Đánh giá tác động xã hội giai đoạn 2016 – 2020: Một số vấn đề cần quan tâm

Đánh giá tác động xã hội giai đoạn 2016 – 2020: Một số vấn đề cần quan tâm

Các can thiệp của Chính phủ cũng như các hoạt động của các tổ chức kinh tế đều tác động tích cực và tiêu cưc đối với xã hội. Tác động thường được xem xét trên 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường nên được gọi là tác động kinh tế, tác động xã hội và tác động môi trường. Tuy vậy, trên thực tế, do mối quan hệ chặt chẽ nên việc phân tách các khía cạnh thường chỉ có tính tương đối.

Đánh giá tác động là một trong những yêu cầu quan trọng trong quản lý đối với các can thiệp hay hành động ngay từ khi xây dựng kế hoạch, trong quá trình thực hiện và khi kết thúc. Bài viết này tập trung chính vào khía cạnh xã hội trong đánh giá tác động – đánh giá tác động xã hội.

Đánh giá tác động xã hội có thể hiểu một cách khái quát là quá trình phân tích, dự báo các tác động đến xã hội của các hoạt động, can thiệp (dự án, chương trình, chính sách…). Xã hội là một khái niệm, một phạm trù rất rộng lớn, vì vậy  rất dễ dẫn đến sự “ôm đồm”, mất trọng tâm khi thảo luận về tác động xã hội hay đánh giá tác động xã hội của các can thiệp. Do đó, một trong những yêu cầu cơ bản của đánh giá tác động xã hội là phải lựa chọn được những chỉ tiêu đúng, thiết thực và phù hợp với bối cảnh xã hội, hay nói khác là các chỉ tiêu đó phải phản ánh đúng, đủ “tính xã hội” (tính thời sự, cấp thiết) của một xã hội tại một thời điểm cụ thể, nhưng phải khả thi.

Đã có những bài học thực tiễn về xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá (và cả chỉ tiêu theo dõi) rất “đồ sộ”, rất nhiều chỉ tiêu nhưng lại không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về tính khả thi, tính thực tiễn, tính liên kết, tính  mục tiêu, tính định lượng (đo lường), tính thời điểm… nên chất lượng thông tin/đánh giá không cao, không phản ánh được đúng và đầy đủ bản chất của nội dung cần đánh giá, không đáp ứng được yêu cầu quản lý và phát triển.

Vậy cần bao nhiêu chỉ tiêu và chỉ tiêu nào trong đánh giá tác động xã hội?

Xét trên phạm vi toàn cầu, mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (đến 2015) được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 2000 được xem là mục tiêu bao chùm của thế giới trong khoảng thời gian 15 năm (từ năm 2000 đến năm 2015), cũng chỉ bao gồm 8 chỉ tiêu cơ bản: (i) giảm nghèo đói, (ii) hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, (iii) tăng cường bình đẳng giới và quyền năng của phụ nữ, (iv) giảm tỷ lệ chết của trẻ em, (v) cải thiện sức khỏe sinh sản, (vi) phòng chống HIV, sốt sét  và các bệnh dịch khác, (vii) bảo đảm môi trường bền vững, và (viii) tăng cường quan hệ đối tác. Nhìn chung, cả 8 chỉ tiêu này đều thuộc nhóm xã hội và chủ yếu là phản ánh khía cạnh xã hội. Như vậy, có thể hiểu Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trong giai đoạn đầu được tập trung vào các khía cạnh xã hội và được đánh giá trên cơ sở (chỉ với) 8 chỉ tiêu cơ bản.

Một trong những yêu cầu cơ bản của đánh giá tác động xã hội là phải lựa chọn được những chỉ tiêu đúng, thiết thực và phù hợp với bối cảnh xã hội

Bên cạnh đó, bộ chỉ tiêu phát triển bền vững do Uỷ ban Phát triển bền vững của Liên hợp quốc sử dụng các chỉ tiêu phản ánh tính bền vững trong lĩnh vực xã hội cũng chỉ bao gồm 6 nhóm chỉ tiêu: (i) công bằng – thông qua chỉ số nghèo đói và bình đằng giới; (ii) y tế – bao gồm: dinh dưỡng, tỷ lệ chết, vệ sinh, nước sạch, tiếp cận y tế; (iii) giáo dục – bao gồm: phổ cập giáo dục, tình trạng biết chữ; (iv) nhà ở – thông qua chỉ số diện tích nhà ở bình quân; (v) an ninh – thông qua tỷ lệ tội phạm/100.000 dân và (vi) dân số – bao gồm: tốc độ tăng dân số và tỷ lệ dân số đô thị.

Bước sang giai đoạn mới (sau 2015), các vấn đề xã hội trong phát triển cũng có những thay đổi, thể hiện thông qua những cập nhật các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (phiên bản 2) – gọi là các mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững đến năm 2030, bao gồm 17 chỉ tiêu cụ thể sau: Xóa đói, nghèo; đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi; đảm bảo giáo dục chất lượng; bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái; tiếp cận nguồn nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người; năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy; tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo việc làm và công việc tốt cho tất cả mọi người; cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa và bền vững, khuyến khích sáng tạo; giảm bất bình đẳng; xây dựng các thành phố và cộng đồng trở nên an toàn, vững chắc và bền vững; tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm; ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển; quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học; xã hội hòa bình và công bằng; quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững. 

Xét trên phạm vi khu vực, các mục tiêu chủ yếu của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN – một trong ba trụ cột của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong giai đoạn 2009 – 2015 là: (i) phát triển con người, (ii) phúc lợi và an sinh, (iii) bình đẳng xã hội và các quyền, (iv) đảm bảo môi trường bền vững, (v) xây dựng bản sắc văn hóa và (vi) thu hẹp khoảng cách phát triển. Đây là những vấn đề xã hội cần được quan tâm, ưu tiên giải quyết chung tại khu vực ASEAN giai đoạn 2009-2015. Trong bối cảnh mới, Cộng đồng ASEAN, các ưu tiên trong lĩnh vực xã hội có những định hướng mới với các mục tiêu bao chùm đến 2025 là: (i) tăng cường gắn kết và đảm bảo lợi ích, (ii) hòa nhập, (iii) môi trường bền vững, (iv) tự cường và (v) năng động. Trong đó bao hàm các nội dung cụ thể liên quan đến hòa nhập xã hội, quyền con người, cơ chế, đối thoại, chăm sóc sức khỏe, chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội,…

Xét trong phạm vi quốc gia, theo thời gian, hệ thống các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có các chỉ tiêu xã hội cũng có những thay đổi đáng kể. Năm 2010, hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội được phân thành 3 nhóm: (i) các chỉ tiêu kinh tế; ii) các chỉ tiêu xã hội, gồm: số tỉnh đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở; tuyển mới đại học, cao đẳng; trung cấp chuyên nghiệp; cao đẳng nghề và trung cấp nghề; giảm tỷ lệ sinh; tạo việc làm; giảm nghèo; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng; số giường bệnh trên một vạn dân; diện tích nhà ở đô thị; và iii) các chỉ tiêu môi trường: tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom; tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; tỷ lệ che phủ rừng.

Năm 2016, hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội không phân tách một cách rạch ròi theo 3 nhóm và các chỉ tiêu phản ánh yếu tố có tính xã hội cũng đã có những thay đổi so với năm 2010, gồm: giảm tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ thất nghiệp thành thị; tỷ lệ lao động qua đào tạo; số giường bệnh trên một vạn dân; tỷ lệ dân số tham giao BHYT. Riêng về nội dung đảm bảo an sinh xã hội, Nghị quyết 15/NQ-TW của BCH TW về một số chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 đề cập tới 4 nhóm chỉ tiêu: (i) việc làm, thu nhập và giảm nghèo; (ii) bảo hiểm y tế, (iii) trợ giúp xã hội những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, (iv) dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu, gồm: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin.

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020[1]

Giai đoạn 2016-2012,trình Đại hội Đảng XII, đã đề cập rất rõ theo 3 lĩnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, lĩnh vực xã hội được thể hiện thông qua 6 chỉ tiêu cơ bản là: (i) tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội; (ii) tỉ lệ lao động qua đào tạo; (iii) tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị; (iv) số bác sĩ và giường bệnh trên 1 vạn dân; (v) tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; và (vi) giảm tỉ lệ hộ nghèo.

