Đau dạ dày ở vị trí nào?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Huy Bình – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Bất cứ tổn thương nào xảy ra ở các cơ quan vùng bụng đều có thể gây đau dữ dội, đặc biệt là đau dạ dày. Tuy nhiên để chẩn đoán và điều trị bệnh thì cần phải xác định được người bệnh đau dạ dày ở vị trí nào?
Mục Lục
1. Nguyên nhân gây đau bao tử
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau dạ dày hay đau bao tử chủ yếu là do nhiễm khuẩn đường ruột, do stress, lạm dụng kháng sinh và do sử dụng quá nhiều rượu bia. Ngoài ra, một số nguyên nhân gây đau dạ dày như sau:
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Là một trong các nguyên nhân chính gây đau dạ dày, người bị đau bao tử do nguyên nhân này thường là người thích ăn đồ ăn cay nóng. Việc thường xuyên ăn đồ cay, nóng sẽ khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương, lâu dần, acid dạ dày sẽ gây ra các vết loét ở vùng niêm mạc bị tổn thương, gây ra các cơn đau bao tử khó chịu.
- Do vi khuẩn HP: Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng đau bao tử. Khi bị nhiễm vi khuẩn Hp, bao tử sẽ không được an toàn, thành bao tử sẽ luôn bị vi khuẩn tấn công, gây ra những vết loét đau đớn, nặng hơn có thể dẫn tới chảy máu và ung thư dạ dày.
- Hút thuốc thường xuyên: Thuốc lá được biết đến là thói quen xấu, ảnh hưởng lớn tới hệ hô hấp. Trong thuốc lá có chứa nhiều nicotine, chất này ảnh hưởng trực tiếp đến bài tiết acid HCl và pepsin trong dạ dày. Sử dụng thuốc lá dẫn tới tình trạng niêm mạc bao tử dễ dàng bị bào mòn và tổn thương nghiêm trọng, dẫn tới các cơn đau mãn tính cho người bệnh.
- Uống nhiều bia rượu: Việc thường xuyên uống rượu bia sẽ khiến lớp nhầy phủ ngoài niêm mạc bao tử bị phá hủy. Tạo cơ hội cho các vi khuẩn và acid tấn công trực tiếp vào niêm mạc, gây ra các vết loét đau đớn.
- Stress, căng thẳng lâu ngày: Hoạt động co thắt của bao tử có thể bị ảnh hưởng lớn bởi tình trạng tâm lý của con người, nếu bị stress và căng thẳng kéo dài, có thể ảnh hưởng tới bao tử.
- Không dung nạp gluten: Việc không dung nạp gluten có thể khiến gây ra tình trạng rối loạn tự miễn dịch. Tình trạng này ảnh hưởng lớn tới ruột non, khiến nó hoạt động không bình thường, làm mất đi khả năng hấp thu các loại các chất dinh dưỡng trong thức ăn. Bệnh có thể gây ra các cơn đau bao tử từ nặng đến nhẹ, và thường xuất hiện cùng một số triệu chứng như mệt mỏi, đầy bụng…
- Vấn đề về tuyến giáp: Tuyến giáp là cơ quan tác động nhiều đến chức năng của cơ thể người, đặc biệt là phần dưới cơ thể. Tuyến giáp có vai trò điều chỉnh các chức năng của hệ tiêu hóa, chính vì thế nếu tuyến giáp gặp vấn đề có thể dẫn tới việc rối loạn chức năng của hệ tiêu hóa, dẫn tới các cơn đau bao tử khó chịu.
Đau dạ dày ở vị trí nào phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân và tình trạng bệnh đang gặp phải. Không được chủ quan khi gặp phải các cơn đau bụng ở bất kỳ vị trí nào, nên tới gặp bác sĩ sớm nhất để được chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị hợp lý nhất.
2. Vị trí và triệu chứng của đau bao tử
2.1. Vị trí của đau bao tử
Đau bao tử là đau vùng bụng, tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh liên quan đến đại tràng, mật, tụy, thận và đường tiết niệu. Để tránh nhầm lẫn trong việc phát hiện và điều trị, bệnh nhân có thể căn cứ vào các vị trí đau bao tử.
Vùng bụng được chia làm hai vùng chính, vùng trên rốn được gọi là thượng vị, vùng dưới rốn gọi là vùng hạ vị. BSCKI. Hoàng Thị Lan Hương (Giảng viên Học viện YHCT Tuệ Tĩnh) chia sẻ về các vị trí đau bao tử như sau:
- Đau vùng thượng vị: là triệu chứng điển hình nhất của người bị đau dạ dày. Cơn đau sẽ tập trung ở vùng phía trên rốn và dưới xương sườn. Chứng đau vùng thượng vị dạ dày thường xuất hiện sau khi ăn và có thể kéo dài âm ỉ nhiều giờ. Thực tế, đau bụng vùng thượng vị cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh như sỏi túi mật, viêm tụy… Tuy nhiên trong trường hợp người bị đau vùng thượng vị có kèm theo triệu chứng đầy bụng, ợ hơi, nóng rát, chán ăn và giảm cân đột ngột thì chắc chắn, đau dạ dày chính là thủ phạm phía sau.
