Đặt mình vào vị trí người dân để vì dân!
(HNM) – Không phải ngẫu nhiên khi tại Hội nghị kiểm điểm tập thể, cá nhân, Ban Cán sự UBND thành phố Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, cũng như tại Hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND thành phố Hà Nội với các quận, huyện về giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng 9 tháng đầu năm 2012, đồng chí Phạm Quang Nghị – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy đã yêu cầu cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp hãy đặt mình vào vị trí của người dân để giải quyết thấu tình, đạt lý những vấn đề liên quan đến quyền lợi và cuộc sống của người dân.
Lời yêu cầu ấy xuất phát từ một thực tế khi mà một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ đang giữ những vị trí lãnh đạo, quản lý “thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân”, thậm chí còn “suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện vô nguyên tắc” (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI).
Xin trở lại những vấn đề cơ bản mang tính nguyên lý mà ai cũng biết, đấy là: Nước phải lấy dân làm gốc. Chính lịch sử mỗi dân tộc mà sự thăng trầm còn – mất của bao triều đại luôn là minh chứng rõ ràng, đầy đủ và trung thực nhất cho bài học này.
Nhà nước phong kiến tập quyền Việt Nam ở mỗi thời kỳ lịch sử cụ thể, với nền tảng của tư tưởng Nho giáo, khi vua được coi là con trời (Thiên tử) cũng còn biết rằng: “Thiên căng vu dân, dân chi sở dục, thiên tất tòng chi” – (trời thương dân, dân muốn điều gì, trời cũng theo); Để mà “Dân chi sở hiếu, hiếu chi; Dân chi sở ố, ố chi…” (phải thích cái thích của dân, phải ghét cái ghét của dân). Vua thì được dạy như thế, còn các bậc quan lại – những người được coi là sẽ thực thi các việc chính trị do vua giao, phải luôn ghi nhớ ba điều trọng là: Thứ, Phú và Giáo (làm cho dân nhiều, làm cho dân giàu và dạy cho dân biết lễ nghĩa).
Nho giáo còn dạy được người làm quan đến như thế, làm sao lại không thể không có những triều đại luôn làm rạng danh lịch sử dân tộc, khi triều đại ấy luôn có đội ngũ quan lại là những người liêm chính.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn đòi hỏi quan hệ giữa Đảng cầm quyền, với dân phải thực sự trở thành máu thịt thì Đảng ấy mới tồn tại và phát triển được. Chính vì thế, ngay sau ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945), Bác đã có bài viết “Sao cho được lòng dân” (với bút danh Chiến Thắng, đăng trên Báo Cứu Quốc ngày 12-10-1945) nêu rõ: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dẫu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ với đời sống nhân dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới”. Điều này còn được Bác nhắc lại nhiều lần trong các bài viết, bài nói chuyện khác nhau.
Trở lại thực tiễn đời sống hôm nay. Chúng ta ai cũng buồn, nếu không muốn nói là đau lòng khi một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang như những con sâu đục khoét làm mục ruỗng không ít giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm giảm dần niềm tin của nhân dân vào Đảng cầm quyền. Chính họ đã quên hoặc cố tình quên rằng “Việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh” để “Chú ý giải quyết hết các vấn đề quan hệ tới đời sống nhân dân”?
Một doanh nghiệp được thành lập với bao nhiêu “thủ tục”, từ xin giấy phép đầu tư, vay vốn đầu tư, thuê mặt bằng… – liệu đã có con số thống kê chính xác nào dám chỉ rõ? Một cơ sở sản xuất, một doanh nghiệp đi vào hoạt động, những ông chủ của các doanh nghiệp ấy đã mất bao nhiêu “phí bôi trơn” các cơ quan chức năng? – chắc cũng chưa thống kê hết.
Đấy là nói đến một tầng lớp được coi là trung lưu của xã hội, chứ người dân bình thường sẽ khổ thế nào khi mà tệ quan liêu, tham nhũng đang trở thành lực cản không nhỏ cho quá trình xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Loại trừ những kẻ lợi dụng sự bức xúc của dân để mưu đồ chống phá chế độ, thì câu chuyện của những người dân ở các vùng miền đất nước mang đơn đi hết cửa này đến cửa khác, để mỏi mòn trông đợi một kết luận được coi là thấu tình đạt lý, sẽ chưa có hồi kết khi mà cán bộ lãnh đạo quản lý của chúng ta còn mấy ai “Phải chấp đơn. Phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới”? Sự “kính chuyển” rất lịch sự kia, rất “đề cao vai trò của cấp trên” kia, phải chăng chính là sự vô trách nhiệm, vô tình đến lạnh băng của những cán bộ đang được giao thực thi các công việc liên quan đến quyền lợi của mỗi người dân?
Hãy đến một xã, một phường, nơi ấy đang hoặc sắp bắt đầu có một dự án đầu tư hay một chương trình công tác xã hội nào, sẽ thấy rõ trách nhiệm “vì dân” của không ít cán bộ lãnh đạo quản lý ở đây.
Dân là ai? Đó cũng chính là người cán bộ đấy, là anh em, họ hàng, gia tộc của mỗi người cán bộ. Nhưng, vì là người cán bộ lãnh đạo nên gia đình, dòng tộc của họ sẽ được phần nào thơm nhất, ngon nhất? Chính sách của Nhà nước đâu có phân rõ ai thuộc dòng tộc này sẽ được hưởng lợi hơn dòng tộc khác ư! Chỉ có những người cán bộ lợi dụng danh nghĩa chính quyền, uy tín của Đảng đứng ra làm chuyện bất công bằng mà thôi. Lợi ích nhóm đang len lỏi đến từng làng xã, từng dự án, chương trình công tác xã hội, mà dễ mấy ai đã dám nói ra?
Người cán bộ trước hết là dân và họ từ dân mà ra. Tuy nhiên nhiều khi đã đứng ở vai trò quản lý, không ít người quên rằng, họ phải thực thi cho đúng, cho tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Ở cơ quan, đơn vị làm việc với chức danh này, vị trí kia nhưng khi đã về với ngôi nhà nhỏ của mình, người cán bộ là công dân của thôn, xóm, cụm dân cư, tổ dân phố. Và khi đó chính người cán bộ và gia đình, dòng tộc, thôn xóm sẽ phải chịu “sự điều chỉnh” của những cán bộ quản lý khác. Và, nếu ở những cán bộ cơ quan công quyền nào đấy sẽ lại giải quyết việc của gia đình, dòng tộc của mình, như họ đã giải quyết vô cảm việc những người dân đã tìm đến với họ, liệu họ có thấy đau lòng không? Nói như vậy để thấy rằng về bản chất người cán bộ quản lý cũng là dân, từ dân mà ra. Tại sao là tách rời dân, tại sao lại vô cảm trong khi giải quyết việc cho dân?
Mỗi cán bộ, đảng viên đã tự nguyện đứng trong tổ chức của Đảng, của cơ quan, đơn vị cũng đều hiểu quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình với tổ chức ấy. Các quy định về trách nhiệm đều có đầy, nhưng việc thực thi lại thiếu hụt.
Yêu cầu phải đặt mình vào vị trí người dân khi giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi của nhân dân, cũng chính là lời cảnh tỉnh về sự xa dân của không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số tổ chức, cơ quan, đơn vị. Chính sự xa dân ấy, sự coi mình là “Phụ mẫu chi dân” (là cha mẹ của dân) của những cán bộ lãnh đạo, quản lý ấy, đã và đang làm xấu đi hình ảnh của Đảng.
Hiện nay, ở nơi này nơi kia có tình trạng đổ lỗi cho… dân trí. Đó là một cách ngụy ngôn xuất phát từ tư duy xa dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.
Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm.
Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh.
Chúng ta phải yêu dân, phải kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
(Báo Cứu Quốc số 69, ngày 17/10/1945)
Đặc biệt Bác khẳng định: “Đảng muốn tồn tại và phát triển phải có dân” (Bác Hồ sống mãi với chúng ta. NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội, 2005. Trang 374).
Bởi vậy, yêu cầu của Bí thư Thành ủy Hà Nội như trên đã nói, chính là yêu cầu cán bộ lãnh đạo quản lý phải thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu.