Đánh dấu bước phát triển của Bệnh viện Thể thao Việt Nam
VHO- Những ngày này, Bệnh viện Thể thao Việt Nam đang bận rộn với những hoạt động góp phần đảm bảo công tác y tế tại sự kiện SEA Games 31, tổ chức kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Bệnh viện, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ khám chữa bệnh thường xuyên cho các VĐV và người dân.
Bệnh viện Thể thao VN thực hiện kỹ thuật cao đo điện tâm đồ khi tập luyện gắng sức cho VĐV Ảnh: QUÝ CHIẾN
Là bệnh viện chuyên ngành khám chữa bệnh trong lĩnh vực thể thao, trước sự kiện SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam, Bệnh viện Thể thao Việt Nam được giao nhiệm vụ tham gia vào Tiểu ban y tế đảm bảo công tác chăm lo sức khỏe cho VĐV, HLV, thành viên các đoàn và phòng chống dịch Covid-19.
“Căng mình” cùng SEA Games
PGS.TS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, thực hiện nhiệm vụ của Bộ Y tế, Bệnh viện thành lập các tiểu ban để phục vụ các hoạt động liên quan đến y tế trong thời gian diễn ra SEA Games 31. Theo đó, Bệnh viện được giao tham mưu, biên soạn các tài liệu phòng chống dịch Covid-19, tài liệu về cấp cứu an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn vệ sinh môi trường, thẩm định danh mục trang thiết bị thuốc phục vụ cho SEA Games 31; Trực tại trung tâm điều hành để trả lời cho các đoàn liên quan đến vấn đề y tế, hướng dẫn tổ chức, tập huấn cho cán bộ y tế 12 tỉnh, thành diễn ra thi đấu…
Ngoài ra, Bệnh viện còn đảm bảo công tác an toàn y tế và phòng chống dịch ở các khu vực thi đấu cho môn bi sắt, điền kinh, bóng đá nam… Bệnh viện cũng phải trực y tế tại khách sạn Novotel và tại các lễ khai mạc và bế mạc SEA Games. “Đến nay, Bệnh viện luôn thường trực 5 đến 10 giường cấp cứu để đề phòng những ca chấn thương và các bệnh lý cấp của các VĐV, thành viên đoàn thể thao các nước cũng như khán giả. Bệnh viện thành lập tổ kiểm tra tạm nhập – tái xuất để giúp các nước đưa các trang thiết bị và vật tư y tế, thuốc theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bệnh viện đã phân công 8 cán bộ tham gia bộ phận kiểm tra doping để hỗ trợ lấy mẫu thử của các VĐV. Hiện nay công tác chuẩn bị của Bệnh viện đã tương đối hoàn thành, và sẵn sàng tham gia ra vào sự kiện lớn của quốc gia và khu vực Đông Nam Á vào ngày 12.5 tới”, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam chia sẻ.
Cũng theo ông Võ Tường Kha, đây là lần thứ 2 Bệnh viện vinh dự được tham gia các hoạt động y tế phục vụ SEA Games, lần đầu là SEA Games 22 (tổ chức năm 2003) lúc đó còn là Trung tâm y học thể thao nên chỉ có một số ít cán bộ theo dõi. Các kỳ SEA Games tiếp theo tổ chức tại các nước, Bệnh viện cũng cử cán bộ, bác sĩ theo các đoàn thể thao để phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho VĐV và thành viên đoàn của Việt Nam. Tại kỳ SEA Games lần này, Bệnh viện đã tham gia vào nhiều hoạt động xuyên suốt theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Các y bác sĩ hào hứng, tích cực tham gia để đóng góp vào sự kiện lớn của quốc gia cũng như chào mừng kỷ niệm 15 năm ngày thành lập bệnh viện, đồng thời vẫn đảm bảo công tác khám chữa bệnh thường xuyên cho các VĐV chuyên nghiệp, không chuyên và người dân.
Huy động các nguồn lực để tăng cường năng lực hoạt động của bệnh viện
Trải qua 15 năm phát triển, Bệnh viện Thể thao Việt Nam đang dần trở thành một bệnh viện đa khoa hạng 2 với 200 giường của 16 khoa lâm sàng, cận lâm sàng (nay sáp nhập còn 12) và 5 phòng chức năng. Đồng thời khẳng định là bệnh viện chuyên sâu về bệnh lý gân-cơ-xương-khớp, y học thể thao, cùng với thế mạnh về nghiên cứu khoa học, đào tạo và hợp tác trong nước với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108, Đại học Y Hà Nội…
Cùng với đó, số lượng cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế trong Bệnh viện cũng được tăng cường về số lượng và chất lượng. Với hơn 200 cán bộ, nhân viên, trong đó có 40 bác sĩ (PGS: 1; TS: 3, BSCK II: 5, ThS: 8, BSCK I: 13), 10 dược sĩ (DSCK I: 2; cử nhân: 5, cao đẳng: 3), 106 điều dưỡng (cử nhân: 51, cao đẳng: 55), 12 kỹ thuật viên (cửnhân: 5; cao đẳng: 6, trung cấp: 1)… Mặc dù vậy, là Bệnh viện đa khoa hạng II nhưng quy mô số giường bệnh còn nhỏ, mới chỉđáp ứng được tối thiểu số khoa, phòng, các chuyên khoa sâu để phục vụ quản lý, điều hành, phục vụ khám, chữa bệnh (KCB) đa khoa cho các bệnh nhân theo mô hình cơ cấu tổ chức của một bệnh viện đa khoa hạng II theo quy định của Bộ Y tế. “Vì vậy, trong những năm tới, Bệnh viện Thể thao Việt Nam tiếp tục huy động các nguồn lực của nhà nước và xã hội để tăng cường năng lực hoạt động của bệnh viện như cải tạo, nâng cấp hạ tầng, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy, đội ngũ nhân lực đảm bảo về chất lượng và số lượng, giỏi về kỹ thuật, sáng về y đức, tập trung ở thế mạnh, mũi nhọn về cơ, xương, khớp và y học thể thao; Mở rộng đối tượng phục vụ không chỉ ngành thể thao quản lý mà còn các đối tượng thuộc ngành văn hóa, du lịch và gia đình quản lý; Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học kỹ thuật công tác quản lý, điều hành, khám, chữa bệnh đặc biệt là ứng dụng công nghệ số hóa và công nghệ 4.0; Tiếp tục xây dựng mạng lưới y học thể thao, đào tạo đội ngũ y tế thể thao trong toàn quốc; Mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế về chuyên môn kỹ thuật y tế, y học thể thao, về quản lý, kinh tế y tế, kinh tế thể thao; Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành, số hóa toàn bộ các hoạt động của bệnh viện, tiến tới xây dựng bệnh viện điện tử, bệnh viện văn minh xanh- sạch-đẹp”, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam nhấn mạnh.
Bệnh viện Thể thao Việt Nam, tiền thân là Ban Y sinh của Viện Khoa học Thể dục Thể thao, sau đó trở thành Trung tâm Y học Thể thao thuộc Viện Khoa học TDTT nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao phục vụ công tác Y học Thể thao trong toàn quốc.
Trước nhu cầu phát triển của xã hội về công tác chăm sóc sức khỏe không những cho VĐV chuyên nghiệp mà còn cho những người tập luyện thể dục thể thao nghiệp dư, phong trào, năm 2007 Bệnh viện Thể thao Việt Nam đã ra đời trên cơ sở của Trung tâm Y học thể thao, khẳng định vị trí là cơ quan đầu ngành của Y học thể thao, tham mưu cho Tổng cục TDTT; Bộ VHTTDL về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ Y học thể thao trong giai đoạn mới.
QUỲNH HOA