thực thi chế độ sở hữu toàn dân.
Chính quyền địa phương cũng sẽ được giao thực thi những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng tại địa phương và đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển chung của quốc gia. Nguồn lực cần thiết phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ này là rất lớn. Bên cạnh đó, các tài sản công khác như tài nguyên tự nhiên, di sản văn hoá, các cơ sở hạ tầng về cơ bản đều toạ lạc ở một địa phương cụ thể. Chính bởi vì thế, tài sản công do chính quyền địa phương quản lý chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản của quốc gia.