Dấu ấn Thể thao Việt Nam 2018
Ảnh: VGP
Cuộc “đại phẫu’ bóng đá Việt
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngày 13/1, cuộc đối thoại về bóng đá Việt Nam vào thời điểm sau 4 năm thực hiện “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được tổ chức.
Đây là lần đầu tiên Chính phủ nêu yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm trả lời cụ thể việc “làm thế nào để bóng đá Việt Nam phát triển xứng tầm, đáp ứng mong đợi của người hâm mộ”.
Tại buổi đối thoại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ý kiến nhân dân và người hâm mộ cho rằng giải vô địch quốc gia (V. League) hiện nay chưa hấp dẫn khán giả với nhiều lý do từ cơ sở hạ tầng, còn tiêu cực, còn “chưa sạch”, không đẹp, còn bạo lực, không khách quan, không trung thực.
Từ đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phát triển một nền bóng đá đẹp, trung thực không phải là một việc duy ý chí, cũng không thể làm được ngay một lúc mà cần có lộ trình, cơ bản theo quy luật phát triển của thế giới, từ bóng đá phong trào, bóng đá trẻ rồi đến giải đấu chuyên nghiệp, cấp độ đội tuyển. Công tác đào tạo cầu thủ không chỉ về kỹ chiến thuật mà cả đạo đức, văn hoá, đến chế độ dinh dưỡng…
Tuy nhiên những gì được coi là “bộ mặt của bóng đá Việt Nam” như giải đấu chuyên nghiệp, đội tuyển quốc gia thì các hạn chế, bất cập cần phải được chấn chỉnh trong thời gian ngắn nhất.
Đội tuyển U23 Việt Nam nhận HCB Giải vô địch U23 châu Á 2018 cùng Giải Fair Play. Nguồn: VTV
Đội tuyển U23 giành chức Á quân Giải vô địch U23 châu Á
Mở đầu năm 2018, Đội tuyển U23 dự vòng chung U23 châu Á ở Thường Châu, Giang Tô, Trung Quốc.
Tại giải đấu này, các cầu thủ đã trải qua 1 hành trình đầy bất ngờ khi vượt qua những đội bóng rất mạnh của châu Á (Australia, Iraq, Qatar) để vào đến trận chung kết.
Đây là lần đầu tiên trên đấu trường châu lục, một đội tuyển Việt Nam đã chơi đủ 6 trận trong một giải đấu và giành được chức Á quân.
Thành tích ấn tượng của Đội tuyển U23 đã trở thành niềm khích lệ và hun đúc thêm lòng tự tin của các VĐV tham gia những giải đấu khác.
Đội đua thuyền nhẹ nữ 4 người Việt Nam giành HCV tại ASIAD 2018. Ảnh: TTXVN
Đoàn TTVN thi đấu thành công tại ASIAD/Asian Para Games
Tại Á vận hội lần thứ 18 tổ chức tại Indonesia-ASIAD 2018, Đoàn TTVN giành được 4HCV, 16HCB, 18HCĐ và xếp hạng 17 chung cuộc. Đây là kết quả cao nhất của TTVN tại đấu trường ASIAD từ trước đến nay.
Những thành công vượt bậc là ở kỳ ASIAD này, VĐV Việt Nam lần đầu tiên giành được 2 HCV môn điền kinh. Cụ thể, VĐV Bùi Thị Thu Thảo giành HCV nội dung nhảy xa nữ với thành tích 6m55. Còn đội đua thuyền hạng nhẹ nữ 4 người giành được HCV khi về đích chỉ hết 7 phút 01 giây 11. Đây là những tấm huy chương quý giá thuộc môn thi đấu Olympic.
Không chỉ vậy, Việt Nam còn giành được những tấm “HCB quý như vàng”.
Đó là HCB nội dung bơi 1.500 m tự do nam của kình ngư 18 tuổi quê Quảng Bình Nguyễn Huy Hoàng giành được khi về đích hết 15 phút 01 giây 63.
Trong khi đó, ở môn thể thao “Nữ hoàng”, trên đường chạy vượt rào 400 m nữ, VĐV Quách Thị Lan đoạt HCB khi về đích hết 55 giây 30 (kỷ lục ASIAD 2018 là 54 giây 48).
Cũng ở kỳ Á vận hội này, Đội tuyển bóng đá nam Olympic Việt Nam lần đầu lọt vào tốp 4 đội mạnh nhất.
Tay bơi Võ Thanh Tùng, VĐV thi đấu thành công nhất của Thể thao Việt Nam tại Asian Para Games 2018. Ảnh: Tổng cục TDTT
Tại Đại hội Thể thao châu Á giành cho người khuyết tật- Asian Para Games 2018, các VĐV Việt Nam giành được 8 HCV, 8 HCB và 24 HCĐ, xếp thứ 12/33 đoàn tham dự.
Ở kỳ Đại hội này, VĐV Việt Nam thi đấu thành công nhất là Võ Thanh Tùng.
Trên đường đua xanh, Võ Thanh Tùng đã giành được 4 HCV, 1 HCB ở 5 cự li tham gia. Trong số 4 HCV giành được, Võ Thanh Tùng đã phá 3 kỷ lục đại hội ở các cự li: 50 m ngửa nam, 100 m tự do nam, 200 m tự do nam.
Một điểm cũng đáng chú ý là tại ASIAD 2018, một số VĐV được kỳ vọng thi đấu không thành công
Trước khi ASIAD 2018 khởi tranh, người hâm mộ thể thao vẫn kỳ vọng vào những VĐV tài năng, nổi tiếng như: Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Lê Tú Chinh (điền kinh)…
Tuy nhiên, các VĐV này đã không thi đấu như kỳ vọng và không ai trong số này giành được huy chương.
VĐV Nguyễn Huy Hoàng (đứng giữa) giành HCV Olympic trẻ Argentina 2018 cự li 800 m tự do nam khi về đích hết 7 phút 50 giây 20. Ảnh: Tổng cục TDTT
Việt Nam giành HCV môn bơi tại Olympic trẻ Argentina
Đại hội Thể thao thế giới dành cho thanh niên (Olympic trẻ) năm 2018 là kỳ đại hội thứ 3, tổ chức tại Argentina vào tháng 10.
Trong 2 lần tham dự (Singapore 2010, Trung Quốc 2014), các VĐV Việt Nam giành được 2 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ.
Tại Argentina lần này, các VĐV trẻ Việt Nam thi đấu rất thành công khi giành được 2 HCV, 1 HCB.
Ngoài HCV môn cử tạ hạng 56 kg của Ngô Sơn Đỉnh (17 tuổi), trên đường đua xanh, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng (18 tuổi) đã giành HCV ở cự li 800 m tự do nam khi về đích hết 7 phút 50 giây 20 (tại ASIAD hồi tháng 8, Huy Hoàng chỉ giành được HCĐ cự li này).
Thành tích của Huy Hoàng được cho là kỳ tích của các VĐV trẻ Việt Nam trên đấu trường Olympic.
Toàn cảnh lễ khai mạc Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII
Đại hội Thể thao toàn quốc có nhiều điểm sáng
Chốt lại những sự kiện nổi bật của Thể thao Việt Nam năm 2018 là Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII tổ chức tại Hà Nội từ ngày 25/11 đến 9/12.
Đại hội quy tụ 7.400 VĐV của 63 tỉnh,thành phố và đoàn thể thao Quân đội, Công an; thi đấu 36 môn với 743 nội dung tương ứng 743 bộ huy chương.
Đây là hoạt động lớn nhất của ngành TDTT tổ chức 4 năm 1 lần và kỳ Đại hội lần thứ VIII có nhiều điểm rất tích cực.
Theo đó, điểm nhấn về chuyên môn nổi bật là việc các VĐV đã phá được 105 kỷ lục Đại hội và 36 kỷ lục quốc gia. Trong số các kỷ lục bị phá, môn bơi dẫn đầu với 25 kỷ lục Đại hội, 11 kỷ lục quốc gia.
Thành tích của VĐV tại Đại hội là một trong những cơ sở quan trọng để những nhà chuyên môn có thể lựa chọn nhân sự cho các giải đấu trong năm 2019, cho SEA Games 30 vào tháng 11/2019 và bắt sang Olympic 2020.
Bên cạnh đó, tại Đại hội lần này, ngành thể thao đã thiết kế một chương trình thi đấu 36 môn với nhiều nội dung chuyển mạnh theo hướng các môn thi tại Olympic và ASIAD.
Xét về cách tổ chức thi đấu từng môn đến tổng thể Đại hội, từ việc bảo đảm cơ sở vật chất đến công tác an ninh, hậu cần, lễ tân và nhất là khâu điều hành thi đấu, tất cả đều được thực hiện tốt. Đây cũng là kỳ đại hội toàn quốc ít bị kêu ca nhất về công tác trọng tài cũng như chuyện chuyển nhượng- mua bán VĐV, chạy theo thành tích ảo…
Một điểm nhấn khác là Đại hội lần này đã được tổ chức hết sức tiết kiệm do Hà Nội (địa phương đăng cai) có đủ cơ sở vật chất cho thi đấu nên không phải chi thêm tiền xây dựng cơ sở thi đấu. Số tiền này nếu phải chi, có thể lên tới 2.000 tỷ đồng.
Năm 2018 đã kết thúc, Thể thao Việt Nam bắt đầu bước sang năm mới 2019 với sức sống và niềm tin vào những thành công mới./.
Thanh Phương