Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh trong bối cảnh mới

Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh trong bối cảnh mới

Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam cần được lan tỏa sâu rộng trong cả nước. 

PGS.TS Bùi Đình Phong, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:

Thư gửi các giới công thương Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi như Tuyên ngôn về vai trò, sứ mệnh của doanh nhân Việt Nam. Điều cần nhấn mạnh là trong di sản Hồ Chí Minh về doanh nhân, những vấn đề về đạo đức và văn hóa chiếm phần lớn và giữ một vị trí hết sức quan trọng.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp từ thực tiễn đã ban hành những cuốn Sổ tay văn hóa mang thông điệp, tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp và triết lý kinh doanh. Mỗi một doanh nghiệp đưa ra hệ giá trị cốt lõi như “Tiên phong”, “Đổi mới”, “Tin cậy”, “Hiệu quả”, “Chuyên nghiệp”, “Chuẩn mực”, “Bền vững”, “Nhân văn”… Đó là cách làm thực tế, được triển khai, vận hành hằng ngày trong mỗi doanh nghiệp, mang lại hiệu quả thiết thực. Điều thú vị là chúng ta có thể tìm thấy những giá trị cơ bản đó ở những mức độ khác nhau trong di sản văn hóa Hồ Chí Minh.

PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:

Văn hoá doanh nghiệp nằm trong văn hoá kinh doanh của một quốc gia, của một nền kinh tế, là biểu hiện văn hoá kinh doanh ở cấp độ doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp là toàn bộ hệ thống các chuẩn mực về tinh thần và hành vi ứng xử của tất cả các thành viên trong doanh nghiệp, hướng tới những giá trị tốt đẹp nhất, tạo ra nét độc đáo riêng biệt đồng thời là sức mạnh lâu bền của doanh nghiệp trên thương trường. Để xây dựng văn hoá doanh nghiệp thành công, các doanh nghiệp Việt Nam phải lấy con người “làm gốc” cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Coi trọng việc bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm, kích thích lòng say mê, tính chủ động, sáng tạo của người lao động. Xây dựng cơ chế quản trị khoa học, chế độ thưởng, phạt hợp lý, ghi nhận, tôn vinh những cống hiến của người lao động cho doanh nghiệp, để họ thực sự coi doanh nghiệp là “tổ ấm” của mình.

PGS.TS Phạm Duy Đức, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:

Nhận thức chung về vai trò của đạo đức trong xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp ngày được hiểu thấu đáo và toàn diện hơn, Đạo dức của doanh nhân và đạo đức trong văn hóa doanh nghiêp không phải chỉ là trách nhiệm xã hội mà trở thành mục tiêu, động lực để phát triển doanh nhân và doanh nghiệp. Đây chính là nhân tố bên trong, là nguyên nhân, là điều kiện bất biến để để đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Những nguyên tắc cơ bản của đạo đức doanh nhân, đạo dức kinh doanh như đề cao sự trung thực, tôn trọng con người (người sản xuất, tiêu thụ …), tôn trọng luật pháp trong nước và quốc tế, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, đề cao trách nhiệm xã hội… luôn luôn được nhắc đến và thực hành để xây dựng đội ngũ doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Viết Chức, Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long:

Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải được đặt ra sớm, tốt nhất là trước khi thành lập doanh nghiệp. Người có ý tưởng xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải tự trả lời được các câu hỏi như: doanh nghiệp sẽ sản xuất, kinh doanh cái gì? Sản phẩm chính là gì và nó hướng tới khách hàng nào, khách hàng ấy có thị hiếu, xu hướng mong chờ điều gì? Để đáp ứng yêu cầu phát triển doanh nghiệp như dự định cần đội ngũ cán bộ nhân viên như thế nào? Cái gì là sức hút đối với họ?…

Về xây dựng văn hóa doanh nghiệp không ai có thể hướng dẫn làm cài gì và làm như thế nào vì mỗi doanh nghiệp có mục đích và cách làm riêng của mình. Có riêng như thế mới có bản sắc, có cái độc đáo hấp dẫn. Văn hóa vốn tồn tại và phát triển bởi cái riêng, cái bản sắc độc đáo. Tuy nhiên, xây dưng văn hóa doanh nghiệp lúc nào cũng cần. Đó là sự hài hòa. Hài hòa trong doanh nghiệp, hài hòa trong xã hội, hài hòa về quyền lợi và trách nhiệm, hài hòa về vật chất và tinh thần.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:

Đạo đức kinh doanh là một loại đạo đức nghề nghiệp, tuy nhiên, vì gắn với yếu tố kinh doanh, lợi nhuận nên đạo đức kinh doanh có những đặc thù riêng. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều quan điểm về vấn đề đạo đức kinh doanh. Phillip V. Lewis, Ferrels và John Fraedrich. Phillip V. Lewis cho rằng: “Đạo đức kinh doanh là tất cả những quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức hoặc luật lệ để cung cấp chỉ dẫn về hành vi ứng xử chuẩn mực và sự trung thực (của một tổ chức) trong những trường hợp nhất định”. Ferrels và John Fraedrich định nghĩa: “Đạo đức kinh doanh bao gồm những nguyên tắc cơ bản và tiêu chuẩn điều chỉnh hành vi trong thế giới kinh doanh. Tuy nhiên, việc đánh giá một hành vi cụ thể là đúng hay sai, phù hợp với đạo đức hay không sẽ được quyết định bởi nhà đầu tư, nhân viên, khách hàng, các nhóm có quyền lợi liên quan, hệ thống pháp lý cũng như cộng đồng”.

GS.TS Trần Văn Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:

Để khơi dậy động lực cống hiến và khát vọng thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nhân Việt Nam cần phát huy mặt ý thức, tinh thần, giá trị đạo đức, giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong bản thân mỗi doanh nhân.

Thứ nhất, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương của các doanh nhân. Thứ hai, phát huy tinh thần tự giác, phấn đấu vươn lên, có ý thức trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh của doanh nhân. Thứ ba, phát huy lý tưởng sống cao đẹp, tinh thần tương thân, tương ái, có ước mơ, khát vọng vươn lên. Thứ tư, phát huy trách nhiệm cá nhân, tinh thần tập thể, tinh thần phục vụ nhân dân của doanh nhân. Trách nhiệm cá nhân, tinh thần tập thể, tinh thần phục vụ nhân dân cũng là một giá trị đạo đức cần phát huy để khơi dậy động lực cống hiến và khát vọng thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nhân.

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng TƯ:

Hội nhập quốc tế đã giúp doanh nhân Việt Nam tiếp cận được với nền văn minh của thế giới, nền văn minh tri thức khi nền kinh tế thế giới đang phát triển mạnh kinh tế tri thức, kinh tế số, xã hội số…Điều đó giúp cho doanh nhân Việt Nam loại bỏ dần văn minh nông nghiệp, tư tưởng tiểu nông…chuyển dần sang văn minh công nghiệp, văn minh tri thức…

Có thể thấy, tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay mang lại nhiều tác động tích cực và cơ hội; song cũng đặt ra không ít thách thức rất mới, rất căn bản đối với đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh ở Việt Nam. Phát huy tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực là “chìa khóa” đem lại thành công của việc xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh ở Việt Nam.

PGS.TS Lê Thị Bích Thuỷ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, để trở thành một quốc gia vững mạnh cần xây dựng một nền văn hoá kinh doanh hiện đại trên cơ sở kế thừa các giá trị văn hoá kinh doanh của dân tộc.

Xây dựng văn hoá kinh doanh là một quá trình đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục nỗ lực thực hiện. Những giá trị văn hoá kinh doanh không phải là cố định và có thể thay đổi để phù hợp với thực tiễn phát triển của doanh nghiệp và sự thay đổi của xã hội. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần thường xuyên đôn đốc việc thực hiện văn hoá doanh nghiệp, kiểm tra, đánh giá chất lượng và hiệu quả của việc thực thi văn hoá doanh nghiệp trong kinh doanh để kịp thời phát hiện những giá trị văn hoá tích cực, phù hợp cần tiếp tục được phát huy, đồng thời loại bỏ những giá trị không còn phù hợp và thay thế bằng những giá trị văn hoá mới phù hợp với thời đại và sự phát triển của doanh nghiệp.

Anh hùng lao động Thái Hương, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH:

Tập đoàn TH, từ khi thành lập đến nay, luôn kiên định với hướng đi phát triển bền vững với triết lý “Trân quý Mẹ thiên nhiên, Người sẽ cho mình tất thảy” với tầm nhìn sứ mệnh của mình từ vai trò của một tập đoàn doanh nhân yêu nước, đặt lợi ích riêng của Tập đoàn nằm trong lợi ích chung của quốc gia. Không tìm cách tối đa hóa lợi nhuận mà là hợp lý hóa lợi ích. Những dự án đầu tư của TH tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, khoa học công nghệ và khoa học quản trị đan xen vào nhau tạo ra những sản phẩm hàng hóa trong nông nghiệp với sản lượng và chất lượng theo chiều hướng phát triển bền vững và có lợi cho sức khỏe. Tập đoàn TH mong muốn định hướng người tiêu dùng không chỉ trong nước mà cả trên thế giới: nâng cao sức khỏe cộng đồng với những sản phẩm từ thiên nhiên.

Bà Phạm Chi Lan, Nguyên Phó Chủ tịch VCCI:

Gần đây những câu chuyện nghiêm trọng khiến Nhà nước phải “ra tay” với những người tưởng chừng đã đạt chuẩn mực, những lĩnh vực cần đặt tiêu chí đạo đức lên hàng đầu như y tế, giáo dục…. báo động về đạo đức kinh doanh khiến chúng ta phải xem lại nền tảng đạo đức xã hội”.

Do đó, những tiêu chí nền tảng đạo đức xã hội là yêu cầu tất yếu. Hay tiêu chí về liêm chính phải bắt đầu từ những người công chức, tránh việc “đòi hỏi” để người kinh doanh phải “trả giá” cho quyền kinh doanh. Muốn có liêm chính cho doanh nghiệp thì liêm chính trong bộ máy nhà nước phải được đề cao.

Hiện có quá nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn được ra đời trong bối cảnh mới khiến doanh nghiệp dù muốn hay không phải áp dụng như các tiêu chuẩn nguyên liệu, lao động, môi trường…đòi hỏi doanh nghiệp phải có nỗ lực rất lớn.

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo – Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam:

Nếu một doanh nghiệp được xây dựng dựa trên những nền tảng văn hóa, có uy tín, có thương hiệu sẽ dễ dàng tìm kiếm đối tác nước ngoài hơn. Ngoài bảng thành tích về hiệu quả kinh doanh thì sự gần gũi về các giá trị phổ quát trong hoạt động kinh doanh, năng lực quản trị doanh nghiệp, lối tư duy, nhận thức về kinh doanh theo kịp mặt bằng chung của thế giới cũng là những điều kiện tốt để doanh nghiệp gia nhập sân chơi lớn của thị trường toàn cầu.

Văn hóa kinh doanh trong môi trường đa văn hóa thể hiện ở việc doanh nghiệp thấu hiểu và hội nhập tốt với văn hóa, phong tục, tập quán của các quốc gia khác, từ đó có những ứng xử phù hợp khi giao dịch, đàm phán với đối tác nước ngoài cũng như khi sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu, thói quen, thị hiếu và sở thích của người tiêu dùng các nước.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV; Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia:

Để nâng cao đạo đức của đội ngũ doanh nhân gắn với xây dựng văn hóa doanh nghiệp và xây dựng đất nước toàn diện, hội nhập quốc tế, chúng ta cần sự nỗ lực không chỉ của lực lượng doanh nhân chân chính mà còn cần sự ủng hộ, đồng hành và kiến tạo của Đảng và Nhà nước, Bộ ngành, địa phương, tổ chức hiệp hội ngành nghề.

Thứ nhất, ưu tiên hoàn thiện thể chế, pháp luật. Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức kinh doanh, đạo đức doanh nhân gắn với văn hóa doanh nghiệp. Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp đạt chuẩn mực, là tấm gương về phát triển đức đức doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp. Thứ tư, tăng cường giám sát xã hội và vai trò của các tổ chức đoàn thể, hiệp hội ngành nghề.

BBT 

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn (21/01/2023, 17:00:00)