Đánh bài ngày Tết: Ranh giới giữa thú vui và tệ nạn rất mong manh

Tết này anh không thèm chơi đánh bài/Vì trong vòng tay anh đã có em ngọc ngà… Lời của một bài hát quen thuộc hay được cánh đàn ông nghêu ngao vào mỗi dịp Tết để khẳng định sự quan trọng của người đàn bà bên cạnh họ (với tính chất nịnh đầm). Tuy nhiên, nó cho chúng ta thấy “đánh bài ngày Tết” được xem là một trong những trò chơi dân gian của người Việt ta từ rất lâu đời.

Trịnh Hoài Đức viết Gia Định thành thông chí cách nay 200 năm, phần ghi chép về phong tục trong sách nói: “Từ ngày dựng nêu trở đi, nhà nào cũng đều đua tranh cờ bạc vui chơi đủ trò không ai ngăn cấm, đến ngày hạ nêu mới thôi”.

Đánh bài ngày Tết: Ranh giới giữa thú vui và tệ nạn rất mong manh. Ảnh: TL

Đánh bài ngày Tết: Ranh giới giữa thú vui và tệ nạn rất mong manh. Ảnh: TL

Ngày nay, đánh bài ngày Tết nhiều nơi diễn ra gần như công khai do được “du di”. Sự “du di” xuất hiện ngay từ trong nhà, có nhiều gia đình suốt năm không hề có thói quen đánh bài, không có ai là con bạc nhưng đến Tết vẫn  tụ tập sát phạt lẫn nhau.

Ngoài xã hội, dư luận cũng “ngó lơ” cho sự xuất hiện của các sòng bài “không chuyên” trong đầu năm mới… Thậm chí, cả các cơ quan chức năng ở địa phương cũng “ngầm” bỏ qua cho bà con “vui chơi” ba ngày Tết. 

Trong thực tế không chỉ có trong Tết, nhiều tụ điểm cờ bạc đã bắt đầu rục rịch hoạt động từ trước Tết nhiều ngày và tiếp diễn nhiều ngày nữa sau Tết.

Mặc dù chấp nhận đánh bài như một trò chơi giải trí trong dịp Tết, nhưng do ranh giới giữa thú vui và tệ nạn rất mong manh nên từ lâu ông cha ta đã răn dạy: “Cờ bạc là bác thằng bần/ Ruộng vườn bán hết, tra chân vào cùm”. Còn nhà ai có con gái đang tuổi cặp kê thì nhắc nhở: “Tìm bạn tìm kẻ Nho gia/ Những người cờ bạc, trăng hoa đừng tìm”.  

Tuy nhiên, khi cờ bạc đang trở thành một tệ nạn gây ra sự hỗn loạn xã hội thì nó không chỉ dừng lại ở cái nghèo mà còn dễ dàng khiến con người phạm tội ác không thể dung thứ.

Rất nhiều con số thống kê về tác hại của nạn bài bạc: Biết bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu con người đã “thân bại danh liệt”, nhiều cá nhân trở thành tội phạm vì nạn cờ bạc.

Đau xót nhất trong những số phận dang dở ấy, không ít trường hợp rơi vào các bạn trẻ vốn tương lai đang phơi phới, thậm chí nhiều em là sinh viên, học hành giỏi giang, xuất thân trong các gia đình lao động. Sa vào cờ bạc, nợ nần chồng chất, nhiều gia đình phải cầm cố, thậm chí bán nhà, bán đất trả nợ cho con mà vẫn không đủ, phải trốn chui trốn nhủi, sống cuộc đời tối tăm, tủi cực.

Đã có con bạc vì thua bạc, cùng quẫn mà tự tử, hay kinh khủng hơn, do nợ nần cờ bạc mà trở thành tội phạm giết người phải lâm cảnh đời lao lý. 

Nhiều vụ án giết người, cướp tài sản để lấy tiền đánh bạc hoặc trả nợ cờ bạc. Vụ Tuấn “khỉ” xả súng giết 5 người vào mùng 5 Tết trong một sới bạc ở Củ Chi một thời đốt nóng dư luận, hầu như không ai không biết, đã làm tốn không biết bao nhiêu tiền của công sức của các lực lượng chức năng và người dân khi truy tìm hắn.

Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, ngoài phương cách truyền thống là tụ tập sát phạt nhau trên các sới bạc, cờ bạc thời nay là một bát quái trận đồ, thiên la địa võng, sẵn sàng nuốt chửng những kẻ có máu bài bạc, bất kể trẻ già, trai gái. Chỉ cần với một cái smartphone trên tay có kết nối Internet là bất cứ ai có máu đỏ đen cũng sẽ trở thành một con bạc.

Nạn cờ bạc có một người anh em song sinh, đó là “tín dụng đen”. Thực tế cho thấy, người vay tín dụng đen vì nhu cầu cuộc sống là rất thấp. Đa số loại hình cho vay này nhằm phục vụ nhu cầu ăn chơi, cờ bạc… là chủ yếu. Nó gắn với các hoạt động đòi nợ như: cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, thậm chí giết người…

Đã đến lúc, quan niệm: “Đánh bài ngày Tết là một trò chơi dân gian” cần được triệt để bài trừ. Chúng ta nên thay đổi nếp nghĩ, cờ bạc ngày Tết  là một thú vui giải trí mà phải xem đó là một tệ nạn.

Đại diện quân đội đến hiện trường vây bắt nghi can Lê Quốc Tuấn (Tuấn Khỉ) ở Củ Chi để hỗ trợ lực lượng công an. Ảnh PLO

Đại diện quân đội đến hiện trường vây bắt nghi can Lê Quốc Tuấn (Tuấn Khỉ) ở Củ Chi để hỗ trợ lực lượng công an. Ảnh PLO

Không chỉ thay đổi nếp nghĩ, thói quen mà còn phải hiểu biết pháp luật với những chế tài xử phạt rất nghiêm khắc về tệ nạn này. Luật sư Trần Huy Tuấn, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, bất luận là ngày Tết hay ngày thường, việc chơi bài ăn tiền dưới mọi hình thức đều bị coi là hành vi đánh bạc trái phép. Tùy theo từng trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, người đánh bạc có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 26, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP hay có thể bị xử lý hình sự về tội Đánh bạc, quy định tại Điều 248 Bộ luật Hình sự.

Mặc dù đại dịch Covid-19 đã ít nhiều ảnh hưởng đến thu nhập, làm cho tình hình tài chính của đại đa số người lao động bị thu hẹp nhưng thói quen đánh bài giải trí trong không khí Tết cổ truyền trong dân gian vẫn khó dẹp bỏ. Chỉ mong rằng mỗi người nên biết giới hạn nó trong khuôn khổ vui chơi đúng nghĩa, tránh để ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật.