Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa – Bài cuối
Bài cuối
ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
*NGUYỄN HỒNG TRÀ
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy
BPO – Trong những năm qua, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp, nông thôn được đảng bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình CNH, HĐH đất nước. Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được các cấp, ngành, địa phương tập trung giải quyết một cách đồng bộ, kịp thời gắn với đẩy mạnh CNH, HĐH, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng. Nông nghiệp có bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiếp tục là bước đệm cho nền kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, nhiều địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu sớm so với kế hoạch đề ra, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống nông dân.
Một số vấn đề cấp thiết
Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 chỉ rõ thực tế phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh có một số chính sách còn chưa rõ, đôi khi thiếu đồng bộ, hiệu quả không cao dẫn đến nông nghiệp phát triển chưa bền vững. Sự chuyển dịch lao động và đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Nông nghiệp chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ, phổ biến là kinh tế hộ gia đình; năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp nhìn chung vẫn thấp, đời sống người dân vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, đặc biệt vùng sâu, xa, biên giới và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, cần có lộ trình từng bước để giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn một cách đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Cùng với đó, việc đầu tư phát triển những ngành công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp của tỉnh thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt những ngành công nghiệp bảo quản, chế biến để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm trong chuỗi giá trị. Hiện nay, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển những ngành công nghiệp mới phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp cả sản xuất, chế biến và tiêu thụ là hết sức cần thiết.
Áp dụng công nghệ số 4.0, anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Nông trang Thiên Nông ở xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập là thế hệ nông dân mới không còn cảnh “chân lấm tay bùn” – Ảnh: Ngân Hà
Văn kiện đại hội Đảng bộ tỉnh trong các nhiệm kỳ qua đã đề cập tới CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn một cách toàn diện; khẳng định CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, trên cơ sở ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển ngày càng hiện đại… Những năm qua, cơ cấu nông nghiệp của các địa phương trong tỉnh có sự chuyển dịch khá tích cực, phát triển hợp lý hơn giữa trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chế biến. Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu vẫn chậm, phát triển công nghiệp chế biến, nhất là việc áp dụng khoa học – công nghệ còn nhiều hạn chế. Vì vậy, nông nghiệp phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, đời sống của người nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư cho nông nghiệp còn thấp, chênh lệch giữa đầu tư nông nghiệp, nông dân, nông thôn với các lĩnh vực khác còn khá cao, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…
Những giải pháp trọng tâm
Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, tỉnh đã đặt ra phải phát huy dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết nông thôn, bảo đảm nguồn lực giải quyết những vấn đề cấp bách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho khu vực nông thôn bảo đảm phát triển bền vững, khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực có kiến thức và kỹ năng phục vụ phát triển kinh tế và quản lý xã hội nông thôn… Thu hút sinh viên được đào tạo bài bản, có tâm huyết với nông nghiệp trở về địa phương khởi nghiệp bằng các cơ chế ưu đãi phát triển nông trại, ứng dụng khoa học – công nghệ kết hợp với phát huy giá trị tri thức cho địa phương… Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên nông thôn đối với vấn đề khai thác và phát huy vai trò nông dân trong phát triển kinh tế – xã hội; cán bộ, đảng viên nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với lĩnh vực công tác được giao…
Trong mối quan hệ giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với nông dân, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải làm tốt vai trò cầu nối bằng cách vừa tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nông dân vừa phản ánh nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của nông dân đến các cấp ủy đảng, chính quyền… Đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nông thôn phải thật sự tiền phong, gương mẫu về mọi mặt để nông dân noi theo.
Kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở gắn với nâng cao hiệu quả thực hành dân chủ trong sinh hoạt cấp ủy, chính quyền. Củng cố, tăng cường vai trò của MTTQ, tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng khối đoàn kết nông thôn. Nâng cao năng lực và chủ động tham dự của hội nông dân trong những vấn đề thiết thực của giai cấp nông dân; thực hiện liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức trong điều kiện mới mô hình “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, Nhà nước); chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trước nhân dân những vấn đề trong phạm vi quy định, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo; làm tốt công tác dân vận gắn với tôn trọng, sử dụng già làng, trưởng thôn, ấp, người có uy tín… Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên nông thôn. Xử lý nghiêm, dứt điểm, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng số cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm tiêu chuẩn đảng viên ở nông thôn… Động viên nông dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể thông qua đóng góp ý kiến xây dựng tổ chức và hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi để nông dân giám sát đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, chính quyền.
Tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, phát huy dân chủ, nâng cao vị trí, vai trò chủ thể của người nông dân, các tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của Đảng về vị trí, vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với quá trình CNH, HĐH đất nước. Trong đó, trọng tâm là Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 16-6-2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 17-11-2022 về tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…
Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu theo hướng xây dựng nông thôn kiểu mẫu, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội gắn với khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho lao động, nhất là thanh niên ngay tại địa phương.
Tiếp tục khẳng định rõ vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp phát triển chung của các địa phương, của tỉnh gắn với phát triển đất nước, trong bối cảnh mới cần tận dụng các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng và bền vững… Ưu tiên những cơ chế, chính sách đảm bảo tính đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khuyến khích phát triển những ngành nghề mới, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao, chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, bảo quản với chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong chuỗi giá trị…