Danh từ là gì? Đặc điểm và Phân loại | Ví dụ cụ thể
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Vịnh Hạ Long đều là những danh từ chỉ địa danh quen thuộc mà chúng ta vẫn nhắc đến hằng ngày. Vậy danh từ là gì? Bài viết lần này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về danh từ, đặc điểm, chức năng và phân loại của danh từ.
1. Danh từ, đặc điểm và chức năng của danh từ
1.1. Danh từ là gì?
Danh từ là những từ chỉ người, vật, hiện tượng, khái niệm, …
Ví dụ: Học sinh, bàn, ghế, xe máy, xe đạp, mưa, gió, sấm, …
1.2. Đặc điểm của danh từ
Trong hệ thống ngôn ngữ tiếng Việt, cùng với các từ loại khác, danh từ cũng chiếm vai trò quan trọng và được sử dụng thường xuyên trong giao tiếp hằng ngày.
Danh từ có thể kết hợp với từ chỉ số lượng ở phía trước, các từ này, ấy, đó, … ở phía sau và một số từ ngữ khác để lập thành cụm danh từ.
Ví dụ: Những chiếc xe này đang trong quá trình bảo dưỡng.
Danh từ là một thành phần quan trọng cấu tạo nên câu, đóng vai trò làm chủ ngữ, vị ngữ hoặc tân ngữ cho ngoại động từ trong câu. Khi làm vị ngữ, danh từ cần có từ là đứng trước.
Ví dụ: Cô ấy là nhân viên văn phòng. Anh ấy là bác sĩ.
Ngoài ra danh từ thường được đi kèm với các từ chỉ số lượng, đơn vị như con, cái, chiếc, hộp, thùng, lon, một, hai, ba,…
Ví dụ: Con trâu, cái cuốc, hộp diêm, …
1.3. Chức năng của danh từ
Danh từ được sử dụng trong câu với nhiều chức năng, về cơ bản danh từ có những chức năng như sau:
- Danh từ có thể làm chủ ngữ, vị ngữ hoặc tân ngữ cho ngoại động từ trong câu.
- Danh từ có chức năng kết hợp với các từ chỉ số lượng ở phía trước, các từ chỉ định ở phía sau và một số từ ngữ khác để lập thành cụm danh từ.
- Trong cụm danh từ, các phụ ngữ ở phần trước bổ sung cho danh từ các ý nghĩa có thể xác định được.
- Danh từ biểu thị hoặc xác định vị trí của sự vật ấy trong gian hay thời gian.
2. Phân loại danh từ
Danh từ được phân thành hai loại cơ bản như sau:
- Danh từ riêng: Là tên riêng của một sự vật như tên người, tên địa phương, tên địa danh, …
Ví dụ: Giang, Ngọc, Lạng Sơn, Hà Giang, Vịnh Hạ Long, Phú Quốc, …
- Danh từ chung: Là tên gọi của một loại sự vật. Có thể chia danh từ chung thành:
+ Danh từ cụ thể: Là danh từ chỉ sự vật mà ta có thể cảm nhận được bằng giác quan (Ví dụ: mưa, gió, cây, cỏ, …)
+ Danh từ trừu tượng: Là danh từ chỉ sự vật mà ta có thể cảm nhận được bằng giác quan (Ví dụ: tình yêu, cảm xúc, tinh thần…)
Ngoài ra còn có:
Danh từ chỉ hiện tượng: Là cái xảy ra trong không gian và thời gian mà con người có thể nhận biết được (Ví dụ: mưa, gió, sấm, chớp, chiến tranh, …)
Danh từ chỉ khái niệm: Là loại danh từ có ý nghĩa trừu tượng, loại này không chỉ các sự vật cụ thể hay vật thể mà là biểu thị các khái niệm trừu tượng (Ví dụ: đạo đức, tư tưởng, ý kiến, tình bạn, …)
Danh từ chỉ đơn vị: Có thể hiểu đây là loại danh từ chỉ đơn vị của các sự vật, bao gồm: Danh từ chỉ đơn vị tự nhiên, chỉ rõ loại sự vật (Ví dụ: con, cái, chiếc, tấm, …); Danh từ chỉ đơn vị chính xác dùng để tính hay đo đếm các sự vật, vật liệu, … (Ví dụ: yến, tạ, tấn, …); danh từ chỉ đơn vị ước chừng, dùng để tính đếm các sự vật dưới dạng tổ hợp (Ví dụ: bộ, đôi, đàn, những, …); Danh từ chỉ đơn cị thời gian (Ví dụ: giây, phút, tháng, …); Và danh từ chỉ đơn vị hành chính (Ví dụ: huyện, xã, phường, …)
Đều là những loại danh từ thuộc nhóm danh từ chung.
3. Cụm danh từ là gì? Cấu tạo của cụm danh từ
3.1 Định nghĩa
Cụm danh từ là loại tổ hợp từ do danh từ với một số từ ngữ phụ thuộc nó tạo thành.
Ví dụ:
Hai chiếc xe đạp trước nhà.
Từ “hai” và từ “trước nhà” bổ nghĩa cho “chiếc xe đạp”.
Vì được tạo thành bởi tổ hợp danh từ và một số từ ngữ khác nên cụm danh từ có ý nghĩa đầy đủ và cấu tạo phức tạp hơn so với danh từ nhưng về cơ bản nó vẫn giữ chức năng như một danh từ trong câu.
Ví dụ:
Danh từ: Chiếc cặp, ngôi nhà, …
Cụm danh từ: Một chiếc cặp màu hồng, một ngôi nhà nhỏ trên đồi…
3.2. Cấu tạo của cụm danh từ
Cụm danh từ được cấu tạo bởi ba thành phần:
- Phần trước (hay còn gọi là phụ ngữ trước, phụ tố trước, …) giúp bổ sung cho danh từ các ý nghĩa về số và lượng.
- Phần trung tâm (hay còn gọi là chính tố, danh từ trung tâm, danh từ chính,…)
- Phần sau (hay còn gọi là phụ ngữ sau, phụ tố sau, …) nêu lên đặc điểm của sự vật mà danh từ biểu thị hoặc xác định vị trí của sự vật ấy.
Ví dụ:
Những học sinh lớp 8A.
Phần trước Phần trung tâm Phần sau
Phần trước chỉ số lượng, phần trung tâm là danh từ chỉ đối tượng, phần sau là đặc điểm và tính chất, “những” và “lớp 8A” bổ ngữ cho “học sinh”, giúp nó có ý nghĩa trọn vẹn hơn.
Tuy nhiên, có những cụm danh từ có thể có cấu tạo không đầy đủ. Chỉ bao gồm phần trước và phần trung tâm hoặc phần trung tâm và phần sau.
4. Ví dụ về cách sử dụng danh từ
Danh từ, cụm danh từ là một thành phần quan trọng cấu tạo nên câu. Trong câu, danh từ, cụm danh từ có thể làm chủ ngữ, vị ngữ hoặc các thành phần bổ ngữ:
- Khi danh từ đóng vai trò làm chủ ngữ.
Ví dụ:
- Cô ấy mặc một chiếc váy thật xinh đẹp.
- Nam đang chơi bóng ngoài sân.
“Cô ấy” và “Nam” đứng đầu câu, đóng vai trò là chủ ngữ trong câu.
- Khi danh từ đóng vai trò là vị ngữ, phía trước nó thường có chữ “là”.
Ví dụ: Hoa là một học sinh giỏi.
Trong cây này “một học sinh giỏi” là cụm danh từ, đóng vai trò là vị ngữ.
- Danh từ đóng vai trò tân ngữ cho ngoại động từ.
Ví dụ: Cô ấy mặc một chiếc váy thật xinh đẹp.
“Một chiếc váy thật xinh đẹp” là tân ngữ của động từ “mặc”.
—–
Trên đây là khái niệm cũng như một số ví dụ về cách sử dụng danh từ, qua bài viết này hy vọng mọi người có thể phần nào hiểu được danh từ là gì cũng như vai trò của danh từ trong câu.
Giang Béc