Đất sử dụng để làm kinh tế trang trại được quy định như thế nào?

Trong quá trình xây dựng và phát triển, các chính sách mới về đất đai liên tục được ban hành ngày càng bám sát đời sống của người dân, tạo động lực cho nhiều mô hình kinh tế hộ vươn lên phát triển. Cùng với đó, các mô hình kinh tế trang trại của nước ta cũng nhanh chóng hình thành và phát triển. Vậy phát luật hiện hành quy định như thế nào về việc sử dụng đất cho kinh tế trang trại? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 

1. Khái niệm kinh tế trang trại là gì?

Kinh tế trang trại được hiểu như sau: Kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu dựa vào hộ gia đình, nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, trồng rừng, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản. (1)

Từ khái niệm trên ta có thể thấy, người nông dân đã có sự năng động và chủ động hơn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Mô hình sản xuất nông, lâm, ngư hỗn hợp theo hướng kinh tế trang trại đã mang lại kết quả tốt, hiệu quả sử dụng đất ngày một tăng.   

2. Các quy định của pháp luật về việc sử dụng đất để phát triển kinh tế trang trại 

Điều 142, Luật đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013(sau đây gọi tắt là Luật đất đai 2013) đã quy định khá chi tiết về việc sử dụng đất cho kinh tế trang trại như sau:

2.1. Đất sử dụng cho kinh tế trang trại gồm những loại nào? ( quy định tại Khoản 2, Điều 142, Luật đất đai 2013)

Đất sử dụng cho kinh tế trang trại gồm đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất do Nhà nước cho thuê; đất do thuê, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho; đất do nhận khoán của tổ chức; đất do hộ gia đình, cá nhân góp.

Theo quy định của Luật đất đai 2013, nguồn đất sử dụng cho kinh tế trang trại rất phong phú, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân phát triển kinh tế trang trại.

2.2. Nhà nước khuyến khích sử dụng đất cho kinh tế trang trại nhằm mục đích gì? (quy định tại Khoản 1, Điều 142, Luật đất đai 2013)

Nhà nước khuyến khích hình thức kinh tế trang trại của hộ gia đình, cá nhân nhằm khai thác có hiệu quả đất đai để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối gắn với dịch vụ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất làm kinh tế trang trại được chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất theo quy định của pháp luật.

2.3. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất làm kinh tế trang trại được tiếp tục sử dụng trong trường hợp nào (quy định tại Khoản 4, Điều 142, Luật đất đai 2013)

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất làm kinh tế trang trại phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, không có tranh chấp thì được tiếp tục sử dụng theo quy định sau đây:

Trường hợp đất được giao không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối thì được tiếp tục sử dụng với thời hạn giao đất là 50 năm. 

Trường hợp đất được giao không thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối khi hết thời hạn được giao thì phải chuyển sang thuê đất;

Trường hợp sử dụng đất do được Nhà nước cho thuê, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, được tặng cho, nhận khoán của tổ chức; do hộ gia đình, cá nhân góp vốn thì được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật này.

2.4. Quy định cấm của Nhà nước trong việc sử dụng đất làm kinh tế trang trại (quy định tại Khoản 5, Điều 142, Luật đất đai 2013)

Nhà nước nghiêm cấm việc lợi dụng hình thức kinh tế trang trại để bao chiếm, tích tụ đất đai không vì mục đích sản xuất.

                                                Luật Hoàng Anh