Đặt Những Câu Hỏi Đầy Soi Dẫn
Đấng Cứu Rỗi đã đặt những câu hỏi để mời học viên suy nghĩ cặn kẽ và cảm nhận sâu sắc về các lẽ thật mà Ngài đã giảng dạy. Những câu hỏi của chúng ta có thể soi dẫn học viên một cách tương tự để suy ngẫm về các lẽ thật phúc âm và tìm cách áp dụng chúng trong cuộc sống của họ. Một câu hỏi đầy soi dẫn là một lời mời học viên tự khám phá ra các lẽ thật phúc âm và đánh giá sự hiểu biết và cam kết của họ đối với các lẽ thật đó. Những câu hỏi đầy soi dẫn có thể làm cho việc học phúc âm thành một kinh nghiệm hấp dẫn và có ý nghĩa hơn cho cá nhân.
Mục Lục
Hãy Đặt Những Câu Hỏi nhằm Giúp Học Viên Đạt Được Sự Hiểu Biết Cơ Bản về Các Lẽ Thật Vĩnh Cửu
Trước khi học viên có thể thảo luận một câu chuyện trong thánh thư hay một nguyên tắc phúc âm, thì họ cần phải hiểu trước đã. Một số câu hỏi của các anh chị em nên khuyến khích các học viên tra cứu thánh thư để đạt được một sự hiểu biết cơ bản về một câu chuyện hay nguyên tắc. Những câu hỏi như vậy thường có các câu trả lời cụ thể, nhưng thường tốt nhất hãy để cho học viên tự khám phá ra các câu trả lời. Ví dụ, nếu đang nghiên cứu Ma Thi Ơ 26:36–46, các anh chị em có thể hỏi: “Các em tìm thấy các chi tiết nào trong các câu này mà mô tả kinh nghiệm của Đấng Cứu Rỗi trong Vườn Ghết Sê Ma Nê? Ngài đã làm gì cho chúng ta ở đó?” Hoặc, nếu đang giảng dạy cho các con cái còn nhỏ của mình, các anh chị em có thể mô tả kinh nghiệm của Đấng Cứu Rỗi trong vườn Ghết Sê Ma Nê bằng lời riêng của mình và sau đó yêu cầu con cái nói cho các anh chị em biết điều Chúa Giê Su đã làm ở đó.
Những cuộc thảo luận này nên vượt quá các chi tiết của câu chuyện, mặc dù các chi tiết này cũng rất quan trọng. Đặt những câu hỏi nhằm giúp học viên của các anh chị em khám phá ra các nguyên tắc phúc âm—các lẽ thật vĩnh cửu, thay đổi cuộc sống trong thánh thư.
Câu hỏi để suy ngẫm. Học viên của tôi cần phải hiểu những câu chuyện hoặc các nguyên tắc nào trong thánh thư trong một bài học tôi sẽ giảng dạy lần tới? Tôi có thể đặt ra những câu hỏi nào để giúp cho họ đạt được sự hiểu biết cơ bản từ thánh thư?
Ví dụ trong thánh thư. Tôi học được điều gì từ những câu hỏi mà Đấng Cứu Rỗi đã hỏi trong Lu Ca 10:25–28?
Hỏi Những Câu Hỏi Làm Cảm Động Tấm Lòng và Tâm Trí
Một khi học viên có sự hiểu biết cơ bản về một câu chuyện hay nguyên tắc, thì hãy đặt câu hỏi để giúp họ suy ngẫm ý nghĩa của câu chuyện đó để cho câu chuyện hay nguyên tắc đó có thể làm cảm động tấm lòng và tâm trí của họ. Các anh chị em có thể yêu cầu học viên chia sẻ cảm nghĩ về một đoạn thánh thư, cảm nghĩ của các nhân vật trong thánh thư có thể đã có, hoặc các lẽ thật trong đoạn thánh thư đó liên quan đến cuộc sống của chúng ta như thế nào. Vì những câu trả lời cho những câu hỏi này thường dựa trên những cảm nghĩ và kinh nghiệm của học viên nên các câu hỏi thường không phải chỉ có một câu trả lời đúng. Những câu hỏi này thường bắt đầu với các cụm từ như “theo ý các em” hoặc “các em cảm thấy như thế nào.” Ví dụ, các anh chị em có thể hỏi: “Các em nghĩ Các Sứ Đồ có thể đã cảm thấy như thế nào khi họ đi đến Vườn Ghết Sê Ma Nê với Đấng Cứu Rỗi? Các em cảm thấy như thế nào về điều Chúa Giê Su đã làm ở đó? Cuộc sống của chúng ta được ban phước như thế nào nhờ vào nỗi đau khổ của Đấng Cứu Rỗi trong khu vườn đó?”
Câu hỏi để suy ngẫm. Những câu hỏi giống như trên có thể soi dẫn cho học viên như thế nào để có những thay đổi trong cuộc sống của họ?
Ví dụ trong thánh thư. Có khi nào Đấng Cứu Rỗi hoặc những người khác trong thánh thư đặt câu hỏi mà soi dẫn sự suy ngẫm chân thành không? (để có ví dụ, xin xem Ma Thi Ơ 16:13–15; Giăng 1:37–38).
Xin xem thêm video “Ask Us Questions” (LDS.org).
Đặt Những Câu Hỏi Mà Có Thể Mời Học Viên Hành Động
Một số câu hỏi thúc giục học viên áp dụng điều họ đã học được và tự cam kết sống theo phúc âm một cách trọn vẹn hơn. Trong hầu hết các trường hợp, những câu hỏi này nên mời học viên lắng nghe những lời thúc giục từ Thánh Linh về điều họ nên làm. Ví dụ, các anh chị em có thể hỏi: “Khi chúng ta thảo luận về nỗi đau khổ của Đấng Cứu Rỗi trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, thì các anh chị em đã nhận được các ấn tượng thuộc linh nào” hoặc “Các anh chị em sẽ làm gì khác vì điều các anh chị em đã học được ngày hôm nay?” Những câu hỏi này thường thường không phải là những câu hỏi để thảo luận mà là để cá nhân suy nghĩ. Học viên nên chia sẻ câu trả lời của họ chỉ khi nào họ cảm thấy thoải mái khi làm như vậy.
Câu hỏi để suy ngẫm. Các câu hỏi do các giảng viên được soi dẫn đặt ra đã gia tăng lòng cam kết của tôi đối với Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào?
Ví dụ trong thánh thư. Tôi học được điều gì từ cách An Ma mời dân của ông chịu phép báp têm? (xin xem Mô Si A 18:7-12).
Xin xem thêm “Mời Học Viên Hành Động” trong tài liệu này.
Hình
Đặt Ra Những Câu Hỏi để Mời Học Viên Chia Sẻ Chứng Ngôn
Việc đặt ra những câu hỏi khuyến khích học viên chia sẻ chứng ngôn về các nguyên tắc đã được giảng dạy, có thể là một cách mạnh mẽ để mời Thánh Linh đến. Khi học viên suy ngẫm về những câu hỏi này, thì họ sẽ nhận ra những lúc mà họ đã nhìn thấy bàn tay của Chúa trong cuộc sống của họ. Chứng ngôn của họ—và chứng ngôn của những người khác trong lớp học—sẽ tăng trưởng khi Thánh Linh làm chứng về lẽ thật. Để mời chia sẻ chứng ngôn, các anh chị em có thể hỏi những câu hỏi như: “Làm thế nào các anh chị em đã tiến đến việc biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô chuộc tội lỗi của các anh chị em?” hoặc “Làm thế nào các anh chị em đã tiến đến việc biết ơn về điều mà Đấng Cứu Rỗi đã làm cho chúng ta trong Vườn Ghết Sê Ma Nê?” hoặc, nếu các anh chị em đang giảng dạy cho trẻ nhỏ, “Các anh chị em cảm thấy như thế nào về Chúa Giê Su?”
Câu hỏi để suy ngẫm. Điều gì đã thúc giục học viên của tôi chia sẻ chứng ngôn của họ? Tôi có thể khuyến khích họ làm chứng như thế nào?
Ví dụ trong thánh thư. Câu hỏi của Vua Bên Gia Min trong Mô Si A 5:1 có ảnh hưởng nào đến dân của ông? (xin xem thêm các câu 2:-5). Bằng cách nào tôi có thể áp dụng ví dụ này trong khi tôi giảng dạy?