Từ các quan sát trên, có thể rút ra một số nhận xét:

Thứ nhất, trong những phạm vi khác nhau, mục tiêu khác nhau (toàn cầu, khu vực hay quốc gia) thì các chỉ tiêu phản ánh/đánh giá xã hội được lưa chọn để xem xét khác nhau;

Thứ hai, các chỉ tiêu phản ánh/đánh giá xã hội cũng thay đổi theo từng thời kỳ, đảm bảo tính phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội và yêu cầu phát triển;

Thứ ba, xã hội là phạm trù rất rộng và trong thực tế thường được phản ánh thông qua các nhóm chỉ tiêu lớn (nhóm chỉ tiêu cấp 1) mang tính ngành hay chức năng như: y tế, giáo dục, văn hóa, phúc lợi,… hay theo các nhóm đặc điểm mang tính quyền (cá nhân) như: việc làm, an sinh xã hội, bình đẳng, dịch vụ xã hội cơ bản;…

Thứ tư, các chỉ tiêu phản ánh xã hội cụ thể (nhóm chỉ tiêu cấp 2) được xác định trên cơ sở các chỉ tiêu ngành, lĩnh vực hay quyền phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ và từng phạm vi.

Thứ năm, một số những chỉ tiêu phản ánh xã hội có tính dài hạn – qua nhiều giai đoạn, như: việc làm – thất nghiệp, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe; nhưng cũng có chỉ tiêu mang tính ngắn hạn, như: tuyển mới đại học, cao đẳng,…; có những chỉ tiêu mang tính phổ biến trong nhiều phạm vi, như giảm nghèo đói; nhưng cũng có những chỉ tiêu chỉ trong một phạm vi cụ thể, như: số tỉnh đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục trung học sơ sở,…

Từ phân tích trên có thể  đóng góp một số ý kiến đối với việc đánh giá tác động xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020, tập trung vào các chỉ tiêu như sau:

Một là, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực, việc lồng ghép hay quốc gia hóa các mục tiêu chung của quốc tế hay khu vực là một yêu cầu khách quan, trong đó có các chỉ tiêu xã hội. Các chỉ tiêu xã hội này có tính bao chùm, tính định hướng cao, nhưng có thể sẽ không thống nhất hoàn toàn với các ưu tiên của từng quốc gia. Do vậy phải cân nhắc, hướng đến sự hài hòa các mục tiêu, tăng cường trách nhiệm đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu chung của khu vực, cũng như toàn cầu;

Hai là, để đảm bảo đánh giá tác động xã hội một cách toàn diện và có tính hệ thống, việc xác định hệ thống chỉ tiêu phản ảnh xã hội nên tiếp cận đồng thời theo ngành hay lĩnh vực với tiếp cận quyền; gắn giữa chức năng, khả năng cung cấp với nhu cầu và quyền;

Ba là, các chỉ tiêu đánh giá xã hội phải phù hợp với mục tiêu của từng hoạt động, can thiệp (dự án, chính sách, chương trình,…); nhưng cần phải hướng đến mục tiêu phản ánh được/hay gắn với các vấn đề xã hội thực sự cần ưu tiên trong giai đoạn 2016-2020; đồng thời gắn với mục tiêu thực hiện các chỉ tiêu xã hội quan trọng đã được xác định trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong giai đoạn 2016-2020.

Bốn là, các chỉ tiêu và hệ thống các chỉ tiêu đánh giá xã hội phải đảm bảo được các yêu cầu tối thiểu – cụ thể như: có thể đo lường, tính khả thi, tính thực tiễn, tính mục tiêu, tính thời gian/thời điểm.

Một vài khuyến nghị về các tiêu chí chung nên ưu tiên trong đánh giá tác động xã hội giai đoạn 2016-2020 là: (i) nghèo (đặc biệt ở khu vực nông thôn); (ii) việc làm (đặc biệt ở khu vực thành thị); (iii) nâng cao năng lực, trình độ người dân, cụ thể là: nhận thức, kỹ năng, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật; (iv) chăm sóc sức khỏe người dân: tình trạng bệnh, dinh dưỡng, tiếp cận dịch vụ y tế.

TS. Thái Phúc Thành


[1] Bản Dự thảo trình Đại hội