Đánh giá đúng vai trò của kinh tế tập thể
Kinh tế tập thể ở nước ta hiện nay là thành phần kinh tế có hình thức đa dạng (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…) với nòng cốt là hợp tác xã phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể.
Đây là thành phần kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao đời sống mọi mặt cho người lao động, góp phần làm giảm sự phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội bởi kinh tế tập thể tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc các thành viên cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế tập thể còn có ý nghĩa rất quan trọng bởi chính sự liên kết, hợp tác thông qua các mô hình hợp tác xã, liên minh hợp tác xã đã dẫn đến sự ra đời của các khu sản xuất tập trung, các vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn và các chuỗi liên kết sản xuất… tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng thành tựu khoa học-công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm, từ đó nâng cao số lượng, chất lượng hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Điều này giúp khắc phục những khó khăn, hạn chế, thiếu sót mà mô hình kinh tế hộ nhỏ, lẻ gặp phải, qua đó góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn theo tinh thần của Quyết định số 255/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/2/2021.
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể, thời kỳ đổi mới Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển thành phần kinh tế này, điển hình như: Ngày 18/3/2002, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Luật Hợp tác xã năm 2012,… đã tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ, minh bạch, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hợp tác xã-nòng cốt của kinh tế tập thể.
Mới đây, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững”.
Nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn cùng sự chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, kinh tế tập thể đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả xuất hiện và ngày càng được nhân rộng đã mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên, người lao động, đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, hiện thực hóa chủ trương xóa đói, giảm nghèo đồng thời góp phần vào đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế nhất là kinh tế nông nghiệp hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm sự phát triển bền vững.
Tính đến cuối năm 2021 cả nước có 26.823 hợp tác xã, 120.319 tổ hợp tác và 106 liên hiệp hợp tác xã, thu hút 33% tổng số hộ gia đình ở địa bàn nông thôn tham gia, gần 60% số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; doanh thu, lợi nhuận của hợp tác xã tăng dần qua các năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, khu vực kinh tế tập thể vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của mình. Nhìn chung số lượng hợp tác xã có tăng nhưng số lượng các thành viên trong hợp tác xã lại có xu hướng giảm.
Tỷ trọng đóng góp vào GDP của kinh tế tập thể còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Phần lớn hợp tác xã, tổ hợp tác vẫn có quy mô nhỏ, vốn ít, hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh không cao do đó lợi ích đem lại cho các thành viên còn thấp, có sự chênh lệch đáng kể về tốc độ phát triển của các hợp tác xã giữa các địa phương, vùng miền, trong các lĩnh vực khác nhau. Số lượng liên hiệp hợp tác xã còn ít, các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã với nhau hay giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác còn nhiều hạn chế…
Những hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế tập thể ở nước ta hiện nay do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến đó là: Nhận thức về bản chất, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đúng, đủ và thống nhất, còn chịu sự chi phối bởi những định kiến về mô hình hợp tác xã kiểu cũ, thậm chí còn có tư tưởng hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể ở nhiều nơi còn thiếu kiên quyết.
Công tác hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể chưa cao. Công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho sự phát triển của kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều vướng mắc, bất cập. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể ở một số nơi còn xảy ra tình trạng hoặc là buông lỏng quản lý hoặc là can thiệp quá sâu, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển kinh tế tập thể chưa có trọng tâm, trọng điểm còn dàn trải, phân tán cho nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đội ngũ cán bộ hợp tác xã còn yếu, chưa được đào tạo bài bản để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đặt ra…
Từ thực tế hạn chế, yếu kém của thành phần kinh tế tập thể trong thời gian qua đặt ra vấn đề: Để tiếp tục củng cố, phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân cần phải đề xuất và triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp.
Trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để thống nhất và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân nhất là những người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã phát triển mạnh mẽ, trong đó cần đặc biệt chú trọng hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến hiệu quả của kinh tế tập thể như chính sách: phát triển nguồn nhân lực, đất đai, tài chính, tín dụng, bảo hiểm xã hội, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, khoa học-công nghệ…; bổ sung, sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012.
Đồng thời cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với kinh tế tập thể trên cơ sở xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể tập trung, thống nhất, quản lý, chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ năng lực, phẩm chất, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Cùng với đó phải tăng cường tính minh bạch trong quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những điển hình tiên tiến, mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm cũng như kịp thời phát hiện, tháo gỡ các vướng mắc, rào cản trong quá trình phát triển kinh tế tập thể.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã) trong kinh tế tập thể gắn liền với việc giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng, vướng mắc. Đi đôi với đó cần có những biện pháp phát huy tinh thần tự chủ, tự nguyện, tự giác của các thành viên trong các tổ chức của kinh tế tập thể. Ngoài ra, cần đẩy mạnh sự liên kết, liên hiệp giữa các tổ chức trong kinh tế tập thể với nhau và với các doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước để hỗ trợ nhau cùng phát triển hiệu quả.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội để bảo đảm kinh tế tập thể phát triển đúng định hướng, bền vững và có hiệu quả cao. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể trong đó phải đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường hợp tác với các tổ chức hợp tác xã hoạt động hiệu quả ở các nước trên thế giới cũng như liên minh hợp tác xã quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, tranh thủ kêu gọi sự đầu tư, hỗ trợ về vốn, tài chính, máy móc, trang thiết bị, thành tựu khoa học-công nghệ hiện đại; đồng thời đẩy mạnh liên kết, mở rộng, đa dạng hóa thị trường tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển mạnh mẽ.