Đặt Những Câu Hỏi Khuyến Khích Sự Tự Đánh Giá
Khi An Ma thuyết giảng cho người dân Gia Ra Hem La, ông đã đưa ra những câu hỏi để suy ngẫm như thế này: “Các người đã được Thượng Đế sinh ra trong thể thuộc linh chưa? … Các người đã có nhận thấy sự thay đổi lớn lao này trong lòng mình chưa?” (An Ma 5:14). Các anh chị em có thể hỏi những câu hỏi tương tự để khuyến khích học viên đánh giá hành vi và cam kết của họ đối với phúc âm—-ví dụ: “Các em có đức tin để đóng tiền thập phân không?” hoặc “Các em có nói với gia đình của mình là các em yêu thương họ không?” Bảo học viên là đừng trả lời ra tiếng những câu hỏi này; mục đích của các câu hỏi như vậy là để giúp học viên đánh giá riêng hành vi và sự cam kết của họ đối với phúc âm.
Câu hỏi để suy ngẫm. Có khi nào một câu hỏi đầy soi dẫn đã giúp tôi đánh giá sự tiến bộ về phần thuộc linh và cam kết của tôi không? Tôi có thể hỏi những câu hỏi nào để khuyến khích sự tự đánh giá nơi những người tôi giảng dạy?
Ví dụ trong thánh thư. Khi tôi đọc Giăng 21:15–17, điều gì nổi bật đối với tôi về những câu hỏi mà Chúa Giê Su Ky Tô hỏi Phi E Rơ?
Hình
Đặt Những Câu Hỏi mà Đánh Giá Sự Hiểu Biết
Để xác định xem học viên có hiểu một nguyên tắc không, hãy thử hỏi một câu hỏi như là “Các em đã học được gì về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô?” Một câu hỏi mà mời học viên đưa ra một nguyên tắc phúc âm bằng lời riêng của họ—nhất là nếu được yêu cầu từ lúc bắt đầu lớp học—có thể giúp các anh chị em đánh giá việc các anh chị em cần phải dành ra bao nhiêu thời gian để nghiên cứu nguyên tắc đó trong lớp học.
Câu hỏi để suy ngẫm. Một số cách nào khác tôi có thể đánh giá điều học viên hiểu được?
Ví dụ trong thánh thư. Am Môn đã đánh giá sự hiểu biết của Vua La Mô Ni như thế nào? (xin xem An Ma 18:24–36).
Đừng Sợ Sự Im Lặng
Những câu hỏi hay cần có thời gian để trả lời. Những câu hỏi này đòi hỏi phải có sự suy ngẫm, tìm kiếm, và soi dẫn. Thời gian các anh chị em dành ra để chờ đợi những câu trả lời cho một câu hỏi có thể là một thời gian thiêng liêng để suy ngẫm. Tránh sự cám dỗ để kết thúc thời gian này quá sớm bằng cách trả lời câu hỏi của mình hoặc nói sang điều khác. Hãy nói cho học viên biết rằng các anh chị em sẽ cho họ thời gian để suy ngẫm trước khi họ trả lời.
Dành cho Người Hướng Dẫn Cuộc Thảo Luận
Chia sẻ và cùng nhau thảo luận. Bắt đầu bằng cách mời giảng viên chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy mới gần đây và đặt các câu hỏi liên quan đến việc giảng dạy.
Cùng nhau học tập. Mời giảng viên thảo luận về một hoặc nhiều ý kiến hơn trong phần này. Đừng cố gắng dạy hết mọi điều trong một buổi họp.
Thực hành. Yêu cầu giảng viên (từng người hoặc theo nhóm nhỏ) tuân theo các hướng dẫn trong phần này và viết một vài câu hỏi mà họ nghĩ là có thể có lợi cho học viên trong một bài học sắp tới. (Có thể là hữu ích để đưa ra lời mời này cho giảng viên một vài ngày trước khi họp để họ có thể sẵn sàng khi đến lớp học). Mời giảng viên chia sẻ những câu hỏi của họ với nhau và đưa ra ý kiến phản hồi.
Chuẩn bị. Cùng nhau quyết định về một đề tài cho buổi họp lần tới, và mời các giảng viên chuẩn bị.