- Đau bao tử phía trên bên trái và bên phải: Các cơn đau sẽ thường xuất hiện ở vùng thượng vị trước, rồi sau đó lan rộng ra hai bên và ra cả khu vực sau lưng, đặc biệt là đau nhiều ở vùng bụng phía trên bên trái. Đôi lúc, người bệnh chỉ đau một hoặc hai bên cạnh sườn, kèm theo là cảm giác đói, xót ruột và nóng bụng. Khác với trường hợp đau vùng thượng vị, người bệnh lại cảm thấy các triệu chứng thuyên giảm khi ăn no.
- Đau bao tử ở giữa vùng bụng: Phần rốn là nơi tập trung rất nhiều cơ quan nội tạng, đây cũng là một vị trí đau bao tử phổ biến. Để tránh hiểu lầm với một số bệnh viêm tụy, thoát vị rốn, sỏi thận và viêm ruột thừa, người bệnh cũng có thể căn cứ vào các biểu hiện đau ở vùng thượng vị và vùng phía trên bên trái, phải.
2.2. Triệu chứng đau bao tử
Đau bao tử đại diện cho một loạt vấn đề sức khỏe. Các cơn đau này thường phát sinh kèm theo những triệu chứng như:
- Vùng thượng vị đau: Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội tùy theo tình trạng của bệnh. Thời gian đầu, cơn đau chỉ xuất hiện khi bạn quá đói hoặc quá no.
- Khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng: Theo các chuyên gia, phần lớn trường hợp đầy hơi chướng bụng biểu hiện bạn đã bị đau bao tử, nhưng ở mức độ nhẹ. Vì vậy, hãy thường xuyên chú ý quan sát tình trạng cơ thể mình để sớm phát hiện bệnh kịp thời. Đau bao tử kéo dài có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng khó lường sau này.
- Ợ chua hoặc ợ nóng: Sự rối loạn chức năng ở bao tử có thể cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn, dẫn tới tình trạng thức ăn lên men, sinh ra nhiều hơi và gây ợ chua, ợ hơi. Đây cũng là một trong nhiều triệu chứng đau bao tử phổ biến.
- Buồn nôn và nôn: Đau bao tử nhẹ có khả năng gây ra cảm giác buồn nôn và nôn. Điều này có thể bắt nguồn từ việc thức ăn bị đẩy ngược lên miệng do bao tử mất dần khả năng hoạt động bình thường. Bạn cần phải quan tâm nhiều hơn về tình trạng sức khỏe của mình nếu thường xuyên cảm thấy buồn nôn hoặc nôn. Trào ngược dạ dày lên miệng có nguy cơ cao gây: Rách thực quản, tổn thương thương niêm mạc bao tử, khiến cơn đau trầm trọng hơn.
- Chảy máu đường tiêu hóa: Khi tình trạng đau bao tử trở nặng, bệnh có nguy cơ dẫn đến chảy máu đường tiêu hóa. Trường hợp này có nguy cơ trực tiếp đe dọa tính mạng của người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời. Những dấu hiệu phổ biến của vấn đề này bao gồm: Nôn ra máu, máu lẫn trong chất thải đi ngoài, phân có màu hắc ín, suy nhược cơ thể, chóng mặt, thường xuyên choáng váng do thiếu máu.
3. Các phòng tránh bệnh đau bao tử
Sau khi biết rõ được đau bao tử là đau ở đâu? Đau bao tử bên nào? Để phòng tránh chứng đau bao tử gây khó chịu thì bạn cần thực hiện theo những quy tắc sau, bao gồm:
- Ăn chậm, nhai kỹ, chia nhỏ ba bữa chính thành nhiều bữa phụ trong ngày
- Tuân thủ các quy tắc dinh dưỡng, lưu ý thực phẩm chọn mua
- Để ý những thay đổi của cơ thể sau khi dùng bất kỳ thực phẩm nào
- Uống nhiều nước lọc, hạn chế thức uống chứa cồn hoặc nước ngọt
- Rửa tay kỹ trước khi ăn
- Kiểm soát những vấn đề căng thẳng
Trên đây là những thông tin hữu ích giúp bạn đọc nắm rõ được vấn đề đau bao tử hay đau dạ dày ở vị trí nào. Từ đó biết được cách phòng tránh hiệu quả nhất cho bản thân và gia đình để luôn có được sức khỏe tốt nhất.
Để thăm khám và điều trị bệnh dạ dày các bạn có thể đăng ký khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Tại đây có đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao cùng trang thiết bị hiện đại sẽ đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!